Thông tin kinh tế, tài chính ngày 21/6/2021: Điểm mặt hàng loạt 'ông lớn' bất động sản nợ thuế 'khủng'
Giá vàng hôm nay 21/6: Giảm giá, nhà đầu tư mua vào chờ thời
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,8 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,82 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng SJC tại TP.HCM, chiều bán ra là 56,80 triệu đồng/lượng.
Theo đó, giá vàng tuần qua giảm 400 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra và ở chiều mua vào. Thị trường không có hiện tượng nhà đầu tư ồ ạt bán vàng.
Đáng chú ý, giá vàng trong nước đã ghi nhận việc tuột khỏi mốc 57 triệu đồng/lượng, sau nhiều ngày giữ giao dịch bán ra trên mốc này từ ngày 31/5.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm tại Mỹ giảm 10,2 USD xuống 1.763,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 7 trên sàn Comex New York giảm 10,9 USD xuống 1.763,6 USD/ounce. Giá vàng thế giới cũng khép lại một tuần với mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
Theo kết quả khảo sát giá vàng của Kitco News, trong khi vẫn còn một số tâm lý lạc quan trên thị trường, một số nhà phân tích cho rằng có thể sẽ phải mất một thời gian để vàng vượt qua áp lực bán tháo hiện tại.
Trong số các nhà phân tích Phố Wall đã tham gia cuộc khảo sát vàng của Kitco News, có tới 56% nhận định giá giảm trong tuần từ 21 - 25/6; 22% dự đoán giá tăng và 22% còn lại cho rằng thị trường sẽ đi ngang.
Theo nhà phân tích thị trường Edward Moya tại Oanda, sau khi đi lên, giá kim loại quý này quay trở lại các mức thấp, do Chủ tịch chi nhánh Fed tại St. Louis, James Bullard nhận định ngân hàng này sẽ nâng lãi suất trong năm 2022.
Colin Cieszynski, giám đốc chiến lược thị trường tại SIA Wealth Management, cho biết mặc dù sự sụt giảm của giá vàng là đáng kể, nhưng đây không phải là điều đáng ngạc nhiên. Về mặt kỹ thuật, vàng đã được mua quá mức trước cuộc họp của Fed trong khi đồng đô la Mỹ thì ngược lại.
Christopher Vecchio, chiến lược gia thị trường cấp cao của DailyFX.com, không kỳ vọng giá sẽ quay trở lại mức cao kỷ lục vào cuối năm. Ông cho rằng, điều này không có nghĩa là vàng sẽ giảm giá và giữ quan điểm trung lập với vàng trong ngắn hạn và sẽ chờ đợi thị trường ổn định trước khi bắt đầu mua trở lại.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho rằng với kế hoạch này của Fed, giá vàng có thẻ sẽ giảm thêm nữa, về khoảng 1.830 USD/ounce.
Mặc dù dự đoán giá vàng sẽ giảm trong thời gian tới nhưng giới phân tích phố Wall lại coi biến động giá ở hiện tại chỉ là áp lực bán trong ngắn hạn và thị trường vẫn có thể phục hồi trở lại. Phillip Streible, chiến lược gia đầu tư tại Blue Line Futures cho biết: “Chúng tôi đã chờ đợi sự điều chỉnh này và chúng tôi đang dần bắt đầu mua vào”.
Chứng khoán: Thị trường có nhiều cơ hội tiến lên đỉnh mới
Theo Công ty chứng khoán SHS, trong tuần giao dịch mới 21-25.6, thị trường có thể sẽ hướng đến ngưỡng kháng cự quanh 1.400 điểm nếu như diễn biến trong phiên 21.6 là thực sự tốt. Nhà đầu tư đã bán ra cổ phiếu trong tuần qua được khuyến nghị nên hạn chế mua đuổi ở thời điểm hiện tại và chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để tham gia trở lại.
Đối với những nhà đầu tư đang có tỉ trọng cổ phiếu lớn cũng nên hạn chế mua thêm mà nên tận dụng những nhịp tăng điểm trong tuần tới để chốt lời dần các cổ phiếu đã đạt mục tiêu.
Cũng theo SHS, đà tăng của chỉ số vượt qua ngưỡng 1.375 điểm trong phiên ngày 18.6 là chưa dứt khoát và thanh khoản có sự suy giảm do vậy vẫn cần quan sát thêm diễn biến trong phiên ngày 21.6 để đánh giá về xu hướng của VN-Index.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán Đông Á (DAS) lại dự báo rằng, thị trường hiện tại có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục tăng vượt đỉnh. Nhóm cổ phiếu trụ tiếp tục hồi phục, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa tầm trung (Midcaps) tăng trưởng sẽ tạo sự sôi động cho thị trường. Nhà đầu tư có thể giải ngân theo xu hướng, nắm giữ các cổ phiếu đầu ngành, có kì vọng kết quả kinh doanh quý 2/2021 tăng trưởng tốt.
Với sự kết thúc nhịp điều chỉnh của nhóm cổ phiếu trụ, niềm tin về sự quay lại xu hướng tăng của VN-Index được củng cố, nhà đầu tư mạnh dạn mua vào trong những phiên sắp tới. Tâm điểm của thị trường vẫn là những mã có vốn hóa vừa nhưng có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong quí 1 và dự kiến tiếp tục trăng trưởng trong quí 2 sắp ra báo cáo kết quả kinh doanh.
Với Công ty chứng khoán MB (MBS), nhận định về mặt kĩ thuật được đưa ra là thị trường có thể bước vào sóng tăng mới sau khi vượt thành công đỉnh cũ để hướng đến mục tiêu ngắn hạn đến vùng 1.420-1.450 điểm.
Không giống với những nhận định và dự báo ở trên, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục phân hóa và xuất hiện các phiên tăng giảm đan xen trong tuần giao dịch mới. Điểm tích cực là dòng tiền phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và có dấu hiệu gia tăng cho thấy vẫn chưa có dấu hiệu rút khỏi thị trường mà chủ yếu dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu.
YSVN khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn chú ý vào xu hướng ở từng cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội ngắn hạn và tăng tỉ trọng cổ phiếu, nhưng chưa nên sử dụng đòn bẩy cao về tài chính ở giai đoạn hiện tại do sự phân hóa vẫn đang diễn ra.
Dự báo từ Công ty chứng khoán Asean (Aseansc), trong phiên giao dịch đầu tuần mới, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ tiếp tục luân phiên tăng giá, tạo lực kéo cho VN-Index tiến lên các tầm cao mới.
Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index được dự báo ở mức 1.380 – 1.390 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.400 – 1.410 điểm. Đây được xem là các vùng cản có thể sẽ khiến chỉ số gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh khi tiếp cận.
Theo Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS), xu hướng tăng của thị trường đang tiếp diễn, cho thấy đà tăng đang mạnh dần lên, chỉ số có thể tiếp tục đi lên thử thách ngưỡng kháng cự tâm lí 1.400 điểm trong những phiên tới. Nhà đầu tư nên cân nhắc tận dụng các phiên rung lắc kĩ thuật để tái cơ cấu danh mục vào các cổ phiếu có cơ bản tốt và được dòng tiền mạnh hướng tới.
Doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu danh sách nợ thuế 'khủng' ở TPHCM
Cục Thuế TPHCM vừa công bố danh sách nợ thuế đợt 2/2021 với tổng số nợ hơn 3.700 tỷ đồng. Đáng chú ý, đứng đầu danh sách nợ lần này là các doanh nghiệp bất động sản.
Cụ thể, Công ty CP Đức Khải nợ 462 tỷ đồng, Công ty CP Cảng Phú Định nợ 249 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Phát triển Sài Gòn nợ 532 tỷ đồng.
Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Star Beach, đơn vị phát triển dự án King Bay tại Đồng Nai đang nợ thuế số tiền 44,2 tỷ đồng.
Doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu danh sách nợ thuế 'khủng' ở TPHCM
Kế đến là Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Sản xuất Xây dựng Đông Mê kông nợ 70 tỷ đồng, Công ty CP Kỹ thuật Xây dựng và Vật liệu xây dựng nợ 70,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Metro Star nợ 50,3 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ nợ 44,6 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Star Beach nợ 44,2 tỷ đồng, Công ty Bất động sản Đông Dương nợ 23,1 tỷ đồng…
Ngoài ra, trong danh sách nợ thuế đợt 2/2021 còn có nhiều công ty bất động sản khác như Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Băng Dương, Công ty Bất động sản Thành Ngân, Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Điện Lực, Công ty Địa ốc Sài Gòn Gia Định, Công ty Đầu tư và Xây dựng An Thịnh…
Theo Cục Thuế TPHCM, có tổng cộng 103 doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn TPHCM, với tổng tiền nợ hơn 3.700 tỷ đồng. Trong đó, nợ trên 200 tỷ đồng có 4 doanh nghiệp, nợ từ 100 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng có 3 doanh nghiệp, từ 50 tỷ đồng đến 70 tỷ đồng có 7 doanh nghiệp, từ 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng có 52 doanh nghiệp và số còn lại nợ từ 1 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng…
Trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng nợ thuế trên toàn địa bàn TPHCM đã tăng thêm 60,58%, tương ứng tăng 14.654 tỷ đồng lên 38.843 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, Cục Thuế TPHCM đã ban hành 30.923 quyết định cưỡng chế nợ thuế với số tiền tương ứng 26.569 tỷ đồng và đã thu hồi được 3.311 tỷ đồng nợ thuế của năm 2020 chuyển sang.
Ngân hàng bán cả nông trường, trung tâm tiệc cưới để thu hồi nợ
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang rao bán hàng loạt tài sản bảo đảm cho khoản nợ của nhiều doanh nghiệp khác nhau, trong đó không ít tài sản được rao bán nhiều lần vẫn chưa xử lý xong.
Như BIDV vừa thông báo bán đấu giá tài sản là khoản nợ của Công ty CP Kiến trúc và xây dựng Archplus ở Hà Nội. Tài sản đấu giá là khoản nợ phát sinh từ đầu tư trái phiếu của công ty Archplus gồm toàn bộ dư nợ gốc và lãi, phí phạt đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ.
Tổng dư nợ tạm tính tới tháng 4-2021 là gần 500 tỉ đồng, với tài sản bảo đảm gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích hơn 1.431 mét vuông ở Hà Nội; 3 triệu cổ phần của ông Trương Việt Bình tại Công ty CP Thời trang NEM; bảo lãnh thanh toán của Công ty CP Thời trang NEM.
Ông Trương Việt Bình cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty Archplus.
Trung tâm hội nghị tiệc cưới, khách sạn 4 sao ở quận 7, TP.HCM được BIDV rao bán.
Giá khởi điểm của khoản nợ là hơn 326 tỉ đồng. Như vậy, mức giá khởi điểm của khoản nợ được BIDV rao bán đã giảm khá mạnh so với mức 500 tỉ đồng ở lần đầu tiên cách đây 2 tháng.
Một khoản nợ ngàn tỉ đồng cũng vừa được BIDV chi nhánh Phú Tài rao bán đấu giá là của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy. Khoản nợ này có tổng dư nợ trên 1.035 tỉ đồng, gồm nợ gốc và lãi vay, với nhiều tài sản bảo đảm từ trung tâm tiệc cưới, máy móc thiết bị, ôtô các loại…
Trong số này có quyền sử dụng đất và công trình trên đất ở đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7, T.HCM là trung tâm hội nghị tiệc cưới, nhà hàng khách sạn Crystal Palace. Công trình tiệc cưới này có quy mô 2 tầng hầm, 8 tầng nổi và sân thượng; diện tích sàn xây dựng lên tới 15.741 mét vuông. Giá khởi điểm của khoản nợ này là 1.035 tỉ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Nông trường Sông Hậu TP. Cần Thơ tại Agribank chi nhánh TP. Cần Thơ.
Giá trị ghi sổ khoản nợ của Nông trường Sông Hậu TP. Cần Thơ tạm tính đến tháng 3-2021 là 348 tỉ đồng, trong đó hơn 96 tỉ đồng dư nợ gốc.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm các hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp tài sản giữa Nông trường Sông Hậu và Agribank,... Toàn bộ khoản nợ được đấu giá theo nguyên trạng, phương thức có sao bán vậy với giá khởi điểm hơn 228 tỉ đồng.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng vừa thông báo phát mại toàn bộ nhà máy và hệ thống máy móc thiết bị, phương tiện vận tải phục vụ sản xuất bao bì xuất khẩu của Công ty TNHH Chế phẩm nhựa Minh Tường Việt Nam.
Tài sản phát mại gồm toàn bộ tài sản gắn liền với đất từ nhà ở văn phòng, nhà ăn công nhân, nhà xưởng sản xuất, đến hệ thống máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, phương tiện vận tải… Giá phát mại theo thỏa thuận.
Doanh nghiệp du lịch cả nước đứng trước nguy cơ phá sản
Sau thời gian cố gắng cầm cố, thanh lý để trả nợ ngân hàng, nhiều doanh nghiệp mảng lữ hành, du lịch cũng đang tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ để có thể tồn tại và giữ chân đội ngũ lao động nòng cốt. Nhiều doanh nghiệp muốn chuyển lĩnh vực kinh doanh nhưng đã cạn vốn. Khó chồng khó khi phần lớn số doanh nghiệp này đều đã có khoản nợ với ngân hàng, gần như mất khả năng chi trả trong giai đoạn hiện tại.
Ngày 14/6, đại diện Chi hội tàu du lịch Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết các doanh nghiệp sở hữu hơn 500 tàu du lịch của tỉnh này đã gửi đơn tới Thủ tướng Phạm Minh Chính. "Doanh nghiệp không còn cách nào khác phải kêu gọi sự giúp đỡ từ Nhà nước, xin Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ, cứu giúp các doanh nghiệp khỏi bờ vực phá sản vì dịch bệnh Covid-19 này”, Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết.
Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết hơn một năm qua, phần lớn 500 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long phải nằm bờ vì đói khách, ảnh hưởng đến thu nhập của hàng nghìn người lao động. Không những vậy, hàng tháng các chủ tàu vẫn phải trả các chi phí khác như tiền lương, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là tiền vay ngân hàng. Hiện vốn vay chiếm đến 70% vốn đầu tư cho các dự án.
Phần lớn tàu du lịch trên vịnh Hạ Long phải nằm bờ vì đói khách, ảnh hưởng đến thu nhập của hàng nghìn người lao động.
Theo đó, đại diện các doanh nghiệp đưa ra nhiều phương án xin hỗ trợ tài chính, như: Giãn tiến độ trả nợ gốc và lãi vay đối với các dự án vay đóng tàu du lịch. Thời gian đề xuất giãn từ 10 - 15 năm kể từ ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc Thủ tướng công bố hết dịch.
Đồng thời, Chi hội tàu Du lịch Hạ Long cũng đề xuất được hỗ trợ cho vay vốn lưu động đối với các doanh nghiệp bởi sau thời gian chống dịch, các doanh nghiệp đều lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt. Một khoản vốn lưu động thực sự có ý nghĩa giúp doanh nghiệp khởi động lại hoạt động kinh doanh thuận lợi.
Cũng đối mặt với những khó khăn tương tự, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tp.HCM cho biết: "Ngành du lịch vốn lao đao, chưa thể phục hồi nay đang bị tê liệt hoàn toàn, một số doanh nghiệp đã phá sản. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay, cùng với việc chưa xác định được thời gian đón khách quốc tế trở lại nên khó khăn sẽ kéo dài".
Trước tình hình đó, ngày 15/6, Hiệp hội Du lịch Tp.HCM đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND Tp.HCM và các đơn vị liên quan kiến nghị mở rộng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch Covid-19.
Theo Hiệp hội Du lịch thành phố, Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 về cơ cấu lại thời hạn trả, miễn, giảm lãi, phí…, quy định các doanh nghiệp được ngân hàng thương mại xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ thêm 12 tháng nhưng thực tế các doanh nghiệp du lịch rất khó khăn trong thanh toán các khoản nợ, trong khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát vẫn đang diễn biến rất phức tạp.
Hiệp hội Du lịch thành phố kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND Tp.HCM và các đơn vị liên quan nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho lĩnh vực du lịch. Cụ thể, kiến nghị giảm lãi suất vay đang áp dụng; không áp dụng chuyển nhóm nợ; ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ…Là một thành phố có thế mạnh về du lịch, các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng cũng đã chuẩn bị tâm thế khi mà dịch bệnh tái bùng phát trở lại. Tuy nhiên, dịch bệnh xuất hiện đúng vào mùa cao điểm du lịch khiến nhiều doanh nghiệp vốn đã gặp khó vì những thiệt hại trong năm 2020, giờ tiếp tục thêm khó khăn.“Du lịch tại thành phố Đà Nẵng hiện gần như không hoạt động. Chưa lúc nào, nguy cơ đổ bể kinh doanh, mất trắng cơ hội làm ăn lại đe dọa trực tiếp các doanh nghiệp du lịch của Đà Nẵng như hiện nay khi mọi điều kiện kết nối trong ngoài, mọi tích lũy vốn có, mọi khả năng huy động của họ đều đã cạn kiệt,” ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết.
Nhiều khu nghỉ dưỡng vay vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa kịp thu hồi thì đã tạm thời phải đóng cửa.
Hiệp hội Du lịch Tp.Đà Nẵng đã đề xuất nhiều giải pháp với thành phố để hỗ trợ người lao động ngành du lịch trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19 như: triển khai những gói cứu trợ mới dễ tiếp cận cho người lao động; giải cứu doanh nghiệp bằng các chính sách tài chính như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay; có chính sách khuyến khích thị trường khi dịch bệnh được kiểm soát và du lịch được phục hồi...Theo ông Cao Trí Dũng, để xoay chuyển tình hình, dĩ nhiên các doanh nghiệp đang cố gắng tìm cách tự cứu, nhưng việc thực thi ngay các giải pháp để giảm tải, giảm áp lực cho doanh nghiệp đang trong tình cảnh sợi mành treo chuông hiện nay là vô cùng cần thiết. "Không kịp hỗ trợ hoặc hỗ trợ không đến nơi đến chốn đều sẽ khiến cả hệ thống đổ vỡ ngay,” ông Dũng nhấn mạnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.