Tin tức Miền Tây ngày 21/2/2022: Giá bất động sản các tại tỉnh Tây Nam Bộ tăng 35% trong 2-3 năm qua

2022-02-21 21:00:00 0 Bình luận
Thị trường bất động sản (BĐS) khu vực Tây Nam Bộ đang ngày càng bộc lộ tiềm năng phát triển dồi dào thông qua tốc độ đô thị hóa nhanh và biên độ tăng giá nhà đất tốt.

Theo ThanhnienViet, chia sẻ trong chương trình Có hẹn với chuyên gia qua chủ đề “Nhận diện tiềm năng của thị trường BĐS Tây Nam Bộ”, ông Hồ Quảng Tây, Ủy viên thường trực Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, nhiều năm nay BĐS Tây Nam Bộ không sôi động và nhộn nhịp như các thị trường phía Nam khác chủ yếu là do hạ tầng phát triển chậm, tốc độ đô thị hóa thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thuần nông nghiệp sang các mô hình kinh doanh khác không nhanh như các tỉnh miền Đông khiến kinh tế nói chung và thị trường nhà đất nói riêng kém hấp dẫn.

Tuy nhiên những năm gần đây, bộ mặt hạ tầng khu Tây Nam Bộ đang thay đổi kéo theo tiềm lực kinh tế tăng trưởng lớn mạnh, thu hút đầu tư ồ ạt từ trong và ngoài nước. Tây Nam Bộ đã trở thành một trong những thị trường được tập trung đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, cải tạo và mở rộng phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy và cả đường hàng không, khắc phục những điểm yếu kìm hãm sự phát triển kinh tế và chuyển mình mạnh mẽ. Ví như trong năm 2021, riêng tỉnh Long An thu về ngân sách vốn đầu tư FDI gần 3,7 tỷ USD, Cần Thơ cũng thu hút hơn 1,3 tỷ USD vốn đầu tư, cho thấy kinh tế các tỉnh Tây Nam Bộ đang lớn mạnh dần và sẽ còn tăng trưởng hơn nữa trong tương lai.

Thị trường BĐS khu vực Tây Nam Bộ được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong các năm tới đây nhờ đầu tư về hạ tầng và tốc độ đô thị hóa nhanh.

Bên cạnh lợi thế hạ tầng, thị trường Tây Nam Bộ còn đang sở hữu ưu điểm lớn về giá. Xét chung với các địa phương phía Nam, giá nhà đất các tỉnh miền Tây còn rất mềm, quỹ đất đa dạng, phù hợp phát triển nhiều loại hình BĐS từ nhà ở, thương mại, công nghiệp và logistic. Báo cáo từ Hội môi giới BĐS Việt Nam cho thấy, tính từ 2019 đến nay, giá BĐS tại nhiều tỉnh miền Tây đã tăng từ 30-35%, riêng khu vực Phú Quốc tăng 40-50%. Trong năm 2021, dưới ảnh hưởng từ dịch bệnh, dù giao dịch BĐS bị chững lại nhưng giá nhà vẫn tăng 20-25%. Riêng 2 tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, xu hướng tăng giá vẫn diễn ra tại nhiều phân khúc, nhất là đất nền, nhà phố mặt tiền.

Ông Lý Kim Long, Giám đốc kinh doanh TNR Holding Việt Nam cho biết, sự xuất hiện của hàng loạt loạt ông lớn BĐS như Vingroup, Sungroup, TNR Holding Việt Nam… đang mang đến nhiều tín hiệu tích cực, giúp thị trường xuất hiện những dự án BĐS chất lượng hơn, xây dựng hệ thống tiện ích dịch vụ, thương mại, mua sắm phát triển đa dạng và làm thay da đổi thịt sức sống cho nền kinh tế khu vực ĐBSCL.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án hạ tầng quy mô quốc gia đang được phát triển như tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ, Hà Tiên – Rạch Giá, Cầu Đại Lãi, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cũng dự kiến triển khai và hoàn thành vào năm 2025 sẽ là trục cao tốc xương sống giao thương Bắc – Nam, góp phần tạo ra sự kết nối thuận lợi giữa các địa phương cùng trong khu vực ĐBSCL nói riêng và các tỉnh thành khác trên cả nước nói chung, mang lại hàng loạt thay đổi tích cực cho kinh tế địa phương. Với lợi thế quỹ đất đa dạng và giàu tiềm năng phát triển nhà ở sinh thái, BĐS thương mại, dự báo Tây Nam Bộ sẽ sớm là thị trường BĐS tăng trưởng nóng trong các năm tới.

Trả lời cho câu hỏi, nên đầu tư gì và đầu tư ở đâu tại thị trường Tây Nam Bộ trong giai đoạn hiện này, các chuyên gia cho rằng, nếu tham gia đầu tư BĐS khu vực Tây Nam Bộ nhà đầu tư cần có cái nhìn dài hạn. Với tầm tài chính vững mạnh, lựa chọn các sản phẩm nhà phố thương mại đang triển khai ở các khu đô thị đa năng quy mô lớn, được quy hoạch bài bản, chất lượng sẽ mang lại lợi nhuận bền vững. Với nhà đầu tư tài chính tầm trung, đất nền sẽ là lựa chọn an toàn nhờ tính thanh khoản tốt và biên độ tăng giá ổn định.

Bên cạnh các thị trường thân quen như Cần Thơ, Phú Quốc, các chuyên gia cũng cho rằng, BĐS Tây Nam bộ còn rất nhiều thị trường hấp dẫn giàu tiềm năng để khai phá như Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang… Đây là những địa phương thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa cao, giá bán hợp lý, là lựa chọn thích hợp cho những nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội trong dài hạn.

TP. Cần Thơ công nhận mới thêm 8 trường đạt chuẩn quốc gia năm 2021

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ, học kỳ I năm học 2021-2022, toàn ngành đã thực hiện đạt các nhiệm vụ trọng tâm; trong đó có việc tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.

Một góc Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng.

Theo đó, Sở GD&ĐT thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan đã trình UBND thành phố phê duyệt 5 dự án trường, gồm: Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Trường THCS&THPT Tân Lộc, Trường THCS&THPT Thới Thuận, Trường Dạy trẻ khuyết tật. Năm 2021, ngành tham mưu UBND thành phố công nhận mới thêm 8 trường đạt chuẩn quốc gia (2 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 2 trường THCS), vượt kế hoạch UBND thành phố giao; đồng thời công nhận lại 8 trường từ mầm non đến THPT. Qua đó, nâng tổng số trường của thành phố được công nhận đạt chuẩn quốc gia tính lũy kế đến ngày 31-12-2021 là 329/446 trường. Thực hiện nâng cấp sửa chữa 10 công trình trường trực thuộc Sở GD&ĐT thành phố, với tổng kinh phí 8,5 tỉ đồng…

Theo Báo Cần Thơ

Triển khai Dự án MPTF Bến Tre

Tên dự án: Phát triển chuỗi giá trị có tăng cường ứng dụng kỹ thuật số và có khả năng ứng phó chú trọng tới phụ nữ và thanh niên tại Việt Nam - tỉnh Bến Tre (Dự án MPTF Bến Tre)

Nhà tài trợ: Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

Chủ dự án: UBND tỉnh Bến Tre. Đơn vị quản lý dự án: Ban Quản lý dự án MPTF Bến Tre. Địa điểm thực hiện: Các huyện và TP. Bến Tre. Thời gian thực hiện dự án: từ năm 2021 - 2022

IFAD (International Fund for Agricultural Development - Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp) và UNIDO (United Nations Industrial Development Organization - Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc). Hai tổ chức tài trợ thuộc Liên hợp quốc (LHQ) hỗ trợ nguồn kinh phí không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật để triển khai thực hiện dự án MPTF Bến Tre.

Với sứ mệnh thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững và bao trùm (ISID), UNIDO với ưu thế cạnh tranh là hợp tác với các cơ sở tư nhân và các cơ sở công nghiệp cũng như với các cơ quan Chính phủ.

Tuyển chọn, đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu tại Cơ sở Hương Miền Tây.

Hơn 40 năm qua, UNIDO tích cực hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp hóa bền vững với tổng vốn ODA 200 triệu USD. Hiện nay, UNIDO đang thực hiện các dự án hướng tới nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế, tạo thịnh vượng chung và bảo vệ môi trường.

UNIDO đã xây dựng một khung chương trình ứng phó với đại dịch Covid-19 để hỗ trợ các nước thành viên sẵn sàng ứng phó, thích nghi, phục hồi và chuyển đổi nền kinh tế của mình một cách bền vững, có khả năng chống chịu theo hướng phát triển công nghiệp bền vững và bao trùm.

Hướng tiếp cận của UNIDO về phát triển chuỗi giá trị trong nông nghiệp là tăng cường khả năng tuân thủ các tiêu chuẩn liên quan đến thương mại, quy chuẩn kỹ thuật, thông số cho người mua cũng như nâng cao năng suất và vận hành của nông dân, các hợp tác xã và các bên liên quan thuộc khối tư.

Hơn 26 năm qua, Quỹ IFAD đã hỗ trợ Việt Nam 15 dự án với tổng vốn vay khoảng 550 triệu USD, hỗ trợ các dự án xóa đói giảm nghèo và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, IFAD còn đầu tư hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án cấp quốc gia và cấp khu vực phục vụ các hoạt động nghiên cứu và giải pháp sáng tạo nhằm xóa đói giảm nghèo khu vực nông thôn mà phần lớn nhóm hưởng lợi là phụ nữ và hỗ trợ trực tiếp Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tại các tỉnh Dự án IFAD.

Đối với Bến Tre, IFAD đã tài trợ qua 3 giai đoạn với 3 dự án: Dự án “Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn 2008 - 2014 (DBRP); Dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre 2014 - 2020 (AMD)” và Dự án “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Bến Tre 2022 - 2026 (CSAT)” góp sức cho hoạt động giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

UBND tỉnh đã ký kết văn kiện dự án với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) vào ngày 8-6-2021. Hiệp định tài chính với Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) vào ngày 14-6-2021. UBND tỉnh đã phê duyệt văn kiện dự án ngày 21-6-2021, thành lập Ban Quản lý dự án ngày 30-6-2021 và phê duyệt kế hoạch công tác và ngân sách, kế hoạch mua sắm đấu thầu Dự án MPTF tỉnh ngày 21-8-2021.

Dự án nhằm tạo ra một mô hình chuỗi giá trị trái cây tập trung vào phụ nữ, thanh niên, đổi mới và nâng cao ứng dụng kỹ thuật số, có thể được nhân rộng để “cùng nhau phục hồi tốt hơn” trên toàn bộ nền kinh tế nông thôn. Dự án đề ra các mục tiêu cụ thể: Tăng thu nhập và trao quyền xã hội cho phụ nữ, thanh niên ở khu vực nông thôn thuộc chuỗi giá trị nông nghiệp được chọn. Dự án triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung đầu tư phát triển chuỗi giá trị bưởi da xanh tại các huyện có diện tích bưởi da xanh khá lớn như: Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành và TP. Bến Tre gắn với thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực và hỗ trợ tiếp cận thị trường các sản phẩm tham gia chuỗi giá trị trái cây khác.

Nhóm hưởng lợi mục tiêu: Phụ nữ và thanh niên là nhóm được hưởng lợi chính của dự án. Nhóm hưởng lợi liên quan: Các tổ nhóm sản xuất, tổ hợp tác; hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ; nhóm tác nhân liên quan khác trong chuỗi giá trị.

Theo Báo Đồng Khởi

Ngành nông nghiệp các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long đề xuất sử dụng một nền tảng công nghệ trong chuyển đổi số nông nghiệp

Theo Báo Đồng Tháp, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp vừa tổ chức hội thảo trực tuyến về “Chuyển đổi số ngành NN&PTNT giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT ở đầu cầu Hà Nội và đại diện lãnh đạo các Sở NN&PTNT khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Quang cảnh buổi hội thảo tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp

Các đại biểu được các doanh nghiệp cung cấp nền tảng về công nghệ trình bày về một số giải pháp và hiệu quả mang lại khi thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp ở các tỉnh, thành cũng chia sẻ về một số mô hình hay trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và hiệu quả bước đầu khi thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp.

Đặc biệt, để thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp có hiệu quả và tạo được tính thống nhất giữa các tỉnh, đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL đề xuất nên sử dụng một nền tảng công nghệ trong thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ cần nghiên cứu chi tiết về đặc thù sản xuất nông nghiệp của từng tỉnh nhằm có những thiết kế và tích hợp tiện ích phù hợp trên phần mềm để tạo thuận tiện hơn cho người dùng ở từng địa phương.

Dịp này, các tỉnh khu vực ĐBSCL cũng thống nhất đề xuất Bộ NN&PTNT thực hiện thí điểm về sử dụng chung một nền tảng công nghệ trong thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp của 13 tỉnh, thành...

Chuyện ở biên giới những ngày đầu xuân

Theo Báo Long An, vì dịch COVID-19 nên thời gian qua, người dân hai bên biên giới ít được gặp nhau. Dù vậy, tình cảm dành cho nhau vẫn không hề phai nhạt mà luôn thắm thiết nghĩa tình Long An.

Công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ trên tuyến biên giới được duy trì thường xuyên

Vì bình yên biên giới, hạnh phúc của nhân dân

Long An có đường biên giới dài hơn 134km, đi qua 20 xã biên giới thuộc các huyện: Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường. Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, chúng tôi trở lại thăm vùng đất biên giới Long An. Các chốt, trạm gác biên phòng vẫn còn đó. Những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) thay nhau thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

Như những lần trước, dọc tuyến biên giới, chúng tôi nhận được nhiều lời hỏi thăm, chia sẻ của người dân và CBCS. "Gia đình khỏe cả chứ, đầu năm có gì mới chưa...?".

Những câu hỏi cứ thế mở ra nhiều câu chuyện ấm áp, tình cảm ngày đầu xuân. Đó là chuyện về sự thay đổi của quê hương, chuyện sản xuất nông nghiệp, chuyện con em học hành, chuyện ngăn chặn, đấu tranh với buôn lậu, tội phạm, phòng, chống dịch Covid-19, chuyện người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và đối ngoại với các cấp chính quyền, lực lượng, nhân dân bên nước bạn Campuchia,...

Trên tuyến biên giới qua địa bàn xã Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, người dân vẫn râm ran những câu chuyện nghĩa tình, tử tế trong ngày tết, nghĩa cử của mạnh thường quân dành cho vùng đất này. Trong đó, không thể thiếu những lời chia sẻ, cảm ơn CBCS ngày, đêm bám chốt, vùng biên để ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ bình yên cuộc sống, chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

“Năm nay, CBCS đón tết an toàn, đầm ấm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các chế độ, chính sách và các hoạt động chăm lo, thăm hỏi, động viên anh em làm nhiệm vụ đều được thực hiện chu đáo. Ngoài nguồn thực phẩm mua từ chợ, đơn vị còn tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn với những thực phẩm sạch cho CBCS. Theo đó, sức khỏe của CBCS luôn bảo đảm" - Trung tá Lê Trọng Tình - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây, tâm sự.

Đặc biệt, tết năm nay, CBCS Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây có thêm niềm vui khi trụ sở đơn vị được xây mới khang trang, sạch đẹp và đưa vào sử dụng. Trước, trong tết, đơn vị đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh, quân đội và cơ quan, tổ chức, đoàn thể đến thăm hỏi, tặng quà, động viên. Đó là nguồn động viên tinh thần để CBCS càng thêm an tâm công tác.

Trò chuyện cùng chúng tôi, người chỉ huy đơn vị vui vẻ nói, cứ mỗi độ tết đến, xuân về thì như bao người khác, CBCS cũng nhớ gia đình, quê hương, người thân và bạn bè. Nhưng vì công việc, nhiệm vụ, những người lính đã gác lại nỗi niềm riêng để vững vàng, kiên cường bám chốt, địa bàn. Niềm vui và hạnh phúc nào hơn khi vinh dự được góp sức mình bảo vệ sự bình yên của đất nước, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, người dân đón tết bình yên.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hô cho biết, CBCS công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây có quê ở mọi miền đất nước nhưng rất đoàn kết, thương yêu, hỗ trợ nhau. Sống và làm việc cùng nhau trong một mái nhà biên phòng nên anh em luôn thân thiết, hiểu nhau, coi nhau như người thân ruột thịt.

Câu "Samaki" ở biên giới trước khi chưa xuất hiện dịch

Covid-19, trên tuyến biên giới tỉnh Long An tấp nập người dân hai bên qua lại giao lưu, trao đổi hàng hóa. Trong quán nhỏven đường tại 20 xã biên giới của tỉnh, vẫn thường bắt gặp hình ảnh những người bạn Campuchia uống trà, cà phê. Ngày trước, khi dịch bệnh chưa xảy ra, hầu như tuần nào, ông Lê Văn Lâm (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) cũng gặp những người bạn Campuchia để chuyện trò. Nhà ai có chuyện vui thì đến chung vui, có hữu sự thì đến chia buồn; còn vào dịp lễ, tết cũng sang thăm hỏi, chúc mừng nhau. Thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động qua lại biên giới đối với người dân hai bên biên giới giáp Campuchia đã tạm thời ngừng lại. Như ông Lâm, nhiều người dân ở biên giới đều có chung cảm giác nhớ những người bạn Campuchia. Một thời gian dài không được gặp nhau thì buồn và nhớ lắm! Ông kể, mùng 1 tết vừa rồi, mấy người bạn bên Campuchia điện thoại chúc tết. Trong cuộc gọi, mấy người bạn vẫn nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu "Samaki". Câu nói Samaki, dịch ra tiếng Việt nghĩa là "đoàn kết".

Cũng từ mối quan hệ gắn kết đó, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, dịch Covid-19 đạt nhiều kết quả tích cực. Từ sự giúp sức của người dân, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời nhiều vụ việc, không để xảy ra phức tạp. Thời gian qua, trên tuyến biên giới của tỉnh, nhờ sự chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa người dân và các cấp chính quyền, lực lượng nên nhiều vụ trộm cắp, buôn lậu, xâm nhập biên giới trái phép đã được phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ đối tượng vi phạm.

Xa mặt nhưng không cách lòng

Về công tác tại biên giới Long An đã gần 20 năm, hiện nay, Thượng tá Phạm Thành Trung là Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp. Từng đó thời gian cũng đủ để anh hiểu và cảm nhận khá rõ về tình cảm, nghĩa tình mà người dân 2 bên biên giới dành cho nhau.

Khi chưa có dịch Covid-19, người dân hai bên thường gặp nhau chia sẻ kỹ thuật sản xuất. Các bạn bên đó hay hỏi về kiến thức, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Có nhiều lần, bên bạn còn tổ chức các đoàn sang bên mình tham quan các mô hình sản xuất để tìm hiểu thực tế,...

Người dân bên mình cũng rất nhiệt tình và thật thà, biết gì đều chia sẻ hết với bạn. Còn các bạn thì chăm chú lắng nghe, ghi chép đầy đủ để về áp dụng. Vào mỗi vụ mùa sản xuất, người dân hai bên biên giới còn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thiếu nợ cho nhau. Người dân luôn giữ chữ tín, cứ đến kỳ hạn sau thu hoạch lúa là tự tìm đến thanh toán đầy đủ cho nhau và hầu như chẳng xảy ra tranh cãi, va chạm.

Cán bộ, chiến sĩ tuần tra bảo vệ biên giới

Ngoài ra, ở các xã biên giới, có một ít người Campuchia về làm dâu, chung sống hòa thuận với gia đình và bà con lối xóm. Thi thoảng ở biên giới lại có đám cưới xuyên quốc gia. Ấn tượng về những đám cưới này rất khó quên bởi nét văn hóa riêng của mỗi bên, càng thú vị khi được nghe những bài hát có 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Campuchia do những "ca sĩ" nông dân đến từ hai bên thể hiện.

“Thời gian qua, do dịch Covid-19 xảy ra phức tạp, người dân hai bên tạm thời giữ khoảng cách, không gặp nhau nhưng không vì vậy mà tình cảm nhạt đi. Ngược lại, tình cảm thắm thiết, nghĩa tình vẫn được vun đắp, xây dựng ngày càng gắn kết, bền chặt” - Thượng tá Phạm Thành Trung nhấn mạnh.

Trong lúc khó khăn, người dân và các cấp chính quyền, lực lượng 2 bên biên giới có những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhau chống dịch, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, trao tặng vật tư y tế,... Khi không gặp trực tiếp, những người bạn xuyên quốc gia vẫn thường gọi điện thoại hỏi thăm, trao đổi với nhau. Khi ra ruộng, thấy nhau qua đường biên giới, người dân đứng từ xa hỏi thăm đủ chuyện và vẫn truyền tải cho nhau thông điệp “Samaki” để cùng nhau bảo vệ bình yên biên giới.

"Xa mặt nhưng người dân hai bên biên giới không bao giờ cách lòng. Ranh giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia đã có đường biên giới, cột mốc phân định và người dân hai bên phải có chung trách nhiệm cùng nhau giữ gìn, bảo vệ. Người dân hai bên vẫn nhắc nhở nhau phải có trách nhiệm, làm nhiều việc tốt, hữu ích để xây đắp thêm tình cảm đoàn kết, hữu nghị vững bền giữa 2 nước” - ông Nguyễn Văn Phương (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) bày tỏ.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48

Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2024: Lần đầu tiên tổ chức bắn pháo hoa

Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng 2024 với chủ đề “Bừng sáng miền di sản” sẽ có hơn 70 sự kiện và nhiều hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trong tháng 5. Nhiều doanh nghiệp đã chung tay hỗ trợ Lễ hội số tiền gần 25 tỷ đồng.
2024-04-26 07:52:37

Phụ nữ Cảnh Dương hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho hội viên

Chiều 25/4, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Cảnh Dương tổ chức Đại hội Đại biểu Hội LHTN Việt Nam xã lần thứ V, nhiệm kỳ 2024 – 2029.
2024-04-25 17:35:00
Đang tải...