Mở sàn giao dịch việc làm liên kết TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long
Trường Cao đẳng nghề TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) là điểm cầu trực tiếp chính, kết nối trực tuyến cùng Trung tâm dịch vụ việc làm của 13 tỉnh/thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Lắk, Tây Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Phát biểu khai mạc, bà Huỳnh Lê Như Trang – Phó Giám đốc Sở Lao động TP Hồ Chí Minh bày tỏ, thông qua sàn giao dịch việc làm mong muốn người lao động tiếp cận việc làm tốt hơn, doanh nghiệp tìm kiếm được nguồn lực chất lượng hơn. Qua đó, tạo được sự kết nối mạnh mẽ giữa các địa phương trong việc giải quyết việc làm cho người lao động.
Ngoài yêu cầu công việc, các chính sách hỗ trợ là vấn đề trọng tâm của người lao động khi tìm hiểu về vị trí tuyển dụng.
Tham gia sàn giao dịch việc làm lần này có 17 trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh/thành, 29 doanh nghiệp tham gia tư vấn, tuyển dụng trực tiếp (khoảng 2.600 vị trí). Ngoài ra, hoạt động còn kết nối với 152 doanh nghiệp tham gia với hình thức trực tuyến, nhu cầu tuyển dụng dự kiến khoảng 11.000 vị trí.
Bà Huỳnh Lê Như Trang đánh giá: “Đây không chỉ là nơi người lao động tìm kiếm việc làm mà còn là cơ hội kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh với các tỉnh/thành chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong việc tổ chức sàn giao dịch việc làm".
Sàn giao dịch việc được tổ chức nhằm kết nối cung - cầu lao động khu vực TP Hồ Chí Minh với Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm có cơ hội tiếp cận nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Giúp người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp và có cơ hội thay đổi môi trường làm việc (lao động từ các tỉnh có nhu cầu đến Thành phố Hồ Chí Minh làm việc và người lao động của các tỉnh đang sống, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh trở về địa phương để làm việc)
Đặc biệt là người lao động mất việc làm, bị cắt giảm lao động ở các doanh nghiệp do thiếu đơn hàng quay trở lại thị trường lao động, có việc làm ổn định, đảm bảo tiền lương thu nhập và đời sống. Đồng thời, sàn giao dịch hướng đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tìm được nguồn lao động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần khôi phục và phát triển tình hình kinh tế - xã hội Thành phố và các tỉnh lân cận.
Đại diện trung tâm dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh ký kết biên bản ghi nhớ cũng hợp tác, hỗ trợ trong việc đào tạo, nâng cao tuyển dụng lao động cùng các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong khuôn khổ chương trình, Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh cùng đại diện của 17 trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh/thành, các doanh nghiệp có buổi Hội thảo với chủ đề “Xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu lao động liên thông nhằm phục vụ công tác tư vấn học nghề cho người lao động”.
Hội thảo tổ chức lấy ý kiến về các mô hình, kinh nghiệm xây dựng dữ liệu lao động tại từng địa phương, thống nhất định hướng liên kết chung trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ về những khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Trong đó, thời gian và chi phí để đào tạo thành công đội ngũ người lao động tay nghề cao phù hợp mới môi trường, điều kiện làm việc tại từng doanh nghiệp là một trong những khó khăn chính. Ngoài ra các doanh nghiệp cũng cho biết thêm, đa phần thị trường lao động hiện tại nằm ở mức phổ thông chiếm tỷ lệ cao, thị trường kinh doanh khó khăn buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm nhân lực và việc tuyển dụng phải cân nhắc rất kỹ lưỡng về lâu về dài.
Ông Dương Minh Tấn - Trưởng phòng tư vấn, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương thông tin về ứng dụng công nghệ quản lý lao động được triển khai tại địa phương.
Đại diện các trung tâm dịch vụ việc làm tại Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang nhìn nhận việc tổ chức tư vấn việc làm trực tiếp tại địa phương vẫn mang lại một số kết quả nhất định. Nhiều địa phương trình bày quan điểm về việc liên kết tổ chức việc làm theo hình thức trực tuyến, liên kết vùng giữa các tỉnh/thành có thực sự hiệu quả hay mang tính chất tuyên truyền là chính. Đa phần người lao động tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường tập trung về TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, nơi có nhiều khu công nghiệp lớn so với cả nước để mưu sinh.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh mong muốn giữa Thành phố và các tỉnh/thành sẽ sớm thống nhất, cùng đồng hành trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm trong thời gian tới.
Vấn đề trọng tâm được hội thảo bàn luận chính là việc xây dựng cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động liên thông giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh/thành. Hiện tại, từng Trung tâm dịch vụ việc làm của mỗi tỉnh/thành đang xây dựng các áp, ứng dụng, website... riêng để phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề cho người lao động tại địa phương. Việc xây dựng một hệ thống dữ liệu ngành với quy mô liên thông lớn giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh/thành sẽ mất nhiều thời gian, chi phí. Ngoài ra việc thống nhất trong hệ thống dữ liệu nguồn, cơ chế vận hành, bảo mật... là một trong những vướng mắc, trở ngại lớn khi thực hiện cơ sở dữ liệu dùng chung.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.