Tin tức miền Tây 5/5: Tổ chức lễ giỗ cho 3.157 nạn nhân bị Pol Pot thảm sát
An Giang tổ chức lễ giỗ cho 3.157 nạn nhân bị Pol Pot thảm sát
Ngày 5/5 (nhằm 16/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Nhà mồ Ba Chúc (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), UBND Tri Tôn kết hợp cùng Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa tổ chức trang trọng lễ giỗ tập thể lần thứ 45 những nạn nhân Ba Chúc bị sát hại trong chiến tranh biên giới Tây Nam lần thứ 45 (16/3/1978 – 16/3/2023 âm lịch) cho 3.157 người dân vô tội bị Pol Pot – Ieng Sary thảm sát.
Lãnh đạo các cấp dâng hương tưởng niệm cho các nạn nhân trong lễ giỗ.
Nhà mồ Ba Chúc là nơi lưu giữ những chứng tích tội ác diệt chủng khi lính Pol Pot-Ieng Sary tràn vào thị trấn Ba Chúc. Chỉ trong 12 ngày đêm (từ 18/4-29/4/1978), lính Pol Pot-Ieng Sary đã giết hại dã man 3.157 thường dân vô tội của thị trấn.
Nhà mồ Ba Chúc là nơi lưu giữ những chứng tích tội ác diệt chủng khi lính Pol Pot-Ieng Sary tràn vào thị trấn Ba Chúc. Chỉ trong 12 ngày đêm (từ 18/4 đến 29/4/1978), lính Pol Pot-Ieng Sary đã giết hại dã man 3.157 thường dân vô tội của thị trấn.
Khi chiến tranh kết thúc, một số hài cốt đã được thân nhân mang về gia đình an táng. Hiện còn 1.159 hộp sọ được lưu giữ, bảo quản tại Nhà mồ, trong đó có 1.017 hộp sọ đã xác định tuổi và giới tính. Ngày 10/7/1980, Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) có quyết định số 92/VH.QĐ xếp hạng Nhà mồ Ba Chúc là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Lễ giỗ năm nay, về nghi thức, các vị chức sắc, chức việc Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa lạy trình tổ, cầu nguyện tại chùa Tam Bửu. Sau đó, các tín đồ, thân nhân các nạn nhân và khách viếng tập trung thực hiện nghi lễ tại chùa Tam Bửu trước khi di chuyển sang Nhà mồ Ba Chúc dự lễ cúng chính thức.
Phần lễ cúng có nghi thức đánh trống Trung cỗ khai lễ giỗ, tóm tắt 12 ngày đêm chiến tranh biên giới Tây Nam và mặc niệm, đốt đuốc hồn thiêng, lễ dâng hương và nghi thức cúng tôn giáo.
Trước đó, vào tối 4/5, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã tổ chức các nghi thức tôn giáo cầu siêu cho những người đã khuất. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên huyện Tri Tôn và người dân tổ chức thả hoa đăng, bày tỏ tấm lòng thương nhớ người đã khuất, cầu mong thế giới luôn bình an và hạnh phúc.
Dịp này, địa phương đã trao 15 phần quà cho gia đình nghèo có người thân bị sát hại, mỗi phần gồm gạo và tiền mặt.
Sau phát biểu gây 'bão mạng', Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu được người dân gửi thư cảm ơn
Ngày 5/5, tin từ UBND tỉnh Bạc Liêu, UBND tỉnh vừa nhận được “thư cảm ơn” của đại diện một số hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng khách sạn, các hộ kinh doanh buôn bán thực phẩm, nhu yếu phẩm trên địa bàn thành phố Bạc Liêu.
Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ do Thành ủy Bạc Liêu tổ chức chiều 27/4, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã phát biểu được cộng đồng mạng chia sẻ và gây “bão mạng”. (Ảnh cắt từ clip).
Trong thư, các hộ kinh doanh cho biết, cách đây vài hôm, họ có xem một video clip được lan truyền trên mạng về bài phát biểu của ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.
Trong đó, nội dung chính của bài phát biểu chỉ đạo xoay quanh vấn đề tháo gỡ những khó khăn cho các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, karaoke, khách sạn,…Chủ tịch tỉnh đã thẳng thắn chỉ đạo các ngành chức năng nên có phương án hỗ trợ các hộ kinh doanh phát triển dịch vụ kinh doanh.
“Sau khi đoạn video clip được lan truyền rộng rãi, các hộ kinh doanh chúng tôi vô cùng vui mừng, phấn khởi vì đã được sự quan tâm của Chủ tịch tỉnh. Hầu hết các bình luận đều hoan hô, cảm ơn bài phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh”, thư cảm ơn nêu rõ.
Cũng trong thư cám ơn, các hộ kinh doanh cho biết thêm, 3 năm qua (2020 đến năm 2022) cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 khiến các hộ kinh doanh khó khăn, nợ nần chồng chất.
Đến giữa năm 2022, khi đại dịch COVID-19 cơ bản được khống chế, bà con bắt đầu trở lại cuộc sống mua bán như trước đây, cố gắng làm ăn, kinh doanh để gây dựng lại kinh tế gia đình, kinh tế xã hội, các hàng quán mở cửa trở lại, đời sống người dân được nâng lên, tinh thần thoải mái, vui vẻ.
Tuy nhiên, vừa phục hồi được một thời gian ngắn thì “chúng tôi gặp phải một số khó khăn trên lĩnh vực kinh doanh ăn uống, karaoke, khách sạn”. Nguyên nhân chính là do thời gian gần đây có sự siết chặt vấn đề quy định khi tham gia giao thông, trong đó có đo nồng độ cồn và giờ giấc trong kinh doanh.
Phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc và hội thi Tuyên truyền, giới thiệu sách TP Cần Thơ năm 2023
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Năm 2023, TP Cần Thơ sẽ tổ chức 2 sự kiện là cuộc thi Ðại sứ Văn hóa đọc và hội thi Tuyên truyền, giới thiệu sách.
Đoàn viên, thanh niên đọc sách tại Hội Sách TP Cần Thơ năm 2023.
Theo ông Tuấn, đây là những mô hình hiệu quả được thành phố tổ chức trong nhiều năm qua, tạo sân chơi bổ ích, khuyến khích và lan tỏa phong trào đọc sách đến nhiều đối tượng bạn đọc, nhất là dành cho học sinh và đoàn viên thanh niên. Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo, Thành đoàn Cần Thơ tổ chức cuộc thi Ðại sứ Văn hóa đọc và hội thi Tuyên truyền, giới thiệu sách TP Cần Thơ năm 2023.
Cuộc thi Ðại sứ Văn hóa đọc năm dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 đang theo học tại các trường trên địa bàn thành phố. Thí sinh dự thi bằng hình thức trả lời các câu hỏi theo thể lệ, xoay quanh nội dung về chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa niềm đam mê đọc sách, cũng như đề xuất các giải pháp, cách làm hay khuyến khích, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Ban tổ chức nhận bài dự thi đến ngày 30-5-2023, tại địa chỉ: Thư viện TP Cần Thơ, số 1, đường Phan Ðình Phùng, quận Ninh Kiều.
Hội thi tuyên truyền, giới thiệu sách năm nay có chủ đề “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên” là hoạt động dành cho đoàn viên, thanh niên thuộc 4 cụm thi đua, trực thuộc Thành đoàn Cần Thơ. Mỗi cụm thi đua tuyển chọn thành lập 1 đội thi, thực hiện 2 phần thi: tự giới thiệu và tuyên truyền giới thiệu sách, thông qua các hình thức sân khấu hóa: kịch, tiểu phẩm, thơ, ca, hò, vè, thuyết trình… Bài dự thi gửi về Ban Tuyên giáo - Thành đoàn Cần Thơ (số 36, đường Lý Thường Kiệt, quận Ninh Kiều), đến ngày 14-7-2023.
Bắt đối tượng sát hại cha và chú ruột sau 2 ngày gây án
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết đang tạm giữ đối tượng Lâm Hoài Ân để điều tra về hành vi "Giết người".
Lâm Hoài Ân tại cơ quan Công an. Ảnh: Tiến Tầm.
Thông tin ban đầu, khoảng 15h ngày 3/5, ông Lâm Hoàng S (SN 1980, cha ruột của Ân) cùng 2 em ruột là Lâm Viết Tiền (SN 1983), Lâm Thanh Toản (SN 1987) và Dương Hữu Thanh (SN 1991, cùng ngụ tại khóm Tân Đông, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) tổ chức nhậu tại nhà.
Đến khoảng 22h cùng ngày, Ân đi uống cà phê về tới thì xảy ra mâu thuẫn với cha ruột và chú ruột dẫn đến xô xát. Sau đó, Ân bỏ đi rồi cùng Dương Văn Hiền (SN 2004) và Nu Tánh Linh (SN 2006, cùng ngụ tại địa phương) đi trên xe máy quay lại bàn nhậu để giải quyết mâu thuẫn.
Ân thấy cha và 3 người đang đứng ngoài đường, trên tay có cầm hung khí. Ân xuống xe cầm dao đâm chú tử vong rồi đâm cha mình. Ân cầm dao đuổi đánh 2 người còn lại thì bị giật lấy dao. Ân cùng Hiền và Linh bỏ chạy khỏi hiện trường.
Dù được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng ông Sang đã tử vong sau đó.Nhận tin báo, Công an tỉnh An Giang đã truy bắt nghi phạm. Đến khoảng 7h ngày 4/5, công an đã bắt giữ Ân khi đang lẩn trốn tại TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Tại cơ quan công an, bước đầu Ân đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Công an đang củng cố hồ sơ để xử lý vụ việc.
Bến Tre: Bắt tạm giam 7 bị can trong vụ án giết người do mâu thuẫn từ việc đi làm tàu cá
Công an tỉnh Bến Tre cho biết, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bến Tre khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 bị can trong vụ án giết người xảy ra tại xã Bình Thắng, huyện Bình Đại vào ngày 29/4 vừa qua.
Các bị can bị bắt tạm giam. Ảnh: Công an cung cấp.
Các bị can bị bắt tạm giam gồm: Phan Chí Tùng (26 tuổi); Hồ Tấn Lợi, (36 tuổi); Nguyễn Tiền Giang (23 tuổi); Nguyễn Văn Đại (34 tuổi); Nguyễn Kỳ Thoại (28 tuổi); Nguyễn Thanh Lâm (39 tuổi, cùng ngụ huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) và Đặng Văn Hoàng (35 tuổi, ngụ huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).
Theo kết quả điều tra, khoảng 3 tháng trước ngày xảy ra vụ án, Bùi Tấn Đạt (34 tuổi, ngụ xã Bình Thắng, huyện Bình Đại) có gặp Nguyễn Tiền Giang và được Giang nhờ giới thiệu đi làm tàu biển,
Đạt đồng ý và cho Giang tạm ứng trước số tiền công là 12,5 triệu đồng. Tuy nhiên, Giang không đi làm như đã hẹn mà đi làm tàu biển cho một chủ tàu khác.
Sau khi trở vào đất liền, Giang có đem trả lại số tiền cho Đạt và trả thêm 2,5 triệu đồng coi như lãi suất. Đạt không đồng ý và đòi thêm lãi suất cao hơn, Giang không đồng ý nên hai người xảy ra mâu thuẫn.
Sau đó Giang nhờ Phan Chí Tùng ra mặt để giải quyết vụ việc trên nhưng không thành mà tiếp tục xảy ra mâu thuẫn.
Đến ngày 29/4 sau nhiều lần hai bên xảy ra cự cãi và hăm dọa, nhóm của Tùng, Giang, Lợi, Đại, Lâm, Hoàng, Thoại trong lúc đang nhậu thì quyết định mang theo dao tự chế và súng bắn pháo để tìm đến nhà Đạt giải quyết.
Khi đến nhà Đạt, nhóm đối tượng trên và người nhà của Đạt xảy ra mâu thuẫn chém nhau, hậu quả Đạt và 4 người nhà của Đạt đều bị thương tích nặng, riêng Đạt thì tử vong trên đường đi cấp cứu.
Hiện vụ việc đang được cơ quan điều tra tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.