TP.HCM: Lần đầu tiên sử dụng mô tô làm phương tiện cấp cứu
Các xe mô tô cấp cứu của Trung tâm cấp cứu Vạn Khang SOS |
TS.BS Lê Trường Giang, Giám đốc Trung tâm cấp cứu Vạn Khang SOS cho biết, theo thống kê của ngành y tế thành phố, chỉ có chưa đến 1% người bệnh vào cấp cứu bằng phương tiện cấp cứu của ngành y tế nên không đảm bảo kịp thời và an toàn cho bệnh nhân, nhiều trường hợp đã tử vong trên đường cấp cứu hoặc bị di chứng suốt đời do vận chuyển không đúng kỹ thuật.
TPHCM hiện có khoảng 200 xe cấp cứu, chưa có phương tiện cấp cứu đường sông, đường biển và đường không. Số xe cấp cứu của thành phố chủ yếu dùng để chuyển bệnh nhân giữa các bệnh viện, phục vụ hội nghị, lễ hội… Thành phố cũng chưa hình thành được một cơ quan điều hành thống nhất hệ thống cấp cứu để khai thác và sử dụng hiệu quả hơn đối với 200 xe hiện có.
Trung tâm cấp cứu thành phố được tách ra từ Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương đóng vai trò quan trọng trong cấp cứu và vận chuyển cấp cứu, tuy nhiên, do nhu cầu quá lớn nên rất cần sự góp sức của toàn xã hội. Vì thế, sự ra đời của Trung tâm cấp cứu Vạn Khang SOS nhằm góp phần cùng hệ thống cấp cứu hiện có đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.
Đây được coi là mô hình mới nhất tại Việt Nam khi lần đầu tiên áp dụng thiết bị chuyên dụng để phát tín hiệu cấp cứu thay vì gọi số điện thoại như cũ. Thiết bị có chức năng định vị nên khi phát tín hiệu, tổng đài điều hành trung tâm sẽ xác định được vị trí và điều động xe cấp cứu gần nhất đến hỗ trợ.
Ngoài ô tô cấp cứu được trang bị các thiết bị cần thiết, Trung tâm cấp cứu Vạn Khang SOS còn sử dụng xe mô tô được trang bị bình oxy, máy hút đàm, máy điện tim, bộ đặt nội khí quản… cùng một bác sĩ và một điều dưỡng nhằm có mặt tại hiện trường sớm nhất để cấp cứu người bệnh, nhất là trong tình trạng giao thông ùn tắc hoặc trong các ngõ hẻm nhỏ.
TS.BS Lê Trường Giang cho biết, Trung tâm cấp cứu Vạn Khang SOS đã liên kết hợp tác với tổ chức cấp cứu Nhật Bản JPR, các bệnh viện lớn như Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Thống Nhất, Trưng Vương, Nhân dân Gia Định… để hỗ trợ lẫn nhau cả về phương tiện và lực lượng cấp cứu.
Trước mắt, Trung tâm cấp cứu Vạn Khang SOS mới triển khai trên địa bàn các quận 1, 3, 5, 10 và Phú Nhuận. Từ 1/5/2016, Trung tâm sẽ mở rộng dần trên toàn thành phố theo nhu cầu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.