Tin tức Miền Tây ngày 7/3/2022: Cần Thơ và Phú Quốc thành hai trung tâm du lịch quốc tế vào 2030

2022-03-07 23:00:00 0 Bình luận
Quy mô kinh tế năm 2030 của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ lớn hơn 2-2,5 lần so với năm 2021. Đến năm 2030, khu vực này sẽ có 4 cảng hàng không. Cần Thơ và Phú Quốc sẽ được phát triển thành hai trung tâm du lịch quốc tế. Tập trung phát triển điện gió ở bán đảo Cà Mau và điện mặt trời…

Theo KTSG Online, đó là một số nội dung của Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký.

Một góc Cần Thơ. Ảnh: Ái Vy

Mục tiêu đặt ra cho vùng ĐBSCL là kinh tế tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 6,5%/năm. Quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2030 lớn hơn 2-2,5 lần so với năm 2021; năm 2030, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GRDP khoảng 20%; công nghiệp – xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuế và trợ cấp khoảng 2%.

Phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Đến năm 2030, không phát triển thêm nhiệt điện than ngoài các nhà máy nhiệt điện than đang trong quá trình xây dựng ở Duyên Hải II (Trà Vinh), Long Phú I (Sóc Trăng), Sông Hậu I (Hậu Giang); tập trung phát triển điện gió ở bán đảo Cà Mau và điện mặt trời; xây dựng các nhà máy điện có khả năng điều chỉnh linh hoạt, các nguồn pin tích năng để đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện có tỷ trọng cao nguồn năng lượng tái tạo; xem xét phát triển các dự án điện khí ở Bạc Liêu, Kiên Giang, Long An sau năm 2030.

Về phương hướng phát triển công nghiệp, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện môi trường. Trong đó chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Đầu tư chiều sâu, hướng vào xuất khẩu đối với các nhóm ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, các sản phẩm hóa chất và cơ khí phục vụ nông nghiệp.

Khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến thực phẩm về thủy sản, trái cây, lúa gạo áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại tại các trung tâm đầu mối và khu vực thuận lợi về vùng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá trị kinh tế cho xuất khẩu; đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản hỗ trợ việc thu gom, trung chuyển, vận tải hàng hóa nông sản tại các trung tâm đầu mối…

Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ Vĩnh Long

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành đề án 'Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ Vĩnh Long, giai đoạn 2021-2025'. Mục tiêu đề án là duy trì và phát triển ngành sản xuất gốm, góp phần bảo tồn làng nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập người dân; đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.

Đề án với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng của cơ sở doanh nghiệp là trên 3,5 tỷ đồng; chủ yếu tập trung nâng cao tay nghề, năng lực sản xuất, quản lý thông qua các lớp đào tạo trang bị kiến thức, kỹ năng cho các cơ sở, thay đổi mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị trường và số hóa sản phẩm.

Lâu nay, gốm đất nung là một trong những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh Vĩnh Long. Dự kiến sản lượng gốm giai đoạn 2021-2025 khoảng 25 triệu sản phẩm. Hiện tại, tỉnh còn 24 cơ sở, doanh nghiệp, với 107 miệng lò sản xuất gốm đỏ, sản lượng ổn định trong khoảng 3 năm gần đây trung bình 3,6 triệu sản phẩm/năm, doanh thu trên 500 tỷ đồng.

Sản phẩm gốm Vĩnh Long xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc...

Về thị trường nội địa, gốm Vĩnh Long có khả năng mở rộng trong thời gian tới với các sản phẩm gốm trang trí ngoại thất, nội thất, quà tặng lưu niệm phục vụ du lịch…

Tổ hợp tác đánh bắt thủy sản xa bờ: Giúp ngư dân vươn khơi, bám biển

Theo Báo Ấp Bắc, những năm gần đây, các tổ hợp tác khai thác đánh bắt thủy sản xa bờ đã phát huy hiệu quả trong đánh bắt và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tổ hợp tác đánh bắt thủy sản giúp ngư dân vươn khơi, bám biển.

PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có trên 700 phương tiện đánh bắt xa bờ; trong đó, thị trấn Vàm Láng có hơn 400 tàu cá, phần lớn các tàu có công suất trên 90 mã lực. Hằng năm, đội tàu đánh bắt mang về đất liền hơn 20.000 tấn hải sản phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu. Việc hợp tác trong đánh bắt xa bờ đang phát huy hiệu quả, ngày càng được nhân rộng.

Ông Lý Văn Liểng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Khai thác thủy sản Trường Duy (khu phố 2, thị trấn Vàm Láng) cho biết, thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2014, đến nay tổ hợp tác có 12 tàu thuyền đánh bắt xa bờ với 84 thành viên, mỗi chuyến đánh bắt kéo dài hơn 3 tháng. Việc tham gia tổ hợp tác đã giúp gia đình tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả trong mỗi chuyến khai thác.

Còn theo ông Nguyễn Văn Mùi (khu phố Lăng 3, thị trấn Vàm Láng), gia đình ông gia nhập Tổ hợp tác Khai thác thủy sản Minh Tiến đánh bắt xa bờ được 7 năm. Hiện tổ hợp tác có 5 tàu thuyền với 35 thành viên, phương tiện được đầu tư trang thiết bị hiện đại như bộ đàm, định vị.

“Từ ngày tổ hợp tác thành lập, tôi thấy có sự đoàn kết trong đánh bắt thủy sản xa bờ. Các thành viên trong tổ hỗ trợ với nhau bằng nhiều hình thức như điểm nào có tôm, cá, thành viên sẽ gọi thành viên trong tổ đến đánh bắt hay hỗ trợ kịp thời khi có sự cố trên biển. Hay khi có tàu lạ đến vùng biển của mình, anh em sẽ thông tin cho Cảnh sát biển, kiểm ngư và Lực lượng Biên phòng biết để đến làm việc”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Vàm Láng Huỳnh Thanh Toàn cho biết: “Những năm qua, cấp ủy, chính quyền thị trấn Vàm Láng phối hợp với cấp ủy Đồn Biên phòng Kiểng Phước thành lập được 18 tổ hợp tác khai thác đánh bắt thủy sản. Mô hình tổ hợp tác trên được ngư dân tham gia rất tích cực, lợi nhuận của ngư dân ngày càng được nâng lên”.

GÓP PHẦN GIỮ VỮNG CHỦ QUYỀN

Ngoài việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong đánh bắt, việc hình thành các tổ hợp tác đánh bắt thủy sản xa bờ còn giúp cho các tàu hỗ trợ nhau vươn khơi được xa hơn, chuyến đi biển được dài ngày hơn, hỗ trợ nhau trong công tác tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Thành viên tổ hợp tác hỗ trợ nhau để cùng phát triển.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng, các tổ hợp tác khai thác đánh bắt thủy sản xa bờ không chỉ là điểm tựa cho nhau khi đánh bắt trên biển, mà còn cung cấp cho lực lượng chức năng nhiều thông tin có giá trị trong công tác tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn trên biển, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thiếu tá Nguyễn Thành Chiến, Chính trị viên Đồn Biên phòng Kiểng Phước (Bộ đội Biên phòng Tiền Giang) cho biết: “Thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, Đồn Biên phòng Kiểng Phước phối hợp cấp ủy, chính quyền 3 xã, thị trấn tiến hành thành lập các tổ tàu thuyền đánh bắt an toàn trên biển. Qua công tác phối hợp, đồn và địa phương đã thành lập được 32 tổ đánh bắt an toàn trên biển.

“Qua các tổ đánh bắt an toàn trên biển, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Kiểng Phước đã tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc khai thác không vi phạm chủ quyền vùng biển nước láng giềng đến ngư dân. Mặt khác, các tổ đánh bắt an toàn trên biển cũng đã cung cấp thông tin về tình hình trên biển để cấp ủy, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Kiểng Phước chủ động trong công tác phối hợp và triển khai thực hiện” - Thiếu tá Nguyễn Thành Chiến chia sẻ.

Duy trì ổn định hoạt động, hiệu quả các tổ hợp tác đánh bắt thủy sản xa bờ không chỉ giúp cho ngư dân vươn khơi, bám biển, mà còn góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia, góp phần xây dựng, củng cố nền biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.

Đồng Tháp tập trung giải pháp thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Theo Báo Đồng Tháp, nhằm hoàn thiện Đề án “Chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (NN&PTNT) Đồng Tháp tổ chức hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến của các ngành, địa phương và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về kế hoạch thực hiện đề án.

Nông dân Đồng Tháp sử dụng máy bay không người lái phục vụ phun thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa

Theo Sở NN&PTNT, việc triển khai Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp sẽ góp phần giúp nâng cao hoạt động quản lý, điều hành sản xuất thông qua việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi số ngành nông nghiệp còn giúp cho người sản xuất dễ dàng tiếp cận thông tin về cảnh báo dịch hại, thời tiết, thị trường, thành tựu khoa học, công nghệ mới... Từ đó, có thể dễ dàng đưa nông sản tiếp cận người tiêu dùng một cách thuận lợi và nhanh nhất, giúp nông dân giảm chi phí trung gian, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất...

Ngoài ra, chuyển đổi số ngành nông nghiệp còn là nền tảng giúp cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đầy đủ thông tin về sản xuất như: vùng nguyên liệu, sản lượng thu hoạch, mùa vụ... để có thể giúp doanh nghiệp hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh. Một trong những điểm mấu chốt khi thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp là giúp cho Đồng Tháp hiện thực hóa mục tiêu tiếp tục thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp thích ứng với kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...

Để sớm đưa đề án vào thực tiễn, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đề ra 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng yếu: phát triển nền tảng phục vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp; phát triển hệ sinh thái nền tảng chuyển đổi số; xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ số, viễn thám và thiết bị giám sát mặt đất vào sản xuất; nâng cấp website “dongthapxanh.vn”.

Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, dự kiến Đề án Chuyển đổi số nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2023” sẽ được thực hiện trong 5 giai đoạn, với tổng kinh phí dự kiến trong giai đoạn 2022 – 2025 là 25 tỷ đồng.

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp bày tỏ quan điểm thống nhất cao với việc triển khai Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Phần lớn các đại biểu cho rằng, chuyển đổi số ngành nông nghiệp là xu hướng tất yếu và cũng là nền tảng quan trọng để tỉnh Đồng Tháp thực hiện Đề án chuyển đổi số của tỉnh. Song, các đại biểu cũng đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh nhà cần xác định mốc thời gian và một số chỉ tiêu của ngành đề ra cần tương thích với chỉ tiêu mà tỉnh đề ra trong Đề án chuyển đổi số của tỉnh. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đề nghị ngành nông nghiệp cần có kế hoạch về nhân sự khi triển khai đề án chuyển đổi số đến các xã để đề án có thể vận hành được thuận lợi và hiệu quả hơn..

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...