Thái Nguyên: Phát triển KCN để thu hút FDI

2015-12-28 09:46:33 0 Bình luận
Sự phát triển vượt bậc của KCN tại Thái Nguyên đang tạo hiệu ứng tích cực, kích thích sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh không ngừng tăng lên, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, đóng góp đáng kể vào thành tựu kinh tế xã hội của toàn tỉnh.
Trong những năm gần đây, do tác động của suy thoái kinh tế thế giới và khó khăn kinh tế trong nước, dẫn đến kết quả thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút FDI vào các KCN tại các tỉnh, thành phố nói chung và Thái Nguyên nói riêng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đối với Thái Nguyên dưới sự lãnh đạo quyết liệt, tập trung của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định và các văn bản chỉ đạo, điều hành tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng như: hạ tầng giao thông, hạ tầng KCN, hạ tầng khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo (riêng đối với hạ tầng KCN tập trung ưu tiên nguồn lực cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ trong hàng rào KCN với mục tiêu bảo đảm duy trì thường xuyên từ 30-50ha đất sạch gắn với hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư); kết hợp với sự chỉ đạo của tỉnh về giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để gia tăng thu hút đầu tư góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội.


Bước phát triển bền vững
Với sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, của các nhà đầu tư và nhân dân trong vùng dự án có KCN, từ năm 2013 đến nay, các KCN tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được 46 dự án FDI với vốn đầu tư gần 7 tỷ USD (KCN Yên Bình đạt 3,4 tỷ USD và KCN Điềm Thụy phần diện tích 180ha gần 600 triệu USD). Trong số các dự án này đã có 22 dự án đi vào hoạt động, còn lại đang xây dựng. Riêng trong năm 2015, khi các dự án cơ bản đi vào hoạt động sẽ đạt một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội cụ thể như: vốn đầu tư giải ngân gần 5 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu dự kiến 20 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, nộp ngân sách dự kiến gần 1.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, khi các dự án này kết thúc đầu tư, đi vào sản xuất ổn định trong năm 2018 và hết thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tạo ra các chỉ tiêu kinh tế cụ thể như: vốn giải ngân 7 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD, giải quyết việc làm 150.000 lao động, nộp ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng.
Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên thực hiện chức năng là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN trên địa bàn tỉnh, đồng thời được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Điềm Thụy phần diện tích 180ha. Dự án hạ tầng KCN Điềm Thụy phần diện tích 180ha được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và vốn huy động hợp pháp khác với tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng, quy mô diện tích 180ha, tiến độ thực hiện dự án là 5 năm.
Trong bối cảnh khó khăn chung về kinh tế, để có được nguồn lực thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư FDI vào KCN là vô cùng khó khăn. Trước những khó khăn về nguồn lực để triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng KCN để thu hút đầu tư, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã chủ động nghiên cứu phân tích, đánh giá những yếu tố thuận lợi và khó khăn của tỉnh có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành, xây dựng và thu hút đầu tư phát triển bền vững KCN; đồng thời Ban đã mạnh dạn đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh tập trung vào những khâu đột phá sau:
Về cơ chế, chính sách: Ban Quản lý đề xuất xây dựng đơn giá thuê đất có hạ tầng nộp một lần áp dụng riêng cho KCN Điềm Thụy (phần diện tích 180ha) năm 2013 là 638.000 đồng/m2/50 năm, thay cho phương thức nộp tiền thuê đất hàng năm; trên cơ sở đơn giá tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần, Ban Quản lý đã đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cho phép Ban Quản lý KCN được vận động và sử dụng toàn bộ tiền ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần của các nhà đầu tư thứ cấp để tập trung cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng KCN (đã được Tỉnh ủy, HĐND và UBND chấp thuận).



Về phương pháp tổ chức thực hiện: đề xuất với UBND tỉnh thành lập Tổ công tác hỗ trợ đặc biệt KCN để ưu tiên tập trung cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng của KCN và Khu tái định cư phục vụ KCN; giải quyết nhanh các thủ tục về đầu tư xây dựng; các thủ tục thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư, vấn đề an ninh - trật tự,...
Về bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng KCN: Ban Quản lý chủ động đăng ký kế hoạch bồi thường giải phóng mặt bằng với Ban bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện Phú Bình và huyện Phổ Yên; tham gia Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện và chủ động cử lực lượng cán bộ, công chức của Ban thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, UBND các xã để tổ chức tuyên truyền vận động bà con nhân dân về chế độ chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư; giúp đỡ bà con nhân dân di chuyển tài sản...; đối với xây dựng hạ tầng, Ban Quản lý ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu trước như: đường giao thông trục chính, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, hệ thống điện chiếu sáng và san nền để bàn giao mặt bằng cho các Nhà máy khởi công.
Về xúc tiến đầu tư và cải cách hành chính: Ban Quản lý KCN chủ động thiết lập các kênh thông tin tiếp cận nhà đầu tư như: phối hợp với các Bộ, ngành liên quan; làm việc trực tiếp với Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam; đăng ký làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp phụ trợ của Samsung...; đồng thời Ban cũng tập trung vào công tác cải cách hành chính với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, tiết kiệm thời gian làm thủ tục đầu tư thành lập doanh nghiệp thực hiện dự án và các thủ tục có liên quan đến đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (với thời gian chỉ bằng 1/10 thời gian quy định).
Những hiệu quả cụ thể
Với các khâu đột phá nêu trên, chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 8/2013 đến nay), Ban Quản lý đã vận động được 32 doanh nghiệp FDI đầu tư vào KCN Điềm Thụy với vốn đầu tư gần 600 triệu USD, ký thỏa thuận thuê đất và ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần cho Ban thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng được 140ha/180ha với tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp đã bồi thường giải phóng mặt bằng đạt 100%; xây dựng được các hạ tầng thiết yếu: đường trục chính 2 km, hệ thống điện chiếu sáng 2 km, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, hệ thống cấp nước với chiều dài là 2 km; khởi công 4 km đường nội bộ tại các lô đất công nghiệp,... Theo kế hoạch, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên sẽ thu hút từ 15-20 dự án vào lấp đầy cho phần diện tích còn lại trong năm 2015.
Mặc dù thu hút FDI vào phát triển bền vững các KCN của tỉnh nói chung và KCN Điềm Thụy phần diện tích 180ha bước đầu đã có kết quả nhất định, song trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những tồn tại hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư phát triển bền vững KCN, cụ thể là:
Thứ nhất, về cơ chế, chính sách: giá thuê đất có hạ tầng nộp một lần năm 2014 tại KCN Điềm Thụy tăng nhanh đã ảnh hưởng trực tiếp đến vận động xúc tiến đầu tư FDI vào KCN.
Thứ hai, về giao thông đối ngoại của KCN: hiện nay đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành nhưng đối với KCN Điềm Thụy chỉ có cầu vượt, nên nhà đầu tư phải đi đường vòng, gây khó khăn cho hoạt động lưu thông hàng hóa hàng ngày và làm giảm tính hấp dẫn của KCN.
Thứ ba, việc triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng KCN và Khu tái định cư phụ thuộc vào nguồn tiền ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần của các doanh nghiệp thứ cấp vào KCN, nên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn gặp khó khăn và chưa đáp ứng ngay được yêu cầu về mặt bằng sạch của các nhà đầu tư FDI, đồng thời cũng chưa đáp ứng ngay được yêu cầu tái định cư của người dân có đất bị thu hồi.
Thực trạng đầu tư xây dựng các KCN nói chung và KCN Điềm Thụy phần diện tích 180ha để thu hút FDI phát triển bền vững KCN từ năm 2013 đến nay đã đạt được một số mục tiêu đề ra, nhưng kết quả chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh và quá trình triển khai đã bộc lộ một số tồn tại như đã nêu ở trên. Song, kết quả thu hút FDI vào KCN cũng đã có những tác động tích cực cho sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh, cụ thể như sau:
Về mặt kinh tế: thu hút FDI vào các KCN đã có tác động lan tỏa mạnh đến quá trình hình thành, xây dựng và phát triển bền vững KCN theo đúng quy hoạch định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tác động tạo tiền đề cho việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng các KCN của tỉnh ngày càng được hoàn thiện, góp phần đổi mới và phát triển kết cấu hạ tầng các KCN theo hướng hiện đại, bền vững và thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, dịch vụ của tỉnh; thu hút được một lượng lớn vốn FDI vào các KCN, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương; thúc đẩy quá trình nghiên cứu khoa học công nghệ, gắn với chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất; đào tạo và chuyển giao những phương pháp quản lý tiên tiến, hiện đại cho lực lượng lao động của tỉnh.
Về mặt xã hội: giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh - trật tự xã hội, đồng thời hình thành mối liên kết, giao lưu phát triển văn hóa, tiên tiến đậm đà bản sắc trong vùng dự án và các tỉnh lân cận.
Về môi trường: các dự án FDI trong KCN có công nghệ hiện đại, sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường có đóng góp không nhỏ vào việc bảo vệ môi sinh môi trường sống khu vực dự án và vùng lân cận... tác động đến ý thức cộng đồng các doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng dân cư sinh sống, liền kề về nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
Về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): cơ chế, chính sách thu hút FDI vào phát triển bền vững KCN tỉnh Thái Nguyên nói chung và KCN Điềm Thụy nói riêng đã góp phần vào việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tạo lập được niềm tin cho các nhà đầu tư FDI thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh.



Giải pháp thu hút FDI để phát triển bền vững KCN 
Để tiếp tục gia tăng thu hút FDI phát triển bền vững các KCN nói chung và KCN Điềm Thụy phần diện tích 180ha, trong thời gian tới Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:
Thứ nhất, về tổ chức bộ máy của Ban Quản lý các KCN: tiếp tục củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức của Ban Quản lý theo hướng bổ sung đủ về quy mô số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công vụ được giao và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, về hạ tầng giao thông đối ngoại của KCN: tiếp tục đề xuất với tỉnh cho đầu tư trong năm 2015 tuyến đường gom nối KCN Điềm Thụy và KCN Yên Bình và nút giao Yên Bình để thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa giữa các KCN, đồng thời hình thành cụm KCN liên kết, tương hỗ nhau, làm động lực và hạt nhân tác động lan tỏa đến các địa phương trong tỉnh.
Thứ ba, về huy động nguồn lực tập trung cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng KCN và Khu tái định cư: tiếp tục đẩy mạnh việc vận động các nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng ưu tiên cho bồi thường giải phóng mặt bằng để tạo ra 50 ha đất sạch gắn với kết cấu hạ tầng đồng bộ để sẵn sàng chào đón nhà đầu tư.
Thứ tư, tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng KCN: hệ thống giao thông trục chính, trục phụ, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống cấp điện, nhà máy xử lý nước thải, hệ thống công trình dịch vụ KCN theo hướng đồng bộ để phục vụ ổn định.
Thứ năm, tập trung thu hút FDI gắn với cải cách hành chính toàn diện: thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến, công nghệ nguồn, có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dự án công nghệ thông tin gắn với hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ làm động lực, tác động lan tỏa về kinh tế - xã hội trong và ngoài vùng dự án KCN.
Thu hút các dự án FDI công nghiệp phụ trợ, chú trọng đến công nghiệp phụ trợ phục vụ cho Samsung và các tập đoàn điện tử khác; thu hút công nghiệp cơ khí, chế tạo, công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, đi kèm là công nghiệp phụ trợ phục vụ cho nhóm ngành cơ khí, chế tạo và sản xuất, lắp ráp ô tô. Đồng thời, kết hợp thu hút các dự án FDI sản xuất hàng tiêu dùng có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao để phục vụ chính cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp KCN; thu hút các dự án FDI trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và các loại hình dịch vụ tài chính - tín dụng khác để cung cấp nguồn lực tài chính và cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp KCN.
Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng các hoạt động xúc tiến đầu tư cần gắn chặt với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính về đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, theo hướng rút ngắn tối đa thời gian cho các nhà đầu tư FDI khi thực hiện các thủ tục về đầu tư, kinh doanh; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án FDI đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư... góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh... Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên tin tưởng, kết quả thu hút đầu tư vào các KCN trong thời gian tới sẽ có nhiều kết quả tốt hơn.
 
Phan Mạnh Cường 
Trưởng ban, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên
 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN.
2024-11-22 14:08:22

Hợp tác xã Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường kỷ niệm 10 năm thành lập

Hợp tác xã (HTX) Cựu chiến binh (CCB) Vạn Xuân Trường là mô hình được thành lập theo Luật HTX năm 2012, qua 10 năm hoạt động đã vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế tập thể, là HTX tốp đầu của tỉnh Nam Định về sản xuất kinh doanh.
2024-11-22 09:34:27

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình

Sáng 22/11 diễn ra Hội nghị công bố Nghị quyết số 1242/NQ-UBTVQH15, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua ngày 24/10/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024; có những thay đổi quan trọng trong hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Bình.
2024-11-22 09:00:00

Hải Phòng khai trương Dự án ‘Chính quyền số thành phố’

Chiều 21/11, TP.Hải Phòng tổ chức khai trương Dự án “Chính quyền số thành phố”. Đây là một trong những dự án quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế số, xã hội và nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng ngày “Chuyển đổi số quốc gia 2024”.
2024-11-22 07:21:22

Dịch vụ chi lương của ngân hàng giúp doanh nghiệp “nhẹ đầu”

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới đây vừa công bố gia tăng thêm quyền lợi cho gói sản phẩm chi lương dành cho doanh nghiệp, biến sản phẩm của ngân hàng này trở thành lựa chọn tối ưu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thị trường.
2024-11-21 16:16:15

Quảng Ninh kích cầu du lịch giảm giá dịch vụ đến 50%

Ngày 20/11, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group tổ chức chương trình Lễ công bố hợp tác kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa”, nhằm gia tăng sức cạnh tranh và tăng cường thu hút du khách dịp cuối năm 2024 với nhiều sự kiện hấp dẫn.
2024-11-21 10:43:15
Đang tải...