Thầy giáo khuyết tật vượt nghịch cảnh, truyền cảm hứng qua nét chữ cho học sinh 

2022-03-19 21:11:20 0 Bình luận
Con người, vốn không được lựa chọn cách mình sinh, nhưng sống ra sao để không hoài phí những năm tháng sống trong cuộc đời lại là quyền tự quyết của mỗi người. Đó là quan điểm sống của thầy giáo khuyết tật Đào Thanh Hương - giáo viên Trường THCS Đa Lộc (Hậu Lộc).

Không chỉ vượt lên nghịch cảnh bản thân, anh còn là tấm gương sáng về câu chuyện “sống đẹp” - tạo nguồn cảm hứng cho học sinh và cộng đồng.

Thầy giáo Đào Thanh Hương luôn là tấm gương sáng về nỗ lực vượt lên nghịch cảnh đối với học sinh, đồng nghiệp.

Vượt lên số phận

Đào Thanh Hương sinh ra ở xã biển Đa Lộc - quê hương mẹ Tơm. Bố anh là Đại úy quân đội tham gia chiến đấu tại chiến trường B (Quảng Trị) và mẹ là cô giáo làng, vượt lên đạn bom từng ngày cần mẫn dạy chữ cho học sinh. Một năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cậu bé Đào Thanh Hương chào đời trong sự chờ đón hạnh phúc của gia đình. Vậy nhưng, số phận thật trớ trêu, em bé sinh ra với một cơ thể khiếm khuyết: mất hai chân (từ đầu gối trở xuống) và một bên tay teo tóp... Phải rất lâu sau chiến tranh, người ta mới hiểu, anh là nạn nhân chất độc da cam do di chứng từ bố mình.

Tuổi thơ của cậu bé Đào Thanh Hương là những tháng ngày lầm lũi lớn lên, không thể hòa đồng với bạn bè, anh nhớ lại: “Sức khỏe yếu, chân tay không lành lặn, mỗi lần nhìn chúng bạn cởi trần chạy bộ ra bờ biển bơi lội tôi lại khóc tủi thân...”. Tuy vậy, sự kiên cường của “con nhà lính” cùng với tình yêu thương, động viên của mẹ là sức mạnh, động lực tinh thần để chàng trai vùng biển vượt lên nghịch cảnh.

Bù lại sự khiếm khuyết cơ thể, từ nhỏ Đào Thanh Hương đã bộc lộ năng khiếu văn chương với một tâm hồn giàu cảm xúc. Không chỉ có kết quả học tập tốt, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh nhiều lần đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi môn Văn các cấp. Đặc biệt, năm lớp 12 anh đạt giải C toàn quốc cuộc thi thơ văn tuổi học trò. Không chỉ vậy, Đào Thanh Hương còn là cây viết quen thuộc với bạn đọc trên các ấn phẩm: Hoa Học Trò, Tập san Phấn thông vàng...

Có lẽ, sinh ra với một cơ thể không lành lặn, lại lớn lên nơi xã biển nghèo, hơn ai hết, chàng trai Đào Thanh Hương thấu hiểu những thiếu thốn, vất vả của người dân quê mình, trong đó đặc biệt là trẻ nhỏ. Anh chia sẻ: “Đa Lộc trước đây là xã biển với những đồi cát rộng dài, bỏng rát, người dân quanh năm ăn bữa sáng lo bữa chiều, cũng bởi đói nghèo nên nhiều gia đình chưa chú trọng cho con đến trường. Nếu không được học chữ, không có tri thức thì đâu thể thay đổi số phận, thoát nghèo, hết khổ... Tôi khát khao trẻ con quê mình được học hành đầy đủ. Và cũng như mẹ, tôi mong một ngày mình sẽ là thầy giáo ươm lên mầm xanh tri thức cho các em...”.

Dẫu vậy, mong ước thi vào trường sư phạm để làm thầy giáo với chàng trai Đào Thanh Hương cũng vấp phải không ít khó khăn, trở ngại. Năm 1994, tốt nghiệp phổ thông, anh thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa. Dù với điểm đỗ cao song với quy chế tuyển sinh của ngành sư phạm lúc bấy giờ (không tuyển người khuyết tật) thì anh không được chọn. Anh nhớ lại chuyện cũ: “Đó thực sự là cú sốc rất lớn đối với bản thân tôi. Được sự động viên của bố mẹ và mọi người, tôi viết đơn cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa trình bày nguyện vọng. Thật may, với thành tích học tập ở phổ thông và điểm thi đầu vào cao, tôi được đặc cách tiếp nhận... Vậy mới nói, số phận sẽ không đánh gục được bạn, cho đến khi chúng ta chấp nhận đầu hàng, từ bỏ”.

“Nở hoa” cho đời

Năm 1998, chàng trai Đào Thanh Hương ra trường với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc. Anh được phân công về dạy học tại quê nhà - Trường THCS Đa Lộc (Hậu Lộc). Tính đến nay, anh đã gắn bó với ngôi trường này 24 năm.

Việc được đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho học sinh, được thừa nhận và khẳng định năng lực bản thân với thầy giáo Đào Thanh Hương chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Dù trước đó, người dân quê anh vốn đã quen với câu chuyện chàng trai Đào Thanh Hương nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập, nhưng rồi chuyện chấp nhận để anh làm thầy giáo dạy học cho con em họ lại là chuyện khác. Từ ngoại hình của anh, nhiều phụ huynh định kiến, nghi ngờ, không tin tưởng vào trình độ, năng lực của người thầy giáo khuyết tật.

24 năm đứng trên bục giảng là từng ấy thời gian người thầy say mê với công việc. Chia sẻ về phương pháp dạy học của mình, anh cho biết: “Học sinh luôn là trung tâm của lớp học. Mỗi học sinh là một “bài toán” với người làm thầy, bởi sự không giống nhau. Tôi luôn bắt đầu từ cái còn thiếu, yếu của học sinh để từ đó bồi đắp, khích lệ và “thắp lửa” để các em hoàn thiện hơn. Với những học sinh có hoàn cảnh cá biệt, ngoài việc dạy kiến thức, các em cũng cần ở thầy cô sự thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông. Bởi có những chuyện, dù không thể nói với bố mẹ, nhưng học sinh sẵn sàng chia sẻ với thầy. Điều thành công với người thầy được tính bằng những học sinh trưởng thành, trở thành công dân có ích cho xã hội...”.

Bằng tình yêu, tâm huyết và yêu thương học trò, nhiều năm qua thầy giáo Đào Thanh Hương và vợ mình, cũng là đồng nghiệp - cô giáo Trần Thị Hương đã thành lập quỹ khuyến học để hỗ trợ, động viên những học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Anh chia sẻ: “Mỗi năm, vợ chồng tôi đều trích một phần từ tiền lương để duy trì quỹ khuyến học, dùng tiền ấy tặng quà, trao thưởng cho các em học sinh. Dù kinh phí không nhiều, nhưng được “gieo” những mầm yêu thương đến học sinh thân yêu là điều hạnh phúc”.

Nhận xét về thầy giáo Đào Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Đa Lộc Trần Văn Sơn cho biết: “Thầy Đào Thanh Hương là tấm gương sáng đối với nhiều thế hệ học sinh. Nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, sự không may mắn của bản thân thầy Đào Thanh Hương đã là câu chuyện truyền cảm hứng trong nhà trường. Với sự tận tụy, vững vàng chuyên môn, tính đến nay, thầy Đào Thanh Hương đã có hàng trăm học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi...”.

Năm 1999, Đào Thanh Hương được bầu chọn là 1 trong 21 gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa; năm 2007, anh được Tỉnh đoàn lựa chọn là 1 trong 16 gương mặt “Đoàn viên ưu tú học tập và làm theo lời Bác”; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Nói về quan điểm sống của mình, thầy giáo Đào Thanh Hương chia sẻ: “Bác Hồ kính yêu đã từng nói: Không có việc gì khó/ chỉ sợ lòng không bền/ đào núi và lấp biển/ quyết chí ắt làm nên... Học và làm theo lời Bác, tôi tin rằng, chỉ cần chúng ta dám sống, dám ước mơ và nỗ lực thực hiện ước mơ, thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua, để không hoài phí những năm tháng hữu hạn trong cuộc đời này”.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".
2024-04-27 19:43:25

Triển lãm ảnh những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng chiến thắng B52 và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vừa tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới”.
2024-04-27 01:13:48

Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024

Tối 26/4, tại Công viên Thống Nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội đã tổ chức Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024.
2024-04-26 23:56:34

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06
Đang tải...