Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai: Nhớ mãi những ngày làm nhiệm vụ cải tạo sĩ quan ngụy quân Sài Gòn

2020-04-27 11:11:52 0 Bình luận
Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, nguyên Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2, đã nghỉ hưu năm 2009, hiện đang cư ngụ tại khu 92, khu phố Long Đức 1, phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Cách đây 45 năm, ông là học viên của Học viện Chính trị được cử đi làm nhiệm vụ cải tạo sĩ quan chế độ cũ. Câu chuyện dưới đây là kỷ niệm “có một thời như thế” khi ông làm thầy giáo của những “học trò đặc biệt”. Tạp chí Điện tử Hòa Nhập xin trân trọng gửi đến bạn đọc bài viết này nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chân dung Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai trên bìa cuốn Hồi ký “Con đường tôi đi”.

Đầu tháng 5 năm 1975, chúng tôi được lãnh đạo Học viện Chính trị giao nhiệm vụ vào miền Nam cải tạo tù, hàng binh là sĩ quan quân đội Sài Gòn vừa bại trận. Trước khi lên đường, chúng tôi được đơn vị tổ chức học tập, quán triệt rất kỹ càng về công tác địch vận, chính sách hòa hợp dân tộc, nội dung tuyên truyền giáo dục theo Chỉ thị số 218/CT-TW ngày 18/4/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác tù binh, hàng binh.

Đêm 16/6/1975, máy bay đưa đoàn chúng tôi gồm 15 người hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Trong ánh đèn rực sáng của nhà ga, chúng tôi thấy nhiều vết đạn pháo của quân ta bắn thủng lỗ chỗ trên tường nhà và nhiều tấm kính vỡ toang. Đoàn xe GMC là chiến lợi phẩm ta thu được của địch ra đón chúng tôi về trại Yên Quyết, Trung tâm huấn luyện Quang Trung ở Hóc Môn (Gia Định). Sau khi được nghỉ ngơi, chúng tôi tập trung về thành Quan Năm, quận Hóc Môn tập huấn, nghe phổ biến tình hình mọi mặt của miền Nam sau giải phóng; tình hình tù, hàng binh; nội dung, yêu cầu về công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục, cải tạo tù, hàng binh là sĩ quan quân đội Sài Gòn. Sau đó, đoàn chúng tôi cùng đoàn cán bộ, giáo viên của Trường Quân chính Quân giải phóng miền Nam (H12 - tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân 2) được phân công về Trung đoàn 3, Sư đoàn 500 tại căn cứ Trảng Lớn (Tây Ninh).

Đây là căn cứ quân sự loại lớn của quân đội Mỹ, sau Hiệp định Pa-ri (1973) được giao lại cho quân đội Sài Gòn. Căn cứ này rộng khoảng 6 km2, cách thị xã Tây Ninh khoảng 4 km, cách núi Bà Đen 8 km. Cạnh căn cứ có tuyến đường 22B chạy ra khu vực Bến Sỏi, sông Vàm Cỏ Đông và nối dài qua biên giới Campuchia. Bên trong căn cứ, quân đội Mỹ xây dựng một sân bay dã chiến để máy bay trực thăng, máy bay vận tải quân sự C130 có thể lên xuống dễ dàng. Giữa căn cứ có ngôi nhà lớn, phía trên ghi dòng chữ “Phi trường Tây Ninh/Quân lực Việt Nam cộng hòa”. Hệ thống công sự, giao thông hào, hàng rào kẽm gai được bố trí dày đặc, chia căn cứ thành nhiều khu nhỏ. Xung quanh căn cứ được bao bọc nhiều lớp hàng rào kẽm gai, chôn cài hàng chục nghìn trái mìn. Cứ khoảng 80 mét hàng rào bảo vệ lại có một tháp canh cao hơn chục mét, phía trên thiết kế như một công sự kiên cố, có các lỗ châu mai. Khi chúng tôi đến căn cứ Trảng Lớn, sách báo, giấy tờ, giày dép, quần áo lính ngụy ngổn ngang, vung vãi khắp nơi, hai bên có nhiều ngôi mộ lính chưa mọc cỏ, đất đắp còn mới nguyên.

“Chờ giặc đến” trên “Vành đai diệt Mỹ” tại Trảng Lớn (Tây Ninh) - Ảnh Tư liệu.

Tù, hàng binh tập trung về căn cứ Trảng Lớn để cải tạo gần 13.000 người, đều là sĩ quan, quân hàm từ thiếu úy đến thiếu tá. Từ cấp trung tá trở lên được cải tạo ở nơi khác (quân đội Sài Gòn có trên 80 vạn người, trong đó sĩ quan có gần 10 vạn). Sĩ quan ngụy tập trung cải tạo có đủ các sắc lính, được chia thành 3 trung đoàn, mỗi trung đoàn có 5 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn từ 800 - 1.000 người. Tiết trời Tây Ninh khi đó rất nóng, lại ở trong nhà mái tôn nên hầu hết tù, hàng binh đều cởi trần. Đa số họ đều mập, khỏe, nhưng sắc mặt vẫn bàng hoàng, sợ sệt, lầm lì, ít nói. Nhiều tù, hàng binh trên mình còn xăm trổ hình thù kỳ quái, có tên trên cánh tay xăm rất đậm hai chữ “Sát cộng” dưới hình xăm cánh cung, mũi tên.

Hầu hết tù, hàng binh này đều được đào tạo rất cơ bản tại Trường Sĩ quan Đà Lạt, Trường Sĩ quan Thủ Đức hoặc được đào tạo ở Mỹ. Họ bị cả bộ máy tâm lý chiến nhồi nhét vào đầu những tư tưởng cực kỳ phản động, lạc hậu và ý thức hệ sai trái. Vì vậy, không dễ một sớm, một chiều họ có thể thay đổi được ý thức chính trị. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có niềm tin vì họ đều là người Việt Nam, có chung dòng máu đỏ da vàng, là con Lạc, cháu Hồng, hầu hết có thân nhân là người lao động, hầu hết bị bắt buộc mới bước vào con đường tội lỗi. Hơn nữa, họ đang là kẻ bại trận, phải lựa chọn cách sống phù hợp cho chặng đường đời tiếp theo của bản thân và gia đình.

Do số lượng tù, hàng binh đông nên mỗi tiểu đoàn tổ chức từ một đến hai lớp học và mỗi giáo viên phải đảm nhiệm từ ba đến bốn bài giảng. Chương trình tuyên truyền giáo dục tù, hàng binh được chia thành 10 bài, nội dung chủ yếu là chỉ ra cho họ thấy rõ thù, bạn, ta; vạch rõ âm mưu thâm độc của Mỹ là dựng lên chính quyền, quốc gia độc lập giả tạo theo chính sách thực dân kiểu mới; làm rõ bản chất, tội ác của đế quốc Mỹ, của chính quyền, quân đội Sài Gòn đối với nhân dân miền Nam và cả dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, tập trung làm rõ chính sách hòa hợp dân tộc của ta là khoan dung, độ lượng, “đại xá” cho người có tội với cách mạng, với nhân dân với điều kiện họ phải thực tâm ăn năn, hối cải để xây dựng cuộc sống mới.

Quân giải phóng trên đường hành quân tiến về Sài Gòn năm 1975 - Ảnh tư liêu.

Tôi được phân công làm tổ trưởng một tổ giáo viên, đảm nhiệm 4 bài giảng và được yêu cầu giới thiệu bài giảng đầu tiên để rút kinh nghiệm cho các giáo viên  Trung đoàn 3. Tôi nhận thức rõ đây là lớp học rất đặc biệt. Đối tượng học không phải là học sinh, sinh viên, quan hệ giữa người dạy và người học không phải là thầy, trò mà là quan hệ giữa ta và địch, giữa người cách mạng và phản cách mạng, giữa những người chiến thắng và kẻ bại trận. Sau khi tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh, nguyện vọng của một số tù, hàng binh, tôi chuẩn bị bài giảng rất kỹ, rồi giảng thử để anh em trong đoàn nhận xét, góp ý. Buổi làm thầy đầu tiên tôi giảng tại Tiểu đoàn1 trước gần 1.000 tù, hàng binh và khoảng 100 cán bộ quản giáo, giáo viên của ta cùng dự để rút kinh nghiệm. Địa điểm là một nhà mái tôn lớn do tù, hàng binh mới dựng lên để làm nơi sinh hoạt. Khi tôi giảng, cả lớp học im lặng lắng nghe, hầu hết ghi chép miệt mài với nét mặt cầu thị. Ngay sau buổi học đầu tiên, tôi nhận thấy tù, hàng binh có cởi mở hơn, nói chuyện, trao đổi với nhau nhiều hơn. Cũng dễ hiểu vì tâm lý của họ trước khi đi cải tạo đều nghĩ sẽ bị ngược đãi, đánh đập nhưng điều đó không hề xảy ra.

Băng qua lửa đạn” - Ảnh Tư liệu

Đến buổi học thứ hai, trong lúc nghỉ giải lao, một sĩ quan tù binh khoảng 35 tuổi, dáng vẻ trí thức hỏi tôi: “Dạ! thưa ông, ông đánh giá như thế nào về Lê Văn Duyệt?” Tôi nhìn thẳng vào mắt tên tù binh này và nói dứt khoát: “Tả quân Lê Văn Duyệt là một công thần trụ cột triều Nguyễn, ông ta là người vừa có tội, vừa có công. Còn các anh không phải là Lê Văn Duyệt!” Tên tù binh nín lặng, tránh ánh mắt nghiêm nghị của tôi, ấp úng “Dạ!” rồi quay người đi lẫn vào đám đông. Thật may là khi mới vào Sài Gòn, chúng tôi đã tranh thủ đi dạo phố và nhìn thấy có các con đường đặt tên Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lê Văn Duyệt (bây giờ là đường Cách mạng Tháng Tám). Chúng tôi cũng đã được nhìn  thấy tờ tiền100 đồng của chính quyền Sài Gòn có in hình Lê Văn Duyệt. Về tên đường được đặt là Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo thì rõ rồi, nhưng đường Lê Văn Duyệt thì mới nghe, thực tình lúc đó chưa rõ. Một buổi tối mấy anh em ngồi chơi, uống nước cũng đã dẫn câu chuyện kể về Lê Văn Duyệt. Nhờ vậy, tôi được biết khá rõ Lê Văn Duyệt là một tướng tài, đã cứu Nguyễn Ánh thoát khỏi sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn, lại giúp Nguyễn Ánh đánh bại quân Tây Sơn khi triều đại này đã thoái trào. Lê Văn Duyệt được Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long) giao hai lần làm Tổng trấn Gia Định, cai quản từ Bình Thuận đến Hà Tiên. Ông ta là một vị quan cương trực, liêm khiết, có công dẹp giặc Xiêm và tổ chức cho nhân dân khai hoang, lập ấp, xây dựng cuộc sống ấm no, an ninh bền vững, được nhân dân địa phương kính trọng. Như vậy, tên tù binh này muốn tỏ ra là trí thức hiểu biết, có suy nghĩ mong muốn được chính quyền cách mạng đánh giá họ như Lê Văn Duyệt là “vừa có tội, vừa có công”. Nhưng khi nghe tôi trả lời rõ ràng, dứt khoát và khẳng định “các anh không phải là Lê Văn Duyệt” thì khá bất ngờ và bỏ đi ngay. Sau đó, những suy nghĩ, băn khoăn của tù, hàng binh được tôi và anh em trong đoàn lồng ghép vào giải thích tại các buổi học theo đúng tinh thần Chỉ thị 218 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc phân loại và chính sách đối xử với từng loại tù, hàng binh. Ngày 21/12/1975, Đại tá Đoàn Chương, Phó Giám đốc Học viện Chính trị đến thăm chúng tôi tại Trảng Lớn. Ông thông báo Cục Chính trị Miền đánh giá rất cao kết quả công việc cải tạo sĩ quan tù, hàng binh do đoàn chúng tôi đã đảm nhiệm. Đồng thời, biểu dương chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và yêu cầu tổ chức hành quân ra Bắc để tiếp tục đào tạo tại học viện.

Đến cuối năm 1978, khi tôi đã về công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân 2, trong một lần đi Thành phố Hồ Chí Minh, đang đứng ở công viên Quách Thị Trang, gần chợ Bến Thành chờ xe nhà trường đến đón, bỗng có người đàn ông hớn hở chạy đến trước mặt nói “Chào thầy!”. Tôi ngỡ ngàng vì không biết anh ta là ai, nên hỏi lại: “Anh học tôi bao giờ mà chào tôi là thầy ?”. Anh ta đáp: “Dạ! Năm 1975 thầy dạy em ở căn cứ Trảng Lớn, Tây Ninh ạ.” Tôi chợt hiểu, bắt tay thăm hỏi và động viên anh ta cố gắng làm tốt bổn phận người công dân của xã hội mới.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Doanh nhân Việt Nam 'bắt kịp thế giới, đi cùng thời đại'

Các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã "dám chơi và biết chơi" hơn trong một sân chơi không chỉ trong lòng đất nước mà cả khu vực và thế giới. Chúng ta không chỉ bắt kịp mà có những bước quan trọng để đi cùng với thế giới, với thời đại.
2024-10-13 10:45:13

Tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu năm 2024 giảm còn 3,25% hộ nghèo

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có 3.647 hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tỉnh này sẽ huy động các nguồn lực hơn 292 tỷ đồng.
2024-10-13 08:00:00

Phá khối đá 300 tấn nguy cơ lăn xuống nhà dân ở Khu du lịch Phong Nha

Chiều 12/10, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền huyện Bố Trạch phá khối đá hơn 300 tấn tại tổ dân phố Xuân Tiến, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch.
2024-10-13 07:10:00

Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh tại tỉnh Quảng Bình trở thành điểm du lịch

Tỉnh Quảng Bình vừa có quyết định công nhận điểm du lịch đối với đền Thánh mẫu Liễu Hạnh tại thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch
2024-10-13 07:00:00

Thương binh Tạ Quang Uẩn - giỏi làm kinh tế, giàu lòng nhân ái

Vinh dự được gặp người thương binh Tạ Quang Uẩn - Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu Xây dựng Phong Cảnh, tại Thành cổ Quảng Trị - nơi mà cách đây 52 năm đã diễn ra cuộc chiến biểu tượng cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Đứng trên mảnh đất đầy bi tráng ấy, những hình ảnh trong cuộc đời dường như lần nữa vụt qua ký ức ông...
2024-10-13 06:35:00

Doanh nhân thương binh Tạ Quang Uẩn: Hành trình vượt khó

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương ngày nào vẫn luôn hằn sâu trên thân thể thương binh Tạ Quang Uẩn. Vượt qua mọi nỗi đau đó, thương binh Tạ Quang Uẩn đã nỗ lực xây dựng một doanh nghiệp mang thương hiệu Phong Cảnh để tạo việc làm, thu nhập cho đồng đội và con em gia đình chính sách.
2024-10-12 13:45:00
Đang tải...