Tin tức miền Tây 17/4: Mở đường bay Cần Thơ - Vân Đồn từ 25/4 tới
Mở đường bay Cần Thơ - Vân Đồn từ 25/4 tới
Ngày 17/4, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo chương trình hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và TP.Cần Thơ, đường bay Vân Đồn – Cần Thơ sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 25/4 tới, với chuyến bay đầu tiên đưa khách từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ra Quảng Ninh.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Ảnh: Nguyễn Hùng.
Theo đó, đường bay kết nối Cần Thơ với Vân Đồn (Quảng Ninh) của hãng hàng không Vietjet Air sẽ chính thức phục vụ người dân và du khách từ 25/4, với thời gian bay 2 giờ 20 phút, trên 3 chuyến khứ hồi mỗi tuần vào thứ 3,5,7.
Việc mở đường bay này góp phần kết nối Quảng Ninh với Cần Thơ - 2 địa bàn trọng điểm của 2 vùng kinh tế là vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Với hạ tầng giao thông, logistics của tỉnh Quảng Ninh đã được đầu tư đồng bộ cùng với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, khi đường bay thẳng Vân Đồn - Cần Thơ được đưa vào hoạt động sẽ khai thác tối đa tiềm năng lợi thế vai trò trung tâm của 2 địa phương. Từ Quảng Ninh lan tỏa ra vùng Đồng bằng sông Hồng kết nối với cánh cung các tỉnh Đông Bắc và từ TP Cần Thơ ra Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại xuất nhập khẩu…
Hiện, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Vân Đồn đều đã được xây dựng đạt quy mô sân bay cấp 4E, công suất thiết kế 3 triệu hành khách/năm. Nhưng đến nay, cả 2 cảng chỉ mới khai thác dưới 50% công suất thiết kế nên vẫn còn nhiều dư địa, tiềm năng để nâng cao sản lượng khai thác, mở thêm các chuyến bay nội địa và quốc tế. Trong khi đó, hiện tại chưa có đường bay đi/đến giữa 2 địa phương.
Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh và TP.Cần Thơ đã thống nhất mở đường bay nội địa đi/đến 2 địa phương, trước mắt nhằm tăng cường, quảng bá du lịch với du khách quốc tế và nội địa, kết nối sản phẩm du lịch vùng với các địa phương khác tại ĐBSCL và Đồng bằng sông Hồng.
Tiếp đến sẽ tăng cường hợp tác, kết nối tiêu thụ nông sản qua hệ thống cảng biển (Cảng Cần Thơ và Cảng Vạn Ninh, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh)…
Xây dựng 16 đề xuất dự án để phát triển bền vững ĐBSCL
Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT) đã phối hợp với các bộ, địa phương tiến hành các thủ tục trong nước theo quy định đối với các đề xuất dự án phát triển ÐBSCL bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu (Mekong DPO).
Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL.
Nhận thức ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của các dự án đối với sự phát triển của vùng ÐBSCL, các bên đang nỗ lực để các dự án có thể được triển khai trong thời gian sớm nhất.
Từ tháng 3/2022, Bộ KH&ÐT đã phối hợp cùng 6 đối tác phát triển phương án nguồn vốn nước ngoài cho các dự án tổ chức hơn 10 chuyến khảo sát, làm việc với 13 tỉnh, thành và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để trao đổi về quy mô, hướng tuyến, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) , Bộ NN&PTNT và 13 tỉnh, thành ÐBSCL đã xây dựng 16 đề xuất dự án. Tổng mức đầu tư khoảng 94.328 tỉ đồng; trong đó, vốn đối ứng khoảng 28.046 tỉ đồng; vốn vay nước ngoài khoảng 66.282 tỉ đồng. Về cơ chế tài chính trong nước phần vốn vay, đối với Bộ NN&PTNT và Bộ GTVT: cấp phát; đối với 13 tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL: vay lại 10%, cấp phát 90%.
Về tiến độ của các dự án Mekong DPO, Bộ KH&ÐT dự kiến, trong tháng 6/2023 sẽ phê duyệt đề xuất; đến tháng 12/2023, phê duyệt chủ trương đầu tư. Ðối với các dự án của Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT sẽ quyết định đầu tư và ký hiệp định vào tháng 6/2024. Còn các dự án của các tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL sẽ quyết định đầu tư và ký hiệp định vào tháng 9/2024...
Kết luận thanh tra nhiều vụ sai phạm về đất đai, đất rừng, trật tự xây dựng trên đảo Phú Quốc
UBND tỉnh Kiên Giang vừa thông báo kết luận thanh tra nhiều vụ việc sai phạm về đất đai, đất rừng, trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Phú Quốc.
Công trình biệt thự xây dựng trái phép vi phạm trên đất rừng phòng hộ, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc. Nguồn ảnh: Zing.vn.
Thông báo nêu, UBND phường Dương Đông và An Thới, 4 xã Cửa Cạn, Gành Dầu, Hàm Ninh, Dương Tơ thực hiện trách nhiệm quản lý đất do Nhà nước quản lý trên địa bàn quản lý chưa chặt chẽ, có biểu hiện buông lỏng quản lý, để xảy ra 744 trường hợp chiếm đất, xây dựng nhà ở trái pháp luật, nhưng không có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời, trong đó, có những khu vực vi phạm phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể như UBND xã Cửa Cạn xét duyệt nguồn gốc đất không đúng thực tế, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong xét duyệt nguồn gốc đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 10 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cá nhân. UBND phường An Thới tự ý cho 8 hộ gia đình, cá nhân thuê 823m² đất do Nhà nước quản lý; cho 4 hộ dân mượn 2.330m² đất; giao đất cho 2 hộ gia đình cán bộ, công chức phường 220m² theo chủ trương của Ban Thường vụ Đảng ủy phường An Thới; thu tiền cho thuê đất đưa vào cân đối ngân sách phường số tiền hơn 1,5 tỉ đồng. UBND các xã, phường tuy có thực hiện việc thống kê, kiểm kê nhưng chưa lập hồ sơ đăng ký vào sổ mục kê đất đai, hồ sơ địa chính đối với 77 thửa đất chưa sử dụng, tổng diện tích hơn 1.100ha để quản lý. UBND TP Phú Quốc và các xã, phường để tồn đọng, chưa thi hành dứt điểm 139/299 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành.
UBND TP Phú Quốc và Đội Trật tự xây dựng TP Phú Quốc để tồn đọng, chưa tổ chức thi hành dứt điểm 155/216 quyết định. Việc quản lý quy hoạch sử dụng đất của UBND các xã, phường chưa chặt chẽ, có nơi còn buông lỏng quản lý, để hình thành 202 khu phân lô có xây dựng đường bê tông xi măng diện tích gần 30ha. Qua kiểm tra thực tế 67/202 khu, lực lượng chức năng phát hiện có 333 căn nhà xây dựng kiên cố đang tồn tại và xây dựng nhà ở tự phát. UBND phường Dương Đông, An Thới và xã Gành Dầu không kịp thời phát hiện, xử lý đối với 39/49 trường hợp xây dựng nhà ở vi phạm về xây dựng, sử dụng đất không đúng mục đích.
Song song đó, UBND TP Phú Quốc, Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc, UBND các xã, phường theo dõi, tổ chức thực hiện các quyết định xử lý đã ban hành chưa quyết liệt, chưa triệt để dứt điểm, để tồn đọng 712/986 quyết định. Các xã, phường, Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc để xảy ra các trường hợp vi phạm đất rừng, trong đó có những trường hợp vi phạm phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng.
Trưng bày ảnh “Luật gia Việt Nam với biển đảo quê hương”
Ngày 17/4, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp Hội Luật gia TP Cần Thơ tổ chức khai mạc tuần lễ trưng bày ảnh “Luật gia Việt Nam với biển đảo quê hương” tại công viên Lưu Hữu Phước, TP Cần Thơ. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; cùng đại diện các sở, ngành và Hội Luật gia các tỉnh, thành khu vực ÐBSCL đến dự khai mạc.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và các đại biểu tham quan trưng bày ảnh. Ảnh: Báo Cần Thơ.
“Luật gia Việt Nam với biển đảo quê hương” trưng bày các tác phẩm được các nghệ sĩ nhiếp ảnh và thành viên Hội Luật gia thực hiện, với góc tiếp cận phong phú, phản ánh sinh động về chủ đề biển đảo quê hương hòa quyện thiên nhiên tươi đẹp và cuộc sống, công việc của các chiến sĩ, con người vùng biển, đảo. Trưng bày trực tiếp gồm 7 chủ đề: “Tư liệu lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”, “Sự quan tâm của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc”, “Tự hào vẻ đẹp biển đảo Việt Nam”, “Cuộc sống đời thường của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, ngư dân trên đảo và Nhà giàn DK1”, “Luật gia Việt Nam với biển đảo quê hương”, “Hình ảnh về hoạt động của lãnh đạo, cán bộ TP Cần Thơ đến với quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1”, “Một số hiện vật trưng bày về biển đảo và hình ảnh của đoàn viên thanh niên Tập đoàn Dầu khí quốc gia”.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đánh giá trưng bày ảnh “Luật gia Việt Nam với biển đảo quê hương” góp phần giúp nhân dân hiểu sâu sắc hơn về sự quan tâm của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước đối với biển đảo quê hương; về những tư liệu lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa... Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng về biển đảo quê hương; tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh trong dựng nước và giữ nước…
Dịp này, Hội Luật gia Việt Nam trao tặng mô hình cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn cho TP Cần Thơ. Tuần lễ trưng bày ảnh sẽ kéo dài từ ngày 17 đến hết ngày 23/4 để phục nhân dân thành phố tham quan, thưởng lãm.
Người nuôi cua biển Kiên Giang phấn khởi vì giá tăng cao
Ông Trần Quốc Việt, ở xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, cho biết do nhu cầu thị trường trong nước và xuất sang Trung Quốc tăng mạnh, nên giá cua biển tăng hơn tuần trước 50.000-70.000 đồng/kg.
Thương lái mua cua biển tại huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Hiện cua gạch được thương lái thu mua 800.000-900.000 đồng/kg, cua thịt (cua tứ, cua y) giá trên 500.000 đồng/kg. Nếu so với cùng kỳ năm 2022 khi giá cua gạch chỉ ở mức 400.000 đồng/kg, cua thịt 250.000 đồng/kg, thì giá hiện tại đang làm nông dân nuôi cua tại Kiên Giang phấn khởi. Anh Trần Văn Nguyên, ở xã Phong Đông, có 2ha đất làm mô hình tôm - cua - lúa, cho biết hiện cua dưới vuông của anh đang trong thời gian thu hoạch, ước tính đến dứt điểm vụ cua sẽ thu được khoảng 300 triệu đồng.
Năm 2023, nông dân tỉnh Kiên Giang thả nuôi khoảng 50.000ha cua biển, tăng 2.300ha so với năm 2022. Trong đó nhiều nông dân đã thực hiện mô hình luân canh tôm - cua - lúa cải tiến để tăng cao lợi nhuận.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.