Trăn trở nơi cội nguồn tri ân

2024-07-24 18:27:00 0 Bình luận
Ngày 27 tháng 7 hàng năm, các thế hệ người Việt Nam không thể quên bày tỏ sự tri ân đối với các Anh hùng liệt sỹ, thương binh đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc. Nhưng không phải ai cũng biết đến một địa điểm đã trở thành di tích lịch sử quốc gia, là nơi “phát tích” ngày 27/7 ở xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Và, càng không nhiều người nhớ, biết đến, nơi đây còn có những di tích cần được ghi danh…

23/7/2024, Đoàn công tác của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn đã dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7.

Nơi phát tích ngày 27/7

Chúng tôi đến Di tích 27/7 đúng vào dịp hoa sen nở hồng rực bên hồ ngay lối vào di tích. Bước vào cổng khu di tích, mùi hoa sen thoang thoảng, sắc hồng, đỏ của hoa đại hai bên, ẩn dưới vòm lá xanh của cây đa cổ thụ khiến khách tham quan cảm thấy thật dễ chịu. Giữa khuôn viên rộng mát của khu di tích được đặt một tảng đá vân mây trắng hình trụ, chóp nhọn, cao hơn 3m, rộng gần 3m, nặng gần 7 tấn ghi: “Nơi đây ngày 27/7/1947 ba trăm cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố thư Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời ngày thương binh liệt sỹ ở nước ta”. Khu di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1997 và được Nhà nước đầu tư tôn tạo với diện tích 3.000m2 gồm: Nhà lưu niệm, sân hành lễ, bia, đá, tường, rào, tu bổ nghè Ông, nghè Bà.

Giữa khuôn viên khu di tích đặt một tảng đá vân mây trắng hình trụ, chóp nhọn, cao hơn 3m, rộng gần 3m, nặng gần 7 tấn ghi nhận di tích.

Nhớ, sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh lên an toàn khu (ATK) Định Hóa đặt đại bản doanh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cùng với một số địa bàn khác của tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Đại Từ trở thành cửa ngõ của Chiến khu Việt Bắc.

Theo cuốn Di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh Thái Nguyên, sau khi “Hội binh sĩ bị nạn” ra đời, Hồ Chủ tịch làm Hội trưởng danh dự, rồi phong trào “Mùa đông binh sỹ” phát động, cuối năm 1946, đầu năm 1947, giữa lúc bộn bề công việc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về thương binh liệt sỹ về công tác đền ơn đáp nghĩa. Tháng 6/1947, Bác Hồ đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm là “ngày thương binh” để “đồng bào có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa và yêu mến thương binh”.

Đầu tháng 7/1947, Ban vận động tổ chức ngày thương binh toàn quốc được thành lập khoảng 20 người họp tại thôn Phú Minh, xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ, chọn ngày 27/7 là ngày Thương binh toàn quốc.

Ngày 17/7/1947, Bác Hồ gửi thư cho Ban tổ chức, lá thư viết: “Ngày 27/7 là một dịp cho đồng bào ta bày tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh… tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch cộng lại là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng)”.

Ít tháng sau, ngày 16/12/1947 Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh “Quy định về chế độ hưu, bổng, thương tật và tiền tuất tử sỹ”. Đây được coi là văn bản đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ đối với cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta.

Cây đa 27/7 vẫn còn sống với nhiều nhánh lớn tỏa bóng mát.

Sau khi ấn định ngày “Thương binh toàn quốc”, địa điểm công bố ngày này cũng được lựa chọn kỹ càng. Đó là xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, nơi có cây đa to với khoảng sân rộng rãi, có đường vào từ ba hướng, có ao và đồng lúa gần đó, các quả đồi thoai thoải xanh tốt, tiện cho việc giữ bí mật, tập trung trong kháng chiến, lại dễ thoát ra các hướng khi có máy bay giặc Pháp bắn phá. Bên cạnh có nghè Ông thờ tiến sỹ Đồng Doãn Giai và nghè Bà thờ Công chúa Mai Hoa.

Lễ công bố tiến hành đơn giản, trang nghiêm, có cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, khẩu hiệu “Lễ công bố ngày thương binh liệt sỹ” ở ngay gốc đa, có nhân dân các xã xung quanh đến dự. Buổi lễ mít tinh bắt đầu vào 6h tối, Ban tổ chức đọc thư Bác Hồ gửi nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ toàn quốc và kết thúc bằng tiếng hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”.

Cho tới hôm nay, cây đa 27/7 vẫn còn sống với nhiều nhánh lớn tỏa bóng mát rượi. Nằm trong quy hoạch tổng thể của thị trấn Hùng Sơn đã được công nhận là đô thị loại IV từ năm 2019, Khu di tích 27/7 có cảnh quan đẹp vì mới được tu bổ và tôn tạo khang trang. Nhà lưu niệm thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ luôn ngát hương, ngập tràn sen hồng trở thành điểm nối đầy ý nghĩa với các di tích lịch sử cách mạng ATK Định Hoá và Tân Trào - Tuyên Quang.

Khu di tích 27/7 có cảnh quan đẹp mới được tu bổ và tôn tạo khang trang.

Vẫn còn trăn trở

Huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên những năm 1946-1947 là căn cứ, hậu cứ của nhiều cơ quan, đơn vị quân đội, là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Khi đất nước còn chiến tranh, nhân dân địa phương đã dấy lên phong trào ủng hộ thương binh rầm rộ. Một số gia đình đã hiến đất, xây dựng trại điều dưỡng và hỗ trợ chăm sóc thương, bệnh binh ngay tại địa phương.

Theo đó, hai khu An dưỡng đường đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, là Địa điểm An dưỡng đường Bà Bá Huy (1947) tại xã Lục Ba, Quyết định số 2894/QĐ-UBND, ngày 12/12/2014; Và Địa điểm An dưỡng đường thương binh số 2 trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn 1947 – 1952 ở xã Mỹ Yên; Quyết định số 290/QĐ-UBND, ngày 07/02/2013.

Nhiều năm trước, những đồng nghiệp tại Báo Văn nghệ Thái Nguyên (nay là Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên) đã lặn lội về với An dưỡng đường số 1 và số 2 nhắc nhớ lại những người đã có nhiều công lao chăm sóc cho thương binh trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp nhưng đều đang dần bị quên lãng.

Cột mốc đánh dấu di tích do chính quyền địa phương cắm xuống là “điểm nhấn” duy nhất của 2 khu di tích An dưỡng đường số 1 và số 2.

Những tài liệu về Di tích lịch sử An dưỡng đường số 1 của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, nêu rõ: Cơ sở này được thành lập vào tháng 6/1947 đến năm 1953 (tức là thành lập trước ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7/1947). Trại có nhiệm vụ tiếp nhận những thương binh, bệnh binh tàn phế, bệnh tật nặng hết khả năng làm việc, hay ốm đau không đủ sức làm việc cần phải nghỉ ngơi dài hạn. Bà Nguyễn Thị Đích, tức Bá Huy là Bí thư Hội phụ nữ Cứu quốc xã Lục Ba đã ủng hộ 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc, 1 con trâu, huy động dân làng làm 10 gian nhà tre, gỗ, sắm sửa đồ dùng và lập nên An dưỡng đường số 1. Nhà bà cũng là nơi Phòng Thương binh làm việc. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từng đến nhà bà ăn ở, làm việc. Vì thế, An dưỡng đường số 1 còn được gọi là An dưỡng đường bà Bá Huy. Đây chính là một trong những cơ sở quan trọng gắn liền với nguồn gốc ra đời ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7.

Ngày Thương binh- Liệt sĩ đầu tiên (27/7/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen bà Bá Huy. Bức thư này đăng trong sách Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 (1947 - 1949), Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, trang 177.

Bức thư có đoạn: “Tôi thay mặt Chính phủ và anh em thương binh cảm ơn bà, và khen ngợi bà. Đồng thời, tôi cũng cảm ơn các phụ lão, các vị thân hào và toàn thể nam nữ đồng bào ở vùng đó đã giúp công, giúp của với bà để lập nên An dưỡng đường BÀ BÁ HUY. Tôi mong bà và toàn thể đồng bào vùng đó sẽ luôn luôn chăm nom giúp đỡ các thương binh.”

Đáng tiếc là đến nay, cụ Nguyễn Thị Đích (tức cụ Bá Huy) người sáng lập ra An dưỡng đường số 1 tại xã Lục Ba và cụ Đặng Văn Ẩm, người sáng lập ra An dưỡng đường số 2 tại xã Mỹ Yên- để chăm sóc cho thương binh nhưng chưa được ghi nhận công lao gì.

Bà Nguyễn Thị Tỉnh, con dâu bà Bá Huy cho biết: “Từ năm 2008 xã có đến nói chuyện là sẽ đặt bia tưởng niệm mẹ tôi nhưng đến giờ gia đình vẫn chưa thấy 1 thông tin gì về việc đặt bia”.

Ông Nguyễn Văn Thơ, nhân chứng ở An dưỡng đường 2 nhớ lại: “Trước kia bé, tôi đi theo trâu lên đây thì được biết có anh em thương binh ở trên các gò của cụ Đặng Văn Ẩm. Cụ Đặng Văn Ẩm đã hy sinh ruộng đất để làm nhà cho thương binh.”

Theo lời kể của ông Thơ thì chính quyền xã cũng có đặt dấu mốc. Nhưng mười mấy năm qua, dấu mốc vẫn nằm im lìm, chỉ có ký ức của những người lớn tuổi trong vùng này thì không bao giờ quên.

Khu đất có quy hoạch Di tích Địa điểm An dưỡng đường số 1 (An dưỡng đường Bà Bá Huy)

Đại diện phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đại Từ cho biết: “Đối với các di tích An dưỡng đường số 1 và số 2, huyện đã có văn bản đề xuất xây dựng di tích gửi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch để xin ý kiến chỉ đạo và phối hợp thực hiện. Huyện vẫn đang chờ quyết định của tỉnh để triển khai”.

An dưỡng đường 1 và An dưỡng đường 2 là những nơi thể hiện sự “Đồng tâm hiệp lực” của nhân dân với Đảng và Nhà nước trong những nỗ lực giúp “kháng chiến thành công”. Bởi thế cho dù chưa được quan tâm " xứng tầm" nhưng từ bao năm nay, nơi đây đã là phần ký ức khó quên của nhiều thương bệnh binh và trở thành di tích của lòng dân.

Tổng Biên tập Văn nghệ Thái Nguyên Trần Thép ngậm ngùi: “Vấn đề tôn tạo Di tích An dưỡng đường số 1 tưởng chừng thuận lợi, nhưng nay lại trở nên khó khăn hơn, khiến niềm hy vọng về một công trình ghi nhận địa điểm di tích cùng những công lao đóng góp cho cách mạng của bà Bá Huy vẫn chỉ là hy vọng và chờ đợi”.

Dẫu vẫn biết còn nhiều khó khăn về nhân lực, về kinh phí…nhưng thiển nghĩ việc sớm xây dựng hai khu di tích An dưỡng đường số 1 và số 2 sẽ góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của chúng trong tổng thể Di tích cội nguồn ngày 27 tháng 7.

Hơn 70 năm đã trôi qua, không ít nhân chứng đã rời xa cõi tạm. Vì thế, cũng không nên để các di tích lịch sử mang nhiều ý nghĩa tiếp tục mai một theo thời gian, lãng quên vì… đất trống!.

 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Trường Tiểu học số 1 thị trấn Tân Uyên: Tưng bừng không khí khai giảng năm học mới 2024 - 2025

Hòa chung không khí chào mừng năm học mới 2024 - 2025 và ngày "Toàn dân đưa trẻ đến trường” trong cả nước, sáng 5/9, trường Tiểu học số 1 thị trấn Tân Uyên (Lai Châu) tưng bừng tổ chức lễ khai giảng, đón các em học sinh vào lớp 1.
2024-09-07 20:37:29

Cấp căn cước cho người khuyết tật, cơ nhỡ ở TP.HCM

Công an TP.HCM phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an tổ chức Chương trình cấp thẻ Căn cước cho nhân khẩu đặc biệt đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP. HCM.
2024-09-07 15:22:12

Bão số 3 giật cấp 16, áp sát vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng

CẬP NHẬT TIN BÃO KHẨN CẤP (bão số 3 - YAGI) và các chỉ đạo ứng phó bão, thời tiết nguy hiểm trước bão và mưa lũ sau bão. Hồi 09 giờ ngày 7/9, vị trí tâm bão bão số 3 ở vào khoảng 20.5 độ Vĩ Bắc; 107.8 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng.
2024-09-07 10:25:00

Người dân chủ động phòng ngừa, giảm thiệt hại do bão số 3

Sau khi đạt cấp siêu bão, bão số 3 tiếp tục duy trì cường độ, di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10 - 15km/giờ. Dự kiến chiều tối 7/9, bão đổ bộ đất liền khu vực Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Nam Định) với cường độ cấp 9 - 12, giật cấp 13 - 14. Do ảnh hưởng của bão số 3, từ sáng 7 đến ngày 9/9, thành phố Hà Nội có mưa to đến rất to và dông.
2024-09-06 19:30:00

Bão Yagi mạnh nhất 30 năm qua trên Biển Đông

Với cường độ cực mạnh, đạt cấp 16 và giật trên cấp 17, siêu bão Yagi (bão số 3) đã trở thành cơn bão mạnh nhất năm 2024 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương
2024-09-06 16:51:33

Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp siêu bão số 3

Lúc 12h ngày 6/9, siêu bão Yagi mạnh cấp 16, cách Quảng Ninh khoảng 510km, dự báo trong 12 giờ tới, bão giảm xuống cấp 15.
2024-09-06 14:30:00
Đang tải...