Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên, vật liệu; kéo dài vòng đời sản phẩm; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Nhờ đó, các giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế trong thời gian lâu nhất, nhằm giảm thiểu sử dụng tài nguyên là nguyên liệu đầu vào và lượng phế thải, mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải cũng giảm đi đáng kể. Chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn là xu thế chung của toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Việt Nam đã thông qua một số chính sách và văn bản pháp luật quan trọng về kinh tế tuần hoàn, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Ông Dương Như Đức - Giám đốc Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình – cho biết, công ty có một lợi thế rất lớn so với các dòng phân bón khác, đó là phân lân nung chảy. Khi sử dụng thì ngoài cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, phân lân còn có tác dụng khử chua, hạ phèn và khử độc cho đất. Công ty sử dụng 100% nguyên nhiên liệu đầu vào tự nhiên, bao gồm các loại quặng, và trong quá trình sản xuất cũng không sử dụng hóa chất, giúp sản phẩm phân lân nung chảy trở nên thân thiện với môi trường.
Phân lân nung chảy giúp nâng tầm sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Báo Người Đưa Tin)
Đối với doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên và tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa khí thải, chất thải rắn ra môi trường; giảm rủi ro cho doanh nghiệp và khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất... Thay vì xem chất thải là vấn đề cần loại bỏ, đây là nguồn tài nguyên quý giá có thể tái sử dụng, không chỉ giảm chi phí và bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Kinh tế tuần hoàn không chỉ xoay quanh việc tái chế vật liệu mà còn hướng đến việc giảm sử dụng những vật liệu khó tái chế, tạo ra một hệ thống kinh tế hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Việt Nam xác định kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao, đảm bảo tăng trưởng xanh và hướng tới phát triển bền vững. Theo đó, phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp. Những kinh nghiệm từ thực tiễn thực hiện kinh tế tuần hoàn từ khu vực này đã và đang đóng góp cho việc thúc đẩy chuyển dịch kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, việc phát triển kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường là quan điểm được nghị quyết đại hội 13 của Đảng đã chỉ ra. Việc ban hành kế hoạch hành động mục tiêu đến 2025 – 2030 và 2035 rất thách thức, chính vì vậy mà việc ban hành từ kế hoạch đến hành động cần tiến hành càng sớm càng tốt, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện quyết liệt, mục tiêu cụ thể từng quý, từng năm.
Việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn không chỉ là một giải pháp cho Việt Nam mà còn là trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho giai đoạn này: giảm gần 16% lượng phát thải khí nhà kính, đảm bảo xử lý 95% nước thải đô thị và tăng GDP bình quân đầu người lên 7.500 USD. Những tham vọng này phản ánh cam kết của Việt Nam đối với phát triển bền vững và phúc lợi của người dân, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng chính sách, chuyển giao công nghệ và ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, từ đó góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.