Tưởng niệm 1982 năm Ngày giỗ Hai Bà Trưng
Tại buổi Lễ trong không khí trang nghiêm, thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Hai Bà Trưng lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; UBND thành phố Hà Nội, các Sở ngành thành phố và huyện Phúc Thọ đã thành kính dâng hoa, dâng hương lên đức Hai Bà tại khu Di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn.
Đền Hát Môn, thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội là ngôi đền thờ Hai Bà Trưng, người đã có công dấy binh khởi nghĩa diệt quân Đông Hán xâm lược vào năm 40 sau công nguyên. Lễ dâng hương là dịp để tưởng nhớ hai vị nữ Anh hùng dân tộc, người đã nối tiếp truyền thống 18 thế hệ Hùng Vương dựng nước và giữ nước, ghi trang sử vàng đầu tiên của dân tộc Việt Nam dựng cờ độc lập.
Bên cạnh đó đây còn là dịp để nhân dân địa phương giới thiệu đến bạn bè và du khách thập phương gần xa về đền Hát Môn - Di tích quốc gia đặc biệt, công trình văn hóa, tín ngưỡng lâu đời, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân huyện Phúc Thọ nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung.
Dâng hương tưởng niệm 1982 năm Ngày giỗ Hai Bà Trưng.
Cũng trong khuôn khổ buổi Lễ ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ đã đọc Chúc văn ôn lại lịch hào hùng của sự kiện khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Mùa xuân năm 40, tại cửa sông Hát (nay thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ), Hai Bà Trưng đã tụ quân, dựng cờ khởi nghĩa chống lại sự đô hộ của nhà Đông Hán. Đặc biệt với tài thao lược quân sự của Hai Bà cùng tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của nhân dân ta, cuộc khởi nghĩa mau chóng thắng lợi.
Đến năm 42, nhà Đông Hán phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, thống lĩnh quân sĩ sang đánh nước ta. Mặc dù nghĩa quân của Hai Bà chiến đấu ngoan cường nhưng trước sức mạnh của quân địch, đến năm 43, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã bị đàn áp.
Tương truyền, sau quân ta phải lui về Cấn Khê, nơi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa. Hai Bà Trưng dừng chân ở một quán nhỏ ven đường, được bà chủ quán nước mách bảo phía trước là sông sâu, vận trời khó đoán, mong Hai Bà bảo trọng. Sau khi ăn bánh trôi, biết trước được vận trời, để bảo toàn khí tiết, Hai Bà đã sai quân mang chôn cất ấn tín, cùng đoàn quân gieo mình xuống dòng sông Hát (nay là sông Đáy) vào đúng ngày 6 tháng 3 âm lịch.
Từ sự tích này, người dân địa phương đã có một nghi thức hết sức đặc biệt, là dâng bánh trôi lên Hai Bà trong ngày hội. Lễ rước bánh trôi với sự tham gia của nhân dân 10 thôn dân cư trong xã Hát Môn, là nghi lễ quan trọng và đặc trưng nhất của Lễ hội truyền thống đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và để tỏ lòng thành kính, ghi sâu công đức của hai vị nữ Anh hùng dân tộc, tưởng nhớ Ngày Hai Bà hóa thân về trời, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phúc Thọ thường niên tổ chức lễ dâng hương tượng niệm Ngày giỗ Hai Bà Trưng vào ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch hằng năm.
Ngoài ra tại Lễ hội đền Hát Môn năm 2025 huyện Phúc Thọ còn tổ chức các cuộc thi vẽ tranh và thi viết thư pháp; Hội thi hát Chầu Văn và hát Trống quân, hát dân ca, hát chèo; Cuộc thi thuyết trình, giới thiệu về Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hát Môn, về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm truyền thống, sản phẩm OCOP của huyện. Ngoài ra còn có chương trình liên hoan hát dân ca và nhạc cổ truyền để phục vụ du khách…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.