Tuần lễ an ninh lương thực trong khuôn khổ năm APEC 2017 sẽ diễn ra tại Cần Thơ từ 18 - 25/8
Dự kiến có khoảng 1.500 lượt đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu, quan chức cao cấp, nhà hoạch định chính sách, và khối doanh nghiệp sẽ tham dự các sự kiện tại Cần Thơ. Trong đó có Chủ tịch Ban Thư ký APEC, Phó Tổng giám đốc FAO kiêm trưởng đại diện FAO Châu Á - Thái Bình Dương và Lãnh đạo cấp Bộ trưởng các thành viên APEC sẽ tham dự đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH.
Trong nhiều thập kỷ qua, nhờ sự nỗ lực của mỗi quốc gia và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, sản xuất lương thực trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn, an ninh lương thực được cải thiện, nhiều quốc gia đã vươn lên tự túc được lương thực. Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và giảm đói nghèo vẫn đang gặp nhiều khó khăn và thách thức đặc biệt các nước đang phát triển. Vì vậy, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là vấn đề sống còn của mỗi nước, là yếu tố quyết định quy mô và tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
Ban tổ chức trả lời thông tin về hội nghị APEC |
Thực tế cho thấy, không thể đưa ra các giải pháp đơn lẻ để xử lý vấn đề này mà đòi hỏi phải có các giải pháp tổng thể giữa chiến lược phát triển nông nghiệp song hành với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. APEC, bao gồm các nền kinh tế có nền nông nghiệp phát triển và đang phát triển, là khu vực có điều kiện thuận lợi để hình thành chuỗi liên kết và chuỗi giá trị sản xuất vùng và khu vực. Nơi đây là khu vực có sản lượng sản xuất nông nghiệp lớn và xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, với phạm vi địa lý rộng lớn, dân số khoảng 2,8 tỷ người (khoảng 40% dân số thế giới) và chiếm 57% GDP của thế giới. Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực, công nghệ và thị trường đang tạo ra các rào cản đối với việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất vùng như vậy. Để vượt qua các rào cản đó, phát triển nông nghiệp bền vững tập trung vào nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH, quản lý thất thoát lương thực, thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang là mối quan tâm chung, là trọng điểm và cần được tăng cường hợp tác sâu rộng của các nền kinh tế thành viên. Vì thế, trong các chương trình nghị sự cấp cao của APEC đều đề cập tới vấn đề an ninh lương thực.
Trong khuôn khổ tuần lễ an ninh lương thực tại Cần Thơ sắp tới, sẽ diễn ra chuỗi sự kiện như đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì), hay là đối thoại giữa các Bộ trưởng và các CEO về sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để tăng cường sản xuất lương thực và kinh doanh nông nghiệp bền vững do Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì với sự tham gia của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), sau đó cuộc họp thường niên của các nhóm công tác APEC, các hội thảo kỹ thuật chuyên đề trong khuôn khổ hoạt động của các nhóm Công tác và do các nền kinh tế, các tổ chức quốc tế tổ chức, triển lãm APEC về nông nghiệp trong nước và quốc tế tại khu vực diễn đàn đối thoại cao cấp.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự sẽ được tham quan thực địa 3 địa điểm như Vườn trái cây Vàm Xáng của huyện Phong Điền TP Cần Thơ, mô hình nuôi trồng và chế biến thủy sản của Công ty Vĩnh Hoàn thuộc huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp, viện nghiên cứu Lúa đồng bằng sông Cửu Long tại Huyện Thới Lai và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An của huyện Thốt Nốt TP. Cần Thơ.
Kết thúc tuần lễ an ninh lương thực dự kiến có 3 tài liệu sẽ được thông qua gồm: Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về ANLT và BĐKH, kế hoạch hành động thực hiện Khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn - đô thị bền vững để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng, tuyên bố Cần Thơ về Tăng cường ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Nam là thành viên của APEC và là một nước nông nghiệp, nguồn vốn ODA đầu tư cho ngành nông nghiệp và PTNT chủ yếu từ các nền kinh tế thành viên APEC đã đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của ngành. Việc tổ chức sự kiện “Tuần lễ ANLT và Đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH” tại TP. Cần Thơ sẽ góp phần vào hiện thực hóa các ưu tiên của APEC và nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam nói chung và của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng trong APEC. Và đây cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam giới thiệu và quảng bá với các nền kinh tế thành viên APEC và các thị trường nhập khẩu nông sản tiềm năng khác của Việt Nam về các hoạt động và sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.