Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công Dự án Vành đai 3 TP.HCM
Lễ khởi công được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại TP Hồ Chí Minh tới các điểm cầu tại tỉnh Đắk Lắk và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Toàn cảnh lễ khởi công tại TP Hồ Chí Minh.
Tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự cùng các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước: ông Lê Hồng Anh – Nguyên Thường trực Ban Bí thư; ông Đặng Quốc Khánh – Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư; thượng tướng Phạm Hoài Nam – Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng; ông Lê Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh; ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Cần Thơ; Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An; các nguyên lãnh đạo của TP Hồ Chí Minh qua các thời kỳ...
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn báo cáo thông tin về 3 dự án trọng điểm được khởi công.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQCP ngày 15/8/2022 để triển khai thực hiện. Dự án có tổng chiều dài 76,3km đi qua 4 địa phương: thành phố Hồ Chí Minh (47,35km), các tỉnh: Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km), Long An (6,81km); được phân chia làm 8 dự án thành phần, gồm: 4 dự án thành phần xây dựng, 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 4 tỉnh thành phố.
Dự án có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh: 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60 km/h. Quy mô giai đoạn phân kỳ: 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), đầu tư không liên tục. Sơ bộ tổng mức đầu tư; 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng Ngân sách Trung ương và Ngân sách các địa phương; tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026...
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi - phát biểu tại lễ khởi công.
Ông Phan Văn Mãi thông tin, sự kiện khởi công đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình triển khai dự án, là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo các tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An); sự điều hành linh hoạt, kịp thời của Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy các dự án thành phần; sự nỗ lực, quyết tâm của Sở, ban, ngành, Chủ đầu tư dự án; tham gia góp ý tâm huyết, trí tuệ của chuyên gia, nhà khoa học thuộc Hội đồng cố vấn dự án và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và yếu tố rất quan trọng là sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ của người dân trong quá trình triển dự án.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với khối lượng công việc thời gian tới là rất lớn và nhiều thách thức; yêu cầu đặt ra của Quốc hội, Chính phủ phải thông xe tuyến chính cao tốc vào cuối năm 2025, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2026 (chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc).
“Đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đối với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An). TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An) xin hứa với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội sẽ quyết tâm, đoàn kết, thống nhất, tập trung chỉ đạo, điều hành, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương để triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực; đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và mong mối của người dân trong Vùng.” – Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng phát biểu tại lễ khởi công dự án Vành đai 3 và các dự án giao thông trọng điểm.
Theo Thủ tướng, riêng dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 (TP.Hồ Chí Minh) có vốn đầu tư hơn 75.000 tỷ, như vậy mỗi km phải đầu tư 1 tỷ. Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có vốn đầu tư 17.800 tỷ. Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có vốn đầu tư 21.900 tỉ. Tổng vốn đầu tư của 3 dự án khoảng 115.000 tỷ, đồng loạt được tổ chức khởi công ngày hôm nay ở TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk. Thời gian sắp tới cũng sẽ đồng loạt khởi công các tuyến cao tốc khác.
“Thực tế chứng minh hạ tầng chiến lược phát triển đến đâu thì không gian chiến lược phát triển đến đó. Nhiều khu vui chơi, quỹ đất được phát triển hiệu quả. Chỗ nào phát triển hạ tầng chiến lược (hạ tầng giao thông lớn) thì chỗ đó tăng trưởng kinh tế tốt”, thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương tham dự lễ khởi công tại TP Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết thêm, giai đoạn 2000-2021, cả nước đưa vào khai thác chưa nhiều (hơn 1000km cao tốc). Mục tiêu là năm 2025, Việt Nam đạt ít nhất 3000km. Giai đoạn 2021-2030, Việt Nam phải xây dựng gấp 4 lần thời gian trước đó, tức khoảng 5000km đường cao tốc.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam đã thực hiện 12 dự án cao tốc, 1.700km đã đưa vào khai thác cùng với những dự án trên. Nếu các cơ quan bộ, ngành, Trung ương, địa phương và các đơn vị cùng quyết tâm cao, hành động quyết liệt thì đến năm 2025, Việt Nam sẽ có trên 3000 cao tốc đưa vào khai thác theo kế hoạch.
Thủ tướng cho biết trong nhiệm kỳ này, sẽ huy động khoảng 500.000 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng giao thông, gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, nguồn vốn đầu tư công trung hạn, nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các nguồn vốn hợp pháp khác.
Thủ tướng đánh giá đối với địa bàn TP Hồ Chí Minh, trong thời gian rất ngắn đã bàn giao mặt bằng để thi công đạt tới 87% (356 ha/410 ha). Kết quả này càng minh chứng cho tính đúng đắn của chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, lần đầu tiên giao cho địa phương quản lý một dự án quy mô rất lớn, phức tạp, liên vùng. Nhưng với quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, dự án đã đạt được thành công bước đầu, rất đáng khích lệ và trân trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, ghi nhận và biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các địa phương, các bộ ngành, cơ quan đã chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, phối hợp chặt chẽ để triển khai công việc; chính quyền và nhân dân 7 tỉnh/thành phố có dự án đi qua (TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đắk Lắk) đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án.
Thủ tướng trân trọng cảm ơn nhân dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh nơi triển khai các dự án đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà cửa, nơi sinh sống, làm ăn, canh tác của mình để nhường mặt bằng cho các dự án...
Bản đồ dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Trung ương, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Cần Thơ cùng thực hiện khi thức khởi công.
Sau lễ khởi công, các phương tiện kỹ thuật bắt đầu những công việc đầu tiên của dự án.
Lãnh đạo Trung ương, các tỉnh thành cùng chụp ảnh lưu niệm sau lễ khởi công.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.