Trực Ninh - Nam Định: Định hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nông thôn mới

2022-09-30 16:55:00 0 Bình luận
Huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định) luôn xác định doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tăng thu cho ngân sách nhà nước, từ đó tạo nguồn lực để kiến thiết cơ sở hạ tầng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…

Trong thời gian qua, để thực hiện các mục tiêu phát triển, Đảng bộ, chính quyền huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định) đã tập trung lãnh đạo, động viên cả hệ thống chính trị đồng lòng, phát huy sức mạnh tổng hợp tăng cường các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhiều công trình thủy lợi, hạ tầng văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế…, đã được xây dựng; góp phần thay đổi diện mạo quê hương cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm đời sống của nhân dân.

Đồng chí Lê Quốc Chỉnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trực Ninh. (Ảnh: TT Trực Ninh-Nam Định)

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế - xã hội

Trực Ninh là huyện thuần nông, có mức xuất phát điểm thấp, chính vì vậy, để tạo ra động lực cho phát triển kinh tế xã hội, huyện Trực Ninh luôn xác định việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên và liên tục. Kinh tế huyện Trực Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng khá.

Năm 2021, là năm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Trực Ninh vẫn đạt 8% (tính theo giá cố định năm 2010); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ: Nông nghiệp - thủy sản chiếm 21,62%, công nghiệp - xây dựng chiếm 59,36%, dịch vụ chiếm 19,02%.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định, Bí thư Huyện ủy Trực Ninh phát biểu 
tại buổi "Gặp mặt CLB Báo chí Nam Định tại Thủ đô Hà Nội" về thăm huyện ngày 30/9/2022.

Tại huyện Trực Ninh, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết theo chuỗi giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao cung ứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu, như: Sản xuất giống lúa của Công ty TNHH Cường Tân (356ha), liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa thương của Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh (300ha), Công ty TNHH Toản Xuân (20ha), HTX dược thảo Hoàng Thành (15ha) Công ty Cổ phần Giống Cây trồng Việt Nam (5ha) và một số mô hình sản xuất trồng rau, củ, quả theo công nghệ thuỷ sinh và hữu cơ của Công ty Cổ phần sản xuất rau, củ quả sạch Ngọc Anh, nuôi trồng Nấm của HTX nấm Nhật Bằng…, nhiều sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu và có truy xuất nguồn gốc; góp phần nâng giá trị trên 1ha canh tác đạt 125 triệu đồng/năm.

Chăn nuôi được triển khai theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô trang trại vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; hình thành các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi theo quy trình tiên tiến; giảm dần chăn nuôi nông hộ. Toàn huyện có 28 trang trại quy mô nhỏ, vừa và lớn; trong đó Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Phúc Hải với quy mô lớn 1.200 con lợn nái chuyên chăn nuôi lợn sữa cho các trang trại làm lợn chăn nuôi thương phẩm.

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Trực Ninh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục; đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Giai đoạn 2010-2019, tổng vốn huy động xây dựng Nông thôn mới đạt 2.007,3 tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách 536,8 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 26,8%); vốn đóng góp của cộng đồng dân cư 897,1 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 44,8%) (bao gồm cả đất hiến để xây dựng công trình phúc lợi); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, vốn tín dụng, vốn huy động của các doanh nghiệp 569,7 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 28,4%).

Trong đó: Đóng góp bằng tiền 256,1 tỷ đồng; hiến 320,72 ha đất xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, giá trị 641 tỷ đồng. Đến năm 2016, 21/21 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới; năm 2017, huyện Trực Ninh được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Giai đoạn 2020-2025, vốn huy động xây dựng Nông thôn mới đến thời điểm này trên 82 tỷ đồng tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí Nông thôn mới, môi trường, cảnh quan và diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt.

Hệ thống đường bộ được đầu tư cải tạo, nâng cấp: QL21, QL21B, QL37B đạt tiêu chuẩn cấp III, cấp IV đồng bằng; trên địa bàn huyện đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển với chiều dài qua tỉnh Nam Định 24,9 km, trong đó đi quan địa bàn huyện Trực Ninh 7,1 km; nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình với chiều dài qua địa bàn tỉnh Nam Định là 28,8 km, qua địa bàn huyện Trực Ninh là 15,9 km; dự án đầu tư xây dựng Cầu Ninh Cường.

Làm mới, cải tạo, nâng cấp hơn 73 km đường Quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn đạt tiêu chuẩn cấp 3, cấp 4 đường đồng bằng; 13,9 km đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp 5 đường đồng bằng, hơn 221 km đường trục xã đạt cấp 5, cấp 4 đồng bằng, 374 km đường trục thôn xóm, 416 km đường dong, ngõ, 182 km đường nội đồng.


Phối cảnh Bản vẽ định hướng phát triển không gian huyện Trực Ninh. (Ảnh: BXD)

Xây mới, cải tạo 1.974 phòng học, nhà đa năng, xây mới, cải tạo 27 các hạng mục lớn của trụ sở Đảng uỷ-HĐND-UBND các xã, thị trấn. Cải tạo, nâng cấp 43,2 km mặt đê và các tuyến đê, các công trình thuỷ lợi, khắc phục, xoá dần các trọng điểm xung yếu.

Mạng lưới điện tương đối hoàn chỉnh đã đầu tư xây dựng mới 161 trạm biến áp, nâng cấp toàn bộ hệ thống đường dây; hiện tại quản lý, vận hành 228,148 km đường dây trung áp, 1.297,09 km đường dây hạ áp và 259 trạm biến áp phục vụ 73.726 khách hàng (bằng 100% số hộ dân của huyện).

Môi trường đầu tư được quan tâm, không ngừng cải thiện

Huyện Trực Ninh luôn xác định doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tăng thu cho ngân sách nhà nước, từ đó tạo nguồn lực để kiến thiết cơ sở hạ tầng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, nhằm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư trên địa bàn huyện có quy mô lớn, như: Công ty phát triển và đầu tư Duy Minh, Công ty May 9, Công ty May 1 Nam Định, Công ty TNHH Minh Tiến, Công ty VLXD Ninh Cường, Đức Thiện, Việt Hùng…và thu hút nhiều nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là: Công ty TNHH giầy AMARRA Việt Nam tại thị trấn Cổ Lễ; Công ty sản xuất đồ chơi trẻ em Dream plastic tại xã Trực Thái; Công ty TNHH Shin myung first vina tại xã Trung Đông, Công ty TNHH Sung Won Vina và Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam tại thị trấn Cát Thành.

Tổng vốn đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn trong 5 năm gần đây đạt trên 12.437 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực hiện gần 60 triệu USD. Giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2021 đạt 515 triệu USD.

Huyện Trực Ninh có 3 cụm công nghiệp, 11 làng nghề, 385 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất ổn định và có bước phát triển, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 46.000 lao động, thu nhập bình quân từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Huyện Trực Ninh xác định rõ định hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nông thôn mới.

Phát triển kinh tế và tập trung nguồn lực phát triển văn hóa - xã hội

Cùng với phát triển kinh tế, thì tại huyện Trực Ninh lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ và đạt được những thành tích mới. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển; 95% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, trên 98% thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa.

Tại huyện Trực Ninh, mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được quan tâm; 21/21 xã, thị trấn được UBND tỉnh Nam Định công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 92%.

Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì và có sự chuyển biến tích cực; ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Trực Ninh vươn lên xếp tốp đầu toàn tỉnh trong những năm gần đây (từ năm học 2018 - 2019 đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo của huyện luôn được đánh giá xếp dẫn đầu về các tiêu chí thi đua). Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển sâu rộng; huy động xây dựng quỹ khuyến học từ huyện đến các cơ quan, đơn vị với tổng quỹ các cấp đạt hơn 15 tỷ đồng; năm 2017 ngành giáo dục đào tạo huyện được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; 21/21 xã, thị trấn đạt chuẩn “An toàn về an ninh trật tự’’.

Tổ chức bộ máy chính quyền với nền hành chính luôn được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Năng lực thực tiễn của đội ngũ lãnh đạo, kỹ năng chuyên môn và kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức không ngừng được nâng lên. Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Chỉ số cải cách hành chính trong những năm gần đây thường xuyên duy trì ở tốp đầu của tỉnh (năm 2016, 2017, 2018 xếp thứ 1/10 huyện, thành phố; năm 2019, 2020 xếp thứ 3/10 huyện, thành phố; năm 2021 xếp thứ 2/10 huyện, thành phố).

Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường toàn diện trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ. Đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn thực hiện Quy định số 01-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Số lượng, chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng được nâng lên.

Tính đến năm 2021, Đảng bộ huyện có 10.008 đảng viên, tăng 37,75% và 72 TCCS đảng, tăng 05 tổ chức so với năm 1997; tỷ lệ đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên chiếm 99,3%; 72/72 tổ chức cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ trở lên, không có tổ chức cơ sở đảng yếu, kém (trong đó có 69/72 tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh).

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững và tăng cường. Các phong trào thi đua yêu nước trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng Nông thôn mới, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện được đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực.


Một góc Thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. (Ảnh: TT Trực Ninh-Nam Định)

Hệ thống chợ được đầu tư nâng cấp, với tổng số 23 chợ, phân bổ đều, đảm bảo phục vụ thiết thực yêu cầu giao dịch cung ứng hàng hoá phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Các xã, thị trấn đều có điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc, ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống và sản xuất.

Phát huy những kết quả đã đạt được, với mục tiêu thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới đây, huyện Trực Ninh chủ trương tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư một số công trình, dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi và phòng chống thiên tai… tạo động lực đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Tiếp tục phối hợp thực hiện lập quy hoạch xây dựng liên vùng huyện Nam Trực - Trực Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Ninh Cường, thị trấn Cát Thành và quy hoạch chung xây dựng các xã trên địa bàn huyện; tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư phát triển, ưu tiên các ngành nghề công nghệ cao, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Huyện Trực Ninh ngày nay nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Nam Định; diện tích tự nhiên 14.395,4 ha; dân số 178.103 người (tính đến năm 2021-2022). Huyện có 21 đơn vị hành chính, gồm 18 xã: Liêm Hải, Phương Định, Trực Chính, Trực Cường, Trực Đại, Trực Đạo, Trực Hùng, Trực Khang, Trực Nội, Trực Thái, Trực Thắng, Trực Hưng, Trực Mỹ, Trực Thanh, Trực Thuận, Trực Tuấn, Trung Đông, Việt Hùng; và 3 thị trấn: Cát Thành, Cổ Lễ, Ninh Cường. Trong đó, thị trấn Cổ Lễ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện.

Vị trí địa lý: Phía Bắc giáp huyện Nam Trực và tỉnh Thái Bình, lấy sông Hồng làm ranh giới; phía Nam giáp huyện Hải Hậu; phía Đông giáp huyện Xuân Trường; phía Tây giáp huyện Nghĩa Hưng. Với địa thế có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua, như: Quốc lộ 21, 21B, 37B; tỉnh lộ 490C, 487, 488B, là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển các ngành dịch vụ, thương mại.

Huyện Trực Ninh được Thủ tướng Chính phủ Công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2017, theo Quyết định số 196/QĐ-TTg ngày 09/02/2018.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51

Standard Chartered Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đầu tư năng lượng sạch

Ngày 16/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với cam kết thúc đẩy tài chính xanh và phát triển ngành năng lượng sạch tiên tiến tại Việt Nam.
2024-04-19 09:42:00

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51
Đang tải...