Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Người thầy, người lính và nhà ngoại giao tầm vóc
Nhà ngoại giao lớn
Được theo Thầy rất nhiều năm, từ khi còn là chàng lính tò te ở Quân Đoàn 1 đến nay, tôi cảm nhận được ở Thầy một nhân cách lớn, đặc biệt trong đối ngoại và quan hệ với các đối tác. Tiếp cận ở góc độ quan hệ đối ngoại, ngoại giao, có thể nói, Thầy tôi là một nhà ngoại giao lớn. Thầy am hiểu sâu sắc về nghệ thuật ngoại giao, đặc biệt không chỉ là nghệ thuật đối ngoại, ngoại giao Quốc Phòng, kết hợp với phong cách ngoại giao giản dị, chân thành và bao dung, làm nên một nhà ngoại giao Quốc Phòng có tầm vóc, góp phần nâng tầm quan hệ với các quốc gia trên thế giới, có dấu ấn tốt đẹp đối với bạn bè Quốc tế, mà cả trong quan hệ với các đối tác trong nước, với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” đã thấu hiểu chạm đến trái tim của đối tác.
Sự khiêm cung và chân thành là điều mà bất cứ ai biết đến Tướng Hiệu đều có thể cảm nhận được, bởi suốt cuộc đời, Thầy tôi sống và tâm niệm về triết lý cho đi một cách vô điều kiện, mở lòng sẻ chia với tất cả mọi người. Học được từ Thầy, tôi thấm thía triết lý cuộc sống về giá trị của sự cho đi: Cuộc sống là sự cho đi, cống hiến, chia sẻ và kết nối, tuỳ từng công việc, lĩnh vực hay hoàn cảnh khác nhau, nhưng cuộc sống là 8 phần cho đi và chỉ 2 phần nhận lại. Đây là định lượng cơ học và nghe như có phần thiệt thòi, nhưng thực chất điều nhận lại lớn lao và giá trị vô cùng, đó là sự thanh thản, bình yên, vui vẻ, càng chia sẻ và mở lòng lại càng thấy nhân sinh ý nghĩa.
Cả cuộc đời Thầy tôi cống hiến cho Tổ quốc, cho non sông, gấm vóc Việt Nam, cho những mảnh đất chìm trong khói lửa đạn bom đến những tháng năm hòa bình vươn mình hội nhập. Thầy tôi sẵn sàng xả thân khi Tổ quốc cần, gác bút nghiêng cầm súng lên đường chiến đấu. Hoà bình lập lại, ngoài những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Quốc phòng, trong đó có vai trò là Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban tìm kiếm cứu hộ cứu nạn quốc gia, Vị tướng can trường ấy lại dấn thân vào những vùng tâm bão, đặc biệt là miền Trung ruột thịt để giúp đồng bào vượt qua khó khăn, trong một trận bão lịch sử, Thầy đã bị mất liên lạc trong nhiều giờ nhưng lành thay, mọi điều tốt đẹp luôn đến!
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
Cũng chính từ thực tiễn trong chiến tranh, trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh quan trọng, rồi những lần lao vào tâm bão giúp đồng bào đã giúp Thầy đúc rút, thai nghén được phương trâm “4 tại chỗ”: Lực lượng tại chỗ; Chỉ huy tại chỗ; Phương tiện, vật tư tại chỗ và Hậu cần tại chỗ.
Phương châm này được áp dụng không chỉ trong phòng chống bão lụt, thiên tai mà còn được vận dụng rất thành công, hiệu quả trong điều hành sản suất của doanh nghiệp. Nhờ áp dụng phương châm “4 tại chỗ”, nhiều dự án giao thông, thuỷ lợi, công trình dân dụng và năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi rất thành công, tiết kiệm chi phí, hiệu suất cao và về đích đúng hẹn.
Mối cơ duyên đặc biệt với nước Nga
Thầy tôi luôn có một tấm lòng bao dung rộng lớn, vô tư chia sẻ những kinh nghiệm xương máu của đời mình cho tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tướng Hiệu thân thiện, gần gũi trong ứng xử, tinh tế trong ngoại giao và xử lý vấn đề. Trên nhiều cương vị công tác khác nhau, Thầy tôi có cơ hội đi khắp thế giới, đủ “5 châu 4 biển” nhưng ông luôn gần gũi và giản dị, dường như ông muốn sẻ chia hạnh phúc của cuộc đời mình cho hết thảy mọi người, để dù ai ông gặp cũng đều cảm thấy ấm áp và được sẻ chia. Tướng Hiệu có mối cơ duyên đặc biệt với nước Nga. Đất nước của tình yêu chung-riêng, của nỗi nhớ và khát vọng hiến dâng, vì vậy, là một phần trong thẳm sâu tâm khảm ông, chẳng cần lý do cũng có thể dâng trào. Thầy đã từng là Đồng chủ tịch phân ban Việt Nam - LB Nga, phụ trách Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga và cho đến nay, bằng nhiều chương trình hơp tác khoa học khác nhau, vẫn bền bỉ dệt thêu những sợi dây hợp tác giữa hai dân tộc.
Không phải đến khi đặt chân đến nước Nga mới yêu nơi này mà ông đã yêu nước Nga qua những trang sách in hằn bao thế hệ cùng chiến đấu bảo vệ tổ quốc như ông. Những dòng chữ thân thương từ cuốn “Thép đã tôi thế đấy” đã đi cùng ông khắp các mặt trận, cùng ông trải qua các trận đánh, ý chí ấy cùng ông ra trận, cùng ông đồng hành suốt chặng đường binh nghiệp, thời chiến, thời bình. Bởi vậy, sau này, khi đã trưởng thành từ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trường, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng, Tư lệnh quân đoàn 1, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng thì ông vẫn giữ trong trái tim mình ký ức đặc biệt với mùa thu, với nước Nga xinh đẹp.
Thầy là một nhân cách lớn mà tôi cũng như các bạn trẻ đã từng được gặp gỡ, tiếp xúc luôn ấn tượng và biết ơn. Có lẽ chính “ngọn hải đăng” về giá trị của sự cho đi, cùng với một khao khát khôn nguôi về hoà bình, hiểu thấu từng mong muốn của mọi người, đặc biệt là đồng bào là nguồn sức mạnh thôi thúc Tướng Hiệu dù ở bất cứ cương vị nào cũng làm việc một cách tâm huyết nhất, cống hiến nhất.
Hơn 10 năm làm công tác đối ngoại quốc phòng, là Viện sỹ Hàn lâm Khoa học Quân sự về nghệ thuật chiến tranh do Liên bang Nga trao tặng, “ người Việt Nam đầu tiên được LB Nga trao tặng Viện sỹ viện hàn lâm khoa học quân sự về nghệ thuật chiên tranh” đến nay, Thầy vẫn luôn đau đáu những điều giản dị và sâu sắc, đó là tri ân, báo đáp đồng bào nhiều hơn nữa, nghiên cứu khoa học quân sự, kết nối lan toả giá trị cống hiến truyền lửa khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phát triển, dù ở lĩnh vực ngành nghề nào cũng đề cao sự tự lực, tự cường, tự hào dân tộc cùng xây dựng đất nước.
Mặc dù gần gũi, giản dị trong ứng xử nhưng Thầy lại đặc biệt nghiêm khắc trong nghi thức ngoại giao khi tiếp xúc với đối tác, những yếu tố về thời gian, nội dung công việc, tác phong và quân trang, quân phục luôn được chú ý tỉ mỉ trong các buổi gặp gỡ. Cũng chính vì sự cởi mở chia sẻ của Thầy mà Văn phòng làm việc của Tướng Hiệu luôn tấp nập các đoàn khách trong nước và quốc tế.
Mỗi ngày, tôi như được sống, học tập dưới “bóng mát” mà Thầy đã “vun trồng” trong nhiều thập kỷ, một “bóng mát” an lành, dạy tôi biết sống là cho đi, là yêu thương và chân thành để nhận lại là thảnh thơi, an vui giữa ngược xuôi dòng đời hối hả. Bởi vì một ngày nào đó ta sẽ hiểu, những gì cho đi chính là... những điều sẽ nhận lại.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.