Tin tức Miền Tây ngày 8/3: Khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích trồng mía
Khuyến cáo nông dân không ồ ạt mở rộng diện tích trồng mía
Những ngày qua, giá mía tại ĐBSCL đã tăng 150 đồng/kg so với niên vụ trước, năng suất bình quân đạt 95 tấn/ha. Nhờ vậy, người trồng mía có lợi nhuận từ 30-40 triệu đồng/ha. Như tại Trà Vinh, hiện Công ty mía đường tỉnh này thu mua mía cho nông dân là 1.250đ/kg (10 chữ đường).
Thu hoạch mía ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
Đặc biệt, thời gian gần đây, nước mía giải khát ngày càng được ưa chuộng trên thị trường, có thể bán và tiêu thụ ở bất cứ đâu, dẫn đến nhu cầu thu mua mía chục ngày càng lớn.
Hiện mía chục được mua với giá từ 2.000-2.300 đồng/kg (tùy chất lượng mía) hoặc mua mão (mua toàn bộ - PV) với giá 22 triệu đồng/công (1.000m2). Giá bán hấp dẫn, đến nay, chỉ riêng huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã có tới 600 ha chuyển sang trồng mía chục, trong đó có khoảng 25% nông dân áp dụng kỹ thuật trồng lưu gốc, tổng sản lượng mía chục năm nay khoảng 60.000 tấn.
Dù tình hình phấn khởi, nhưng ngành nông nghiệp các địa phương không khuyến khích nông dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng mía. Bởi trước đó nhiều năm, ngành mía đường đã liên tục rơi vào cảnh bi đát, thua lỗ. Tình hình mía đường trong tương lai vẫn rất khó lường.
Cần Thơ: Phát động thanh toán không dùng tiền mặt trong đoàn viên, sinh viên
Sở Công Thương TP Cần Thơ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chi nhánh Cần Thơ và Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ vừa phối hợp tổ chức Lễ phát động thanh toán không dùng tiền mặt trong đoàn viên trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Ảnh minh họa thanh toán không dùng tiền mặt
Ông Hà Vũ Sơn- Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp thiết thực hướng đến thực hiện chuyển đổi số. Với lợi thế về sự nhanh nhạy về công nghệ, lực lượng đoàn viên, thanh niên với vai trò xung kích làm chủ công nghệ, kỹ thuật, thực hiện các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số mà còn là lực lượng đóng vai trò nòng cốt để tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số.
thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Thường vụ Thành đoàn Cần Thơ và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai mở rộng tại nhiều điểm trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố.
Hơn 150 ha tôm nuôi ở Trà Vinh bị thiệt hại do không khí lạnh
Từ đầu tháng 3 năm nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh Trà Vinh xuất hiện đợt không khí lạnh và kéo dài cho đến nay đã gây bất lợi đối với tôm nuôi vùng nước mặn và lợ ở tỉnh Trà Vinh. Do sự chênh lệch cao về nhiệt độ giữa ngày và đêm đã làm thiệt hại gần 43 triệu con tôm sú, tôm thẻ chân trắng, với diện tích hơn 152 ha.
Một ao nuôi tôm ở Trà Vinh
Theo Chi cục Thuỷ sản Trà Vinh, từ cuối tháng 2, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng những cơn mưa trái mùa đã làm biến động xấu môi trường nước trên các sông, trong ao nuôi, gây thiệt hại 4,7 triệu con tôm sú và hơn 22, 6 triệu con tôm thẻ chân trắng nuôi của nông dân.
Sau ảnh hưởng mưa trái mùa, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuất hiện đợt không khí lạnh ngày càng tăng làm biến động mạnh về nhiệt độ, môi trường nước ao nuôi gây ảnh hưởng lớn sức khỏe tôm nuôi và làm thêm nhiều diện tích tôm nuôi bị chết.
Qua khảo sát và lấy mẫu, hầu hết tôm chết trong giai đoạn 25 – 55 ngày tuổi do bệnh đốm trắng, đỏ thân, gan tụy, bệnh đường ruột.
Tính từ đầu vụ đến nay, nông dân Trà Vinh đã thả nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng, với số lượng gần 428 triệu con tôm sú và hơn 1,2 tỷ con tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 10.300 ha mặt nước.
Hậu Giang: Đầu tư 12.000 tỷ đồng phát triển kinh tế ban đêm
UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành Quyết định số 331/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo Quyết định này, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) là 12.000 tỷ đồng, nhằm khai thác tiềm năng phát triển các khu KTBĐ ở trung tâm các thành phố, thị xã, huyện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, tận dụng tối đa cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân
Một góc đô thị sông nước Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Báo Hậu Giang
Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025: Hình thành 03 - 04 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm; Phát triển ít nhất 1 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương; Hình thành ít nhất 03 tuyến du lịch kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình từ 02 - 03 ngày; Hoạt động KTBĐ tạo việc làm cho người dân địa phương khoảng 5 - 7%; Tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 - 10%/năm; KTBĐ góp phần thực hiện mục tiêu thu hút lượng khách du lịch đến Hậu Giang năm 2025 là 700.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 300 tỷ đồng.
Đến năm 2030: Hình thành 06 - 07 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm; Phát triển ít nhất 2 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương; Hình thành ít nhất 04 tuyến du lịch kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình từ 02 - 03 ngày; Hoạt động KTBĐ tạo việc làm cho người dân địa phương khoảng 7% trở lên; Tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 12 - 13%/năm; Năm 2030 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.
Chấn chỉnh nhóm học sinh dàn cảnh đánh nhau ở Cà Mau
Liên quan đến vụ nhóm 7 học sinh của Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau) dàn dựng cảnh đánh nhau để quay clip, ngày 8/3, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau có Công văn về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.
Hình ảnh 7 học sinh của Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau) dàn dựng cảnh tại bãi đất trống khu dân cư Minh Thắng, thuộc khóm 3, phường 9, TP Cà Mau
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau, vừa qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn video clip ghi lại cảnh học sinh đánh nhau tại bãi đất trống khu dân cư Minh Thắng (Khóm 3, phường 9, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) gây ảnh hưởng đến ngành và tâm lý lo lắng cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Vụ việc đã được Công an TP Cà Mau xác minh, báo cáo chỉ là hành động đùa giỡn, quay video clip để đưa lên nhóm xem, không có mục đích gì khác.
Giám đốc Sở tỉnh Cà Mau yêu cầu Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, Hiệu trưởng các đơn vị, trường học trực thuộc Sở tăng cường công tác quản lý học sinh, tổ chức các hoạt động vui chơi, lồng ghép giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của học sinh trong việc “nói không với hành vi bạo lực và tệ nạn xã hội”.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố và Hiệu trưởng các đơn vị, trường học trực thuộc Sở tuyên truyền nhắc nhở học sinh tuyệt đối không đăng tải hình ảnh, video clip mang tính nhạy cảm, dễ gây hiểu nhầm lên mạng xã hội.
Trước đó, vào khoảng 11h ngày 3/3, sau giờ tan trường học, 7 học sinh lớp 10A4, 10A10 và 10A12 của Trường THPT Hồ Thị Kỷ đi xe máy đến khu đất trống trong Khu dân cư Minh Thắng chơi.
Tại đây, nam sinh Ph.C.Th dùng dây nylon trói tay nam sinh cùng trường tên T.T.Đ vào gốc cây và giả vờ đánh. Các học sinh còn lại không can ngăn mà dùng điện thoại quay lại cảnh dàn dựng trên.
Sau đó, nhóm học sinh chia sẻ clip lên nhóm chat để cùng xem và không có mục đích gì khác. Tuy nhiên, việc dàn dựng trên của các em đã bị người dân trong khu vực dùng điện thoại quay lại, sau đó tung lên mạng xã hội gây hoang mang, hiểu nhầm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.