Thủ tướng chủ trì hội nghị 'Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững'
Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: VHTT&DL; LĐTB&XH; Thông tin và Truyền thông; Giao thông vận tải; NN&PTNT; Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các chuyên gia kinh tế, du lịch; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp lớn ngành du lịch và hàng không
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đồng thời, du lịch là cầu nối giao lưu quốc tế thiết thực, hiệu quả, để khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến thăm, trải nghiệm, hiểu hơn, chia sẻ hơn, yêu quý hơn đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Hội nghị "Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững" cũng là hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch thứ hai được tổ chức trong năm 2023. Hội nghị được tổ chức trong không khí cả nước đang nỗ lực thực hiện đạt cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2023, tạo đà cho những kết quả tốt hơn trong năm 2024; và cũng là giai đoạn đầu của mùa du lịch cuối năm (thường từ tháng 10 hằng năm đến tháng 3 năm sau).
Thời gian qua, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn so với cơ hội, thuận lợi và so với dự báo. Trong nước, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, nội lực chưa lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế và với độ mở nền kinh tế lớn nên chịu tác động nhiều bởi diễn biến tình hình thế giới.
Bên cạnh những khó khăn, chúng ta cũng có không ít thời cơ và thuận lợi. Vấn đề là phải cùng nhau khai thác tốt nhất các cơ hội, nhận diện, hóa giải khó khăn, vượt qua thách thức.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, thời gian qua, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm.
Du lịch Việt Nam trong 10 tháng qua có khởi sắc hơn, đến hết tháng 10/2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt.
Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững diễn ra sáng 15/11 tại Hà Nội, kết nối tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Khách du lịch nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đang có dấu hiệu chững lại. Ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ chưa giải quyết được.
Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017); triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch (Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/05/2023); hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện "liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện".
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Hội nghị trao đổi, thảo luận để tìm được lời giải cho các bài toán ngắn hạn, dài hạn; tìm ra những câu trả lời cho một số vấn đề trọng tâm để ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững:
Một là, nhận diện thời cơ và thách thức của Du lịch Việt Nam.
Hai là, chia sẻ kinh nghiệm thành công của Việt Nam, của các nước trên thế giới, những cách làm hay, bài học quý.
Ba là, các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia và từng bộ, ngành, địa phương cùng nhau trao đổi, đề xuất giải pháp đột phá, cụ thể, khả thi để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững. Trong đó, tập trung nêu rõ những vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng, thương hiệu, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao năng lực quản trị của quốc gia, của từng địa phương và từng doanh nghiệp phù hợp với điều kiện mới, công tác phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong ngành du lịch và doanh nghiệp ngoài ngành du lịch...
Theo Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch, trong bối cảnh khó khăn, thách thức và thời cơ thuận lợi đan xen, với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực toàn Ngành, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động du lịch thời gian qua; định hướng và các giải pháp phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Công tác xây dựng văn bản, quản lý nhà nước về du lịch được chú trọng; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh; chuyển đổi số trong du lịch được thúc đẩy… Các hoạt động, sự kiện du lịch diễn ra sôi động tại các địa phương. Các vấn đề tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đã được nhận diện từ nhiều năm trước như quản lý xuất nhập cảnh, thị thực điện tử, thời hạn của thị thực miễn đơn phương... đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Sản phẩm du lịch được làm mới, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh. Nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được cải thiện…
Tuy nhiên, tỷ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp so với năm 2019 và so với năng lực cung của Ngành. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam chưa đảm bảo yêu cầu về mức độ, tần suất, độ phủ. Chính sách thị thực có tính linh hoạt, cạnh tranh chưa cao. Sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Nguồn nhân lực du lịch thiếu và chất
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận về khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp và hiến kế thu hút khách, phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững; tăng cường liên kết vùng, ngành, hợp tác công tư nhằm xây dựng sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch. Các đại biểu trao đổi về vai trò của địa phương, các chủ thể trong quản lý điểm đến và xúc tiến quảng bá du lịch; khắc phục yếu tố thời vụ, đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế qua cửa khẩu đường không, đường bộ, đường biển; vai trò cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong thu hút khách du lịch quốc tế; giải pháp tăng chi tiêu khách du lịch thông qua mua sắm hàng hóa…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.