Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: "Người Việt Nam sẽ quyết định vận mệnh của Việt Nam"
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn 27 Triệu Hải do ông chỉ huy đã tham gia trận đánh quyết tử đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của quân Ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Xin ông chia sẻ những kỷ niệm, hồi ức của ông về những ngày tháng không thể nào quên này?
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta đã có cuộc hành quân thần tốc “có một không hai” trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh. Lúc đó, đồng chí Trịnh Văn Thư là Chính ủy, tôi là Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 27, Đại đoàn Đồng bằng, Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết thắng). Tháng 3-1975, Trung đoàn chúng tôi hành quân thần tốc từ Tam Điệp (Ninh Bình) bằng phương tiện cơ giới, tập kết ở Đông Hà (Quảng Trị) để chuẩn bị cho giải phóng Huế và Đà Nẵng, sau đó từ đường Trường Sơn, vào tập kết ở Đồng Xoài (Đông Nam bộ) để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam.
Trong cuộc hành quân này, tôi nhớ nhất là khi đến đèo Ăng Bun trên đường Trường Sơn thì qua đài 15W của đơn vị, chúng tôi nhận được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Lực lượng của chúng ta hành quân dài ngày nên rất mệt mỏi, đường Trường Sơn đất bazan bụi mù mịt, toàn thân bụi phủ dày, chỉ còn hở mỗi đôi mắt và miệng, nhưng khi nhận được lệnh của Đại tướng, tất cả anh em khí thế bừng lên, vượt qua tất cả khó khăn, hành quân suốt đêm ngày để đến địa điểm tập kết tại Đồng Xoài đúng thời gian quy định.
Thương tướng Nguyễn Huy Hiệu tại Văn phòng.
Một trong những ấn tượng sâu sắc nhất của tôi trong chiến dịch này là khi chúng tôi hành quân đến bắc Lái Thiêu, ngày 29/4/1975, chúng tôi gặp được má Sáu Ngẫu, là cơ sở của cách mạng. Vào lúc này, khi bị ta đánh ở vòng ngoài, địch dồn về Sài Gòn để phòng thủ, trở thành tuyến tử thủ Sài Gòn. Má Sáu đã cung cấp cho chúng tôi những điểm nơi địch đóng quân. Má nói, nên đánh vào Sài Gòn theo trục đường 13, đánh thẳng qua Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình, sau đó đánh thẳng vào Bộ Tư lệnh Thiết giáp quân Ngụy trong Gò Vấp. Cũng theo lời má, khu vực này có trại Huỳnh Văn Lương, trong trại có khoảng 2.000 học sinh của quân Ngụy nên dễ dao động, không cần đánh mà nên gọi hàng. Má cũng nói, ngày mai 30/4/1975 gia đình má sẽ lên xe tăng cùng quân giải phóng vào giải phóng Sài Gòn, nhưng do má đã lớn tuổi nên chúng tôi hứa đánh xong sẽ về thăm má. Sáng ngày 30/4/1975, chúng tôi tiến vào theo trục đường 13, bỏ qua tất cả các cứ điểm. Đúng như chỉ dẫn của má, chúng tôi chỉ gọi hàng, không đánh, 2.000 tên ngụy ở trại Huỳnh Văn Lương đã đầu hàng. Còn ở Lái Thiêu, tiểu đoàn 5 của chúng tôi vừa đánh vừa gọi hàng.
Trong các trận đánh ngày 30/4/1975, đánh chiếm cầu Vĩnh Bình là mục tiêu khó khăn, ác liệt nhất. Khoảng 9h15 phút, chúng tôi chiếm được cầu và sau đó vào chiếm Bộ Tư lệnh Thiết giáp của quân Ngụy. Đến 10h30 ngày 30/4, 13 cơ sở của Lục quân công xưởng Gò Vấp đã đầu hàng hoàn toàn. Đơn vị đã tiếp quản Tổng Y viện Cộng hòa, sau đó, cùng với các đơn vị khác đánh chiếm các mục tiêu còn lại.
Thống nhất đất nước là thành quả vĩ đại, mang nhiều ý nghĩa to lớn cũng như những bài học vô cùng giá trị. Theo ông, vận dụng những bài học này vào bối cảnh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ hiện nay như thế nào?
Những kỷ niệm, ký ức hào hùng đó là rất đáng trân trọng. Để vận dụng những bài học ấy vào công cuộc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ hiện nay chúng ta cần phát huy truyền thống, văn hóa, nghệ thuật chiến tranh của nhân dân Việt Nam, tư tưởng “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” cũng như vận dụng bài học chiến tranh nhân dân độc đáo của cha ông ta trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Hiện nay, để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, chúng ta có 2 nhiệm vụ: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trong điều kiện mới: hội nhập. Chúng ta hiện đã là thành viên của Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thành viên của ASEAN..., vì thế việc của chúng ta không chỉ là bảo vệ thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên đất liền, trên biển đảo, trên không mà chúng ta còn phải có trách nhiệm với cộng đồng các nước khu vực ASEAN, với thế giới trong việc bảo vệ hòa bình, an ninh thế giới, bảo vệ đường hàng hải trên biển... Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải đấu tranh trước hết trên mặt trận ngoại giao, trên cơ sở luật pháp quốc tế và của Việt Nam, đây là điều cơ bản. Nhưng điều quan trọng hơn, để bảo vệ được nền độc lập, người Việt Nam sẽ quyết định vận mệnh của Việt Nam. Chính người Việt Nam phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân để không bị bất ngờ về mặt chiến lược.
Thưa ông, chúng ta cần làm gì đối với các vấn đề cụ thể như đầu tư cho an ninh quốc phòng, giải pháp giải quyết các tranh chấp, đối sách trong quan hệ ngoại giao với các nước, đặc biệt là các nước lớn...?
Tôi cho rằng, ngay thời bình chúng ta đã phải xây dựng tốt nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Làm tốt vấn đề này sẽ góp phần đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, vì khi muốn đánh, kẻ địch phải tính tới sức mạnh của Việt Nam nằm ở đâu (quốc phòng, kinh tế, ngoại giao...) Muốn thế, trước hết chúng ta phải tập trung xây dựng kinh tế mạnh. Có kinh tế mạnh mới có quốc phòng mạnh. Phải đầu tư cho quốc phòng, an ninh đủ mạnh để vảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam cả trên đất liền, biển đảo và cả trên không. Hơn nữa, để giải quyết các tranh chấp cũng như đối sách trong quan hệ ngoại giao với các nước, tôi cho rằng nếu chỉ đấu tranh trên phương diện ngoại giao chưa đủ, mà ngoại giao với quốc phòng, an ninh cần phải gắn với nhau, đồng thời cần tranh thủ sự đồng tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Phải biết khơi dậy văn hóa, truyền thống quật cường của dân tộc, nghệ thuật quân sự Việt Nam bằng cách xây dựng tốt khối đại đoàn kết dân tộc bởi đây là sức mạnh vô địch của nhân dân Việt Nam.
Hiện nay, hội nhập quốc tế làm tăng tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia. Dưới góc độ kinh tế, theo ông, chúng ta cần hội nhập như thế nào để đảm bảo giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia?
Trong hội nhập kinh tế, hiện nay chúng ta phải hết sức lưu ý đến tổ chức cơ cấu của Việt Nam, có những cái phù hợp với hội nhập chung, nhưng cũng có những yếu tố mang đặc thù riêng của Việt Nam, vì thế cần phải khai thác sức mạnh nội lực của Việt Nam, là sức mạnh của công nghệ, khoa học Việt Nam, truyền thống lâu đời của Việt Nam. Trong hội nhập, chúng ta phải biết lựa chọn, khai thác những tinh hoa của thế giới cả về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học công nghệ..., phải phát huy được trí tuệ Việt Nam để khi đưa vào, chúng ta sẽ sáng tạo, cải tiến để những tinh hoa ấy phù hợp với điều kiện của Việt Nam và mang lại hiệu quả. Chúng ta “đi tắt đón đầu” nhưng phải biết lựa chọn đi đâu, đón cái gì, không phải cái gì cũng đưa vào vì Việt Nam không đủ sức để làm được tất cả. Hội nhập nhưng phải lựa chọn mục tiêu, có trọng điểm, có bước đi phù hợp với điều kiện và trình độ của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.