Nữ cán bộ bại liệt chân nhưng bước đi khắp núi rừng miền Tây xứ Nghệ
Nguyễn Thị Châu Anh (SN 1988, tại thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) không may bị liệt chân phải. Từ những ngày còn nhỏ, cô bé Châu Anh kiên trì tập luyện để có thể đi được trên đôi chân của mình. Những năm tháng học tiểu học, trung học rồi lên phổ thông, lúc nào Châu Anh cũng là học sinh khá giỏi.
Nữ cán bộ khuyết tật nhưng đầy nhân ái, nhiệt huyết (Ảnh: Môi trường và đô thị)
Nuôi dưỡng ước mơ trở thành người có ích cho xã hội, đem nhiệt huyết, đam mê của mình giúp đỡ lại những mành đời bất hạnh, Châu Anh đã chọn thi vào lớp Công tác xã hội (CTXH) của trường Đại học Khoa học Huế. Học xa nhà, đồng nghĩa mọi việc cô phải tự túc, song may mắn nhờ sự quyết tâm và tình yêu thương của bè bạn và thầy cô đã giúp Châu Anh trở thành một cử nhân ngành CTXH với bằng giỏi trong tay.
Năm 2010, cô gái được UBND tỉnh Nghệ An, huyện Quỳ Châu mời gọi về làm việc theo diện thu hút nhân tài. Dù khiếm khuyết về cơ thể, các bản làng vùng cao huyện Quỳ Châu đường đi gập gềnh, khúc khỉu nhưng không ngăn cản được bước chân của nữ cán bộ phòng LĐTB&XH.
Thân hình bé nhỏ, cao khoảng 1.50, chân phải bị teo cơ 81%, ngồi chới với trên chiếc xe máy cũ, nhưng nơi nào cô cũng tới, bản làng nào cô cũng qua, đến nổi dân bản lâu không thấy cô gái “cà nhắc” lên là hỏi thăm. Với vai trò chuyên viên phụ trách công tác Bảo trợ xã hội, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, Châu Anh luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thấu hiểu những hoàn cảnh khuyết tật, khó khăn trong việc làm, cô cùng đội ngũ công tác bảo trợ xã hội tại huyện Quỳ Châu đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, nhất là đối với người cao tuổi, người khuyết tật… được chú trọng chăm sóc, đảm bảo quyền lợi an sinh.
Không chr hoàn thành tốt vai trò của mình, Minh Châu còn hăng hái với công tác thiện nguyện (Ảnh: Môi trường và đô thị)
Không chỉ thế, Châu Anh còn là một tình nguyện viên năng nổ, nhiệt tình. Những năm qua, nữ cán bộ nhiệt huyết này đã kêu gọi được hàng trăm triệu đồng ủng hộ các mảnh đời bất hạnh, khốn khó. Hưởng ứng lời kêu gọi “chung tay hướng về miền Trung”, Châu Anh và những người bạn đã ủng hộ, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ hai huyện Cam Lộ - Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) gần 1000 bì quần áo, 1000 thùng mì tôm, 270 thùng sữa, 50 thùng bánh kẹo, hơn 1000 chiếc bánh chưng và 30 triệu đồng tiền mặt. Trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, nữ cán bộ phòng LĐTB&XH huyện Quỳ Châu cũng kêu gọi ủng hộ 2 khu cách ly hơn 100 suất ăn và các nhu yếu phẩm.
Tương tự hoàn cảnh của cô gái trên, anh Nguyễn Công Bằng (SN 1971, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) là gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm kinh tế giỏi. Khi còn trẻ, anh quyết định vào thành phố Vinh xin học vẽ và sau hơn 1 năm khổ luyện, anh đã thành công và bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề vẽ truyền thần rong.
Năm 1995, cả gia đình chuyển lên sinh sống tại huyện miền núi Quỳ Hợp, anh đã tự vay mượn và mở cho mình 1 cửa hiệu chuyên vẽ truyền thần, quảng cáo. Tiếng lành đồn xa, cửa hiệu của anh ngày càng đông khách; ngoài kiếm tiền nuôi sống bản thân, anh còn dành dụm, giúp đỡ bố mẹ nuôi các em ăn học.
Ông chủ của Công ty TNHH Đá Mỹ nghệ Thiện Tâm (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Đảng cộng sản Nghệ An)
Vào những năm 1996 - 1998, Quỳ Hợp lại rộ lên phong trào khai thác đá trắng. Ứớc mơ, khát khao và nung nấu ý chí làm giàu từ đá trắng, anh lại khăn gói ra Hà Nội để học thêm nghề điêu khắc, rồi trở vào làng nghề Non Nước, Đà Nẵng thực nghiệm. Sau hơn 2 năm vừa học, vừa làm, anh đã nhanh chóng bắt nhịp, thành thạo, tích lũy nhiều kinh nghiệm và trở về quê thực hiện ước mơ của mình.
Sau khi về quê nhà, anh bắt đầu vay vốn đầu tư mở xưởng chế tác, chế tác những tác phẩm có giá trị từ đá trắng. Đến năm 2005, để đáp ứng nhu cầu và phát triển nghề đá mỹ nghệ Nguyễn Công Bằng đã thành lập công ty và lấy tên "Công ty TNHH Đá Mỹ nghệ Thiện Tâm", anh đầu tư thêm máy móc, dây chuyền sản xuất và thuê công nhân.
Đến nay, Công ty đã có hơn 10 lao động làm việc thường xuyên với mức thu nhập từ 10-40 triệu đồng/tháng. Hàng năm, phối hợp với Trung tâm khuyến công và Liên minh HTX Nghệ An, mở các lớp dạy nghề miễn phí về điêu khắc và tiện đá mỹ nghệ; mỗi đợt đào tạo là hơn 30 lao động phổ thông tại địa phương. Đối với những học viên có hoàn cảnh khó khăn, ở xa, anh đều tạo điều kiện cho ăn ở miễn phí và hỗ trợ một phần kinh phí để trang trải sinh hoạt hằng ngày.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.