“Toàn xã hội, từng người dân ủng hộ, chung tay với các thầy thuốc”
Tới dự Chương trình kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Tham dự còn có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế, cán bộ y tế tiêu biểu qua các thời kỳ cùng tham dự Chương trình.
Ngành y tế đã có bước phát triển toàn diện
Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tôi xin trân trọng gửi tới toàn thể các thế hệ thầy thuốc, các cán bộ, nhân viên ngành y tế, đặc biệt là các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên, chiến sỹ làm công tác y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo lời lời chúc mừng tốt đẹp nhất.”
Phó Thủ tướng nêu rõ Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Suốt chặng đường phấn đấu, ngành y tế có bước phát triển toàn diện mạnh mẽ với hệ thống cơ sở y tế đều khắp từ Trung ương tới cơ sở. Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế mới khang trang, hiện đại; đặc biệt, gần một nửa triệu thầy thuốc, cán bộ y tế nắm chắc, tinh thông nghiệp vụ, hết lòng trị bệnh cứu người.
Trong đó, nhiều thầy thuốc có uy tín được đồng nghiệp và khu vực đánh giá cao. Nhiều thầy thuốc là người dân tộc thiểu số mặc dù điều kiện công tác, sinh hoạt rất khó khăn nhưng vẫn ngày đêm miệt mài, kiên nhẫn điều trị cho từng người dân ở những nơi hẻo lánh nhất.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong năm qua, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.
Một trong những điểm quan trọng của cả 2 Nghị quyết là cần chú trọng hơn nữa tới công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe, chất lượng dân số để thực sự phát triển cân đối, bền vững giữa điều trị với dự phòng, giữ y tế chuyên sâu và y tế công cộng.
Các giải pháp được đề ra là những giải pháp lớn nhưng cũng rất cụ thể, dễ hiểu. Một trong những điểm quan trọng của cả hai Nghị quyết là cần chú trọng hơn nữa tới công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe, chất lượng dân số để thực sự phát triển cân đối, bền vững giữa điều trị với dự phòng, giữa y tế chuyên sâu và y tế công cộng.
Nghị quyết cũng đã xác định mục tiêu, lộ trình để tiến tới bao phủ bảo hiểm, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, tư vấn, chăm sóc sức khỏe ngay cả khi chưa có bệnh và khi có bệnh thì được chữa trị sớm nhất.
Điều này không chỉ phù hợp với xu thế thế giới theo hướng y học gia đình mà còn thể hiện sự ưu việt của chế độ. Tăng cường y tế cơ sở hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân cũng như các nhiệm vụ khác mà Nghị quyết đã đề ra là công việc thường xuyên và lâu dài; nhiều mục tiêu phải liên tục phấn đấu trong nhiều năm mới đạt được, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: Năm 2017, ngành y tế tiếp tục có nhiều tiến bộ trên tất cả các mặt công tác góp phần xứng đáng cùng cả nước hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế và có những bước đi mạnh mẽ, đầy hứa hẹn trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc.
Vì vậy, ngay từ đầu năm 2018, Bộ Y tế cần tập trung triển khai chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Trung ương với quyết tâm cao nhất.
Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, dành đủ nguồn lực, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để ngành y tế hoàn thành nhiệm vụ của mình; đồng thời, kêu gọi toàn xã hội, từng người dân cùng ủng hộ, chung tay với các thầy thuốc, cán bộ y tế.
Qua đó, mỗi người đều ý thức đầy đủ và hành động cụ thể để để sức khỏe, vốn quý nhất của con người được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao một cách hiệu quả nhất.
Phó Thủ tướng kêu gọi mọi người dân hãy thực hiện ngay, thực hiện đúng các khuyến nghị của cơ quan y tế, của các bác sỹ về rèn luyện thân thể, sinh hoạt lành mạnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động, an toàn giao thông, kiểm tra sức khỏe định kỳ, dùng thuốc theo đơn... và một điều cũng rất quan trọng là tham gia bảo hiểm y tế.
Đó cũng là cách thể hiện sự tri ân có ý nghĩa nhất đối với các thầy thuốc, những người đã, đang và sẽ tiếp tục hết lòng vì người bệnh, vì sự nghiệp chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định.
Chưa phòng bệnh hơn chữa bệnh
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, thời gian qua ngành y tế đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo bộ tiêu chí chuẩn quốc tế, xây dựng môi trường bệnh viện xanh sạch đẹp thân thiện, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh, ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến ngang tầm quốc tế để dự phòng, chẩn đoán và điều trị.
Một trong những giải pháp then chốt quan trọng để đạt được những kết quả trên là đổi mới cơ chế tài chính, đưa giá dịch vụ về giá trị thực gắn với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân vận hành theo đúng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, Nhà nước hỗ trợ khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn, thể hiện tính ưu việt của các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bộ trưởng Tiến cũng nhấn mạnh, việc thực hiện chính sách và kết quả thu được chủ yếu dành cho những người dân đã bị mắc bệnh, còn đại bộ phận người dân chưa mắc bệnh cần phải có những chính sách và giải pháp để mọi người dân từ miền núi, vùng sâu, vùng xa, không phân biệt nhóm dân cư đều được bảo vệ, chăm sóc, quản lý.
“Tuy nhiên, chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: người dân chưa nêu cao ý thức ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh,’ chỉ đến chữa bệnh khi đã mắc bệnh, chưa được kiểm tra sức khoẻ định kỳ, chưa tin tưởng vào chất lượng y tế cơ sở, và vượt lên tuyến trên gây tốn kém và quá tải cho tuyến trên. Để làm được việc này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đầu mối là ngành y tế,” Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.