TP.HCM thí điểm cho học sinh dùng ‘học bạ số’ từ năm 2024
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai cùng hơn 350 đại biểu là các chuyên gia chuyển đổi số, đại diện các trường đại học, cao đẳng, THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Hội thảo góp phần tìm kiếm các mô hình, giải pháp đột phá để các Sở GD&ĐT vùng Đông Nam bộ chuẩn bị triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
Hội thảo tổ chức nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai các nhiệm vụ và thực hiện hiệu quả “Kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành Giáo dục và Đào tạo” giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 của các tỉnh vùng Đông Nam bộ (theo các mục tiêu tại Quyết định 131/QĐ-TTg).
PGS.TS. Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh (Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục được xác định là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm đổi mới phương pháp dạy học, quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo chung của cả nước.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh 4 nội dung trọng tâm của Hội thảo gồm: Khởi tạo và chuẩn hóa dữ liệu; Phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý; Khai thác dữ liệu tạo ra giá trị mới; Bồi dưỡng và nâng cao năng lực số.
Theo ông Dương Anh Đức nhìn nhận: “Để chuyển đối số thành công là một việc làm không dễ và không chỉ là vấn đề công nghệ. TP Hồ Chí Minh và các tỉnh/thành cần nhìn rõ vấn đề then chốt, tháo gỡ vướng mắc và tập trung xây dựng cơ chế, triển khai công tác chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất. Các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các cơ sở giáo dục cùng trao đổi, chia sẻ và tìm ra những giải pháp thiết thực nhất...”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, thông tin về mục tiêu chuyển đổi số của ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố đến năm 2025, định hướng 2030.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, trong những năm qua ngành giáo dục các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ và TP Cần Thơ đã cơ bản hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số gồm: (1) Nền tảng quản trị dữ liệu toàn ngành với trực liên thông dữ liệu; (2) Các bộ giải pháp chuyển đổi số giáo dục; (3) Các giải pháp khai thác dữ liệu toàn ngành phục vụ cải cách hành chính; (4) Chương trình hành động giúp nâng cao kiến thức chuyên môn và nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công nghệ thông tin; (5) Phát triển nền tảng số phục vụ hoạt động dạy học; (6) Đẩy mạnh bồi dưỡng và đào tạo; (7) Triển khai tín chỉ tin học chuẩn quốc tế; (8) Tích hợp và hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp Edtech; (9) Xây dựng cơ chế và chính sách hỗ trợ; (10) Tổ chức giám sát và đánh giá định kỳ.
“TP Hồ Chí Minh muốn chia sẻ đến toàn hội thảo các kinh nghiệm định hướng ngành giáo dục đào tạo tại địa phương thông qua việc ký kết thỏa thuận tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào giáo dục đào tạo giai đoạn 2023 – 2025. Chúng tôi kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng và triển khai các giải pháp hữu ích nhằm triển khai thành công hệ sinh thái chuyển đổi số ngành...” - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Cty TNHH giáo dục Edmicro, ICDL Việt Nam, Tập đoàn công nghệ Quảng Ích, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, Google Workspace for Education Châu Á Thái Bình Dương, Cty CP Công Nghệ MegaEdu… đã thẳng thắn chỉ ra những kho khăn trong việc áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành giáo dục. Qua đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể về: Quản trị và chuẩn hóa dữ liệu gốc; Giải pháp quản lý, giám sát liên thông dữ liệu; Phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý, tổ chức và định hướng trong giáo dục; Đánh giá thường xuyên thông qua phân tích dữ liệu quá trình học tập; Nền tảng lưu trữ toàn vẹn kết quả học tập của học sinh; Năng lực số của công dân toàn cầu; Giải pháp nhà kho học liệu số dùng chung…
Thượng tá Hồ Thị Lãnh - Phó Trưởng phòng PC06, Công an TP Hồ Chí Minh về dữ liệu dân cư và định danh điện tử áp dụng vào ngành giáo dục (Theo đề án 06 của Chính phủ).
Theo Thượng tá Hồ Thị Lãnh, các học sinh trên địa bàn TP đang dùng thẻ CCCD gắn chip thông qua dữ liệu dân cư để đăng ký kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, xét tuyển Đại học, Cao đẳng trực tuyến. Qua đó giúp học sinh chủ động đăng ký ở mọi lúc, mọi nơi không bị hạn chế về mặt thời gian. Các kỳ thi, hoạt động tuyển sinh của các cơ sở giáo dục cũng gặp nhiều thuận lợi hơn, tránh tình trạng xuất hiện thí sinh ảo. Thời gian qua Phòng PC06, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng các đơn vị triển khai việc làm sạch hơn 6.000 trường hợp dữ liệu học sinh sai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho hoạt động giáo dục.
Đại diện phòng PC06, Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị ngành giáo dục các tỉnh/thành nên chủ động hơn, phối hợp với lực lượng công an hoàn thiện và làm sạch dữ liệu ngành. Góp phần việc chia sẻ dữ liệu, công tác quản lý chung sẽ thuận lợi hơn.
Ông Lý Thanh Tâm – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước trình bày khó khăn và vướng mắc của đơn vị khi thực hiện tích hợp dữ liệu toàn ngành vào trục dữ liệu liên thông.
Tại chương trình, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh/thành vùng Đông Nam bộ tiến hành Ký kết hợp tác vì mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của vùng Đông Nam Bộ.
Chương trình ký kết hợp tác giữa ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và các tỉnh/thành vùng Đông Nam bộ.
Tiến sĩ Nguyễn Sơn Hải – Cục Trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) ghi nhận và đánh giá cao những kết quả trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh thành nói chung. Ông Nguyễn Sơn Hải kỳ vọng việc ký kết hợp tác giữa các Sở giáo dục và Đào tạo sẽ tạo tiền đề, đẩy nhanh tiến độ, tạo hiệu quả trong công tác chuyển đổi số của ngành giáo dục từng địa phương nói riêng và toàn ngành giáo dục nước nhà nói chung.
Tiến sĩ Trần Sơn Hải nhìn nhận, TP Hồ Chí Minh là một trong những số ít địa phương tiên phong, quyết tâm và thực hiện có hiệu quả trong việc làm chủ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục.
Theo TS Trần Sơn Hải, trên cả nước còn nhiều địa phương gặp khó khăn với bài toán cơ sở dữ liệu. Từng địa phương vẫn còn nhiều việc phải triển khai để xây dựng một cơ sở dữ liệu tập chung do chính Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương quản lý, kết nối thông xuống, quản lý và khai thác hiệu quả dữ liệu. Trong đó, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin đề nghị ngành giáo dục các địa phương cần tập trung tháo gỡ các khó khăn trong bất cập về cơ sở dữ liệu gồm: công tác kết nối, xác thực định danh, nâng cao hạ tầng kỹ thuật số - trung tâm điều hành, khai thác và quản lý đồng bộ nguồn dữ liệu…
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu ghi nhận các ý kiến đóng góp từ lãnh đạo Bộ, các chuyên gia, đại diện ngành giáo dục từng địa phương tại Hội thảo. Đồng thời, ngành giáo dục Hồ Chí Minh cũng đăng ký việc đẩy mạnh triển khai thí điểm dự án “ học bạ số” trong năm 2024. Tiếp tục tham mưu Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các quy định, chính sách để đẩy nhanh tiến trình sử dụng “học bạ số” trên toàn quốc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.