TP.HCM ban hành khẩn Chỉ thị số 10: Dừng hoạt động các chợ tự phát, cấm tụ tập quá 3 người tại nơi công cộng
Chiều ngày 19/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký ban hành khẩn Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 đến nay, Thành phố ghi nhận có 1.346 ca nhiễm trên địa bàn với nhiều chuỗi lây nhiễm. Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong những ngày gần đây lên đến 3 con số và có những ca bệnh chưa rõ nguồn lây, dự báo sẽ xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng.
Người dân và các nhu yếu phẩm điều được xịt khử khuẩn trước khi được vận chuyển, bàn giao cho người thân tại chung cư Ehome 3 (phường An Lạc, quận Bình Tân) - Ảnh: Thuận Văn.
TP.HCM thực hiện triệt để hàng loạt các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh
Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố và đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện siết chặt, thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND TP.HCM tại các Công văn số 1749/UBND-VX ngày 30/5/2021, Công văn số 1931/UBND-VX ngày 14/6/2021, Công văn số 1948/UBND-VX ngày 16/6/2021. Đồng thời tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp sau: Dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát.
Không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5 mét giữa người với người tại các địa điểm công cộng; tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cá nhân, tổ chức. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM nếu để tập trung quá 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Yêu cầu mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn. Toàn thể người dân tự giác chấp hành các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, tự bảo vệ bản thân và gia đình.
Nhiều người dân tại một số khu vực trên địa bàn phường An Lạc, quận Bình Tân được đội ngũ y tế hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 vào chiều ngày 19/6 - Ảnh: Thuận Văn.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân Thành phố và nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp được tiếp tục hoạt động nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động tối thiểu 1,5 mét, mang khẩu trang tại nơi làm việc, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, đảm bảo không gian thông thoáng. Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị, cơ sở mình, đảm bảo sức khỏe, an toàn tuyệt đối cho người lao động. UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống trên địa bàn; tạm dừng hoạt động đối với chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước đảm bảo yêu cầu về giãn cách trong quy trình làm việc; các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn, bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết các công việc thật sự cần thiết và tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.
Dừng các hoạt động hội họp không cần thiết. Trong trường hợp cần thiết phải tổ chức các cuộc họp, sự kiện, đảm bảo không tập trung quá 10 người trong một phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt quan trọng được chính quyền địa phương cho phép và phải tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế. Thực hiện việc cách ly, phong tỏa đối với các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát tình hình dịch bệnh tại các địa phương.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.
Số lượng người làm việc cụ thể tại công sở do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định và không quá 1/2 tổng số người lao động để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị và chỉ đạo của Thành phố; riêng lực lượng vũ trang và ngành y tế Thành phố đảm bảo 100% quân số. Đối với số lượng cán bộ công chức người lao động thuộc lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm phân công, bố trí phù hợp với yêu cầu công tác.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ chương trình công tác, tổ chức giao việc cụ thể để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2021. Đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tạm thời không nhận hồ sơ trực tiếp của người dân, doanh nghiệp (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị quyết định).
Người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.HCM nếu không hoàn thành nhiệm vụ công tác và chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.
UBND TP.HCM yêu cầu Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, Công an Thành phố, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tư lệnh TP.HCM, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nghiêm các nội dung được nêu tại Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND TP.HCM ngày 19/6/2021.
Tạm dừng hoạt động phương tiện vận chuyển hành khách (đường bộ, đường thủy nội địa)
Căn cứ vào Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND TP.HCM ngày 19/6/2021 về việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM. Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã ban hành văn bản số 6346/TB-SGTVT thông báo về việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ và đường thuỷ đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, kể từ 0h00 ngày 20/6/2021 đến khi có thông báo mới, Thành phố tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ trên địa bàn bằng xe buýt, xe vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh và xe trung chuyển, xe taxi (trừ các phương tiện được Sở Giao thông Vận tải công bố hoạt động phục vụ vận chuyển người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết), xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách.
Để đảm bảo công tác kiểm soát dịch trên địa bàn, TP.HCM quyết định tạm dừng hoạt động của xe buýt từ 0h00 ngày 20/6/2021 - Ảnh: Thuận Văn.
Các trường hợp được phép hoạt động phải đáp ứng theo đánh giá mức độ an toàn đối với hoạt động giao thông vận tải trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Trong đó, tất cả các chuyến xe hợp đồng (trừ các phương tiện nêu trên) và xe du lịch khi hoạt động đều phải đảm bảo việc vận chuyển tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 10 người/chuyến (kể cả lái xe, nhân viên phục vụ trên xe). Tất cả người ngồi trên xe buộc phải đeo khẩu trang đúng cách, ngồi xen kẽ, ngồi cách hàng ghế và bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định. Trên xe phải có trang bị dung dịch khử khuẩn phục vụ hành khách và thực hiện việc khử khuẩn sau mỗi chuyến vận chuyển, hàng ngày. Hành khách không chấp hành theo quy định sẽ bị từ chối vận chuyển.
Đối với các chuyến xe đưa đón công nhân, nhân viên và chuyên gia trước khi hoạt động phải khử khuẩn. Người ngồi trên xe phải đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, được kiểm tra y tế trước khi lên xe và khai báo y tế theo quy định. Người đứng đầu đơn vị phải quy định cụ thể và cố định tuyến, chuyến xe, người ngồi trên xe để đảm bảo công tác truy vết khi có xảy ra tình huống dịch bệnh Covid-19. Tất cả các chuyến xe đều phải đảm bảo việc vận chuyển tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 20 người/chuyến, ngồi xen kẽ, ngồi cách hàng ghế.
Xe taxi được hoạt động phục vụ vận chuyển người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết và xe hợp đồng dưới 9 chỗ không sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách phải vận chuyển không quá 50% sức chứa. Tất cả người ngồi trên xe phải thực hiện khai báo y tế và đeo khẩu trang khi sử dụng dịch vụ theo đúng quy định. Trên xe có trang bị nước sát khuẩn và thực hiện việc khử khuẩn phương tiện hằng ngày. Đồng thời, từ chối vận chuyển hành khách không chấp hành theo quy định. Không sử dụng hệ thống điều hòa và bắt buộc mở cửa kính xe trong quá trình phục vụ hành khách.
Bến Phà Cát Lái là một trong những trường hợp được phép hoạt động nhưng không vận chuyển tối đa quá 50% sức chở của phương tiện... Ảnh: Thuận Văn.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng tạm dừng hoạt động các tuyến buýt sông, tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, tuyến tàu cao tốc Sài Gòn - Cần Giờ - Vũng Tàu và các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách. Các trường hợp được phép hoạt động bao gồm các bến phà (Cát Lái, Bình Khánh và Cần Giờ - Cần Giuộc) và các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách (Cần Thạnh - Thạnh An, Cần Thạnh - Thiềng Liềng, Phú Xuân - Phước Khánh). Tuy nhiên, các tuyến phải đáp ứng theo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn hoạt động giao thông vận tải trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Trong đó lưu ý phải đảm bảo việc vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chở của phương tiện, tất cả người trên phương tiện phải đeo khẩu trang và khai báo y tế bắt buộc theo quy định…
Triển khai thiết lập phong tỏa nhiều khu vực trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Hóc Môn
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa Thành phố, chiều ngày 19/6/2021, UBND TP.HCM đã ban hành công văn khẩn Số 2020/UBND-VX về việc thiết lập vùng phong tỏa để tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, xét đề nghị của UBND quận Bình Tân (TP.HCM) tại Tờ trình số 128/TTr-UBND ngày 18/6/2021, UBND TP.HCM quyết định: triển khai thiết lập vùng phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19 đối với các Khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân (TP.HCM), thời gian thực hiện là 14 ngày, kể từ 0h00 ngày 20/6/2021.
Khoảng 23h40', lực lượng chức năng tiến hành lập rào chắn, thiết lập phong tỏa đầu đường Hồ Học Lãm tiếp nối đường Võ Văn Kiệt (phường An Lạc, quận Bình Tân) - Ảnh: Thuận Văn.
Trong chiều cùng ngày, UBND TP.HCM cũng đã ban hành văn bản khẩn Số 2021/UBND-VX, về việc thiết lập vùng phong tỏa để tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19. Xét đề nghị của UBND huyện Hóc Môn tại tờ trình số 3215/TTr-UBND ngày 19/6/2021. UBND TP.HCM quyết định triển khai thiết lập vùng phong tỏa đối với ấp Tân Thới 2, ấp Tân Thới 3 và một phần ấp Tân Thới 1 thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn; thời gian thực hiện là 14 ngày, kể từ 0h00 ngày 20/6/2021.
UBND quận Bình Tân, UBND huyện Hóc Môn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đảm bảo công tác phòng, chống dịch; an ninh trật tự, tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường, tuyến hẻm ra, vào các khu vực thực hiện phong tỏa; đảm bảo cung ứng đầy đủ nguồn nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân tại khu vực phong tỏa.
Đối với các sở, ngành liên quan, UBND các địa bàn giáp ranh, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, hỗ trợ quận Bình Tân, huyện Hóc Môn thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Hòa Nhập Online sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM trong những bản tin sau.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.