Thầy dạy chữ và cuộc vượt ngục bất thành
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại xã Văn Lâm (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), ông Nguyễn Tiến Hà sớm giác ngộ cách mạng. Cùng với người anh trai của mình, 1 trong số 8 người trẻ nhất lúc bấy giờ được Bác Hồ đặt tên Tạ Quang Chiến (Nguyễn Hữu Văn), chàng thanh niên Nguyễn Tiến Hà hừng hực khí thế bước vào cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc.
Ông Nguyễn Tiến Hà. |
Khát vọng… tiến về Hà Nội
Từng thi đỗ tú tài từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nguyễn Tiến Hà đã hăng hái gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu, được giao nhiều nhiệm vụ, trong đó có một việc công khai: làm giáo viên truyền bá chữ quốc ngữ cho nhân dân.
Những năm kháng chiến, với chiếc đèn dầu trong tay, đêm đêm ông đến Trường “Công ích” nằm trong Ngõ Chùa Liên Phái - Phố Bạch Mai để dạy chữ cho người lao động, qua đó giác ngộ, tập hợp họ theo cách mạng.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông xung phong gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trận đầu tiên, ông và đồng đội chiến đấu, quyết tử trên chiến lũy “Ô Cầu Dền” thuộc Liên khu II, góp phần cùng quân và dân Hà Nội cầm chân địch trong suốt 60 ngày đêm khói lửa, sau đó tạm rút về an toàn khu.
Năm 1948, ông được điều động về vùng địch tạm chiếm thuộc nội thành Hà Nội để gây cơ sở với vỏ bọc “giáo sư”, dạy các môn Anh, Pháp, Toán. Khi thì ông làm gia sư cho con cháu những gia đình khá giả, có thời gian ông lại về giảng dạy ở các trường như: Trường Saint Thérèse, Trường Schoola… Chính nhờ việc dạy học, ông đã bồi dưỡng cho nhiều học sinh tinh thần yêu nước, khéo léo vận động học sinh của mình đi theo kháng chiến. Cũng từ đây, ông chính thức mang tên Nguyễn Tiến Hà (bí danh đó thực chất là việc gọi chệch của lời thề “Nguyện Tiến về Hà Nội” mà ông luôn nung nấu trong mình).
Lớp học trong tù và cuộc vượt ngục bất thành
Tháng 5/1950, ông bị địch bắt cùng với nhiều sách vở và giấy tờ tùy thân, trong đó có tấm thẻ căn cước giả mang tên Trần Hữu Thỏa (một bí danh khác của ông) với nghề nghiệp “Giáo sư”. Ông bị địch đưa về Sở Mật thám tra khảo, hỏi cung… nhưng chúng đã không khuất phục được người trí thức cách mạng.
Cũng chính tại Sở Mật thám (nay là Sở Công an Hà Nội), ông đã cùng với một số đồng chí khác tìm cách đào tường vượt ngục. “Trước hết phải đào được tường để chui ra. Ra được bên ngoài thì phải vượt được 2 bức tường với khoảng 50m tường để thoát ra ngõ Liên Trì, khi ấy mới qua được tường ngục. Qua đường dây người nhà tiếp tế cho tù nhân, tôi gửi mật thư báo cáo với Ban Chỉ huy Mặt trận quân sự nội thành đề nghị khi chúng tôi trốn về đến một xã ngoại thành thì cho người đưa ra khu căn cứ. Kế hoạch được chấp nhận. Chúng tôi bắt tay vào thực hiện ngay. Moi đào liên tục khoảng 4- 5 đêm thì xong. Một đêm tối cuối tháng 8 âm lịch (năm 1950), chúng tôi khởi sự. Khoảng nửa đêm, tôi dậy trước, hoàn tất giai đoạn cuối cùng khoét thủng tường, tạo một lỗ hổng vừa một người chui lọt. Tôi chui đầu ra đầu tiên, kéo theo một tấm chăn mỏng. Như có lò xo, tôi bật lên chiếc thùng phuy kê sát tường đã nhằm trước, chớp nhoáng tung chăn phủ lên hàng rào dây thép gai có điện, liệng người qua đường sang phía Sở Mật thám liên bang lao về phía trước, như được tiếp thêm một sức mạnh phi thường, tôi vọt qua bức tường thứ hai, nhảy xuống ngõ Liên Trì như kế hoạch đã định”, ông Hà nói.
Nhóm 4 người trốn thoát, nhưng trên đường ra căn cứ, người dẫn đường không thạo đường nên ông Hà cùng 3 đồng chí đã bị địch vây bắt trở lại. Lần này, ông phải chịu những trận đòn tra tấn tàn bạo hơn gấp nhiều lần hòng bắt ông phải khai, nhưng người chiến sĩ cộng sản kiên trung ấy vẫn không hé răng nửa lời. Cơ thể ông gầy tọp đi, sức khỏe giảm sút. Địch e sợ ông không qua khỏi, cuối tháng 12/1950, chúng chuyển ông sang Nhà tù Hỏa Lò nhằm phi tang. Nhưng ở đây, nhờ đồng đội chăm sóc, thuốc thang, sức khỏe ông đã dần hồi phục.
Đại diện Ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy tại Nhà tù Hỏa Lò trong một lần đến thăm cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Tiến Hà ngồi bên phải Đại tướng. |
Sau đó, ông được anh em tín nhiệm bầu vào Ban Chi ủy, rồi ông còn được cử làm Bí thư chi bộ của Nhà tù. Ông đã cùng ban lãnh đạo các trại giam tổ chức cho anh em đấu tranh chống địch khủng bố, đàn áp, đòi cải thiện đời sống cho tù nhân. Đặc biệt, ông đã tích cực tham gia tổ chức các lớp học văn hóa, chính trị, ngoại ngữ và cũng là thầy giáo trong các lớp đó, chính vì vậy mà anh em tù nhân đã gọi ông với cái tên thân mật: Thầy giáo Thỏa hay thầy Hiệu trưởng Thỏa.
Giờ đây, ông Nguyễn Tiến Hà vẫn nhận trách nhiệm là Trưởng Ban Liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò (1930 - 1954).
Lúc bấy giờ, việc học văn hóa trong Nhà tù Hỏa Lò đã thành phong trào. Thời điểm đó, bọn chúa ngục kiểm tra gay gắt các lớp học, nhưng trong các tờ giấy ghi chép bài của học sinh chỉ có công thức toán, lý, hóa, các hình vẽ, các bài giảng ngoại ngữ. Còn các bài giảng chính trị, quân sự hoàn toàn nhập tâm, bọn chúa ngục đành bó tay.
Cuối năm 1952, ông được trả tự do sau gần 3 năm sống trong nhà tù thực dân. Ông tìm cách bắt liên lạc với đơn vị, hoạt động bán công khai với danh xưng Giáo sư Trần Hữu Thỏa. Hòa bình lập lại, ông được phân công về giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm và gắn bó với sự nghiệp trồng người cho đến tuổi nghỉ hưu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.