Thông tin kinh tế, tài chính ngày 7/7/2021: Thời điểm lựa chọn tăng lãi suất của các ngân hàng

2021-07-07 09:23:55 0 Bình luận
Thời điểm lựa chọn tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương. Xuất hiện "tay chơi mới" trong top 10 môi giới sàn HOSE quý 2/2021, Thị trường “bốc hơi” hơn 56 điểm. Quả bóng bất động sản đang bị nén chặt, sẵn sàng bật dậy vào cuối năm

Giá vàng hôm nay 7/7: Tăng nhanh, vượt ngưỡng cản tâm lý

*Giá vàng trong nước

Tính tới 8h30 sáng 7/7, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết cho khu vực Hà Nội ở mức: 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,35 triệu đồng/lượng (bán ra).

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC áp dụng cho khu vực Hà Nội ở mức 56,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,42 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tại Sài Gòn, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,30 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,43 triệu đồng/lượng (bán ra).

Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 6/7 đa số các cửa hàng vàng tại Hà Nội tăng giá vàng 9999 ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.

Kết thúc phiên giao dịch 6/7, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC khu vực Hà Nội ở mức: 56,78 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,37 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 56,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,42 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tại Sài Gòn, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,30 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,38 triệu đồng/lượng (bán ra).

*Giá vàng thế giới

Tới 8h30 sáng 7/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.800 USD/ounce.

Đêm 6/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.810 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.807 USD/ounce.

Giá vàng thế giới đêm 6/7 thấp hơn khoảng 4,5% (85 USD/ounce) so với cuối năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 51,3 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 6,1 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 6/7.

Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng khá mạnh và vượt ngưỡng cản tâm lý 1.800 USD/ounce bất chấp đồng USD mạnh lên. Vàng tăng theo giá dầu khi mặt hàng này lên mức cao nhất 6 năm rưỡi.

Thị trường chứng khoán thế giới biến động trái chiều. Các chỉ số chứng khoán Mỹ có xu hướng giảm sau khi S&P và Nasdaq trước đó lênh đỉnh cao lịch sử. Ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới có xu hướng giữ chính sách tiền tệ nới lỏng lâu hơn sau khi các số liệu kinh tế được công bố không mấy sáng sủa.

Vàng tăng còn do mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu tăng mạnh lên mức cao nhất trong 6 năm rưỡi. Giá dầu thô tăng cũng đang thúc đẩy hoạt động mua vàng miếng của các nhà xuất khẩu dầu. Xu hướng các nước xuất khẩu dầu tăng cường mua vàng sẽ còn tiếp diễn.

*Dự báo giá vàng

Gần đây, ngân hàng trung ương nhiều nước đang xem xét việc đa dạng hóa tài sản dự trữ và vàng vẫn là một lựa chọn hàng dầu để giảm sự tập trung vào đồng USD mà không cần phải đau đầu lựa chọn những loại tiền tệ khác.

Trên thực tế, các ngân hàng trung ương (NHTW) của Serbia, Thái Lan, Kazakhstan , Ấn Độ… đã tăng cường nắm giữ vàng. Mới đây, NHTW Ghana cũng công bố kế hoạch mua vàng nhằm đối phó với mối đe doạ lạm phát tăng nhanh và đa dạng hoá lượng dự trữ.

Nhiều tổ chức dự báo, vàng có thể lên ngưỡng 1.900 USD/ounce trong 6 tháng tới.

Xuất hiện "tay chơi mới" trong top 10 môi giới sàn HOSE quý 2/2021, Thị trường “bốc hơi” hơn 56 điểm

Phiên giao dịch 6/7 khép lại với áp lực bán tăng mạnh trên toàn thị trường. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 56,34 điểm (3,99%) xuống 1.354,79 điểm; HNX-Index giảm 2,82% xuống 318,51 điểm và UPCom-Index giảm 1,55% xuống 89,07 điểm.

Về giao dịch khối ngoại, họ có phiên mua ròng nhẹ 26,23 tỷ đồng. Trong đó, VHM là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất với giá trị 86,4 tỷ đồng, xếp tiếp theo lần lượt là VCB (76 tỷ đồng), MBB (61,7 tỷ đồng)…

Trên HoSE, khối ngoại có phiên mua ròng nhẹ với giá trị 46,68 tỷ đồng.

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) mới đây đã công bố thị phần giá trị giao dịch môi giới quý 2 và 6 tháng đầu năm năm 2021 của 10 công ty chứng khoán hàng đầu. Hiện, top 10 công ty chứng khoán chiếm 65,04% giá trị thị phần.

Theo đó, trong quý 2, với thị phần 16,4%, tăng hơn 3 điểm % so với quý trước, Chứng khoán VPS tiếp tục dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm trên sàn HOSE. SSI đứng ở vị trí thứ 2 với thị phần 10,97%; Chứng khoán HSC vị trí thứ 3 với thị phần 7,05%, Chứng khoán VNDirect thứ tư thị phần 6,92%.

Đáng lưu ý, Chứng khoán KIS Việt Nam đã lọt vào top 10 thị phần, đạt thị phần môi giới cổ phiếu 2,79%. Trong khi đó, chứng khoán BSC chính thức bị loại khỏi top 10 thị phần.

Top 10 công ty chứng khoán thị phần lớn trong quý 2/2021.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, VPS vẫn xếp vị trí đầu bảng với thị phần nắm giữ 15,12%; SSI thứ hai với 11,34%;  HSC vị trí thứ 3 với 7,52%.

Trong khi đó, dù lọt top 10 công ty chứng khoán thị phần lớn nhất trong quý 2, song Chứng khoán KIS không thể lọt top 10 của 6 tháng đầu năm do thị phần quý liền kề trước đó không đủ điều kiện. Còn Chứng khoán BSC vẫn ở vị trí cuối của top 10 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất HOSE, tương ứng với 2,93%.

Quả bóng bất động sản đang bị nén chặt, sẵn sàng bật dậy vào cuối năm

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay như quả bóng bị nén chặt, dù bị nén xuống nhưng sẽ luôn bật mạnh mẽ trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Theo ông Quốc Anh, quan sát diễn biến thị trường suốt 1 năm qua cho thấy sức mua bất động sản tăng nhanh và mạnh, lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường ngày càng nhiều. Bất động sản như quả bóng được nén chặt, dù bị nén xuống cũng sẽ luôn bật mạnh trở lại.

"Minh chứng rõ nhất là trong 3 đợt dịch vừa qua ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, sức mua thị trường tăng chóng mặt, nhu cầu tìm kiếm nhà đất, nhất là đất thổ cư và đất nền tăng cao chưa từng có", ông Quốc Anh nhận định. Ông Quốc Anh cho biết nhìn vào đồ thị mô phỏng diễn biến sự quan tâm của nhà đầu tư đến thị trường bất động sản có thể thấy nếu dịch Covid-19 là một đường thẳng thì sự quan tâm của nhà đầu tư luôn bám sát đường thẳng này dù có những lần trồi sụt mạnh mẽ.

Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2021, sức mua bất động sản trên cả nước đã tăng 37% so với cùng kỳ 2020, thậm chí lượng quan tâm tìm kiếm còn cao vượt giai đoạn thị trường đạt đỉnh năm 2018 - 2019 khi ghi nhận mức tăng đến 378%.Theo ông Quốc Anh, biểu đồ sự quan tâm của nhà đầu tư chỉ rõ sự quan tâm của bất động sản trong mỗi đợt dịch ghi nhận tốc độ giảm thấp dần. Và đến đợt dịch thứ 4 đường biểu đồ quan tâm đi ngang, không xuất hiện những điểm gãy sóng như các đợt bùng nổ covid-19 trước đó. Điều này có thể thấy rõ, tâm lý thị trường đã vững hơn trước những thông tin dịch bệnh bùng phát. Nhận định về việc giá bất động sản những tháng cuối năm liệu có sốt nóng, phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong bối cảnh bất động sản vẫn là kênh đầu tư đặc biệt hấp dẫn thì nhu cầu chỉ bị nén lại tạm thời và sẽ bật ra mạnh mẽ khi đủ điều kiện.

Thời điểm lựa chọn tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương

Theo thông tấn xã Việt Nam thì Các ngân hàng trung ương toàn cầu hiện đang bước vào một giai đoạn mới, với quan điểm "lưỡng lự" trong hành động tiếp tục giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp chưa từng có hay điều chỉnh tăng lãi suất.

Hai tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khẳng định lập trường chính sách tiền tệ bằng tuyên bố sẽ tăng lãi suất vào đầu năm 2023. Ngân hàng Trung ương Czech và Ngân hàng trung ương Hungary thậm chí đã tăng lãi suất, còn Ngân hàng Trung ương Na Uy cũng dự kiến bắt đầu nâng lãi suất từ tháng 9/2021. Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Quốc gia Australia (RBA, ngân hàng trung ương), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Anh (BoA), và một số ngân hàng trung ương khác đang thể hiện thái độ “trung dung” hơn, với tuyên bố chưa xem xét nâng lãi suất ít nhất tới năm 2024. Trong bài viết đăng tải trên tờ Australian Financial Review, nhà báo chuyên về kinh tế Hans van Leeuwen nhận định các ngân hàng lớn nhất thế giới đang cố chống chọi với xu hướng lạm phát thấp bằng lựa chọn gắn bó cùng chính sách tiền tệ nới lỏng trong một quãng thời gian dài hơn.

* Châu Âu chứng kiến sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ

Tại châu Âu, sau hơn một năm kinh tế “khốn khó” vì dịch COVID-19, các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi. Chỉ số môi trường kinh doanh (Ifo) của Đức trong quý I/2021 cho thấy niềm tin kinh doanh đã trở lại mức cao chưa từng thấy kể từ trước đại dịch.

Trên toàn nước Pháp, chỉ số INSEE tương đương cũng ở mức cao sau đại dịch, nhờ các ngành dịch vụ bắt đầu khởi sắc trở lại và lĩnh vực sản xuất ghi nhận dấu hiệu tích cực.

Nền kinh tế EU đang hưởng lợi từ việc các hộ gia đình tăng chi tiêu, nhờ khoản tiền tiết kiệm tích lũy được trong quãng thời gian các hoạt động du lịch, giải trí bị hạn chế do đại dịch.

Chuyên gia của Oxford Economics dự đoán các công ty trên khắp Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã có thể bước vào giai đoạn phục hồi, nhờ nhận được sự hỗ trợ “hào phóng” của chính phủ và mức tín dụng rẻ chưa từng có.

Nguồn hỗ trợ kịp thời từ ngân sách quốc gia đã góp phần kiềm chế nguy cơ gia tăng các công ty "xác sống" (zombie) trên khắp Lục địa Già. Sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ đã khiến tổ chức S&P mới đây nâng dự báo tăng trưởng tại khu vực Eurozone lên mức 4,4% trong năm nay và 4,5% trong năm tới.

Tuy nhiên, triển vọng tích cực này vẫn chưa đủ để ECB thay đổi quan điểm, ngay cả khi nhu cầu và nguồn cung tăng cao, khiến lạm phát gần đạt mức mục tiêu 2%.

Hầu hết các nhà quản lý của ECB đều nhất trí rằng lãi suất sẽ không bắt đầu tăng cho tới năm 2024 và ECB có thể dành một vài tháng chuẩn bị cho việc thu hẹp các chương trình nới lỏng định lượng, trước khi chính thức tăng lãi suất.

Không giống như Trung Quốc, Australia và Mỹ, khủng hoảng kinh tế tại châu Âu do dịch COVID-19 sẽ còn ảnh hưởng thêm một thời gian nữa, trước khi châu lục này phục hồi về mức sản lượng trước đại dịch.

Nhà kinh tế trưởng Andrew Kenningham của Capital Economics nhận định: “So với Mỹ, chính sách kích thích của Eurozone có quy mô nhỏ hơn, với điểm khởi đầu cho lạm phát thấp, kỳ vọng lạm phát cũng thấp hơn”.

Ông Kenningham cũng đang theo dõi bản đánh giá toàn cảnh về chiến lược chính sách tiền tệ của ECB, do các thành viên hội đồng quản trị thiết lập tại cuộc họp hồi tháng Sáu.

Ông Kenningham nói thêm, điều này có khả năng chuyển mục tiêu lạm phát của Frankfurt lên mức 2%, từ mức thiết lập lâu nay là “thấp hơn nhưng gần bằng” mốc đó. Đây sẽ là yếu tố làm giảm bớt bất kỳ áp lực nào đòi hỏi phải tăng lãi suất lên cao hơn mức hiện tại.

Vì ECB nhận thấy rằng lạm phát có thể đạt mức cao nhất là 1,7% vào năm 2023, do đó chính sách tiền tệ thắt chặt của ECB có vẻ sẽ xảy ra muộn hơn so với phía bên kia Đại Tây Dương.

* Niềm tin “xán lạn” của BoE

Trong khi đó, tại Anh, sự phục hồi cũng đang diễn ra nhờ tiến trình triển khai tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19, giúp gỡ bỏ các lệnh phong tỏa và khôi phục hoạt động kinh tế. Tuần trước, BoE thừa nhận ngân hàng trung ương đã quá thận trọng về sự phục hồi và dự kiến GDP quý II sẽ cao hơn khoảng 1,5 điểm phần trăm so với quý trước đó, đạt mức 5,75%.

S&P dự đoán tăng trưởng kinh tế của Anh có thể đạt 7% trong năm nay, cao hơn so với dự báo trước đó là 4,3%. Dự báo này phù hợp với nhận định của BoE nhưng có khả năng BoE vẫn sẽ điều chỉnh lại dự báo của mình cao hơn nữa vào báo cáo tháng 8/2021.

Lạm phát của Anh có thể vượt 2%, thậm chí có thể tăng lên 3%. Tuy nhiên, BoE cho rằng sự tăng đột biến đó chỉ là tạm thời, được thúc đẩy bởi sự gián đoạn nguồn cung và tốc độ phục hồi kinh tế nhanh. Lạm phát dự đoán sẽ ổn định trở lại trong khoảng thời gian 2-3 năm.

Giống như ECB, khuynh hướng của BoE là “theo sát rủi ro hạ giá” và tránh thắt chặt chính sách tiền tệ quá sớm. Sau cuộc họp vào cuối tháng Sáu, nhà kinh tế trưởng theo trường phái chống lạm phát Andy Haldane của Ủy ban chính sách tiền tệ Anh (MPC) đã phản đối ý kiến của 9 thành viên trong Ủy ban, để đơn phương bắt đầu hành động thu hẹp mục tiêu mua trái phiếu trị giá 875 tỷ bảng Anh.

Có một số dự đoán về khả năng Anh sẽ tăng lãi suất vào giữa năm 2022, nhưng vào cuối cuộc bỏ phiếu vào tuần trước, Hội đồng quản trị BoE có vẻ như vẫn quyết định sẽ tăng lãi suất chậm hơn Fed.

* Tiền lương và việc làm

Câu hỏi lớn đặt ra là điều gì sẽ xảy ra với tiền lương và thị trường lao động. Một mặt, khủng hoảng dịch bệnh có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao, nhưng mặt khác, sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) đã khiến các thành phố lớn của EU mất đi một lượng lao động giá rẻ, làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, quán cà phê và khách sạn. Điều này có thể gây ra sức ép lớn một khi nền kinh tế các nước mở cửa trở lại hoàn toàn.

Lương cơ bản có thể sẽ tăng lên, một tín hiệu cho việc nâng lãi suất cao hơn, nhưng một số chuyên gia cho rằng lương tăng có thể dẫn tới việc lĩnh vực dịch vụ cắt giảm nhân công và vì vậy các hoạt động kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

Tại Australia, trong bối cảnh quốc gia Nam Thái Bình Dương đang trải qua một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra, chưa thể kết luận được rằng liệu trong thời gian tới RBA có quyết định thay đổi hành động ngược lại với Fed hay không.

Sẵn sàng cung ứng hàng hóa theo cấp độ diễn biến của dịch COVID-19

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tại các hệ thống phân phối lớn, việc chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch COVID-19 với lượng hàng hóa tăng mạnh.

Đặc biệt, nhằm đảm bảo hàng hóa cho người dân, kể cả khu vực đang có dịch, Bộ Công Thương đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo Sở Công Thương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng các phương án ứng phó để sẵn sàng cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường theo các cấp độ diễn biến của dịch COVID-19.

Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; đề nghị các doanh nghiệp phân phối cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối, nhất là tại địa phương có dịch bệnh.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp phân phối lớn để nắm thông tin nguồn cung hàng hóa trong hệ thống các siêu thị nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu.

Nhờ đó, tại các hệ thống phân phối lớn như chuỗi siêu thị Co.op Mart, Co.op Food, Co.op Extra, VinMart, Hapro Mart, Intimex, Big C; Go!, Bách Hóa Xanh…nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch với lượng hàng hóa tăng từ 150-500% so với bình thường, hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng lên của người dân.

Hơn nữa, hệ thống phân phối cũng đã sớm làm việc với các địa phương sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn để xây dựng kế hoạch, phương án chế biến, dự trữ, vận chuyển, lưu thông tiêu thụ nông sản trong hệ thống, phấn đấu tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh từ hai lần trở lên so với năm trước.

Do đó, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các địa phương, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án bảo đảm cung - cầu hàng hóa, lưu thông, tiêu thụ nông sản ứng phó với các mức độ của dịch COVID-19.

Vì vậy, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, thị trường không có hiện tượng tăng giá đột biến, việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, không có hiện tượng ùn ứ nông sản như giai đoạn trước.

Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,55%.

Các chuyên gia thương mại cho biết, tuy dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã thường xuyên liên hệ với các địa phương để tổng hợp và cập nhật tình hình bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu.

Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường; tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Đáng lưu ý, trước khó khăn trong tiêu thụ nông sản trong vùng dịch, Bộ Công Thương đã kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường.

Đồng thời tiếp tục bám sát, hướng dẫn địa phương để có phương án hỗ trợ kịp thời, hạn chế tồn ứ nông sản, đảm bảo lưu thông thông suốt, nông sản không bị ách tắc do khâu lưu thông.

Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại cũng chỉ ra rằng, dù có đầy đủ các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành và địa phương nhưng do vào chính vụ thu hoạch nông sản nên việc lưu thông tiêu thụ hàng hóa theo phản ánh của một số doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn hơn so với thời điểm không có dịch COVID-19.

Vì vậy, việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể hoặc chậm vận chuyển nông sản ra vào vùng có dịch đi tiêu thụ vì quy định phòng, chống dịch tại nhiều địa phương.

Để việc lưu thông, tiêu thụ nông sản kịp thời hiệu quả, Bộ Công Thương đã thành lập bộ phận thường trực gồm đại diện Vụ Thị trường trong nước và đại diện Phòng Quản lý Thương mại của 63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nhằm theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn với các địa phương thông qua Sở Công Thương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường; tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương các địa phương để theo dõi sát diễn biến thị trường, có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị hướng xử lý các bất ổn, nhất là một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu và điều phối giữa các địa phương khi cần thiết.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Đại hội MTTQ thành phố Hạ Long: Đoàn kết, kỷ cương, dân chủ, đổi mới, phát triển

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) thành phố Hạ Long lần thứ XX, nhiệm kỳ 2024 - 2029 được tổ chức trong 2 ngày 19 và 20/4 đã thành công tốt đẹp. Đây là đại hội MTTQ Việt Nam cấp huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh với khát vọng: Xây dựng thành phố Hạ Long kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.
2024-04-20 19:27:03

Quảng Ninh: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh

Sau một ngày (19/4) làm việc khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ninh khóa XIV nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 18 theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định pháp luật hiện hành.
2024-04-20 13:28:10

Hải Phòng tổ chức thi kể chuyện theo sách

Đây là hoạt động thường niên và là năm thứ 10 TP.Hải Phòng tổ chức, hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định sách và văn hóa đọc mãi trường tồn.
2024-04-20 09:09:26

Hải Phòng tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên và thân nhân

Sáng 19/4, TP.Hải Phòng tổ chức buổi gặp mặt thân nhân liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
2024-04-20 08:25:46

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Cựu chiến binh xã Quảng Hải tổ chức nhiều mô hình phát triển kinh tế

Chiều 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 16:20:00
Đang tải...