Thu thuế bất động sản “lợi bất cập hại”?
Theo đó, trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội vừa được UBND TPHCM gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TPHCM đã bổ sung và làm rõ cho đề xuất thu thuế bất động sản thứ 2. Cụ thể là UBND TPHCM đưa ra 2 phương án để lựa chọn và áp dụng.
Phương án thứ nhất là thành phố sẽ thí điểm thu thuế đối với nhà ở và đất ở, mà người có quyền sử dụng đất hoặc sở hữu nhà ở không trực tiếp sử dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là cơ quan quy định mức thuế, thuế suất, phương pháp tính và thời gian áp dụng.
Ở phương án thứ 2, TPHCM sẽ áp dụng tăng mức thu liên quan đến nhà đất thứ hai trở lên trên địa bàn, gồm lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.
Liên quan vấn đề này, trả lời trên báo chíí, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, hiện nay người sở hữu nhà tại Việt Nam chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở, mới chỉ phải nộp thuế đất phi nông nghiệp, trong đó thuế suất đối với đất ở trong hạn mức là 0,03% bảng giá đất.
Theo ông Châu, mức nộp thuế này quá thấp, gần như không đáng kể và không đủ sức điều tiết thị trường. Tuy nhiên, cũng nên nhìn nhận nhiều góc cạnh trước khi đưa ra chính sách. Chủ tịch HoREA cho rằng để đánh thuế nhà và tài sản tại Việt Nam phải giải quyết được bài toán giảm tiền sử dụng đất xuống mức hợp lý hơn để tránh thuế chồng thuế.
Đồng quan điểm, LS Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM cũng cho rằng dù áp dụng chính sách thuế tài sản (bao gồm cả bất động sản) được nhiều nước ban hành và đã áp dụng từ lâu, nhưng Việt Nam là nước đi sau, cần nhìn nhận một cách đầy đủ, chính xác để xây dựng luật và áp dụng đạt hiệu quả, nếu không sẽ “lợi bất cập hại”.
LS Trần Đức Phượng cho biết, nếu chỉ căn cứ áp dụng đối với bất động sản thứ 2 trở đi thì chưa khoa học để bảo đảm sự công bằng và tính khả thi. Không nên căn cứ theo số lượng bất động sản (chẳng hạn căn cứ vào số lượng thửa đất) để đánh thuế vì như vậy sẽ không bảo đảm sự công bằng.
"Ví dụ trường hợp chỉ sử dụng 1 mảnh đất có nhà ở nhưng diện tích lớn gấp nhiều lần hạn mức giao đất ở (150 m2), trong khi người sở hữu 2 bất động sản lại không vượt quá hạn mức này. Để xác định một người đang sở hữu bao nhiêu bất động sản thì cần có hệ thống dữ liệu về đất đai kết nối với dữ liệu về dân cư, bên cạnh việc yêu cầu người dân khai báo trong quá trình giao dịch" - LS Phượng lấy ví dụ.
Theo vị luật sư, thuế bất động sản là thuế trực thu với người sở hữu bất động sản, từ đó phát sinh chi phí cho chủ sở hữu và chi phí này sẽ được phản ánh vào lợi nhuận của người đầu tư bất động sản. Chi phí thuế tăng sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh, nhưng đây không phải là khoản chi lớn như lãi suất ngân hàng, mức độ tăng chi phí cũng không lớn như mức độ tăng giá bất động sản thời gian qua, nên hiệu quả của mục tiêu hạn chế đầu cơ sẽ có tác động rất thấp.
Không những vậy, hiện trên thị trường cũng có rất nhiều hình thức "né" thuế như giao dịch hai giá, ủy quyền, nhờ người đứng tên...Do đó, không loại trừ khả năng né thuế khi chính sách thuế áp dụng đối với bất động sản thứ hai được ban hành.
GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng cho rằng ý tưởng chung thì dễ dàng đưa ra, nhưng các yếu tố đảm bảo thực thi mới quan trọng. Bởi lẽ hạ tầng hệ thống quản lý đất đai nước ta vẫn quản lý theo đơn vị hành chính cấp tỉnh nên không thể quản lý cách nào để yêu cầu chủ sở hữu nhà giải trình về nguồn tiền mua căn nhà đó.
Theo vị chuyên gia, vấn đề để thực thi thu thuế bất động sản thứ hai là làm sao để việc cải cách đúng hướng và triển khai được trong thực tế.
"Muốn việc cải cách thuế BĐS sao cho khả thi thì cần xem xét tổng thể vấn đề, nghiên cứu cẩn thận để việc cải cách phù hợp với đặc thù xã hội của đất nước, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045" - GS Đặng Hùng Võ nhận định.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.