Treo hóa đơn thuế và câu chuyện của Icon4
Ván bài vay nợ
Từ 2006, Icon 4 (thuộc TCT Xây dựng Hà Nội) thực hiện cổ phần hóa. Ngay sau đó 2 năm, Icon 4 gây dựng thương hiệu ở mảng địa ốc bằng một số dự án: Sân Golf Tam Đảo, tòa nhà đa năng Icon 4 Tower (Hà Nội), khu nhà ở văn phòng cao cấp 354 Đội Cấn, Khu đô thị Trung Văn…
Giai đoạn 2009-2014, theo đánh giá của giới đầu tư, Icon 4 không còn là một “thế lực” so với thời điểm 2008 - đỉnh điểm của “bong bóng” thị trường. Nhưng bất ngờ, Icon 4 bị cơ quan thuế Hà Nội thông báo cưỡng chế hóa đơn không còn giá trị sử dụng vào 21/1 vừa qua.
Theo văn bản của Cục Thuế Hà Nội, “áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng để thi hành Thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp…”.
Lý do được nêu rõ: Icon 4 nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đã quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế, hết thời gian gia hạn nộp thuế. Áp dụng thi hành trong 1 năm (từ 25/1/2016 đến 24/1/2017).
Tạm tính, khoảng hơn 1.000 hóa đơn VAT (số hóa đơn tồn chưa sử dụng theo dữ liệu tại Cục Thuế) bị vô hiệu hóa nếu doanh nghiệp xuất sử dụng từ 25/1.
Trở lại tài sản, bất động sản thuộc quyền khai thác, quản lý, Icon4 vẫn còn “lưng vốn” là quyền quản lý tòa Icon 4 Tower (243A Đê La Thành, Q. Đống Đa) - đã hoàn thành và đi vào khai thác. Đáng chú ý, nguồn thu từ dịch vụ, thuê văn phòng tòa nhà này mang lại cho Icon 4 tới 16 tỷ đồng trong năm 2015 (theo Kế hoạch tài chính và phân phối lợi nhuận năm 2015 của Icon4).
Sân Golf Tam Đảo - hiệu quả của dòng tiền mà Icon4 đầu tư ra sao? |
Đồng thời, trong năm qua, Icon 4 được biết tới trong các thương vụ: chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án thành phẩm gắn với quyền sử dụng khu đất N01-T5 khu Ngoại giao đoàn tại Hà Nội (đối tác Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng); đầu tư phục vụ thi công dự án tòa nhà Park 6, Park 7 (thuộc Vinhomes Time City); nắm giữ vai trò chủ đầu tư (duy nhất) tại dự án Trung Văn…
Ngoài ra, còn phải nhắc tới nguồn thu giàu tiềm năng đến từ quyền thuê kinh doanh nhà hàng ăn uống tầng 1 nhà hàng áp mái tòa nhà Icon 4 Tower (được Icon 4 mời chào giá cạnh tranh từ 19/10 nhưng chưa rõ kết quả).
Với khá nhiều nguồn thu lẫn vị thế chủ đầu tư dự án, việc Icon4 bị cơ quan Thuế thông báo treo hóa đơn vì nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp là điều gây ngạc nhiên cho rất nhiều người.
Nhất là vào cuối tháng 12 vừa qua, Icon4 “lên kế hoạch” vay hàng chục tỷ đồng của ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Cụ thể, Nghị quyết HĐQT ngày 14/12/2015 nêu rõ việc HĐQT công ty đã thống nhất các nội dung về việc vay vốn và phát hành bảo lãnh tại SHB - chi nhánh Bắc Ninh kể từ 14/12/2015.
Cụ thể, Icon4 đồng ý phát hành bảo lãnh thực hiện hợp đồng (số tiền lên tới gần 16 tỷ đồng), đồng ý phát hành bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng số tiền bảo lãnh (gần 38 tỷ đồng) và đồng ý về việc vay vốn ngắn hạn (hạn mức 20 tỷ đồng) tại SHB Bắc Ninh.
Đồng thời, HĐQT Icon4 đã tính tới phương án dùng toàn bộ hoặc một phần tài sản của công ty hoặc tài sản của bên thứ 3 ủy quyền để thế chấp đảm bảo cho toàn bộ nghĩa vụ của Icon4 tại SHB Bắc Ninh.
Hóa đơn “treo”, toan tính vay “nóng” tiền nhà băng bằng phương án thế chấp, Icon 4 có lẽ đang trong tình thế nguy nan khi nhiều hạng mục đầu tư vẫn chờ đợi vốn rót?
Khoảng tối sau lưng Icon4
Điểm lại một số hoạt động kinh doanh mang tính bản lề trong thời gian gần nhất của Icon 4 như sau.
Tháng 1, Icon 4 rốt ráo chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án thành phần gắn với quyền sử dụng khu đất N01-T5 Ngoại giao đoàn (Hà Nội) sau khi 2 đối tác (Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng 34 và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà & xây dựng Tây Hồ) thoái vốn tại Dự án; bán 3 lô thấp tầng tại dự án Trung Văn (lô HH2) với giá ưu đãi cho Công ty cổ phần Điện tử Giảng Võ.
Tiếp đến, thương vụ tại N01-T5 được Icon 4 chọn Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng làm đối tác chuyển nhượng dự án thành phần. Tới giữa 2015, Icon4 tập trung cho đầu tư thi công tại Park 6, Park7 (Time City) và bước đầu thống nhất mở tài khoản vay vốn và bảo lãnh tại SHB Bắc Ninh.
Về mặt giao dịch cổ đông nội bộ/cổ đông lớn và người liên quan tới Icon4, 6 tháng đầu ghi nhận sự luân chuyển đáng kể dòng vốn. Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty cổ phần dịch vụ Hàng không Thăng Long bán 258.460 cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu giảm từ 5,732% xuống còn 4,116%), Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản An Bình bán toàn bộ 1.300.000 cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu còn 0%).
Dấu hỏi lớn từ dự án xuyên thế kỷ mang tên Trung Văn? |
Ở chiều hướng ngược lại, cá nhân Nguyễn Kim Thành (Thành viên HĐQT, TGĐ Công ty, đại diện vốn Nhà nước) ở cuối kỳ 6 tháng đầu năm mua vào 1.889.710 cổ phiếu (nâng tỷ lệ sở hữu lên 18,549%).
Những thông tin “nóng” nhất trong nội bộ Icon4, được phát đi từ Nghị quyết HĐQT Công ty ngày 14/12/2015. Ngoài việc đã thống nhất sẵn sàng tính đến phương án dùng toàn bộ tài sản để thế chấp vay vốn (SHB Bắc Ninh), Icon4 có nhắc tới việc phát sinh nộp tiền nghĩa vụ tài chính bổ sung tiền sử dụng đất tại dự án Tổ hợp văn phòng, căn hộ bán và cho thuê 343,345 Đội Cấn (mức đầu tư 400 tỷ đồng, thời gian 2009-2013).
Theo đó, HĐQT yêu cầu Ban điều hành rút kinh nghiệm để tránh tình huống tương tự. Thậm chí, Công ty đang gấp gáp tìm phương cách giảm thiểu “thiệt hại” trong sự việc này. Bên cạnh đó, thương vụ hợp tác đầu tư tại dự án Trung Văn dường như chưa thể “suôn sẻ” do Icon4 thống nhất mình là chủ đầu tư duy nhất tại dự án; “Xem xét lại năng lực của đối tác NHS”.
Cuối cùng, trong bản kế hoạch tài chính và phân phối lợi nhuận năm 2015, cho thấy hoạt động kinh doanh của Icon4 trong 2 năm gần nhất gây lo ngại cho cổ đông.
Cụ thể, chia cổ tức còn lại của năm 2011 là gần 3,3 tỷ đồng. Lỗ năm 2013 vẫn đeo đẳng (âm gần 10,1 tỷ đồng) sang năm 2014 - dẫn tới số dư cuối 2014 chuyển sang 2015 là âm 523.101.033 đồng.
Điều này, chỉ cổ đông trong Icon4 “thấm” nhất bởi liên tục 2 năm (2013, 2014) Icon4 không phân phối lợi nhuận. Năm nay, Icon4 dự kiến mức chia cổ tức là 5% (lợi nhuận dự kiến năm 2015 là 12,9 tỷ đồng) nhưng ngay trong ĐHCĐ thường niên, rất nhiều ý kiến từ cổ đông đã tỏ ra lo ngại về tình hình kinh doanh, đầu tư, thiếu rõ ràng của doanh nghiệp 3 năm gần nhất.
“Cần làm rõ hiệu quả đầu tư vào sân Golf Tam Đảo. Vấn đề nợ BHXH, nợ thuế có ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động. Dự án đầu tư 243A Đê La Thành sau 2 năm đưa vào sử dụng vẫn chưa quyết toán, đề nghị giải trình. Làm rõ lợi nhuận và sử dụng tiền bán dự án 345 Đội Cấn và dự án Ngoại giao Đoàn. Dự án Trung Văn triển khai từ năm 1999 khi nào xong thủ tục để triển khai…”
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.