Tiểu đoàn 1 Long An (Quân khu 7) - Đơn vị 3 lần anh hùng LLVT Nhân dân: Bùi Văn Sửu – Người Đại đội trưởng xuất sắc

2021-06-04 08:54:50 0 Bình luận
Chiến tranh đã lùi xa 46 năm (1975-2021). Những ký ức về cuộc chiến đấu gian khổ và hào hùng của chúng tôi ở Tiểu đoàn 1 Long An năm xưa, có lúc đã chìm vào cuộc sống bộn bề cuộn chảy hôm nay. Thật bất ngờ, trong lần về thăm lại chiến trường xưa ở Quân khu 7 và Long An dịp 30/4/2021 vừa qua, chúng tôi tìm được đồng chí Bùi Văn Sửu - Đại đội trưởng, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 Long An - người thủ trưởng rất kính trọng của chúng tôi năm xưa. Mừng vui khôn tả. Ánh mắt ngấn lệ. Đã 46 năm, chúng tôi đi tìm anh, hỏi thăm, liên lạc mãi nhưng không tìm được. Có lúc nghĩ rằng anh đã mất ! Thế mà giờ đây, anh vẫn nguyên vẹn bằng xương bằng thịt, người đại đội trưởng “nổi tiếng” năm xưa đang đứng trước mặt tôi ! Bàn tay xiết chặt mãi, rồi lại ôm nhau thắm thiết, rưng rưng…

Chân dung đồng chí Bùi Văn Sửu

 Hiện đồng chí Bùi Văn Sửu đang định cư cùng vợ con tại Khu phố Bảo Vinh B, Phường Bảo Vinh, Thành phố Long Khánh, Tỉnh Đồng Nai. Quê anh ở xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, Tỉnh Long An. Long An vừa là quê, vừa là chiến trường anh chiến đấu, công tác cả thời tuổi trẻ, nhưng anh không chọn làm nơi định cư sau khi rời quân ngũ mà lại lên tận vùng Long Khánh, Đồng Nai. Việc “bỏ xứ” này là một câu chuyện đầy tâm sự của anh mà tôi sẽ kể về sau.

Hồi ức những năm tháng oanh liệt…

Bùi Văn Sửu sinh năm 1949, anh nhập ngũ năm 17 tuổi, làm liên lạc. Năm 1966 anh về Tiểu đoàn 1 Long An. Từ một chiến sỹ nhanh nhẹn tháo vát, qua khói lửa chiến tranh, anh đã trưởng thành từ cán bộ tiểu đội, trung đội rồi lên đại đội. Năm 1976, anh tiếp tục cầm súng lên biên giới Tây Nam chỉ huy đánh bọn Pôn Pốt tại Đức Huệ. Năm 1978, anh về công tác tại Trường huấn luyện tân binh Đức Hoà. Năm 1979, anh được điều về làm Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 159 (E Vàm Cỏ) trong đội hình toàn tuyến biên giới đánh sâu vào giải phóng Căm pu chia khỏi hoạ diệt chủng. Năm 1980 anh ra khỏi quân đội, về cuộc sống đời thường, hưởng lương thương binh 1,8 triệu đồng/ tháng và sinh hoạt Cựu chiến binh tại địa phương.

Trong suốt quá trình quân ngũ, với anh, đó là chặng đường liên tục cầm súng đánh giặc. Trải qua những năm tháng cam go nhất, có thể nói, lịch sử đã đặt lên vai anh có mặt ở những thời điểm ác liệt nhất, và lịch sử cũng trao cho anh sự may mắn hiếm hoi, đó là: đi qua chiến tranh, anh vẫn còn sống đến ngày hôm nay. Nói đến anh, cả đơn vị thường nhắc đến một Năm Sửu hiền lành, giản dị, mộc mạc, hay giúp đỡ anh em, sống nghĩa tình, nhưng đồng thời, còn là một Năm Sửu dũng mãnh, sáng tạo trong các trận đánh, đặc biệt là ở những khi xuất hiện tình thế khốc liệt nhất. Bản lĩnh chiến đấu xuất sắc của người chỉ huy trong anh thường toả sáng trong những thời khắc này. Với những thành tích trong chiến đấu đặc biệt xuất sắc, anh đã được trao tặng 3 Huân chương chiến công giải phóng các hạng Nhất, Nhì, Ba. Ba Huân chương chiến sỹ giải phóng các hạng Nhất, Nhì, Ba. 1 Huy chương kháng chiến hạng Nhất và nhiều hình thức khen thưởng khác.

 …. Ngày 21/12/1974, tại Hội Đồng Sầm (xã Bình Hoà Bắc, Huyện Đức Huệ), Tiểu đoàn 1 giao cho Đại đội 1của anh đánh phục kích Cầu Rạch Gốc. Đây là một mục tiêu rất khó đánh, trước đó, ta đã tổ chức đánh, nhưng không đạt yêu cầu. Nhận nhiệm vụ, Năm Sửu cho điều nghiên lại, báo cáo với anh Năm Phương (lúc đó là Tiểu đoàn trưởng) và đề xuất đánh thẳng vào cầu nối với đồn. Sau khi vẽ sơ đồ và trình bày cách tác chiến, Tiểu đoàn trưởng đồng ý phương án đó. Khoảng 10 giờ trưa, bọn địch đi tới đầu cầu. Sửu ra lệnh bắn 4 trái DH10 làm rung chuyển toàn bộ trận địa, địch chết tại chỗ một số, số còn lại tháo chạy. Ta xung phong lên, đánh tiếp 40 quả thủ pháo, quyét những đường đạn AK đanh thép và nhanh chóng làm chủ trận địa. Trận này, ta tiêu 2/3 quân số (4 trung đội nghĩa quân), còn 1/3 địch tháo chạy về Thị trấn Hiệp Hoà, ta thu nhiều vũ khí, bắt sống 1 tù binh. Về phía ta: hy sinh 1, bị thương 1…

Ban Liên lạc Hội Cựu chiến binh Tiểu đoàn 1 Long An - đơn vị 3 lần anh hùng LLVT nhân dân đến thăm đồng chí Năm Sửu (người đứng giữa) - Đại đội trưởng xuất sắc của đơn vị trong những năm đánh Mỹ.

  ….Năm 1973 (sau hiệp định Pa ri), Tiểu đoàn 1 về đóng quân tại xã Thanh Hà, huyện Bến Lức. Địch mò đến, Tiểu đoàn giao cho Đại đội 1 đánh trận này. Khoảng 4 giờ sáng, Năm Sửu lên Tiểu đoàn để hiệp đồng tác chiến ban ngày. Đến khoảng 5 giờ sáng, khi trên đường về thì nghe tiếng súng bắn trước đội hình của Tiểu đoàn. Anh liền gặp anh Ba Thuỳ (Chính trị viên phó Đại Đội 4) hỏi xem có thấy tiếng súng bắn trước mặt Đại Đội 1 hay không ? Anh Ba Thuỳ trả lời: Có. Sau đó, Năm Sửu  chạy ngay về đơn vị thông báo cho anh em sẵn sàng chiến đấu. Khoảng 7h00 sáng, đơn vị Bảo an 33 Bà Vụ của địch xông trận địa. Năm Sửu lệnh cho Trung đội 3 bò lên, nhưng vì có chỗ đồng trống nên địch phát hiện, lập tức anh cho B3 nổ súng. Tiếp theo, anh lệnh cho các Trung đội 2 và 3 xung phong đánh tạt sườn. Địch chết tại trận một số lớn, số còn lại chạy tán loạn. Thừa thời cơ, Trung đội 3 vận động nhanh phía chính diện, diệt gọn bọn sống sót. Trận đánh này ta tiêu diệt toàn bộ đơn vị Bảo an 33 Bà Vụ của địch, bắt sống 4 thu binh, thu toàn bộ vũ khí. Phía ta, anh Năm Sửu bị thương đạn M79.

Trong cuốn sách “Tiểu đoàn 1 Long An” Nhà xuất bản QĐND xuất bản năm 2003, đoạn nói về Tiểu đoàn 1 tham gia cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 (đợt 1), có viết: “Trong tình thế ấy, đồng chí Tám Bự đã điều một khẩu trung liên lên căn lầu phía bên ta để bắn áp chế. Nhưng đồng chí Tư, xạ thủ trung liên chỉ mới bắn được vài loạt đã phải đưa súng xuống vì hoả lực của địch quá mạnh. Lúc đó,Tám Bự gọi Sửu đến giao nhiệm vụ dùng B40 diệt cho được căn nhà lầu địch chiếm giữ (lúc này đạn B41 phải để dành đánh xe tăng). Đồng chí Năm Sửu vốn là xạ thủ B41, tuy chưa bắn B40 lần nào nhưng vẫn nhận nhiệm vụ một cách tự tin vì nghĩ rằng, chắc tính năng của B40 cũng không khác lắm. Anh Sửu ôm khẩu B40 bò sát đất đến bên hông một căn nhà chỉ cách địch khoảng 70 mét, anh chỉ hé được một con mắt qua cạnh tường để quan sát mục tiêu. Sau khi tính toán cách bắn thật kỹ, anh cẩn thận lắp đạn và từ từ đưa khẩu súng lên. Khi quả đạn vừa nhô ra khỏi cạnh tường, bọn địch chưa kịp phát hiện thì anh đã bóp cò. Trái đạn bay đúng vào cửa sổ tầng trên, nơi chúng đặt các khẩu đại liên. Một tiếng nổ rất lớn và sau đó là khói đen tuôn ra đặc sệt từ các ô cửa. Quân địch kêu la, vội vã kéo những tên chết và bị thương ra khỏi căn nhà. Thấy vậy, một chiến sỹ ta đứng bật dậy kêu: Sửu ơi, coi tụi nó khiêng vác nhau nhiều quá kìa ! Anh vừa dứt lời thì đạn M79 tới tấp nổ xung quanh. Người chiến sỹ ấy ngã xuống hy sinh tại trận địa”.

  …Đầu năm 1974, Đồn Kinh Ngay thuộc xã Bình Đức (Huyện Thủ Thừa) nằm án ngữ trên tuyến hành lang nối hai vùng Nam - Bắc của Long An. Tỉnh đội Long An giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 1 tiêu diệt đồn này để mở rộng hành lang. Đồng chí Tư Chiểu - Tỉnh đội trưởng xuống trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Đồn địch cấp trung đội nên Tiểu đoàn 1 sử dụng Đại đội 1 là lực lượng chủ yếu, kết hợp với một khẩu ĐKZ82, một khẩu 12,8mm và một trung đội làm dự bị. Đại đội 1 tiến hành điều nghiên lần thứ nhất nhưng chưa đạt yêu cầu nên cấp trên chưa cho đánh. Lúc này, Đại đội trưởng Bùi Văn Sửu mới từ bệnh viện về, nghe tình hình như vậy liền gặp cấp trên và xin được trực tiếp điều nghiên lại. Sau một đêm nghiên cứu địa hình, Sửu lập phương án đánh 2 mũi: Mũi chủ yếu đánh từ hướng đông, mũi thứ yếu đánh hướng bắc. Phương án này được chuẩn y, nhưng đêm đi đánh, ta bị lộ khi tiếp cận mục tiêu nên trận đánh lại phải tạm hoãn. Tỉnh đội chỉ đạo cho Tiểu đoàn 1 phải tiến hành trận đánh ngay đêm sau, nhưng Đại đội trưởng Sửu đề nghị cho anh thêm 1 đêm để nghiên cứu thay đổi cách đánh. Sau khi điều nghiên lại, Đại đội trưởng Sửu đề nghị thay đổi hướng chủ yếu sang phía tây, hướng thứ yếu vẫn ở phía bắc. Đêm hôm sau, Đại đội 1 đi đánh lần thứ hai. Các mũi tiếp cận, chiếm lĩnh trận địa đúng ý định, súng 12,8mm đưa được vào cách lô cốt khoảng 200 mét. Tuy nhiên, khi nổ súng, trái B41 đầu tiên không diệt được lô cốt chính nên bị hỏa lực của địch khống chế và chặn đứng bộ phận mở cửa của ta. Tình thế trở lên nguy cấp, Đại đội trưởng Sửu liên lạc nhanh với hướng bắc do đồng chí Rội chỉ huy, mũi này vẫn còn giữ được bí mật.  Sửu ra lệnh cho đồng chí Rội bí mật tiếp cận và dùng thủ pháo diệt cho được lô cốt chính. Những phút chờ đợi thật căng thẳng vì sự thành bại của trận đánh tùy thuộc hoàn toàn vào kết quả này. Bỗng ầm, oành ! Những tiếng thủ pháo của Rội nổ đanh gọn, tiếng súng của địch trong lô cốt đã im bặt. Chớp thời cơ, Sửu lệnh cho mũi chính nhanh chóng mở hàng rào cuối cùng cho xung kích lao vào. Khi Đại đội trưởng Sửu vào trong đồn thì chỉ còn tên đồn trưởng và đồn phó, mỗi tên cầm một quả lựu đạn đã rút chốt. Bộ đội ta nhanh chóng giải thích chính sách khoan hồng đối với tù hàng binh, chúng ném trái lựu đạn ra hàng rào và xin hàng quân giải phóng. Hai tên này còn xin được khiêng thương binh của ta ra khỏi trận địa. Lúc đó, chiếc máy truyền tin của đồn đang phát ra những tiếng gọi bắt liên lạc của Chi khu Bến Lức, ta nhanh trí trả lời: "Vẫn bình thường", rồi tắt máy, do vậy, pháo địch không bắn trên đường rút của ta. Trận đánh đồn Kinh Ngay diễn biến rất phức tạp nhưng cuối cùng ta giành được thắng lợi. Đây là trận đánh đồn thắng lợi đầu tiên sau một thời gian rất lâu ta không đánh được bằng hình thức chiến thuật này. Kết quả đã chứng tỏ sự tiến bộ vượt bậc về trình độ tác chiến của Tiểu đoàn 1. Trong thắng lợi này phải kể đến sự kiên trì thực hiện nhiệm vụ và khả năng chỉ huy, bản lĩnh xử trí tình huống rất kiên quyết, linh hoạt của Đại đội trưởng Bùi Văn Sửu…

 …Ngày 15/7/1977, Tiểu đoàn 1 nhận mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An tổ chức hành quân chiến đấu truy đuổi địch từ biên giới Đức Huệ sang Căm pu chia, rồi về đứng chân ở biên giới Mộc Hoá. Sau khi nhận nhiệm vụ, Tiểu đoàn bắt tay ngay vào việc trinh sát nắm địch. Tổ chức đội hình hành quân chiến đấu cơ động, kết hợp chiến thuật vận động tập kích. Đêm 17/7/1977, Tiểu đoàn đánh vào khu vực Tà Điều đẩy lùi 2 đại đội địch đang đóng giữ tại đây. Ngày hôm sau, đại đội 2 và đại đội 3 của Tiểu đoàn do đồng chí Huệ, Mười Tâm và Bùi Văn Sửu chỉ huy, đã tập kích toàn diện, đánh tan tác 1 đại đội địch tại Sâm Bờ Lầy (Sóc Sết), diệt tại chỗ 10 tên, bắt 20 tên, thu 30 súng. Ngày 19/7/1977, Tiểu đoàn tiếp tục truy kích địch từ Sâm Bờ Lầy xuống Sóc Rừng, sau đó trở về xã Thạnh Trị, huyện Mộc Hoá…

Đối với chúng tôi, lớp người cùng thời với Năm Sửu, hoặc về Tiểu đoàn 1 sau anh, nhưng đều biết đến tấm gương chiến đấu điển hình của anh. Anh không những là niềm tự hào của đơn vị mà còn là ngọn lửa niềm tin thôi thúc cổ vũ toàn đơn vị, noi gương anh vững vàng chiến đấu trong mọi tình huống. Chính anh là một trong những nhân tố đi đầu, góp phần tích cực xây dựng lên thành tích của Tiểu đoàn 1 Long An 3 lần anh hùng. Vì thế, nhiều đồng chí trong Tiểu đoàn đã nói: Đồng chí Năm Sửu hoàn toàn xứng đáng được phong anh hùng !  Đúng như vậy, chỉ có điều, quá trình làm hồ sơ cho anh đã gặp trắc trở, và dang dở… không thành !

Và tâm tư người Cựu chiến binh trong thời bình

 Sau 1975, công tác thi đua khen thưởng của tỉnh Long An được quan tâm chú trọng làm tốt, song vẫn còn những tồn đọng. Nhiều đồng chí còn bỏ sót, chưa có điều kiện làm hồ sơ hoặc có đồng chí do vướng mắc điều này điều nọ. Anh Năm Sửu là một trường hợp như thế. Cũng cần phải nói rõ ngay là, bản thân anh Năm Sửu, với thành tích chiến đấu tiêu biểu như thế, nhưng anh không hề đòi hỏi, không ý kiến, kiến nghị gì lên cấp trên. Anh tâm niệm rằng: “Mình đi theo cách mạng, đã hoàn thành nhiệm vụ của người lính với đất nước như bao đồng chí khác, vậy là được rồi, có gì mà phải đòi hỏi Nhà nước”. Và thời gian cứ trôi đi, đến nay, ở tuổi 72, anh và gia đình, vợ con anh - hậu phương vững chắc cho anh trong những năm tháng đánh giặc vẫn sống bình dị trong một xóm nghèo tại Long Khánh. Tuy vậy, khi tiếp xúc với anh, đằng sau nụ cười cởi mở của người thủ trưởng năm nào, tôi vẫn thấy có gì “uẩn khúc” mà anh không nói ra ? Tôi hỏi: Sau 46 năm anh em mới gặp lại nhau, thủ trưởng có mong muốn gì không ?  Giọng anh trầm xuống:  Mong cho anh em mình mạnh khoẻ, chúng ta làm sao đừng để phụ lòng anh em đã hy sinh, thế thôi. Tôi gặng hỏi: Thế anh có vướng mắc gì không ? Chẳng vướng mắc gì cả - anh nói - chỉ có tâm tư một chút là: Hồi xưa, khi làm hồ sơ phong anh hùng cho tôi, họ bảo vợ tôi trước đây là “chiêu hồi” nên không được. Chuyện ấy, sau đã được xác minh, nhưng “cái án” ấy vẫn còn “bám” theo gia đình tôi đến tận bây giờ. Với tôi thì không vấn đề gì cả, vì tôi biết thực chất của vợ tôi, của gia đình vợ tôi, hồi đó bị địch o ép, phải làm hồ sơ giả để yên chuyện mà sống vậy thôi, bên nhà vợ tôi toàn là người cách mạng cả. Điều mà tôi tâm tư là: Con trai tôi hiện nay vẫn “khốn khổ” vì cái “án” của mẹ nó. Cháu tên là Bùi Minh Phương, sinh năm 1978 (nay 43 tuổi), là một thanh niên khoẻ mạnh, có ý chí phấn đấu vươn lên trong công tác vì muốn đi theo con đường của cha. Từ năm 1998 cháu vào công tác ở huyện Đoàn Long Khánh, năm 2004, cháu làm Phó Bí thư thường trực huyện Đoàn Long Khánh. Sau đó, vì cái “án” của mẹ nó trong lý lịch nên họ không phát triển, mặc dù cháu đã 4,5 lần học qua lớp cảm tình Đảng. Điều đáng buồn là, lúc đó cơ quan đối xử với cháu là cho nghỉ 3 tháng đi xin việc, nếu không xin được việc thì buộc cho thôi việc ! Với hoài bão và khát vọng của thanh niên, cháu may mắn được một người giúp đỡ nhận vào làm việc ở một trường Trung học cơ sở. Vừa làm việc, cháu vừa theo học Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh, cho đến khi tốt nghiệp. Hiện nay, cháu là giáo viên có uy tín ở trường Trung học cơ sở Bảo Quang, TP Long Khánh, dạy môn Giáo dục công dân. Việc cháu không phát triển Đảng được, huyện uỷ và Tỉnh uỷ đều biết nhưng không có giải pháp gì. Họ chỉ nói là: Rất tiếc !

Anh Năm Sửu (đứng giữa) cùng vợ (bìa phải), con trai Bùi Minh Phương, con gái và cháu nội.

Anh Năm Sửu còn có một người con trai nữa là Bùi Minh Tuyền - giáo viên dạy Trung cấp cơ khí (thuộc Trường Đại học Sư phạm Kinh tế TP HM), mặc dù công tác tốt, nhưng cũng do “lý lịch” của mẹ nên không phát triển được, phải ra chạy ô tô cho nhà trường.

Trở lại cái “án treo” trên kia, tôi có gọi điện thoại cho anh Trần Văn Niêm, Cựu chiến binh Tiểu đoàn 45 Long An - em ruột chị Trần Thị Cẩm Lệ (vợ anh Năm Sửu) - một đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, hiện đang cư trú tại quê ở xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, anh biết rất rõ về sự việc này, cho biết:  Sự thật là hồi đó bà già tôi giữ chị Năm lại không cho đi theo bộ đội chỉ đơn giản là sợ gian khổ chị ấy không chịu nổi, vậy thôi. Vì ở lại nên gia đình phải làm giả hồ sơ để che mắt địch, từ đó bọn chúng tung tin đồn thất thiệt, chứ chị tôi có đi chiêu hồi đâu. Sau giải phóng, họ còn nói chị tôi đi chỉ điểm giết hại cán bộ của ta, nhưng thực tế,chị tôi không làm gì có hại cho cách mạng cả. Đáng lẽ, về nguyên tắc, tổ chức của Đảng, khi muốn phát triển Đảng cho một đồng chí nào đó, phải về địa phương xác minh lý lịch rõ ràng, nếu phát hiện “có vấn đề” và có chứng cứ thì xử lý, nếu không có gì thì cũng phải kết luận là không có để làm thủ tục phát triển đảng viên, chứ không thể nghe theo “lời đồn đại “ được. Như tôi đây, là em ruột chị Năm Sửu - người trực tiếp ảnh hưởng tới lý lịch của tôi, vậy mà tôi đã được kết nạp Đảng từ lâu. Điều này chứng tỏ sự trong sáng của chị tôi, của gia đình tôi. Vậy mà, con trai anh chị Năm Sửu - một thanh niên có nghị lực phấn đấu tốt, một lòng một hướng đi tiếp theo con đường của cha đã chọn để cống hiến cho đất nước lại không được kết nạp Đảng để phát triển tương lai ? Đến nay, thời gian đã trôi đi hàng chục năm, việc vẫn còn đó, cháu bị thiệt thòi oan uổng. Sự việc này, cháu không còn biết kêu ai nữa, chỉ biết kêu trời ! Rất may là cháu vẫn còn nghị lực, vẫn tích cực công tác dạy học trong ngành giáo dục.

Đến đây, tôi mới hiểu được tâm tư của vợ chồng anh Năm Sửu, hiểu được vì sao anh chị là “dời quê” lên định cư tại Long Khánh lâu dài. Sự việc trên đây không chỉ là bước cản trở “không đáng có” trên con đường đóng góp cho đất nước của con trai anh chị, mà con là nỗi đau “lơ lửng” của anh chị Năm Sửu, của anh Niêm và của đại gia đình này trong cuộc sống lâu nay.

 Là đồng chí, đồng đội và là cấp dưới của anh Năm Sửu, nhưng còn là một nhà báo, tôi thấy rằng: Những tồn đọng sau chiến tranh là điều khó tránh khỏi, nhưng không phải vì thế mà chúng ta thờ ơ, vô cảm với những trường hợp như gia đình anh Năm Sửu. Giả sử chị Năm Sửu có thật là chiêu hồi thì cũng cần phải điều tra xác minh làm rõ, có kết luận cụ thể. Nhưng nếu chị Năm Sửu thực chất không phải thế thì phải có công bố rõ ràng để bản thân chị và chồng con, gia đình chị không bị oan ức trong nhiều năm qua. Mà, cho dù sự việc ấy có hay không có thì chiến tranh cũng đã lùi xa đến nửa thế kỷ rồi. Chúng ta cần nhìn nó dưới ánh sáng nhân văn hoà hợp dân tộc, hướng về phía trước với tương lai tươi sáng của đất nước. Sự ách tắc của các cấp lãnh đạo địa phương trong vụ việc này, vô tình đã làm nản lòng hoặc thui chột nhiệt huyết của những con người mà lẽ ra, họ được hưởng niềm vui hạnh phúc và cống hiến cho đất nước những năm qua. Rõ ràng đây là câu hỏi rất cần được trả lời sớm, dù đã quá muộn, nhưng muộn vẫn còn hơn không !

Tạm biệt anh Năm Sửu, nhóm chúng tôi gồm có: anh Đàm Đức Hoành, nguyên Trung đội trưởng, xạ thủ cối 82 xuất sắc của Tiểu đoàn 1, hiện là Trưởng Ban Liên lạc Hội Cựu chiến binh Tiểu đoàn 1 Long An (khu vực phía Bắc), đồng chí đại tá Nguyễn Văn Nhiều, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Long An, đồng chí Lê Ngọc Trắng, cán bộ Ban Khoa học quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh Long An và tôi, nguyên Trợ lý chính trị Tiểu đoàn 1 Long An. Chúng tôi lại xiết chặt tay anh Năm Sửu và cùng chụp chung một tấm ảnh kỷ niệm để ghi nhớ cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này. Cả nhóm hứa với anh Năm Sửu và giao cho tôi là sẽ viết một bài báo về anh, phản ánh về những góc khuất tâm tư của gia đình anh trong những năm tháng đã qua. Chúng tôi cũng hy vọng bài báo sẽ đến được các cấp uỷ Đảng và chính quyền ở Long Khánh, ở Đồng Nai và ở Long An, được xem xét, góp phần giải được cái “án treo” cho con trai anh Năm Sửu - người đại đội trưởng xuất sắc của Tiểu đoàn 1 Long An năm xưa, nay tuổi đã quá xế chiều…

                                                                                        Mùa hè, năm 2021

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Mãi ngời sáng “Trang văn bia” về một tiểu đoàn 3 lần anh hùng

Trong lịch sử dài xa của Việt Nam - Đất nước anh hùng, công cuộc đánh giặc giữ nước và dựng xây đất nước của dân tộc ta đã hóa thành bản “anh hùng ca” vang động, chảy dài, trong niềm kiêu hãnh, tự hào qua rất nhiều thời đại.
2024-11-27 14:43:46

Quảng Ninh: Người khuyết tật được quan tâm xây nhà mới

Vừa qua tại TP Móng Cái, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi (NKT-TMC) tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân TP Móng Cái và CLB Thiện nguyện Nhân tâm Hạ Long đã tổ chức khánh thành nhà tình thương cho gia đình người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.
2024-11-27 13:58:48

Bắc Kạn: Giải thể Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp K27 do không triển khai hoạt động đào tạo

Ngày 18/11/2024, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 2054/QĐ-UBND về việc giải thể Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp K27 Bắc Kạn.
2024-11-27 11:31:01

Khám phá thiên nhiên và bản sắc văn hoá Làng du lịch Tân Hoá

Minh Hóa (Quảng Bình) là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và cũng là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Ðây là cơ sở quan trọng để địa phương xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng.
2024-11-27 07:00:00

Xúc tiến, quảng bá Du lịch đêm Hà Nội 2024 với chủ đề “Đêm Trúc Bạch”

Vào 18 giờ ngày 29/11/2024, tại không gian tuyến phố ẩm thực Đảo Ngọc Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) sẽ khai mạc chương trình quảng bá sản phẩm du lịch "Đêm Hà Nội 2024" với chủ đề “Đêm Trúc Bạch”; công bố Quyết định công nhận 3 điểm du lịch mới của Thủ đô và khai trương Tuyến tàu điện số 6.
2024-11-26 14:31:36

Tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
2024-11-26 08:14:24
Đang tải...