Tin tức Miền Tây ngày 29/3/2022: Nâng cấp hạ tầng để phát huy công năng Cảng cá Rạch Gốc

2022-03-29 23:00:00 0 Bình luận
Sở NN&PTNT vừa có báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh sớm đầu tư đường đấu nối từ Cảng cá Rạch Gốc đến Quốc lộ 1A (đường Hồ Chí Minh) để đảm bảo hàng hoá lưu thông và phát huy hiệu quả của Cảng cá Rạch Gốc trong thời gian tới.

Theo Báo Cà Mau, cảng cá Rạch Gốc là cảng cá loại II, với diện tích trên 25.000 m2, được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng và đi vào hoạt động từ đầu tháng 4/2016. Quanh khu vực cảng khoảng 4.000 m còn được bố trí trên 180 trụ đủ đáp ứng cho khoảng 1.000 phương tiện neo đậu. Theo thiết kế, cảng có khả năng tiếp nhận loại tàu có công suất từ 40 CV đến 400 CV.

Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua, hàng hoá ghe tàu ít khi cập cảng bốc dỡ. Năng lực xếp dỡ hàng hoá của cảng theo thiết kế 18.250 tấn/năm, nhưng theo thống kê từ năm 2015 đến tháng 2/2022, chưa năm nào cảng xếp dỡ hàng hoá vượt qua 3.800 tấn/năm. Thời điểm ghi nhận ghe tàu cập cảng đông nhất vào năm 2020 nhưng cũng chưa đến 500 lượt. Nếu chia trung bình các tháng trong năm thì chỉ có 41 lượt ghe, tàu cập Cảng cá Rạch Gốc mỗi tháng.

Trong khi đó, trạm xếp dỡ hàng hoá thủy hải sản của tư nhân cách Cảng cá Rạch Gốc khoảng 2 km thì ghi nhận ghe, tàu vào trạm năm 2020 đạt khoảng 6.000 tấn. Tính trung bình mỗi năm, trạm xếp dỡ tư nhân này xếp dỡ hàng hoá đạt 4.500 tấn.

Cảng cá Rạch Gốc cần được nâng cấp hạ tầng để huy hiệu quả công năng.

Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Mấy năm qua, Cảng cá Rạch Gốc chỉ để xếp dỡ hàng hoá nhỏ lẻ của các chủ vựa thu mua bằng phương tiện xe tải nhỏ. Còn xe trọng tải lớn trên 8 tấn, thu mua lượng hàng hoá lớn thì tập trung ở một trạm xếp dỡ hàng hoá khác của tư nhân cách đó khoảng 2 km”.

Thông tin phóng viên thu thập được, hiện Cảng cá Rạch Gốc chỉ còn phát huy việc đảm bảo các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký vươn khơi, chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản,… khi tàu thuyền vào cửa biển. Ví như, tàu khai thác biển khi vào cửa biển Rạch Gốc thì chạy thẳng vào Cảng cá Rạch Gốc để xác thực các vấn đề liên quan thủ tục hành chính, sau đó quay đầu ngược trở lại phía trạm xếp dỡ hàng hoá của tư nhân cách đó khoảng 2 km để bốc dỡ hàng hoá bán cho thương lái.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Với lợi thế đường bờ biển dài gần 100 km, ngư trường đánh bắt rộng, lượng ghe, tàu khai thác biển ở các tỉnh tham gia khai thác khu vực vùng biển huyện và vào cửa biển Rạch Gốc tránh trú, neo đậu, mua bán hàng hoá rất lớn. Nhưng thời gian gần đây, khi ghe tàu vào cửa biển Rạch Gốc thì gặp nhiều khó khăn, nhất là cửa biển bị bồi lắng và hạn chế việc chưa đồng bộ về hạ tầng. Hiện từ Cảng cá Rạch Gốc liên thông ra Quốc lộ 1A là đoạn đường chiều dài khoảng 3 km, trên tuyến có 2 cây cầu tải trọng 8 tấn. Do đó, xe tải vận chuyển hàng hoá từ 15-20 tấn sẽ không thể lưu thông hàng hoá từ Cảng cá Rạch Gốc đi được”.

“Các tàu muốn bán hàng thuỷ sản thì phải truy suất nguồn gốc. Muốn được duyệt truy suất, phải qua Cảng cá Rạch Gốc; khi mua bán, xếp dỡ hàng thì ở một nơi khác. Điểm nghẽn này cũng làm các nhà đầu tư e ngại khi quyết định đầu tư các dự án quy mô ở cửa Rạch Gốc. Bởi khi họ đầu tư thì hàng hoá phải qua nhiều đoạn trung chuyển”, ông Lạc phân tích thêm.

Cảng hiện chỉ phục vụ nhu cầu hành chính và xếp dỡ hàng hóa quy mô nhỏ, lẻ. Ảnh: Trần Chính

Để cảng phát huy công năng

Được biết, từ năm 2020, UBND tỉnh Cà Mau có quyết định mở rộng Cảng cá Rạch Gốc và đề xuất phát triển thành cảng cá loại 1. Việc này phù hợp với quy hoạch tại Quyết định 1976/QĐ-TTg, ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Mặt khác, theo định hướng phát triển kinh tế biển của tỉnh Cà Mau thì Cảng cá Rạch Gốc sẽ được đầu tư phát triển thành Trung tâm dịch vụ nghề cá của vùng.

“Song, để tháo “nghẽn” cho Cảng cá Rạch Gốc hiện nay thì điều tiên quyết là nâng cấp tuyến đường đấu nối từ cảng đến Quốc lộ 1A”, ông Lạc nhấn mạnh. Niềm trăn trở, đề xuất rất hợp lý này của Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển được Sở NN&PTNT ghi nhận và đề xuất với UBND tỉnh tại Báo cáo số 297/BC-SNN, ngày 7/3/2022.

Cũng theo Báo cáo số 297/BC-SNN, hạ tầng (đường lộ, cầu) kết nối giữa cảng và Quốc lộ 1A chưa đồng bộ, việc vận chuyển, lưu thông hàng hoá gặp nhiều hạn chế, chi phí tăng cao; khu nước trước bến bị bồi lắng nên tàu có chiều dài từ 15 m trở lên/trên 400CV cập cảng xếp dỡ thuỷ sản gặp khó; năng lực xếp dỡ còn hạn chế, xếp dỡ còn thủ công,…

Báo cáo cũng nêu rõ: việc nâng cấp Cảng cá Rạch Gốc và đầu tư tuyến lộ, 2 cầu từ cảng đồng bộ kết nối với Quốc lộ 1A là phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ngọc Hiển. Công trình sẽ góp phần lớn vào xây dựng thị trấn Rạch Gốc đạt chuẩn văn minh đô thị.

Cảng cá Rạch Gốc dự kiến sẽ được nâng cấp nhiều hạng mục nhằm phát huy hiệu quả công năng của cảng.

Dự kiến thời gian tới, Cảng cá Rạch Gốc sẽ được nâng cấp các hạng mục: mở rộng chiều dài cầu tàu; hệ thống trụ neo tàu; nâng công suất cảng từ 18.250 tấn/năm lên 40.000 tấn/năm; năng lực bốc dỡ hàng hoá cũng được nâng cấp,… với tổng kinh phí các hạng mục này khoảng 62,67 tỷ đồng.

Kinh tế biển phát triển không thể thiếu đồng bộ về dịch vụ hậu cần. Do vậy, trong công tác quy hoạch, nghiên cứu định hướng phát triển rất cần sự cụ thể và đánh giá đúng các tiềm năng, lợi thế nhằm phát huy công năng các công trình đã được đầu tư.

Lúa gạo đang có cơ hội lớn

Theo Báo Sóc Trăng, ngay từ đầu năm 2022, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã rất tốt so với cùng kỳ và hiện nay, khi một số quốc gia phải tạm dừng xuất khẩu, hoặc không thể xuất khẩu một số mặt hàng lương thực như: lúa mì, bắp, đậu nành… với nhiều lý do khác nhau đã khiến giá lương thực toàn cầu tăng mạnh. Xu hướng trên được các chuyên gia dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài, nên có thể nói đây sẽ là cơ hội rất tốt để nâng cao mặt bằng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 này.

Theo nhận xét của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, tình hình xuất khẩu từ đầu năm đến nay vẫn đang rất tốt nên giá lúa gạo trong nước được giữ vững ở mức cao từ đầu vụ Đông - Xuân. Trước những dự báo nguồn cung một số mặt hàng lương thực trên thế giới như: lúa mì, đậu nành, bắp… sẽ có sự bất ổn nên hiện các doanh nghiệp đang tích cực thu mua lúa chuẩn bị cho các đơn hàng sắp tới với nhiều khả năng sẽ có giá cao hơn. Hiện tại, giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam đang xuất bán với mức gần 450 USD/tấn, còn các loại gạo chất lượng cao khác cũng tăng từ 10 - 15% và nếu tình trạng giá xăng dầu còn tiếp tục tăng nhiều, khả năng giá gạo xuất khẩu sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Dù lợi nhuận không như kỳ vọng nhưng nông dân trồng lúa vẫn phấn khởi vì trúng mùa, được giá. Ảnh: TÍCH CHU

Khi được hỏi vì sao thị trường xuất khẩu gạo hiện không mấy sôi động, còn các hợp đồng xuất khẩu mới nhiều khả năng đến tháng 4 mới có, nhưng hiện các doanh nghiệp đã tích cực thu gom hàng, hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết do tình hình thế giới đang có nhiều bất ổn cả về chính trị lẫn dịch Covid-19 nên nhiều nước chú trọng hơn đến vấn đề an ninh lương thực và tiêu dùng trong nước. Do đó, các đơn hàng xuất khẩu tới đây sẽ nhiều hơn và giá cũng cao hơn. Vì vậy, nếu không mua vào ở thời điểm này, đến khi có hợp đồng mới giá cao sẽ gặp cạnh tranh gay gắt cả về giá lẫn số lượng. Giám đốc một doanh nghiệp chia sẻ: “Chỉ số giá lương thực tháng 2 do Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) công bố đã cao hơn 24,1% so với cùng kỳ và các dự báo đều cho thấy giá lương thực thế giới sẽ còn tiếp tục tăng. Vì vậy, việc thu gom lúa lúc này là phù hợp vì vừa có giá phải chăng, vừa có lợi thế trong đàm phán hợp đồng xuất khẩu do có nguồn hàng sẵn trong kho”.

Với những diễn biến của thị trường lúa gạo trong nước lẫn xuất khẩu từ đầu năm đến nay và những dự báo lạc quan trong thời gian tới, có thể thấy, ngành lúa gạo đang đứng trước cơ hội rất lớn để gia tăng số lượng lẫn giá trị xuất khẩu. Đây thật sự là tín hiệu vui cho nhà nông, bởi từ đầu vụ lúa Đông - Xuân đến nay, hầu hết giá cả vật tư đầu vào đều đã tăng mạnh, đặc biệt là phân bón. Cùng với đó, giá xăng dầu đầu năm đến nay cũng liên tiếp có những đợt tăng mạnh khiến giá thành sản xuất lúa cũng tăng lên và sẽ còn tiếp tục tăng ở những vụ lúa tiếp theo. Chia sẻ với người viết, hầu hết nông dân sản xuất lúa đều cho rằng, dự báo thị trường lúa gạo thời gian tới còn ở mức cao là động lực để họ tiếp tục xuống giống vụ Hè - Thu tới vì chi phí sản xuất lúa vụ này thường cao, trong khi năng suất thì lại không bằng so với vụ Đông - Xuân.

Liên quan đến vấn đề xuất khẩu gạo với an ninh lương thực trong nước, các chuyên gia trong ngành đều cho rằng không đáng lo, mà điều đáng lo nhất là làm sao tranh thủ xuất khẩu được gạo khi thị trường có giá cao nhất vì cứ khoảng 100 ngày là khu vực đồng bằng sông Cửu Long lại có khoảng 3 - 4 triệu tấn lúa được thu hoạch. Thực tế cho thấy, ngoại trừ một số vùng ngọt - lợ chỉ làm vụ lúa/năm còn lại đa số diện tích lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đều sản xuất 2 - 3 vụ lúa/năm với các giống chủ lực có thời gian sinh trưởng chỉ từ 90 - 110 ngày. Điểm thuận lợi nữa là mùa vụ giữa các vùng có tính gối đầu nên hầu như khu vực này có thu hoạch lúa quanh năm. Không nói đâu xa, ngay tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng, thời điểm gieo sạ mỗi vụ lúa tại các vùng cũng có sự chênh lệch nhau khá lớn về thời gian, nên đến hiện tại vẫn còn vùng mới bước vào thu hoạch lúa Đông - Xuân trong khi đa phần đã thu hoạch xong cách nay hơn 2 tháng.

Tín hiệu thị trường đang rất lạc quan, nên vấn đề là làm sao tổ chức sản xuất tốt các vụ lúa còn lại trong năm đạt năng suất cao nhất với chi phí thấp nhất có thể để vừa giúp nâng cao sự cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, vừa đảm bảo mức lợi nhuận tốt cho người trồng lúa. Hy vọng, mọi thứ sẽ diễn ra như dự báo để ngành lúa gạo tiếp tục có sự phục hồi và tăng trưởng tốt như mục tiêu kế hoạch đề ra.

4 căn nhà bị sụp đổ hoàn toàn do sạt lở bờ sông

Trưa 28/3/2022, tại khu vực 5, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) xảy ra sạt lở bờ sông Ô Môn, làm ảnh hưởng 5 căn nhà của các hộ dân tại khu vực.

4 căn nhà hộ dân cặp sông Ô Môn đã bị sụp đổ xuống sông Ô Môn vào trưa 28/3.

Theo người dân tại địa phương, khu vực bờ sông Ô Môn (bờ trái, nhìn từ cầu Ô Môn vào) có dấu hiệu sạt lở nhiều năm nay. Các hộ dân cư ngụ dọc theo bờ sông cũng đề phòng, di dời tài sản quý giá ra khỏi nhà và hạn chế cư ngụ qua đêm. Tuy nhiên, đến trưa ngày 28/3 bờ sông bất ngờ sạt lở, làm sụp hoàn toàn 4 căn nhà, ngay lúc người dân đi làm, buôn bán ở chợ Ô Môn. Các hộ dân có nhà bị sụp đổ là: Hộ bà Trần Hoàng Oanh có 2 căn nhà bị sụp đổ xuống sông, mỗi căn diện tích 55m2, cột bê tông, nền nhà gạch men, vách tường, mái tôn, ước thiệt hại 420 triệu đồng. Hộ bà Tống Thị Mai có 2 căn nhà bị sụp đổ xuống sông, mỗi căn diện tích 54m2, ước thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. Hộ ông Quang có 1 căn nhà bị rạn nứt, có dấu hiệu bị sạt lở… Rất may, vụ sạt lở không ảnh hưởng về người, tuy nhiên tài sản trong 4 căn nhà nêu trên bị sụp đổ hoàn toàn xuống sông.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) quận Ô Môn và phường Châu Văn Liêm đã kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ người dân trục vớt tài sản; di dời vật dụng gia đình ông Quang đến nơi an toàn, đồng thời đề nghị gia đình không cư ngụ tại căn nhà có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở. Chính quyền địa phương cũng tổ chức rào chắn, hướng dẫn giao thông tại khu vực, không để người dân lui tới khu vực sạt lở nhằm tránh nguy hiểm xảy ra… Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Ô Môn đề nghị thành phố xem xét hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại nhà cửa do sạt lở theo quy định.

Theo Báo Cần Thơ

Thể thao Vĩnh Long phát triển trong giai đoạn mới

Theo Báo Vĩnh Long, những năm trở lại đây, phong trào TDTT ở Vĩnh Long có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cho ngành TDTT đạt nhiều thành tích rất đáng tự hào.

Đại hội TDTT các cấp và Hội khỏe Phù Đổng được duy trì.

Nâng cao tinh thần thể thao quần chúng

Theo Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), toàn tỉnh hiện có 32 loại hình TDTT thu hút nhiều người tham gia tập luyện và thi đấu. Toàn tỉnh có 33% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, hơn 1.200 CLB TDTT cơ sở được thành lập và hoạt động tại các cơ quan, trung tâm VH- TT các cấp… Hiện 100% số trường học thực hiện chương trình giáo dục thể chất nội khóa, 95% trường tổ chức tốt chương trình thể thao ngoại khóa, thể thao tự chọn cho học sinh… Đại hội TDTT và Hội khỏe Phù Đổng các cấp của tỉnh ngày càng chất lượng và thu hút nhiều lượt người tham gia. Qua đó, góp phần làm nền tảng phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới và đô thị văn minh. Tinh thần TDTT của quần chúng nhân dân đã được nâng cao rõ rệt.

Hiện Sở VH-TT-DL cũng đã xây dựng đề án phát triển TDTT tỉnh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm đẩy mạnh phát triển phong trào TDTT cho mọi người và nâng cao thành tích thể thao của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Theo đề án, tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, đẩy mạnh các hoạt động TDTT xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao của tỉnh…

Ngoài các mục tiêu cụ thể được đặt ra, đề án còn nhấn mạnh phát triển thể thao chuyên nghiệp, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để phát triển một số môn thể thao thành tích cao; phát triển xã hội hóa TDTT; tăng cường đẩy mạnh hợp tác quốc tế về TDTT, đặc biệt chú trọng hợp tác đối với các nước trong ASEAN, các nước có nền thể thao phát triển mạnh. Đồng thời tiếp tục quy hoạch đất dành cho các hoạt động TDTT để hoàn thiện các thiết chế, cơ sở vật chất
thể thao.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng và phát triển như hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển của đất nước. Do đó, TDTT càng có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Củng cố, phát triển thể thao thành tích cao

Năm 2021 với nhiều biến động do dịch COVID-19, ngành thể thao thành tích cao (TTTTC) của tỉnh cố gắng thích ứng an toàn, vượt khó và ghi dấu ấn mạnh mẽ với nhiều thành công rực rỡ. Hiện Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đang quản lý 11 môn TTTTC (12 ĐT) với 125 VĐV, 25 HLV và 2 chuyên gia. Trong năm 2021, các đội, VĐV thể thao tham dự thi đấu đã đem lại nhiều thành tích xuất sắc với 132 HC các loại.

Đặc biệt, đây là năm đầu tiên TTTTC Vĩnh Long đạt 22 HCV, 13 HCB, 17 HCĐ tại các giải VĐQG, vượt 5 HCV so với năm 2020. Theo ông Nguyễn Minh Hiền- Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, với những thành tích trên, TTTTC tỉnh nhà được đánh giá là đơn vị có thành tích phát triển tốt, ổn định trong nhiều năm liền, đứng đầu trong khối thi đua 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Năm 2021 cũng là năm thành công của nhiều VĐV tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long cả các đấu trường trong nước và quốc tế như: Trương Thị Kim Tuyền, Nguyễn Hồ Cẩm Giang, Nguyễn Phan Khánh Hân (Taekwondo); Nguyễn Duy, Nguyễn Văn Đầy, Lê Quốc Phong, Thạch Phi Hùng, Nguyễn Thị Thanh Thảo, Huỳnh Thị Hồng Gấm (bắn cung); Nguyễn Hoàng Khang (bơi); Nguyễn Thị Mỹ Tiên, Nguyễn Thị Hồng Thương, Bùi Lưu Phượng Ngân (điền kinh);…

Theo ông Nguyễn Minh Hiền, năm 2022, TTTTC tỉnh tiếp tục xác định các môn thể thao thế mạnh, trọng điểm để đầu tư phát triển, xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng, hàng đầu. trong năm, phấn đấu đạt 140 HC các loại tại các giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế.

Đề án phát triển TDTT Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh xác định các môn thể thao thế mạnh, trọng điểm để đầu tư phát triển, xác định nguồn lực là yếu tố quan trọng, hàng đầu cho TTTTC.

TTTTC sẽ tập trung đầu tư trọng điểm nguồn nhân lực xuất sắc của tỉnh được Tổng Cục TDTT triệu tập lên ĐTQG thi đấu tại SEA Games 31 và ASIAD (tổ chức vào tháng 9/2022 tại Trung Quốc), với số lượng cao nhất từ trước tới nay là 19 người, trong đó có 4 HLV và 15 VĐV ở các môn Taekwondo, bắn cung, điền kinh, xe đạp, bơi lội, cầu mây. Phấn đấu đạt HCV tại SEA Games, đạt HC tại ASIAD. Đồng thời phối hợp với các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia cử 26 người (3 HLV, 23 VĐV) thực hiện đúng thời gian theo lệnh triệu tập của Tổng cục TDTT lên đội trẻ quốc gia chuẩn bị thi đấu các giải thể thao trẻ toàn quốc…

Theo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, năm 2022, nhiều HLV, VĐV của Vĩnh Long được gọi tập trung lên ĐT và ĐT trẻ quốc gia. Kế hoạch tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IX, Trung tâm sẽ tập trung mọi nguồn lực và phát triển nâng cao thành tích của lực lượng VĐV ở các môn thể thao trọng điểm, tuyển chọn VĐV tham gia thi đấu, quyết tâm giành 17- 20 HCV, xếp hạng từ 15- 20 chung cuộc.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và dấu ấn chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh xuất chúng, người đã thấm nhuần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư duy sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân, đã đưa ra quyết định quan trọng, chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đi tới thắng lợi cuối cùng cũng chính từ bước ngoặt quan trọng này. Tài thao lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ.
2024-05-07 14:41:26

Hình ảnh cuộc diễu binh sống dậy ký ức 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào sáng 7/5 tại Sân vận động tỉnh Điện Biên với cuộc diễu binh khí thế ngút trời.
2024-05-07 11:42:59

Video cuộc diễu binh trên đường phố Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra sáng ngày 7/5/2024 là hoạt động chính trị vô cùng quan trọng nhằm khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
2024-05-07 11:36:26

Người dân đội mưa chen kín quanh SVĐ dự Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, hàng nghìn người dân đứng dưới mưa để chứng kiến lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Cơn mưa nặng hạt không làm ảnh hưởng nhuệ khí ngút trời của lực lượng diễu binh cũng như người dân Điện Biên và du khách.
2024-05-07 09:43:23

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Pháp

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
2024-05-07 08:48:42

Ông cụ 75 tuổi lên Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên thăm bố dịp Kỷ niệm 70 năm

Những ngày này, Đồi A1 lịch sử ở phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, nơi từng diễn ra những trận đánh ác liệt có tính quyết định chiến dịch Điện Biên Phủ, hoa phượng đỏ thắm như máu của hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống.
2024-05-07 06:05:00
Đang tải...