Sửa đổi bổ sung luật các tổ chức tín dụng: Nóng chuyện quản trị HDBank và VietJet Air
Chiều 20/11, với 88,80% số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Một trong những quy định của Luật sửa đổi chính là sếp ngân hàng không được kiêm nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp khác.
Luật mới
Cụ thể, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của tổ chức tín dụng. Phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Vậy, liệu khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, bà Nguyễn Thị Phương Thảo CEO VietJet Air và là cũng là Phó Chủ tịch HĐQT HDBank có bị ảnh hưởng? Câu trả lời là đến thời điểm này chưa thể nói trước điều gì, vì bà Thảo hiện tại chỉ nắm vai trò Phó Chủ tịch HĐQT tại HDBank - đây là một chức danh chưa được đề cập đến trong Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, một cán bộ lãnh đạo thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay vẫn chưa thể nói trước được điều gì, vì còn phải chờ các văn bản dưới luật, hoặc văn bản hướng dẫn thi hành luật. Tiêu chí mà luật sửa đổi, bổ sung lần này muốn hướng tới chính là không cho phép lãnh đạo ngân hàng cùng lúc kiêm nhiệm thêm chức vụ, vai trò lãnh đạo ở doanh nghiệp ngoài nhằm tạo ra tính khách quan, minh bạch cho hoạt động tín dụng ngân hàng.
Như vậy, nếu xét trên yếu tố này, rất có thể khi các văn bản dưới luật được ban hành, cũng sẽ không loại trừ trường hợp của bà Thảo. Khi đó, bà Thảo sẽ buộc phải chọn 1 trong 2 nơi mà bà đang nắm vai trò lãnh đạo là VietJet hoặc HDBank. Cũng sẽ là một mất mát lớn cho nơi “thiếu vắng” nữ doanh nhân này. Bởi, ai cũng biết, bà Thảo đã một tay gầy dựng hãng hàng không “sinh sau, đẻ muộn” - VietJet Air, trở thành đại gia hàng không nội địa ở phân khúc giá rẻ. Cũng chính bà Thảo đã một tay “nắm” HDBank trong suốt thời gian vừa qua và trở thành điểm chú ý của thị trường.
Lương duyên VietJet Air - HDBank có bị ảnh hưởng?
Cũng cần phải nhấn mạnh, ngoài vai trò lãnh đạo xuất sắc, sự có mặt của bà Thảo đồng thời vai trò lãnh đạo ở 2 đơn vị cũng khiến mối quan hệ giữa HDBank và VietJet Air mật thiết hơn. Và, trong trường hợp bà Thảo buộc phải xa 1 trong 2 thì mối quan hệ “mật thiết” này sẽ ra sao? - Đó là câu hỏi mà dư luận đang đặt ra.
Trong nhiều năm qua, bà Thảo sở hữu hơn 10,3 triệu cổ phiếu HDBank. Với thị giá khoảng 39.000 đồng/cp của HDBank trên OTC, lượng cổ phiếu này mang về cho bà Thảo khối tài sản đạt khoảng 403 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, với việc sở hữu gần 16 triệu cổ phiếu VJC, tương ứng 3,54% vốn VietJet Air, HDBank là cổ đông lớn thứ 4 tại hãng hàng không giá rẻ này, chỉ sau Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (công ty riêng của bà Thảo). Theo thị giá VJC ngày 20/11, lượng cổ phiếu VJC thuộc sở hữu của HDBank có giá trị 1.933 tỷ đồng.
Mối quan hệ tài chính giữa VietJet Air và HDBank không dừng lại ở đây, trong nhiều năm qua, HDBank còn là chủ nợ của VietJet Air. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017, tại thời điểm cuối quý, nợ vay của VietJet Air tại HDBank là 768 tỷ đồng, tăng 661 tỷ đồng, tương ứng 618% so với hồi đầu năm.
Nợ vay giữa VietJet và HDBank liên tục biến động theo năm. Trong năm 2016, VietJet Air đã giảm tiền vay từ 134 tỷ đồng xuống 107 tỷ đồng. Thời gian này, để nhận được tiền vay, VietJet Air đã thế chấp tài sản là các khoản phải thu hình thành trong tương lai từ hợp đồng mua bán máy bay giữa công ty và Avation Plc, một công ty cho thuê máy bay.
VietJet Air chỉ công bố báo cáo tài chính từ năm 2014. Vì vậy, mối quan hệ nợ vay giữa hai doanh nghiệp chỉ được tiết lộ từ năm 2014, 1 năm sau khi VietJet Air bắt đầu bay. Đó là năm VietJet Air vay HDbank nhiều nhất với số tiền lên đến 1.387 tỷ đồng. Ở thời điểm đó, chỉ riêng khoản vay tại HDBank đã chiếm tới 18% tổng nguồn vốn tại VietJet Air và nhiều gấp gần 4 lần lợi nhuận sau thuế của hãng hàng không giá rẻ này.
Đánh giá về quy định mới trong Luật sửa đổi, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là điều hợp lý. Nhiều nước trên thế giới cũng cấm lãnh đạo ngân hàng đồng thời là sếp của một doanh nghiệp khác để đề phòng khả năng trục lợi.
“Khi một người làm sếp ở cả doanh nghiệp và ngân hàng, họ có thể dùng ngân hàng để trục lợi cho doanh nghiệp của họ thông qua cho vay hoặc có điều kiện ưu đãi cho doanh nghiệp. Còn về mặt chuyên môn, việc cấm như vậy để doanh nhân tập trung vào công việc của mình, không chia sẻ thời gian ở nhiều đơn vị khác nhau” - TS. Nguyễn Trí Hiếu bình luận.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.