Thông tin kinh tế, tài chính ngày 15/6/2021: Giá vàng tiếp tục giảm?
Giá vàng hôm nay 15/6: Tiếp tục giảm mạnh ở cả thị trường trong nước và thế giới.
Hôm qua, giá vàng thế giới đã lao dốc phiên thứ hai liên tiếp với mức giảm 22 USD USD/ounce, xuống còn 1.853,8 USD/ounce
Tính chung trong hai phiên gần nhất, giá vàng thế giới đã "bốc hơi" tổng cộng 47 USD/ounce.
Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới hiện tương đương 51,52 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước cũng giảm nhưng tốc độ rất chậm. Với mức giảm 22 USD/ounce, giá vàng thế giới đã giảm tương đương 611.000 đồng/lượng, nhưng giá vàng miếng SJC bán ra tại Công ty SJC và PNJ chỉ giảm 150.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước, bán ra ở mức 57,15 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá mua - bán vẫn duy trì ở mức rất xa: 600.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn 9999 SJC chỉ giảm 100.000 đồng/lượng, còn 53,2 triệu đồng/lượng.
Còn tại các cửa hàng vàng lớn, giá bán vàng miếng SJC thấp hơn các công ty vàng 150.000 đồng/lượng, còn 57 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán cũng thấp hơn, ở mức 300.000 đồng/lượng.
Do giảm chậm hơn nên hiện chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới đã tăng lên mức 5,63 triệu đồng/lượng. Như vậy chỉ trong hai phiên gần nhất, chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới đã tăng thêm 1 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia, thị trường vàng gặp khó khăn khi USD vừa có tuần tăng giá và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ nhích lên.
Thêm vào đó, việc Bitcoin tăng giá cũng khiến lực bán vàng mạnh lên, kéo theo xu hướng chốt lời. Một số quỹ ETF cũng gia tăng tích trữ tiền điện tử, khiến dòng vốn vào vàng bị hạn chế hơn.
Chứng khoán ngày 15/6 qua 'lăng kính' kỹ thuật
Kết thúc phiên đầu tuần, thị trường đã quay trở lại vùng đỉnh của VN-Index và diễn biến giao dịch giằng co cho thấy thị trường chưa đủ động lực để bứt phá mạnh trở lại xu hướng tăng điểm.
Mặc dù VN-Index vẫn tăng gần 10 điểm và thanh khoản đã có cải thiện, nhưng diễn biến thị trường phiên chiều vẫn tương đối cân bằng, và có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng không có sự đồng thuận khi một loạt ngân hàng lớn như VCB, BID, CTG, VPB... kết thúc phiên trong sắc đỏ, chỉ có một số mã như TCB, STB... có màu xanh nhạt.
Động lực của thị trường đến từ các mã lớn như VIC, VJC, VNM, MSN và khá nhiều mã midcap và small cap.
Trong một diễn biến có sự phân hóa trong nội bộ các nhóm ngành thì giao dịch diễn biến giằng co là dễ hiểu. Thị trường có lẽ cần thêm vài phiên để tích lũy hoặc thậm chí điều chỉnh nhẹ trước khi có thêm những bước tiến mới trong tuần này.
VCSC dự báo trong phiên ngày hôm nay, sự giằng co, rung lắc vẫn sẽ tiếp tục diễn ra khi mà các ngưỡng kháng cự gần nhất chưa được chinh phục. Theo phân tích của VDSC, dự kiến, VN-Index tiếp tục giằng co và thử thách vùng 1.370 điểm, đồng thời vẫn có cơ hội nới rộng nhịp tăng nhờ tín hiệu hỗ trợ trước đó.
Đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh thứ 2, với giá đóng cửa nằm trên các đường trung bình động ngắn hạn MA5 ngày và MA10 ngày, là tín hiệu khá tích cực. Điều này cho thấy bên mua đang tạm thời chiếm ưu thế, và xu hướng ngắn hạn của thị trường đang trở nên tích cực hơn. Do đó, AseanSC cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 1.365 – 1.370 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.375 – 1.380 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 1.355 – 1.360 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.345 – 1.350 điểm.
HNX-Index có diễn biến tương tự. Chỉ số cũng tiếp tục có phiên tăng điểm và duy trì đóng cửa trên MA5. Tuy vậy đà phục hồi có phần yếu đi khi xuất hiện một nến tăng thân nhỏ có bóng trên đi kèm khối lượng gia tăng, cho dấu hiệu áp lực bán xuất hiện. Chỉ số có thể có nhịp rung lắc trở lại kiểm định vùng hỗ trợ quanh MA5 và MA20 (310-315 điểm) trước khi quay lại thử thách vùng đỉnh cũ quanh 330 điểm. Nhìn chung, thị trường vẫn giữ được xu hướng tăng và có cơ hội hướng về lại vùng đỉnh cũ. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc tận dụng các nhịp rung lắc để tái cơ cấu danh mục hướng tới các cổ phiếu có cơ bản tốt và thu hút được dòng tiền mạnh.
Ngân hàng ồ ạt tăng vốn
Dự kiến trong năm 2021, vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ tăng thêm hàng chục ngàn tỉ đồng. Gần đây, các nhà băng liên tục thông tin về việc tăng vốn điều lệ. Đơn cử như Vietinbank, sau 8 năm không thay đổi vốn điều lệ, ngân hàng (NH) này đã chính thức được tăng vốn từ hơn 37.234 tỉ đồng lên trên 48.000 tỉ đồng qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận 3 năm 2017, 2018, 2019 với tỷ lệ hơn 29%. NH Phương Đông (OCB) cũng tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.739 tỉ đồng khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%, tương đương phát hành gần 274 triệu cổ phiếu cho cổ đông. Vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng từ 10.959 tỉ đồng lên 13.698 tỉ đồng.
Theo số liệu từ NH Nhà nước công bố hồi cuối tháng 2, vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng tăng 0,06% so với cuối năm trước, đạt 664.529 tỉ đồng; tổng tài sản có tăng 0,33%, đạt hơn 14,065 triệu tỉ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn của các NH áp dụng Thông tư 41/2016 trung bình ở mức 11,16% (dao động từ 9,08 - 18,63%), nhóm NH áp dụng theo Thông tư 22/2019 có mức trung bình là 10,86% (dao động từ 9,48 - 29,88%), còn công ty tài chính và cho thuê tài chính là 20,32%.
Không kém cạnh, NH Quân đội (MB) cũng vừa được NH Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lần 1 thêm tối đa hơn 9.795 tỉ đồng qua việc chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 35% bằng cổ phiếu. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của MB sẽ tăng lên hơn 37.700 tỉ đồng. Hay mới đây, ACB cũng đã chốt danh sách cổ đông hưởng cổ tức 25% bằng cổ phiếu, nhà băng này tăng vốn hơn 5.400 tỉ đồng, lên 27.000 tỉ đồng. Vietcombank dự kiến tăng thêm vốn điều lệ hơn 13.000 tỉ đồng, trở thành NH có vốn điều lệ lớn nhất thị trường trong năm 2021 với hơn 50.401 tỉ đồng.
Mặc dù vừa tăng vốn điều lệ lên 19.260 tỉ đồng sau khi phát hành thêm 175 triệu cổ phiếu chi trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 10%, nhưng SHB cũng đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2021 lên hơn 26.674 qua việc chi trả cổ tức 10,5% cho cổ đông hiện hữu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 100:28 với giá dự kiến 12.500 đồng/cổ phiếu…
Kể cả NH đang trong diện tái cơ cấu như Sacombank cũng mong muốn được tăng vốn điều lệ qua việc chia cổ tức. Với thương vụ bán cổ phần công ty con Fe Credit cho phía đối tác Nhật mang về một khoản lợi nhuận kếch xù, VPBank “tham vọng” tăng vốn điều lệ lên mức cao nhất trong hệ thống NH là 75.000 tỉ đồng vào năm 2022.
Có thể thấy, hầu hết các nhà băng lựa chọn việc tăng vốn điều lệ qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, một số NH phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, cổ đông nước ngoài. Không phải mới đây mà từ nhiều năm nay, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các NH luôn luôn ở mức cao. Các NH tăng vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu và dùng vào việc phát triển như đầu tư hạ tầng cơ sở, mở chi nhánh, cho vay…, các NH không được dùng vốn huy động của dân vào mục đích đầu tư.
Ngân hàng Nhà nước bất ngờ bơm tiền trở lại thị trường
Báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 7-11/6 của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, sau một vài tuần ghi nhận xu hướng tăng, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã quay đầu giảm mạnh trong tuần vừa qua. Cụ thể, nguồn cung VND từ các ngân hàng thương mại lớn dồi dào hơn đã khiến lãi suất liên ngân hàng giảm từ 0,3-0,32 điểm phần trăm so với tuần liền trước, chốt tuần ở mức 1,123%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,255%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Mặc dù giảm nhưng lãi suất liên ngân hàng hiện tại vẫn cao gấp đôi lần so với quãng thời gian tháng 3 và đầu tháng 4. Tức thanh khoản hệ thống được cải thiện nhưng cũng không còn được quá dồi dào.
Đáng chú ý, tuần vừa qua cũng đánh dấu việc Ngân hàng Nhà nước bơm ròng tiền trở lại thông qua nghiệp vụ thị trường mở sau gần 4 tháng không phát sinh giao dịch. Song, giá trị bơm ròng của chỉ đạt vỏn vẹn 1,08 tỷ đồng thông qua mua kỳ hạn 7 ngày.
Được biết, tại lần gần nhất nhà điều hành bơm tiền ra thị trường thông qua kênh thị trường mở là tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021. Trong tuần đó, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 11.060 tỷ đồng. Cũng trong tuần trước nhưng tại thị trường 1 (ngân hàng và doanh nghiệp), lãi suất tiền gửi tiếp tục ổn định ở mức 2,9-4%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 3,5-5,3%/năm với kỳ hạn 6-dưới 12 tháng; và 4,6- 6,5%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng nhưng mức độ chênh lệch lãi suất giữa các nhóm ngân hàng đang có xu hướng tăng khi một số ngân hàng thương mại cổ phần tăng nhẹ (0,1 - 0,3 điểm phần trăm) với các khoản tiền gửi khách hàng cá nhân.
Ở một diễn biến liên quan, với bối cảnh tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm, xác suất các ngân hàng thương mại hủy ngang các giao dịch bán kỳ hạn USD đã ký kết vào tháng 1,2/2021 là rất thấp.
"Bởi vậy, trong tháng 7 và 8 tới, một lượng tiền đồng lớn sẽ được bơm ra thị trường, lãi suất sẽ vẫn duy trì ổn định trong ngắn hạn, dự kiến lãi suất sẽ vẫn duy trì ổn định trong ngắn hạn", nhóm nghiên cứu tại SSI nhận định.
Trên thị trường trái phiếu chính phủ, tuần qua, Kho bạc Nhà nước đã gọi thầu 12.5 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ đăng ký và tỷ lệ trúng thầu tiếp tục giảm so với tuần trước, lần lượt là 210% và 70% dù lãi suất trúng thầu nhích tăng 1 bp ở kỳ hạn 10, 15 năm.
Luỹ kế trong 5 tháng đầu năm 2021, Ngân sách Nhà nước đang bội thu 86,3 nghìn tỷ đồng. Lượng phát hành trái phiếu chính phủ tăng mạnh trong tháng 5 nhưng giải ngân đầu tư công còn chậm, ước đạt 102 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2021, bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 26%).
Bởi vậy, áp lực phát hành của Kho bạc Nhà nước không quá lớn. Trong khi đó, tháng 6 là tháng đáo hạn trái phiếu chính phủ nhiều nhất trong năm nay và việc cân đối nguồn tiền đồng từ bán ngoại tệ kỳ hạn trong các tháng tới làm tăng nhu cầu đầu tư trái phiếu chính phủ nên lãi suất trúng thầu vẫn chịu áp lực giảm.
Lợi tức trái phiếu chính phủ vẫn giảm nhẹ trên thứ cấp. Chốt tuần ở mức 1 năm 0,41%; 3 năm 0,87%; 5 năm 1,09%; 10 năm 2,18%; 15 năm 2,46%; 20 năm 2,91%; 30 năm 3,08%. Thanh khoản thị trường giảm, tổng giá trị giao dịch tuần là 50,6 nghìn tỷ đồng – giảm 5,6% so với tuần trước. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 146 tỷ đồng, lũy kế vẫn mua ròng 6,94 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay.
Lạc quan tăng trưởng GDP 2021 của Việt Nam ở mức 6,5-6,7%
chuyên gia kinh tế cấp cao - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) bày tỏ lạc quan: Căn cứ mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021, có thể lạc quan GDP 6 tháng cuối năm 2021 đạt mức tăng trưởng trên 7%, tạo đà cho tăng trưởng GDP cả năm 2021 ở mức trên 6,5%.
“Tại Việt Nam, mặc dù làn sóng thứ tư của dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng đến thời điểm này dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt hơn. Sản xuất trong nước cũng đạt mức tăng trưởng khả quan, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh, hiện đang dần tăng trên 10% và có thể đạt mức 17-18% trong các tháng cuối năm” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đánh giá về những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế gần nửa đầu năm 2021 sẽ tạo đà cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm nay.
“So với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, hoạt động bán lẻ hàng hoá dịch vụ, vốn đầu tư… đều tăng trưởng khá, lạm phát trong tầm kiểm soát” - TS Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, đánh giá.
Theo báo cáo mới công bố của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dự báo tăng trưởng GDP quý II/2021 đạt 7,2%; dự báo tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6,5%.
Sự lạc quan, tin tưởng của các chuyên gia trong nước không phải là thiếu cơ sở, khi hàng loạt tổ chức kinh tế, xã hội trên thế giới cũng tin tưởng vào mức tăng trưởng GDP nêu trên của Việt Nam trong năm 2021.
Mới đây, công bố về triển vọng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) đã đánh giá Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng. WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 6,6% trong năm 2021, dù WB hạ 0,2% so với mức dự báo 6,8% được đưa ra cuối năm 2020 do những ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 mới bùng phát, nhưng WB vẫn khẳng định đây là mức tăng trưởng cao nhất được dự báo cho các nước trong khu vực ASEAN và mức tăng trưởng GDP của Việt Nam nổi lên như điểm sáng kinh tế toàn cầu.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam - ông Andrew Jeffries cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để thực hiện được mục tiêu kép - vừa chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế trong năm 2021. Thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế.
Theo dự báo của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics, bất chấp COVID-19, GDP Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng ở mức 7,6%, cùng với Singapore, kinh tế Việt Nam có tốc độ hồi phục hàng đầu khu vực. Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam 2021 ở mức 6,7%. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên tích cực. Đây là tín hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế năm 2021.
Thực tế sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm (số liệu 6 tháng chưa được tổng hợp-PV) cho thấy, sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục và đạt kết quả tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng tăng 9,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%. Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch tiếp tục được triển khai và phát huy hiệu quả tích cực.
Tích cực “phủ sóng” nguyên tắc vaccine + 5K, đẩy mạnh sản xuất
ICAEW nhận định rằng, dù làn sóng thứ 4 dịch COVIDd-19 đang có ảnh hưởng đến ngành công nghiệp sản xuất và xuất khẩu, tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn sẽ tăng trưởng rất nhanh sau khi các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng và gỡ bỏ.
Giám đốc ADB Việt Nam - ông Andrew Jeffries - cho rằng: Điều quan trọng là Việt Nam vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa đảm bảo tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trưởng thành, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc cho một tương lai kinh tế do khu vực tư nhân dẫn đầu.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đưa ra những lý giải để minh chứng cho khả năng tăng trưởng kinh tế mức 7% của nửa còn lại năm 2021, đó là, nền kinh tế thế giới đang hồi phục tốt, các nước dần mở cửa trở lại.
“Kinh tế của Mỹ, Trung Quốc, EU đang tăng trưởng. Cầu tín dụng thế giới tăng sẽ là cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam. Hiện tại, tăng trưởng Mỹ rất lạc quan. Xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ đang tăng mạnh” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 và các năm tiếp theo, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KHĐT khẩn trương xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trong đó, thực hiện mục tiêu kép vừa “chống dịch như chống giặc” vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, thực hiện nghiêm phương châm “vaccine + 5K” và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ toàn diện, rộng rãi, trong đó vaccine là yếu tố quyết định, do đó cần khẩn trương triển khai nhanh, hiệu quả chiến lược vaccine.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi và dập dịch triệt để; thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân và giữ cho dịch bệnh không lây lan vào các doanh nghiệp, các khu công nghiệp. Đẩy mạnh tiêm chủng và giữ cho dịch không bùng phát là nhân tố quan trọng để tăng trưởng, bởi dịch bệnh bùng phát, thu nhập hạn chế, điều kiện kinh tế giảm sút sẽ là những tác động lâu dài đối với đời sống, hành vi của người tiêu dùng.
Còn theo chuyên gia kinh tế cấp cao Nguyễn Trí Hiếu, để hỗ trợ các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa vốn có sức chống chịu kém hơn, cần phải nhanh chóng thành lập một tổ hợp tín dụng với quy mô trên 300 nghìn tỉ đồng, với sự tham gia của tất cả các ngân hàng để hỗ trợ DN bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19.
Vải thiều - hình mẫu tiêu thụ nông sản mùa dịch?
Năm 2021, lần đầu tiên trái vải thiều được cả 6 sàn thương mại điện tử (TMĐT) là Tiki, Lazada, Sendo, Voso, Postmart và Shopee mở bán từ đầu tháng 6. Trái vải thiều từ vùng trồng đã đến tận tay người tiêu dùng tại nhiều tỉnh/thành trên cả nước cùng nhiều chương trình khuyến mại giảm giá, đẩy nhanh tốc độ giao hàng.
Các chuỗi bán lẻ lớn ngoài tiêu thụ trực tiếp tại siêu thị, cửa hàng tiện ích còn bắt tay với sàn TMĐT để đẩy nhanh hơn việc tiêu thụ vải thiều. Tiêu biểu như cái bắt tay giữa Tiki và và Central Retail. Theo đó khách hàng có thể mua vải thiều Bắc Giang trên Tiki thông qua gian hàng của Big C (GO!) tại TikiNgon.
Tương tự vải thiều Bắc Giang trên Lazada cũng được bán qua gian hàng của Vinmart và FoodMap.
Trước vải thiều Bắc Giang thì vải Thanh Hà - Hải Dương cũng được bán mạnh trên kênh trực tuyến với sự tham gia của Sendo và Lazada. Nhiều người tiêu dùng tỏ ra rất hào hứng với hình thức tiêu thụ nông sản mới này, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay.
Chị Thu Hương (Gò Vấp, TPHCM) cho biết cả hai lần đặt hàng mua vải (một lần là vải Hải Dương, một là vải Bắc Giang) trên sàn TMĐT Sendo đều rất hài lòng, vì giá rẻ và chất lượng vải tươi ngon, đóng gói đẹp, chắc chắn.
Năm nay cũng là lần đầu tiên hơn 40 tấn vải thiều Bắc Giang được Vietnam Airline bố trí riêng máy bay Boeing đưa vào thị trường TPHCM. Đây cũng là năm đầu tiên vải thiều được bán trực tuyến qua sàn TMĐT Alibaba, từ đây, vải thiều Bắc Giang được ra thế giới trên nền tảng số.
Vụ vải năm 2021 đánh dấu nhiều kỷ lục đặc biệt với nông sản này.
Tháng 6 này cũng là lần đầu tiên vải thiều Việt Nam đi Châu Âu theo hiệp định EVFTA. Cụ thể chiều ngày 7-6, lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã được xuất đi Châu Âu theo hiệp định EVFTA. Dự kiến sau vải Hải Dương thì vải thiều Bắc Giang cũng lên đường chinh phục cộng đồng 27 quốc gia khó tính này.
Ngày 12-6 vừa qua, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy suất nguồn gốc itrace247, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phát triển đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không.
Trước đó, ngày 26-5, “lô vải thiều không Covid-19” của Bắc Giang cũng được xuất khẩu sang Nhật Bản với chất lượng vượt trội an toàn, đẹp về màu sắc và ngon về hương thơm. Vải thiều Việt Nam năm nay cũng lần đầu tiên xuất chính ngạch sang Singapore và bán trên tất cả siêu thị. Đây có lẽ cũng là năm đầu tiên thông tin về trái vải thiều ngập tràn trên các phương tiện truyền thông.
Ngoài rất nhiều những lần đầu tiên này, trái vải cũng đang được hỗ trợ mạnh tiêu thụ ở các kênh truyền thống tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tất cả đã giúp cho vải thiều thoát cảnh “giải cứu”, mang đến niềm vui cho bà con nông dân, đặc biệt là nông dân vùng dịch Bắc Giang.
Câu chuyện tiêu thụ trái vải thiều thời gian qua đang khiến nhiều người đặt câu hỏi với nhiều nông sản khác đang và sẽ vào mùa vụ. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, cả nước sẽ có khoảng hơn 4 triệu tấn nông sản cần tìm đầu ra.
Cụ thể như khu vực phía Bắc, sau trái vải sẽ đến nhãn, xoài, chuối, cam… hay khu vực miền Nam là thanh long, bơ, chôm chôm, măng cụt, mít, sầu riêng…
Ngoài trái cây thì nhiều mặt hàng nông sản như khoai, bí, bắp… cũng đang rất cần được hỗ trợ đầu ra.
Đi theo con đường lên sàn như vải được không. Hoàn toàn có thể, nhưng trước hết phải có sự chung tay.
Nhìn lại trái vải, ngay đầu vụ, Cục thương mại điện tử và kinh tế số đã có sự phối hợp rất chặt chẽ cùng các địa phương và các sàn TMĐT trong hành trình đưa vải lên đồng loạt nhiều sàn TMĐT. Thế vẫn chưa đủ, phải có sự tham gia tích cực của người nông dân, các hợp tác xã và các doanh nghiệp, vì đây là phương thức kinh doanh mới đối với nông sản.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.