Tin tức kinh tế, tài chính ngày 25/7/2021: Bất động sản sẽ sôi động trở lại khi dịch Covid-19 đi qua
Giá vàng hôm nay 25/7: Giá vàng sẽ bị bán tháo?
Cuối tuần 25/7, giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước khá ổn định khi ngân hàng thương mại và nhiều doanh nghiệp vàng nghỉ giao dịch. Giá vàng SJC được một số doanh nghiệp niêm yết quanh 56,85 triệu đồng/lượng mua vào, 57,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng PNJ cũng không thay đổi so với hôm qua và hiện ở mức 51,25 triệu đồng/lượng mua vào, 52,65 triệu đồng/lượng bán ra.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại giảm nhẹ thêm 50.000 đồng/lượng xuống 51,05 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra 51,65 triệu đồng/lượng.
So với cuối tuần trước, giá vàng SJC gần như không thay đổi, trong khi giá vàng PNJ và giá vàng trang sức giảm khoảng 350.000 đồng/lượng.
Giá vàng
Theo một số doanh nghiệp, sức mua trên thị trường cũng giảm mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội ở TP HCM và nhiều địa phương.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới dù vẫn ở trên ngưỡng 1.800 USD/ounce nhưng so với tuần trước đã giảm khá mạnh.
Dự báo giá vàng tuần tới, nhiều chuyên gia phân tích thị trường cho rằng giá kim loại quý có thể tiếp tục giảm mạnh trong bối cảnh kinh tế Mỹ hồi phục, đồng USD mạnh lên và sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Mỹ đang ở mức cao kỷ lục.
Tại cuộc khảo sát ở Phố Walls do Kitco thực hiện, có 15 nhà phân tích thị trường tham gia trả lời, trong đó có tới 60% cho rằng giá vàng sẽ giảm những ngày tới, chỉ 13% ý kiến dự đoán giá vàng tăng và số còn lại tin kim loại quý sẽ đi ngang.
Tại cuộc khảo sát trực tuyến ở Main Street cũng do Kitco thực hiện, các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan hơn với 571 ý kiến trả lời, trong đó 55% kỳ vọng giá vàng đi lên, 26% cho rằng giá vàng sẽ giảm và số còn lại dự đoán giá vàng đi ngang. Dù vậy, số nhà đầu tư quan tâm đến vàng ngày càng giảm, khi số lượng tham gia khảo sát trực tuyến đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 11-2019.
Hiện giá vàng thế giới thấp hơn giá vàng SJC khoảng 7 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 1,6 triệu đồng/lượng.
Tỉ giá trung tâm cuối tuần được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.209 đồng/USD, tăng 14 đồng/USD so với cuối tuần trước. Giá USD ở các ngân hàng thương mại được giao dịch quanh 22.910 đồng/USD mua vào, 23.110 đồng/USD bán ra, giảm 10 đồng mỗi USD.
Chứng khoán tuần tới: Có thể chưa thoát khỏi xu hướng giảm
Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), việc thanh khoản tuần qua tiếp tục giảm sút dù mức giảm không nhiều, cho thấy lực cầu bắt đáy vẫn khá “dè dặt” và thể hiện phần nào tâm lý chung của nhà đầu tư là thận trọng, trong bối cảnh đợt bùng phát thứ tư của dịch COVID-19 tiếp tục có thêm nhiều diễn biến phức tạp.
Thị trường bắt đầu có sự phân hóa rõ nét hơn giữa các nhóm ngành khi nhiều cổ phiếu vốn hóa trung bình đi ngược lại diễn biến giảm điểm của chỉ số chung và cổ phiếu vốn hóa lớn; trong đó, đáng chú ý là các ngành bất động sản, cảng biển... Dù vậy nhìn chung, chỉ số vẫn chưa thể thoát khỏi xu hướng điều chỉnh giảm.
Theo VCBS, mặt bằng giá mới đang dần được thiết lập quanh ngưỡng 1.270 điểm. Nhà đầu tư có thể cân nhắc cơ cấu lại danh mục và giải ngân tích lũy dần các cổ phiếu mục tiêu với tỷ trọng nhỏ, nhưng vẫn cần tuyệt đối tuân thủ kỷ luật đầu tư và nên tránh mua đuổi trong những phiên tăng điểm.
“Chúng tôi vẫn kỳ vọng, những cơ hội đầu tư mới sẽ xuất hiện nhiều hơn khi diễn biến của các chỉ số chung ổn định trở lại. Do đó việc giải ngân tại thời điểm này nên thiên về các cơ hội đầu tư trung và dài hạn, trên cơ sở kỳ vọng về kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp trong hai quý còn lại của năm 2021”, chuyên gia từ VCBS khuyến nghị.
Các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS) cho rằng, về mặt kỹ thuật, VN-Index giảm mạnh và mất vùng hỗ trợ quanh mốc 1.280 điểm trong phiên cuối tuần qua. Điều này khiến các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục cho thấy sự lấn át của xu thế giảm trong ngắn hạn.
Nhiều khả năng, VN-Index sẽ tiếp tục điều chỉnh trong các phiên đầu tuần tới và không loại trừ khả năng kiểm định lại đáy cũ quanh vùng 1.220-1.230 điểm.
Công ty chứng khoán này cũng khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên quản trị rủi ro danh mục và chỉ giải ngân cho các mục tiêu ngắn hạn, khi có tín hiệu hồi phục rõ ràng.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định phiên cuối tuần, VN-Index đã giảm trở lại vùng thăm dò 1.265 - 1.275 điểm. Thanh khoản tăng so với phiên trước đó, cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng. Tuy nhiên, áp lực này chưa quá lớn và cần chờ thêm tín hiệu thăm dò cung - cầu tại vùng quanh 1.270 điểm.
“Do diễn biến thị trường khá nhạy cảm trong ngắn hạn nên nhà đầu tư nên quan sát diễn biến giao dịch và giữ tài khoản ở mức cân bằng”, VDSC khuyến nghị.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) có nhận định khá lạc quan khi cho rằng, trên góc nhìn kỹ thuật, với việc kết thúc tuần giao dịch trên ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm thì VN-Index vẫn còn khả năng hồi phục trong tuần tiếp theo để hướng đến vùng quanh 1.300 điểm. Tuy nhiên, khả năng thị trường rung lắc trong phiên đầu tuần là có thể xảy ra.
Về diễn biến thị trường, tuần qua là tuần thứ ba liên tiếp VN-Index đi xuống, cùng đó thanh khoản tiếp tục suy giảm. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 30,48 điểm xuống 1.268,83 điểm; HNX-Index giảm 5,99 điểm xuống 301,77 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với tuần trước đó, tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất với khoảng 20.500 tỷ đồng mỗi phiên.
Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 5,2% xuống 91.540 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giảm 4% xuống 2.858 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 18,9% xuống 11.200 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giảm 22,1% xuống 498 triệu cổ phiếu.
Theo SHS, thị trường điều chỉnh khiến cho gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự sụt giảm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất với 4,8% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu giảm mạnh như: ACB giảm 1,8%, TCB giảm 4,1%, MBB giảm 4,6%, VCB và BID đều giảm 5,4%, SHB giảm 6%, CTG giảm 6,2%, VPB giảm 9,3%...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí với mức giảm 3,3% giá trị vốn hóa. Các mã trụ cột trong nhóm này như: PLX giảm 1,8%, BSR giảm 3,9%, OIL giảm 4%, PVS và giảm PVC 6,5%, PVD giảm 10,2%...
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng giảm 2,5% giá trị vốn hóa. Cụ thể, các mã như: VJC giảm 1,7%, MWG giảm 3,8%, HVN và ACV đều giảm 3,9%...
Các nhóm còn lại đều giảm như tiện ích cộng đồng giảm 1,7% giá trị vốn hóa, tài chính giảm 1,3%, nguyên vật liệu giảm 0,8%, hàng tiêu dùng giảm 0,6%.
Ở chiều ngược lại, nhóm công nghệ thông tin tăng mạnh nhất với 3,4% giá trị vốn hóa. Các mã vốn hóa lớn trong nhóm như: FPT tăng 4,3%, CMG tăng 0,8%...
Tiếp theo, nhóm công nghiệp tăng 0,5% giá trị vốn hóa; nhóm dược phẩm và y tế tăng 0,2% giá trị vốn hóa.
Lãi suất cho vay giảm đến 3 điểm %
Sau cuộc họp ngày 12/7 với Hiệp hội Ngân hàng, nhiều ngân hàng tiến hành hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Mức giảm phổ biến từ 0,5-2 điểm % đối với khoản vay hiện hữu và vay mới.
Điển hình, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) giảm lãi suất cho vay tới 3 điểm %/năm cho khách hàng khi vay vốn phục vụ kinh doanh (hộ kinh doanh) và giảm 1 điểm %/năm khi vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà. Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) cũng hạ lãi suất cho vay, mức giảm trung bình 1,5 điểm % cho hơn 8.500 khách hàng. TPBank cũng giảm từ 0,5-1,2 điểm % lãi suất cho doanh nghiệp.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam (HDBank) giảm lãi suất cho gần 18.000 khách hàng vay, với mức giảm bình quân từ 1 điểm %/năm cho 3 nhóm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mức giảm tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) giảm cao nhất là 3-4%/năm so với hiện tại. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) giảm lãi suất tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn.
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay.
Chung xu hướng, Sacombank cũng tiến hành giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng có khoản vay tại đây. Ngân hàng TMCP Bản Việt tiếp tục triển khai gói hỗ trợ quy mô 9.000 tỷ với lãi suất giảm tới 2% cho các doanh nghiệp.
Nhiều ngân hàng sở hữu Nhà nước cũng giảm lãi suất cho vay giai đoạn này. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm lãi suất cho vay với tất cả khách hàng, mức giảm tối đa 1 điểm %. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm lãi suất cho vay bình quân 1 điểm % với dư nợ hiện hữu, một số nhóm khách hàng khó khăn sẽ được giảm tối đa 2 điểm % so với lãi suất hiện hành. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng giảm lãi vay tối đa 1 điểm % cho các khoản dư nợ hiện hữu và giải ngân mới.
Không chỉ giảm lãi suất cho vay với những khoản vay hiện hữu, nhiều ngân hàng áp dụng chính sách ưu đãi cho khoản vay mới. Đơn cử, VPBank sẽ giảm lãi suất cho vay với các khoản vay mới giải ngân từ 20/7-30/9/2021, thời hạn vay dưới 6 tháng, với doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mức lãi suất hỗ trợ là 1,0% đối với khoản vay tín chấp và 0,5% đối với khoản vay thế chấp. BIDV cũng dành 1.600 tỷ đồng cho vay ưu đãi với dư nợ cho vay mới. Sacombank dành 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên hiện nay ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay bình quân với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ của các ngân hàng thương mại phổ biến từ 8-10%/năm.
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, lãi suất cho vay đã rất thấp nhưng vẫn cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành hơn 1 năm qua, lãi suất các khoản vay vẫn là gánh nặng với nhiều doanh nghiệp.
Có lo ngại bong bóng bất động sản?
Mới đây, tại báo cáo thẩm tra kết quả kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Chính phủ tại Quốc hội, đại diện Uỷ ban Kinh tế nêu lên nhiều "điểm nghẽn", trong đó có thị trường BĐS.
Đại diện này đánh giá, tình trạng sốt nóng thị trường bất động sản, chứng khoán có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô. Cụ thể, tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất, đầu cơ đất, nhiễu loạn thông tin quy hoạch đất, nhất là các khu vực vùng ven các đô thị lớn.
Theo đó, Uỷ ban kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng bong bóng tài sản và những rủi ro đến kinh tế vĩ mô; phân tích kỹ hơn tình trạng các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian qua với lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Thực tế nửa đầu năm nay, trái phiếu doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bất động sản không ngừng tăng. Dẫn báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 28.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong tháng 5, có tới 76% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm (chủ yếu của các ngân hàng, công ty chứng khoán). Trong các trái phiếu lĩnh vực bất động sản, xây dựng... thì 26% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu. Lãi suất phát hành trái phiếu bất động sản chủ yếu dao động trong khoảng 9,5-11% một năm.
Đặt câu hỏi, liệu thị trường BĐS có bong bóng khi mà giao dịch chững, giá vẫn không giảm, tiếp tục đà tăng, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, nhìn chung, bất động sản có quy mô tăng trưởng không lớn so với quy mô tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Về nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản, chúng ta cần phân tích thêm về việc các ngân hàng đang cho vay ra sao và tình hình đầu cơ trên thị trường bất động sản đang diễn ra như thế nào.
Theo số liệu từ báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khoảng 3 tháng đầu tiên trong năm nay, bất động sản là nhóm ngành thu hút đầu tư nước ngoài cao thứ ba, đạt 600 triệu USD. Số liệu mới đây từ Bộ Xây dựng cũng cho thấy, đến tháng 3/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản tính tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái15,56%.
Còn theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tốc độ tăng tín dụng của quý I/2021 cao hơn mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm ngoái, dư nợ tín dụng nền kinh tế đã ở mức trên 9,46 triệu tỷ đồng. Tín dụng lĩnh vực bất động sản là 1.835.504 tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020, trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế là 2,93%. Như vậy, tín dụng bất động sản chiếm 19,6% tổng dư nợ của nền kinh tế.
"Chúng tôi cho rằng dòng tiền được vay từ các ngân hàng chảy vào bất động sản nhìn chung vẫn đang được kiểm soát, trong vùng an toàn. Cùng với các biện pháp tăng cường quản lý từ các cơ quan chức năng nhằm kiểm soát chặt chẽ các khoản vay đầu tư bất động sản, thị trường sẽ vẫn ổn định và dần sôi động trở lại khi đại dịch qua đi", ông Jackson nhấn mạnh.
Theo ủy ban kinh tế, áp lực lạm phát 6 tháng cuối năm rất lớn, trong bối cảnh nhiều chỉ số vĩ mô chưa thực sự bền vững và tình trạng sốt đất, thị trường chứng khoán nhiều thời điểm tăng nóng. CPI bình quân nửa đầu năm chỉ tăng 1,47%, là mức thấp nhất trong 5 năm. Dữ liệu này cho thấy sức cầu trong nước yếu dù CPI tháng 5 và 6 có mức tăng "nhỉnh" hơn lần lượt là 2,9% và 2,41%. Cùng với tình trạng bong bóng tài sản, giá cả thế giới có xu hướng tăng cao như giá vật liệu bảo dưỡng nhà tăng hơn 5%, giá xăng, dầu bình quân tăng gần 51,4% so với cùng kỳ năm trước...
Với thị trường BĐS, đại dịch Covid-19 có những tác động sâu sắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường. Về nền tảng kinh tế: Do sự bùng phát của đợt dịch Covid-19 thứ tư, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 ở vào khoảng 5,8% - thấp hơn 1,39 điểm phần trăm so với mục tiêu tăng trưởng 6 tháng theo kịch bản cập nhật tại quý 1/2021 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2021 sẽ phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát thành công dịch Covid- 19. Vì vậy, theo các chuyên gia còn khá sớm để đưa ra dự báo cho tình hình thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2021.
Về lực cầu mua, Colliers Việt Nam cho hay, các hoạt động kinh doanh bất động sản trong tháng 5/2021 giảm so với các tháng quý 1/2021 trong khi chỉ số VN-Index tiếp tục thiết lập đỉnh mới ở mức 1.328,05 điểm vào ngày 31/5/2021, tuy nhiên lại là nhóm rủi ro cao. Xu hướng các nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản ngày càng nhiều vì đây là kênh đầu tư được cho là an toàn và giá nhà đất lại có xu hướng tăng theo thời gian.
Trong khi đó, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng không ổn định, khó nắm bắt, nhất là với nhóm nhà đầu tư F0. Đồng thời, lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn với mức lãi suất thấp dưới 6.5%/năm, mức được cho là khá khó khăn để hấp dẫn nguồn tiền tích lũy của người dân.
Xuất khẩu nông sản tăng 28,2%
Trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,82%. Trong đó, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện cả nước có 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1.644 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản (tăng 32 chuỗi so với cùng kỳ năm 2020). Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, việc ứng dụng công nghệ cao và phát triển chuỗi liên kết không chỉ thúc đẩy sản xuất hàng hóa an toàn, mà còn bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là phục vụ xuất khẩu.
Đáng mừng hơn, 6 tháng qua, tổng sản lượng thịt các loại đạt 3,16 triệu tấn, tăng 22,58% so với cùng kỳ năm 2020, góp phần ổn định thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong khi đó, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, sản lượng lúa vụ Đông Xuân năm nay đạt 20,5 triệu tấn, tăng 673.000 tấn so với vụ Đông Xuân năm 2020, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Có được những kết quả đó là nhờ thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập trung triển khai việc tái cơ cấu ngành với những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tổ chức sản xuất tốt, phát triển thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Đáng chú ý, ngành nông nghiệp đã chủ động có giải pháp từ sớm để tiêu thụ nông sản vào mùa thu hoạch lớn trước những tác động tiêu cực của Covid-19. Bên cạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa bằng các kênh bán hàng trực tiếp, trực tuyến hiệu quả, việc chủ động nghiên cứu, dự báo, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực như gạo, trái cây, thủy sản…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.