Thủ tướng: Cần Thơ có tiềm năng là thành phố sông nước đáng sống
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại Hội nghị, các tổ chức, doanh nghiệp đều nhìn nhận Cần Thơ có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển mà theo lãnh đạo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Thành phố có thể trở thành trung tâm dịch vụ logistic của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đòi hỏi thu hút nhiều vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Hay như dịch vụ du lịch, lĩnh vực được xem là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư. Theo các tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch thì Cần Thơ hội đủ yếu tố trở thành điểm đến du lịch của cả vùng.
Dẫn lại câu ca: “Cần Thơ gạo trắng nước trong, Ai đi đến đó lòng không muốn về”, lãnh đạo Tập đoàn FLC bày tỏ, với tiềm năng như vậy nhưng số lượng khách lưu trú tại Cần Thơ còn hạn chế, thời gian lưu trú trung bình của du khách từ 1-2 ngày, mức chi tiêu trung bình khoảng 22 USD/ngày, thấp hơn nhiều so với trung bình cả nước. Một nguyên nhân là Cần Thơ đang thiếu sản phẩm du lịch, hạ tầng du lịch. Do đó, đại diện doanh nghiệp này cho biết, đang nghiên cứu đầu tư dự án dịch vụ du lịch tại Cần Thơ với tổng quy mô 1.600 ha. Đồng thời, cùng quan điểm với các nhà đầu tư, doanh nghiệp này mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tạo nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để có thêm động lực cho Cần Thơ bứt phá mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đánh giá cao tiềm năng của Cần Thơ trong phát triển nông nghiệp, giáo dục đào tạo, bày tỏ dự định đầu tư vào lĩnh vực này.
Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ và 19 nhà đầu tư đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với tổng số vốn gần 85.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 doanh nghiệp với tổng vốn khoảng 8.000 tỷ đồng.
Hoan nghênh, đánh giá cao kết quả trên của Hội nghị cũng như các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng, điều này thể hiện sự tin tưởng rất lớn vào tương lai của Cần Thơ.
“Nếu không có sự hiện diện của nhà đầu tư thì Cần Thơ đã không có được những thành quả như hôm nay”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Và nếu không cùng những nhà đầu tư hôm nay thì cũng không thể đạt được tầm nhìn những thập niên tới”. Theo Thủ tướng, tầm nhìn đó là một Cần Thơ giàu bản sắc, có khả năng truyền cảm hứng về sức bật và sự vươn lên mạnh mẽ, làm động lực phát triển toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ trước đến nay, Cần Thơ chưa bao giờ là thủ đô, cố đô, thành đô của cả nước nhưng Cần Thơ được nhân dân công nhận là Tây Đô, một cái tên đã xuất hiện khoảng 100 năm. Điều đó nói lên đặc điểm trên mọi phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội và tầm ảnh hưởng lớn lao, không chỉ phạm vi địa lý của một thành phố.
“Ở nước ta, đã có những thành phố đáng sống, hay những thành phố biển đáng sống thì Cần Thơ có tiềm năng trở thành một thành phố sông nước, một đô thị sinh thái đáng sống”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành du lịch, cần phải chuyển mình, cộng hưởng với các ngành, lĩnh vực khác, thắt chặt mối liên kết chuỗi giá trị, tạo sức lan tỏa kinh tế cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để hiện thực hóa điều này, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP. Cần Thơ cần phải năng động, có tầm nhìn đổi mới, là đối tác đồng hành đáng tin cậy, sẵn sàng đặt cược tiền bạc, công nghệ và tương lai doanh nghiệp vào địa phương, vùng đất văn hóa sông nước, thơ ca này.
Theo Thủ tướng, hầu hết các hoạt động kinh tế của người dân nơi đây gắn với sông nước, miệt vườn “Có ai qua chợ Lê Bình/ Xin cho tôi gửi chút tình nước non”, Thủ tướng nhắc lại câu ca dao để nói về đặc trưng văn hóa của vùng đất Tây Đô.
Thủ tướng chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa UBND TP. Cần Thơ và các nhà đầu tư, doanh nghiệp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Nhiều cơ hội phát triển đột phá
Thời gian qua, Cần Thơ tiếp tục khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 81 triệu đồng, gấp 1,4 lần cả nước và sức mua của nền kinh thuộc tốp đầu cả nước. Tầng lớp trung lưu mới nổi tăng nhanh, làm thay đổi cấu trúc tiêu dùng của xã hội. “Chúng ta nhìn thấy lượng ô tô trên đường phố, đậu trên các vỉa hè, dừng đỗ trước các hiệu đồ ăn nhanh, cho thấy đời sống xã hội nhộn nhịp và hối hả hơn”, Thủ tướng nhận xét và cho rằng, nhà đầu tư có thể đón bắt điều này để phát triển dịch vụ, khách sạn, du lịch và các loại hình chế biến, nâng giá trị sản phẩm.
Thủ tướng nhìn nhận, Cần Thơ sẽ phát triển đột phá nhờ cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ và một số hệ thống giao thông huyết mạch khác. Khi hoàn thành, thời gian đi lại từ TPHCM tới Cần Thơ sẽ được rút ngắn lại còn 90 phút từ 180 phút hiện nay.
Đặc biệt, nhấn mạnh chủ trương mở cửa bầu trời, Thủ tướng nêu rõ vai trò quan trọng của cảng hàng không này Cần Thơ và mong muốn nối các chuyến bay trực tiếp từ Cần Thơ tới các nước, các vùng của Việt Nam thông qua các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet, Bamboo Airways… Như vậy, với giao lưu đường không, đường thủy, cùng với các sản phẩm ở đây, trong tương lai, Cần Thơ sẽ có sự phát triển mạnh mẽ, náo nhiệt, như một trung tâm trên các mặt thông qua giao thông.
Để có được điều đó, Thủ tướng cho rằng, cần môi trường đầu tư kinh doanh tốt, như một hấp lực đối với nhà đầu tư, có vai trò rất quan trọng.
Vì vậy, Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư phối hợp với chính quyền, cùng phấn đấu, cùng hợp tác để phát triển đạt được tầm nhìn trong những thập niên tới. Nhà đầu tư phải nói đi đôi với làm.
“Chính phủ trân trọng các nhà đầu tư chuẩn mực nhưng cũng kiên quyết loại bỏ những nhà đầu tư trục lợi, lợi dụng lỗ hổng trong quản lý, không tập trung vào phát triển mà trốn thuế, chuyển giá, phá hoại môi trường”, Thủ tướng nêu rõ.
Với Cần Thơ, Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, quản lý tốt hơn các quy hoạch. Theo đó, quy hoạch của Cần Thơ đến năm 2025 là trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế và văn hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.
Thủ tướng cũng mong muốn Thành phố tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, phát huy nếp nghĩ, cách làm tốt như thời gian qua, đó là chính quyền đối thoại với nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nhà đầu tư thành công.
Thủ tướng mong các cơ sở và người dân hòa mình vào làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để kéo người nông dân, người tiêu dùng gần nhau hơn, hiệu quả hơn.
Thủ tướng cũng lưu ý Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, dư nợ tín dụng của Cần Thơ so với GRDP còn thấp, 75% (trong khi cả nước là 135%). Điều này cho thấy tiềm năng cải thiện độ sâu tài chính của Cần Thơ còn rất lớn, dư địa tăng trưởng còn nhiều.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.