Tin tức miền Tây ngày 31/3/2022: Khả năng giá tôm năm 2022 sẽ tăng cao

2022-03-31 20:00:00 0 Bình luận
Thị trường xuất khẩu tôm năm 2022 dự báo mở ra nhiều cơ hội. Trong khi vùng nuôi tôm ven biển ở ĐBSCL vào vụ nuôi mới lại đối mặt nhiều thách thức.

Nuôi tôm bán thâm canh ở vùng ven biển ĐBSCL. Ảnh: TTK

Theo Báo Cần Thơ, nhìn lại 3 năm (2019-2021) liên tiếp mặt hàng tôm của Việt Nam đã vượt khó để đạt được mức tăng trưởng cao, sự nỗ lực lớn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Riêng trong năm 2021 vùng nuôi tôm ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 xảy ra hầu khắp các địa phương và phải trải qua gần 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội. Cùng song hành, tình hình xâm nhập mặn và thiên tai liên tiếp ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh Nam Trung Bộ và các tỉnh Nam Bộ. Người nuôi tôm và doanh nghiệp trong ngành tôm bị ảnh hưởng nặng nề, phải tìm mọi cách vượt qua khó khăn. Dù vậy đến cuối năm cả ngành hàng tôm về đích đạt kết quả tốt. Sản lượng tôm nuôi cả năm đạt 970.000 tấn, tăng 4,3% so với năm 2020, trong đó tôm nước lợ đạt 920.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước đạt 3,9 tỉ USD, tăng 5,4% so năm 2020.

Tình hình xuất khẩu tôm Việt Nam qua 2 tháng đầu năm 2022 tiếp tục phát tín hiệu tích cực. Tổng mức kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đạt trên 550 triệu USD, tăng hơn 46,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định: Dự báo năm 2022, Mỹ vẫn sẽ là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Với sự hồi phục nhu cầu của chuỗi HORECA (một kênh phân phối các sản phẩm dùng trong ngành nhà hàng - khách sạn) và với thế mạnh tôm chế biến, xuất khẩu, tôm Việt Nam sang Mỹ năm 2022 sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó thị trường châu Âu (EU), sau ảnh hưởng dịch COVID-19 xuất khẩu tôm giảm trong quý III và bắt đầu tăng mạnh trở lại trong quý IV năm 2021, phần lớn là xuất khẩu tôm cỡ nhỏ. Năm 2022, nhu cầu tiêu thụ tôm tại thị trường EU bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt tại Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ,... Tuy nhiên mức tiêu thụ tại thị trường này sẽ bị tác động bởi chiến tranh Nga - Ukraine nên phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu và kế hoạch kinh doanh trong tương lai. Xu hướng dự trữ thực phẩm có thể làm tăng nhu cầu nhập khẩu nhưng đi kèm giá thấp. Thị trường các nước EU cần thêm thời gian để dự báo tăng đáng kể trong 2022.

Theo ông Hòe, Nhật là thị trường lớn và là thị trường truyền thống của xuất khẩu tôm Việt Nam, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu tôm trong nhiều năm. Với kết quả xuất khẩu của 2 tháng đầu năm 2022, thị trường Nhật Bản bắt đầu tăng nhu cầu trở lại, trong đó các nhà cung cấp tôm của Việt Nam vẫn được chọn lựa. Đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn thứ 3 và cạnh tranh với tôm từ Ecuador và Ấn Độ. Bị ảnh hưởng bởi chính sách "Zero COVID-19", năm 2021 xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc giảm sâu nhất trong vòng 5 năm nay. Tuy vậy đến những tháng cuối năm 2021 tôm xuất khẩu tăng mạnh trở lại và tiếp tục duy trì sang tháng 1 và 2 năm 2022. Mới đây vào ngày 11-2-2022 Trung Quốc công bố sẽ tăng sản lượng thủy sản lên 66 triệu tấn trở thành nguồn cung cấp protein số 1 cho người dân Trung Quốc. Một thách thức mới đối với tôm của Việt Nam. Qua đó dự đoán các thị trường lớn nhất sẽ nhanh phục hồi nhu cầu, trừ Trung Quốc vẫn cần thêm thời gian.

Bước vào đầu năm 2022 tình hình xung đột Nga - Ukraine đang tác động mạnh đến thị trường nhiên liệu xăng dầu, vật tư nông nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Trước dự báo thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen đối với ngành hàng tôm Việt Nam. Một số mặt hàng vật tư nông nghiệp: phân bón, thức ăn chăn nuôi và thủy sản… báo động giá cả biến động, chi phí sản xuất tăng lên.

Trong khi đó về mặt nội tại ở vùng nuôi tôm ĐBSCL hiện còn những giới hạn, bức bách. Mặc dù sau nhiều năm đạt tiến bộ vượt bậc về ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ nuôi tôm tiên tiến, nhưng lại gặp trở ngại lớn về điều kiện cơ sở hạ tầng trước làn sóng đầu tư mở rộng vùng nuôi tôm công nghiệp.

Ở tỉnh Cà Mau có vùng nuôi tôm nước mặn, lợ lớn nhất cả nước, với 280.000ha, với nhiều loại hình nuôi như siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp quảng canh và mô hình nuôi tôm - lúa lớn nhất vùng ĐBSCL. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, băn khoăn: Hiện thời vùng nuôi tôm chiếm phần lớn còn nhiều nông hộ diện tích nuôi manh mún, nhỏ lẻ. Điều kiện hạ tầng thủy lợi vùng nuôi chưa được đảm bảo. Chất lượng tôm giống cần có quy chế phối hợp chặt chẽ hơn để loại hẳn tôm giống kém chất lượng gây thiệt hại cho người nuôi… Tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản có đề án, dự án riêng cho các tỉnh có vùng tôm - lúa ĐBSCL. Bởi vì đây là lợi thế của vùng, sản phẩm đặc hữu tôm - lúa chất lượng cao.

Trong những năm qua tỉnh Sóc Trăng là điểm sáng nuôi tôm nước lợ thâm canh và bán thâm canh hiệu quả, với diện tích trên 53.000ha. Trong đó trang trại nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao chiếm 9%. Trong năm 2021 Sóc Trăng đã hạ được tỷ lệ nuôi tôm thiệt hại giảm còn 6%. Sản lượng tôm nuôi năm 2021 đạt 189.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm lần đầu tiên đạt trên 1 tỉ USD. Tỉnh xác định nuôi tôm là thế mạnh kinh tế của tỉnh.

Tuy vậy, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: Hạ tầng cơ sở thủy lợi cho vùng nuôi là vấn đề trọng yếu. Vừa qua tỉnh đã có đầu tư, nhưng trước quy mô đầu tư nuôi tôm công nghiệp ngày càng tăng, cần đảm bảo nguồn cấp nước sạch. Do vậy tỉnh kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thông qua các chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng nuôi. Bên cạnh đó, hàng năm tỉnh Sóc Trăng cần 20 tỉ con giống, song nguồn cung nội tỉnh còn hạn chế nên rất cần đảm bảo nguồn cung tôm giống tốt.

Theo VASEP, dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2022 sẽ tăng trưởng từ 10-12%, kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 4 tỉ USD. Tuy nhiên khả năng lạm phát sẽ làm giá thành sản xuất tăng làm tăng giá bán và suy yếu tốc độ tăng đơn hàng. Chiến tranh Nga - Ukraine sẽ tác động mạnh đến chi phí cũng như hoạt động logistics sẽ là một thách thức không nhỏ cho tăng trưởng xuất khẩu tôm. Nguyên liệu tôm đủ cho chế biến nhưng giá tăng hơn do các yếu tố đầu vào sẽ biến động phức tạp trong năm 2022.

Bắt đầu "nhộn nhịp" phong trào tập luyện bi sắt ở Sóc Trăng

Theo Báo Sóc Trăng, cứ vào buổi chiều, đến với sân bi sắt trong khuôn viên Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng đều bắt gặp anh em là diễn viên, nhạc công của đoàn và một số bi thủ đến từ các câu lạc bộ bi sắt trên địa bàn TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) đến thi đấu giao lưu, tạo không khí sôi động. Anh Trần Tiền là nhạc công của đoàn chia sẻ: “Sau khi tỉnh phân loại cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, các hoạt động tập luyện thể thao trở lại bình thường, tôi cảm thấy rất vui mừng khi cùng anh em tiếp tục được ra sân thực hiện cú bắn bi. Dù tập luyện nâng cao sức khỏe, nhưng khi ra sân thi đấu các nội dung đơn, đôi hoặc bộ ba, tôi thường tính toán khá thận trọng khoảng cách từ bi điểm đến vạch quy định. Tôi cố gắng tập luyện để lấy lại phong độ, chuẩn bị tinh thần tham gia hội thao ngành”.

Các bi thủ tập luyện chuẩn bị cho giải đấu sắp tới. Ảnh: PON LƯ

Cùng chung niềm đam mê môn thể thao này và là người “cầm quân” tuyển trẻ bi sắt tỉnh, anh Liêu Thái Sơn tâm sự: “Sau khi hết giờ huấn luyện cho các em, chiều nào tôi cũng thường đến sân bi sắt của đoàn bắt phe với anh em thi đấu giao lưu với nhau rất vui, ai nấy đều thi đấu rất nhiệt tình”.

Tuy nhiên, so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, các câu lạc bộ bi sắt ở một số địa phương tập luyện trở lại còn khá ít, do tâm lý e ngại việc tập trung đông người. Dù không ít khó khăn nhưng mọi người đam mê quả bi tròn đều vui mừng khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động dần hồi phục trong trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện cho người dân tăng cường rèn luyện sức khỏe và đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.

Anh Thạch Tuấn Tài - thành viên Câu lạc bộ Bi sắt xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) từng góp nhiều giải nhất, nhì cho thể thao huyện nhà Long Phú chia sẻ: “Đến với bộ môn này chủ yếu là nâng cao sức khỏe, thi đấu giao lưu với nhau, nhưng bản thân lúc nào cũng phải thực hiện 5K của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người thân trong gia đình”.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Long Phú Diệp Đăng Khoa cho biết: “Theo thống kê của ngành, trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trên địa bàn huyện Long Phú có 56 sân bi sắt, 14 câu lạc bộ bi sắt ở các xã, thu hút gần 200 thành viên tham gia tập luyện thường xuyên. Tuy nhiên, hiện chỉ còn khoảng 9 câu lạc bộ và 30 sân hoạt động trở lại, do một số anh em đến sân vẫn còn e ngại dịch bệnh. Ngành cũng đang tuyển chọn những vận động viên tài năng và từng có thành tích cao ở các mùa giải trước để tham gia Giải bi sắt Đại hội TDTT tỉnh sắp tới”.

Theo Phó Giám đốc Trung Văn hóa - Thể thao tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Hữu Tín, để cho phong trào bi sắt trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển hơn, Ban Tổ chức Đại hội TDTT tỉnh đã ban hành điều lệ giải, với 9 nội dung, nhằm cho các địa phương chuẩn bị lực lượng vận động viên tham gia tranh tài. Dự kiến, Giải bi sắt Đại hội sẽ diễn ra từ ngày 17/5 đến ngày 25/5/2022.

 

Đồng Tháp: Các địa phương quan tâm phát huy giá trị đình làng trên địa bàn

Sau khi Đề án Phát huy giá trị đình làng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 được ban hành, các ngành, địa phương, đơn vị tích cực triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo từng năm và giai đoạn. Điển hình như năm 2021, các ngành, địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thuộc lĩnh vực ngành, địa phương phụ trách; chọn 1 đình làng tiêu biểu nhất trong tỉnh làm mẫu để thực hiện Đề án; thực hiện hoàn chỉnh lược sử ngôi đình được chọn làm mẫu, mở lớp tập huấn nghiệp vụ về tổ chức sinh hoạt đình làng trên địa bàn tỉnh dành cho cán bộ văn hóa cơ sở; năm 2022 các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo và nâng cấp các hạng mục đình làng...

Đình Long Khánh (xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự) được xếp hạng là Di tích Quốc gia

Năm 2021, huyện Cao Lãnh quan tâm phát huy các thiết chế văn hóa cơ sở, tiêu biểu là Đình Bình Hàng Trung (xã Bình Hàng Trung) và Đình Mỹ Hội (xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh) được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Như vậy, huyện Cao Lãnh có 15 đình thần, trong đó có 4 đình thần được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Đình Bình Hàng Trung là một trong những ngôi đình tiêu biểu về kiến trúc đình làng Nam bộ của tỉnh Đồng Tháp nói chung, huyện Cao Lãnh nói riêng. Đình Bình Hàng Trung vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân, làm chỗ dựa tinh thần cho dân làng bao đời nay. Đình Bình Hàng Trung còn lưu giữ 6 lá sắc phong dưới thời vua Tự Đức và Thiệu Trị; Đình là nơi thờ tự và an táng Nguyễn Văn Biểu - một nghĩa sĩ yêu nước chống Pháp xâm lược; là địa chỉ đỏ - Nhà bia ghi danh Anh hùng liệt sĩ xã Bình Hàng Trung, nơi giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Đình Mỹ Hội được hình thành đã đáp ứng được phần nào nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của cư dân địa phương trong suốt quá trình khai hoang mở đất và phát triển cho đến ngày nay. Đây chính là điểm sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu của người dân. Có thể nói, sinh hoạt ở Đình Mỹ Hội mang yếu tố tín ngưỡng dân gian, góp phần tô đậm giá trị truyền thống tích cực, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Hiện nay, đình còn lưu giữ 6 lá sắc, 3 lá sắc phong cho Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, 3 lá sắc phong cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị tôn thần, do vua Thiệu Trị và vua Tự Đức cấp. Di tích lịch sử - văn hóa không chỉ là thiết chế văn hóa tín ngưỡng, văn hóa nghệ thuật mà còn là nơi để tuyên truyền, giáo dục về lòng yêu nước, niềm tự hào của dân tộc, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, các tiền nhân có công trong việc mở cõi, khai hoang lập ấp, lập làng. Đình Bình Hàng Trung và Đình Mỹ Hội có khả năng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư với vai trò như là một thiết chế văn hóa, góp phần vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Theo Đề án Phát huy giá trị đình làng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, đình làng là một cơ sở tín ngưỡng được hình thành từ rất sớm, đóng vai trò thiết yếu trong đời sống văn hóa của người Việt xưa và nay, là biểu tượng của văn hóa làng xã Việt Nam nói chung và Nam bộ nói riêng; nơi phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng gắn với đời sống xã hội như một dạng thiết chế văn hóa đa chức năng ở làng xã, là nguồn mạch nuôi dưỡng đời sống tâm linh, tinh thần của cư dân nông nghiệp. Đình làng với 3 chức năng chính: tín ngưỡng dân gian, hành chính và sinh hoạt văn hóa, đình làng hội tụ nhiều nét kiến trúc - nghệ thuật thuộc văn hóa vật thể; nơi diễn ra các hoạt động văn hóa cộng đồng, văn hóa phi vật thể như: nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, văn hóa dân gian, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống về đất và người của một địa phương; nguồn cảm hứng để người dân sáng tạo nên các giá trị văn hóa mới, trong đó bao gồm các giá trị văn hóa đặc sắc đã ăn sâu vào đời sống cộng đồng.

Tuy nhiên, ngày nay văn hóa Nam bộ nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng có nhiều thay đổi: sự xuất hiện và phát triển của nhiều hình thái sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật mới; sự phát triển của truyền thông đa phương tiện; nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống trong cộng đồng có chiều hướng giảm; quá trình đô thị hóa nông thôn diễn ra nhanh chóng; các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, địa phương dần bị mai một... ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò của đình làng đối với cộng đồng xã hội. Cùng với cả nước, tỉnh Đồng Tháp đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa là một trong những tiêu chí rất quan trọng góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, sinh hoạt cộng đồng của người dân. Theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương có thể tận dụng đình làng để thực hiện chức năng của Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng cấp xã vẫn tính đạt tiêu chí này.

Đề án Phát huy giá trị đình làng trên địa bàn tỉnh sẽ đưa một số ngôi đình có giá trị tiêu biểu về kiến trúc - nghệ thuật, lịch sử vào các tour, tuyến du lịch, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án phát triển du lịch của tỉnh, Đề án tạo dựng hình ảnh địa phương; tiết kiệm ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng để hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; đặc biệt Đề án là cơ sở rất quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị đình làng trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Theo Báo Đồng Tháp

 

Giá bạc hà tăng gấp đôi

Theo Báo Hậu Giang, khoảng một tháng trở lại đây, giá bạc hà tăng đã giúp nhiều nhà vườn trồng bạc hà ở huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang thu lợi cao.

Nhà vườn thu hoạch bạc hà, rửa sạch, bó thành bó 5kg giao cho thương lái.

Bạc hà đa phần được nhà vườn ở huyện Phụng Hiệp trồng xen trong các vườn cây ăn trái, khu đất trống xung quanh nhà. Đây là loại dễ trồng, nhẹ chăm sóc, sau 2 tháng trồng sẽ cho thu hoạch, trung bình với diện tích 1.000m2, 15 ngày thu hoạch một đợt từ 500-600kg, hiện được thương lái thu mua với giá 10.000-11.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với thời điểm cách nay một tháng. Theo nhà vườn trồng bạc hà ở huyện Phụng Hiệp cho biết, bạc hà cho thu hoạch gần như quanh năm, nhưng tháng mùa nắng sản lượng ít nên giá bán thường rất cao, còn bình quân thường ổn định ở mức 4.000-5.000 đồng/kg, trừ hết chi phí mỗi công cho thu nhập hơn 25 triệu đồng/năm.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...