Tạo đột phá, phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển

2020-01-24 20:07:43 0 Bình luận
Bước sang thiên niên kỷ mới, ngành TN&MT sẽ tập trung để hoàn thành 2 mục tiêu lớn là “về đích” hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của giai đoạn 2016 - 2020 và chuẩn bị nền tảng cho các mục tiêu dài hạn hơn, phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển KT-XH; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà băn khoăn, trăn trở về những giải pháp ứng phó với BĐKH và chống rác thải nhựa. Ảnh: VGP/Khương Trung

Đây là thông điệp và cũng là những băn khoăn, trăn trở của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về cải cách thể chế, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm rác thải nhựa và những kế hoạch, dự định của ngành trong năm Canh Tý.

Thưa Bộ trưởng, năm 2019 đã khép lại, với những thành quả quan trọng, ngành TN&MT đã góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu KT-XH của Chính phủ. Ghi nhận những nỗ lực này, mới đây, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ nét. Bộ trưởng có thể cho biết, đâu là những kết quả nổi bật tạo nên sự chuyển biến tích cực trong năm 2019?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Năm 2019, với quyết tâm tạo đột phá, phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) cho phát triển bền vững, ngành TN&MT đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra; dự báo sát các xu thế, nhận diện, xử lý kịp thời các khó khăn phát sinh từ thực tiễn; đổi mới cách nghĩ, cách làm, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tăng cường công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực và trong phạm vi cả nước.

Trước hết, về thể chế, chính sách Bộ đã trình ban hành các chính sách tháo gỡ ngay những vướng mắc về quy hoạch đất đai, khoáng sản, biển và hải đảo để tiếp tục khơi thông, thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên cho phát triển. Thiết lập hành lang pháp lý cho thống nhất quản lý đo đạc bản đồ; chuyển đổi phương thức quản lý môi trường theo hướng chủ động phòng ngừa từ xa, từ sớm các nguy cơ ô nhiễm, sàng lọc lựa chọn các ngành nghề, dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường...

Thứ hai là từng bước xây dựng hạ tầng để triển khai Chính phủ điện tử, điều hành thông minh và phát triển kinh tế số, đưa vận hành hệ thống trạm định vị vệ tinh với độ chính xác cao; xây dựng hệ thống thông tin địa lý, cơ sở dữ liệu đất đai, viễn thám tích hợp, kết nối, liên thông với các ngành. Là ngành đầu tiên ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0.

Ba là, các nguồn tài nguyên được phát huy cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cơ cấu sử dụng đất được chuyển dịch, đảm bảo yêu cầu về mặt bằng cho phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, nhà ở, hiệu quả sử dụng đất được nâng cao. Tình trạng lãng phí, vi phạm pháp luật về đất đai được giải quyết, xử lý hơn 1.300 dự án chậm triển khai với diện tích hơn 18.000 ha; hoàn thành giai đoạn 1 sắp xếp đất đai của các nông, lâm trường. Nhiều khu vực có tiềm năng khoáng sản, giá trị địa chất đã được phát hiện, được chuyển hóa thành nguồn lực, đưa ngành khai khoáng tăng trưởng trở lại.

Đặc biệt, nguồn thu từ tài nguyên đạt cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó thu từ đất đến 25/12 đã đạt trên 172 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 11% thu ngân sách nội địa; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đạt đến nay đạt hơn 9 nghìn tỷ đồng, trong đó số thu năm 2019 là hơn 1 nghìn tỷ đồng; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được phê duyệt của cả nước là hơn 50 nghìn tỷ đồng.

Bốn là, công tác quản lý, BVMT đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động. Chủ động kiểm soát, phòng ngừa, thiết lập hơn 600 trạm quan trắc tự động ở các dự án có nguy cơ cao ô nhiễm để hoạt động an toàn, hiệu quả đóng góp cho tăng trưởng. Xác định các giải pháp tổng thể, đồng bộ để quản lý chất thải rắn, rác thải nhựa; kiểm soát chặt chẽ phế liệu nhập khẩu. Triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm không khí; BVMT lưu vực sông. Đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để của các cơ sở, làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều địa phương đã kiên quyết không tiếp nhận các dự án nhiều diện công nghệ lạc hậu, nhà máy dệt nhuôm ở khu vực nguồn nước sinh hoạt. Năm 2019 cũng là năm có nhiều nhất Vườn quốc gia được Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công nhận.

Vậy đâu sẽ là những thách thức mà ngành Tài nguyên và Môi trường phải đối mặt trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trước hết, chúng tôi nhận thấy vẫn còn những xung đột trong các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu thầu, nhà ở, xây dựng, kinh doanh bất động sản, bảo vệ môi trường, quản lý tài sản công dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực thi ở địa phương. Nhu cầu về tài nguyên cho phát triển ngày càng tăng trong khi khả năng cung ứng là hạn chế và đang bị suy giảm, suy thoái nhất là tài nguyên nước, đất đòi hỏi phải tính toán, quy hoạch, sử dụng hợp lý cho các nhu cầu, gắn với nâng cao hiệu quả, đảm bảo trước mắt và lâu dài.

Mặt khác, tôi cho rằng, ô nhiễm do tác động tích luỹ từ quá trình phát triển đã chạm ngưỡng chịu tải của môi trường. Có thể lấy ví dụ, lượng phát thải ra môi trường ngày càng tăng, riêng chất thải rắn trung bình mỗi năm tăng từ 10 - 16%, trong khi đó, tỉ lệ được tái chế còn thấp; chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM có xu hướng giảm, nhất là tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm. Lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ ra các lưu vực còn  rất lớn, trong đó mới chỉ 20% được thu gom xử lý. Năm 2019, nhiều sự cố về môi trường phát sinh trên thực tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh.

Hiện nay, các nước trên thế giới ngày càng chú trọng đến hàng rào kỹ thuật về môi trường, trong khi nền kinh tế của Việt Nam lại có độ mở lớn, nguy cơ chuyển dịch công nghệ lạc hậu, kém thân thiện của các quốc gia phát triển sang là rất cao nếu chúng ta không có các hàng rào kỹ thuật hữu hiệu.

Trong khi đó, BĐKH, thiên tai đang diễn biến nhanh. Tháng 6 năm 2019 là tháng 6 nóng nhất kể từ khi loài người bắt đầu ghi nhận số liệu thời tiết kể từ năm 1800. Các tác động dài hạn đã được cảnh báo, nhận diện, tuy nhiên những tác ngắn hạn là khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan. Tình trạng thiếu nước sẽ xảy ra ở ngay cả khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.

 

Lễ phát động quốc gia về chống rác thải nhựa. Ảnh: VGP/Thu Cúc

Chống ô nhiễm rác thải nhựa đối với đại dương là một chủ trương lớn của Bộ TN&MT trong năm 2019. Bộ trưởng có nêu quan điểm về việc “coi rác thải nhựa là một loại tài nguyên, cần tái chế để mang lại lợi ích”. Vậy, trong năm 2020, Bộ TN&MT sẽ có những hành động cụ thể nào để thực sự biến rác thành tài nguyên, khắc phục tình trạng ô nhiễm do rác thải đang gây bức xúc trong thời gian qua?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi cho rằng, cuộc chiến chống rác thải nhựa cần được xuất phát từ những công việc rất cụ thể và cần nhất sự tham gia đồng lòng của mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

Đến nay, có thể khẳng định Việt Nam là một trong các nước thể hiện thái độ quyết liệt đối với cuộc chiến chống rác thải nhựa đại dương. Cùng với các quốc gia thành viên ASEAN, Việt Nam đang nỗ lực ứng phó với thách thức về rác thải nhựa đại dương.

Theo tôi, để hợp tác toàn cầu hành động vì rác thải nhựa (GPAP) hỗ trợ những sáng kiến ASEAN trong việc giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa biển  cần có sự chia sẻ thông tin, kiến thức và kinh nghiệm. Đồng thời, cùng nhau huy động các quỹ cho các hoạt động chung. Cuối cùng là, khuyến khích xây dựng nền kinh tế tuần hoàn bằng việc tăng cường năng lực của khu vực công và tư nhân để quản lý tốt hơn rác thải nhựa...

Bộ TN&MT đã đề xuất xây dựng một Trung tâm nghiên cứu quốc tế tại Việt Nam. Trung tâm này sẽ được coi là một diễn đàn khu vực để cùng chia sẻ kiến thức và thông tin liên quan đến rác thải nhựa và ô nhiễm rác thải nhựa; xây dựng công cụ và chính sách mới liên quan đến rác thải nhựa; đồng thời, sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức cho nhà sản xuất và người tiêu dùng để áp dụng tốt hơn 3R; nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc ngăn chặn ô nhiễm rác thải biển…

Vấn đề chống rác thải nhựa cũng được Việt Nam đưa tại tại nhiều hội nghị quan trọng. Cụ thể: trong Hội nghị Thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) vào tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia phiên thảo luận công khai về vấn đề môi trường. Thủ tướng đã đưa ra ý tưởng về Chiến lược xử lý rác thải nhựa trong ASEAN, nhằm thúc đẩy ASEAN trở thành một khu vực hàng đầu thế giới về xử lý rác thải nhựa với những giải pháp, công nghệ đổi mới và sáng tạo nhất.

Việt Nam ủng hộ và sẽ thuyết phục các nước trong khu vực ASEAN thiết lập một quan hệ đối tác về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Khi thiết lập quan hệ đối tác này, các quốc gia ASEAN cùng tham gia phát triển Chiến lược xử lý vấn đề rác thải nhựa trong phạm vi toàn khu vực và xây dựng một Kế hoạch hành động cấp khu vực về quản lý rác thải nhựa đại dương, trong đó chú trọng đến tập hợp, chia sẻ các mô hình quản lý, sáng kiến công nghệ và các giải pháp tiên tiến của các quốc gia trên cơ sở huy động nguồn lực tài chính bền vững để thực thi một cách hiệu quả thông qua các diễn đàn chung và các công cụ truyền thông khác.

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu đã đạt các kết quả như thế nào. Xin Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các giải pháp gì để Nghị quyết thực sự đạt hiệu quả, mở ra một mô hình mẫu về phát triển các vùng đồng bằng lớn thích ứng với BĐKH trên phạm vi cả nước?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Các Bộ, ngành, địa phương ĐBSCL đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác điều tra cơ bản, cập nhật dữ liệu, nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ được đẩy mạnh, đã có đề án tái cơ cấu một số sản phẩm thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL; ưu tiên bố trí vốn cho ứng phó với BĐKH và xử lý một số công trình sạt lở cấp bách do ảnh hưởng của BĐKH, bố trí vốn cho các dự án ở các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, triển khai các dự án do quốc tế hỗ trợ; kết nối liên vùng được thúc đẩy thông qua kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng và với TPHCM.

Ngày 18/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị đánh giá hai năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Hội nghị đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành, địa phương và người dân trong vùng. Xác định các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết, bao gồm các hoạt động ưu tiên quy mô vùng, mang tính bền vững và có tính lan tỏa; các giải pháp về cơ chế, chính sách, khoa học và công nghệ, nguồn lực, cơ chế điều phối vùng, đối tác công - tư; định hướng cam kết của các đối tác phát triển hỗ trợ việc thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/9/2019 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP. Theo đó, cần khẩn trương xây dựng Quy hoạch vùng, lập Hội đồng điều phối vùng, tạo cơ chế đặc thù cho phát triển bền vững ĐBSCL; đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thu hút nguồn lực đầu tư, đề xuất cơ chế tài chính phù hợp cho phát triển bền vững vùng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Bộ TN&MT đã tổ chức tốt Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với BĐKH và quản lý nhà nước, thúc đẩy các nhiệm vụ hợp tác giữa Chính phủ hai nước đã ký kết, đã đánh giá các nhiệm vụ hợp tác, trong đó tập trung nhiều nhiệm vụ giải pháp cho phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với BĐKH.

Thời gian tới, việc đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về BĐKH là nhiệm vụ quan trọng.

Bộ TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành và tăng cường hợp tác quốc tế với các nước có nhiều kinh nghiệm về biến đổi khí hậu để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ để làm cơ sở phân tích, đánh giá xây dựng mô hình đối các đồng bằng lớn, trong đó hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống dân sinh gắn với việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc xây dựng mô hình mẫu về phát triển các vùng đồng bằng lớn thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là xu thế phát triển chung của thế giới. Nước ta cũng cần sớm nghiên cứu đánh giá khoa học và thực tiễn, nhân rộng mô hình này.

Bước sang thiên niên kỷ mới, ngành TN&MT sẽ có những chương trình, kế hoạch gì để vượt qua khó khăn, thách thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong công tác quản lý sử dụng tài nguyên, chủ động, trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Năm 2020, ngành TN&MT sẽ tập trung để hoàn thành 2 mục tiêu lớn là “về đích” hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của giai đoạn 2016 - 2020 và chuẩn bị nền tảng cho các mục tiêu dài hạn hơn đến năm 2030, 2045.

Trước hết, Bộ TN&MT sẽ tập trung hoàn thiện thể, chế chính sách, pháp luật. Sửa đổi Luật bảo vệ môi trường để tiếp cận, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường phù hợp với yêu cầu hội nhập và các cam kết quốc tế; khuyến khích, thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường, từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn; đưa công tác BVMT sang giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, ngành TN&MT sẽ tập trung lập các quy hoạch quốc gia và quy hoạch ngành để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. Khắc phục tình trạng chậm phê duyệt, thiếu đồng bộ, thiếu khả thi, không sát với thực tiễn; đảm bảo các định hướng lớn, định hình không gian phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn. Cân đối, phân bổ hợp lý cho các ngành, lĩnh vực đáp ứng nhu cầu phát triển, BVMT sinh thái, ứng phó với BĐKH; đảm bảo tính thống nhất, tích hợp các quy hoạch, kết nối theo không gian lãnh thổ, giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành đồng bộ cơ sở pháp lý cho thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cung cấp dịch vụ công, đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển KT-XH. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chủ động mặt bằng cho triển khai các dự án đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Rà soát và công bố công khai các dự án vi phạm, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

Tạo chuyển biến căn bản, chủ động trong công tác quản lý, BVMT. Thực hiện phân vùng môi trường trong quy hoạch để định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường. Triển khai các giải pháp đồng bộ để xử lý, tái chế rác thải đảm bảo tối ưu về kinh tế, an toàn về xã hội và môi trường. Triển khai Kế hoạch hành động quản lý chất lượng không khí; thúc đẩy thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm các nguồn nước mặt, đảm bảo tỉ lệ KCN, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động.

Cuối cùng, toàn ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tổng thể trong kế hoạch quốc gia ứng phó với BĐKH, tăng cường điều phối liên vùng, thực hiện chuyển đổi sản xuất quy mô lớn ở các vùng chịu tác động mạnh của BĐKH như ĐBSCL, Duyên hải Nam Trung bộ... để chủ động thích ứng, chuyển hóa các thách thức thành lợi thế cho phát triển, đảm bảo sinh kế bền vững cho nhân dân.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 thành phố Nam Định tổ chức Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2024-2029

Sáng 18/3, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) đã long trọng tổ chức Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2024-2029. Tham dự đại hội có 120 cán bộ, hội viên đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
2024-03-19 09:17:10

Giải mã sức hút của VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chỉ còn chưa đầy một tháng lễ hội thể thao âm nhạc đẳng cấp VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ chính thức diễn ra. Với mức giá siêu hấp dẫn, làn sóng săn lùng BIB của giải đã nhanh chóng lan rộng.
2024-03-18 15:23:48

TH School Happiness Day - “Rất nhiều nụ cười, cái bắt tay, cái ôm chia sẻ ấm áp… ở ngôi trường hạnh phúc”

Hơn 1.600 học sinh, phụ huynh và người dân Hà Nội trải nghiệm Lễ hội Hạnh phúc - TH School Happiness Day 2024 tại không gian xanh mát, hiện đại chuẩn quốc tế của ngôi trường hạnh phúc TH school cơ sở Hòa Lạc.
2024-03-18 15:15:00

Hoa Kỳ và Việt Nam khởi động dự án mới đối phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Ngày 15-3, tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức lễ khởi động Dự án Bảo vệ Hệ sinh thái ven biển ĐBSCL.
2024-03-18 11:15:41

Quốc hội dành 1 ngày chất vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, ngoại giao

Sáng 18/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
2024-03-18 10:40:59

Hoa Kỳ mở rộng chương trình hỗ trợ người khuyết tật tới tỉnh Bạc Liêu

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết, ngày 14/3/2024, tại tỉnh Bạc Liêu, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ khởi động một dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-03-18 08:28:00
Đang tải...