Ước nguyện của người thương binh nuôi cháu mồ côi suy thận giai đoạn cuối

2022-07-18 13:14:36 0 Bình luận
Vợ bị bệnh tim, người cháu ngoại mồ côi, nay lại bị suy thận giai đoạn cuối, cuộc sống của gia đình thương binh Hồ Trọng Thanh phụ thuộc vào hơn 1,5 triệu tiền trợ cấp.

Ông Hồ Trọng Thanh (sinh năm 1942), thương binh 4/4, hiện đang sống cùng vợ là bà Trịnh Thị Hương (SN 1947) và cháu ngoại Lê Hoàng Kiếm (SN 1991) tại thôn 8, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức.

Gần 80 tuổi, ông Thanh vẫn tất tả ngược xuôi để lo lắng cho cuộc sống hàng ngày của gia đình 3 người.

Ông bà 80 tuổi nuôi cháu mồ côi

Căn nhà của vợ chồng ông Thanh nằm gọn trong một góc vườn, cách đường tỉnh lộ 1 gần 100m đường đất. Bà Hương mắc bệnh tim, ông Thanh lại lãng tai nên căn nhà lúc nào cũng im ắng. Chỉ khi nào anh Kiếm đi chữa bệnh về, căn nhà mới có thêm tiếng người nói chuyện, nhưng chủ yếu vẫn chỉ là những lời hỏi han, động viện của ông bà dành cho đứa cháu trai mồ môi.

30 năm nay, ông Thanh và vợ nuôi thêm một người cháu mồ côi bố.

Hơn 10 năm trước, vợ chồng ông Thanh cùng người con trai đến tỉnh Đắk Nông để làm kinh tế. Cuộc sống của vợ chồng người thương binh này khó khăn hơn khi cháu ngoại - anh Lê Hoàng Kiếm - mồ côi bố từ bé, phát hiện suy thận giai đoạn cuối, duy trì sự sống bằng chạy thận nhân tạo.

"Thằng Kiếm là cháu ngoại tôi. Năm được hơn 1 tuổi thì bố Kiếm mất nên tôi đón về ở cùng để mẹ nó đi thêm bước nữa. Mấy năm nay Kiếm phát hiện suy thận giai đoạn cuối, mỗi tuần phải chạy thận 3 lần nên không thể đi làm được, chỉ nằm một chỗ", ông Thanh ngậm ngùi.

Anh Lê Hoàng Kiếm hiện bị suy thận giai đoạn cuối.

Nhắc đến cháu ngoại, đôi mắt của bà Trịnh Thị Hương lại đỏ hoe. Bà Hương mắc bệnh tim, cố kìm nén để không bật khóc nhưng giọng nói chất chứa nỗi xót xa: "Mẹ thằng Kiếm đi thêm bước nữa nhưng chồng cũng mất sớm, mấy năm nay bị teo chân nên không thể đi lại được. Thằng Kiếm ở với vợ chồng tôi, mồ côi bố, thiếu hơi ấm của mẹ, nay lại mắc bệnh hiểm nghèo, sự sống như chỉ mành treo chuông".

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Tính, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp, anh Kiếm đã suy thận giai đoạn cuối, tiền sử xơ gan. Khi vào trung tâm y tế điều trị, bệnh nhân đã biến chứng suy tim, tăng huyết áp nên hiện tại ngoài chạy thận 3 lần/ tuần thì còn phải điều trị các biến chứng kèm theo.

"Là người lính, tôi không đòi hỏi điều gì!"

Ông Thanh tâm sự, những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào những năm tháng ác liệt, ông xung phong đi bộ đội.

Tham gia vào Đoàn vận tải 559, ông cùng đồng đội đã vận chuyển hàng chục chuyến hàng quân sự từ phía Bắc để chi viện miền Nam Việt Nam. Cũng trong thời gian này, ông trúng bom, dẫn đến thương tật 81%.

"Thời điểm đó chưa có đường đi, chúng tôi cứ đi dọc những lối mòn trong rừng mà chạy. Hôm ấy tôi cùng một đồng chí khác đang trên đường vận chuyển lương thực, đạn dược vào Nam thì trúng bom của địch, tôi may mắn sống sót, còn anh tài xế đi cùng hy sinh vì chưa kịp thoát xuống hầm", ông Thanh nhớ lại.

Bà Trịnh Thị Hương bị bệnh tim, đi lại khó khăn phải nhờ ông Thanh dìu, đỡ hàng ngày.

Bị thương nặng, nhưng ông Thanh vẫn phục vụ trong quân đội cho đến ngày đất nước thống nhất.

Đến năm 1976, ông phục viên trở về quê hương rồi kết hôn với bà Trịnh Thị Hương (cùng quê huyện Quỳnh Lưu) - thanh niên xung phong của tỉnh Nghệ An.

Kết hôn được một năm thì Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, ông Thanh tái ngũ và được cử ra Lạng Sơn để bảo vệ chủ quyền biên giới cho đến năm 1983.

Nhắc về cuộc sống hiện tại, ông Thanh cho biết dẫu có vất vả, khó khăn thì ông vẫn phải luôn lạc quan để trở thành điểm tựa của gia đình.

Những năm trước còn sức khỏe, ông còn trồng rau, nuôi heo, nuôi gà để cải thiện cuộc sống. Những năm gần đây sức khỏe yếu, toàn bộ sinh hoạt trong nhà dựa vào 1,5 triệu đồng tiền trợ cấp hàng tháng của ông cùng sự giúp đỡ của con trai và hàng xóm.

"Tôi tâm niệm rằng mình còn sống và được trở về với vợ con là điều may mắn, hạnh phúc. Nhìn lên có lẽ mình thua thiệt hơn nhiều người, nhưng nhìn xuống thì còn nhiều hoàn cảnh còn khó khăn hơn. Chính vì thế tôi chưa bao giờ đòi hỏi, yêu cầu điều gì mà chỉ động viên vợ và cháu cố gắng để không trở thành gánh nặng của con cái và xã hội", ông Hồ Trọng Thanh nói.

Chia sẻ về bệnh tình của vợ, ông Thanh cho biết thêm, bà Hương mắc bệnh tim đã nhiều năm nay và phải điều trị hàng ngày bằng thuốc nên không thể làm việc nặng. Mấy năm trước, bà Hương bị ngã nên bây giờ cũng không thể đi đứng thẳng người được.

Hiện tại, sức khỏe của ông Thanh và bà Hương đã yếu, mỗi đêm chỉ chợp mắt được vài giờ đồng hồ, thế nên ông Thanh mua tôn và bạt về, quây tạm thành một gian nhà nhỏ để cho anh Kiếm nằm điều trị. Mùa mưa thì không sao, nhưng đến mùa khô, căn phòng ngột ngạt và nóng bỏng như bị hun.

Chính vì thế, ước mong duy nhất của vợ chồng ông Thanh, bà Hương là có kinh phí để sửa chữa căn nhà để cháu trai được nằm điều trị trong những ngày tháng còn lại.

Theo lãnh đạo Ban Chỉ huy quân sự huyện Tuy Đức, ông Hồ Trọng Thanh là người có công với cách mạng, hoàn cảnh khó khăn. Với truyền thống đền ơn đáp nghĩa, đơn vị mong mỏi sự chung tay của các mạnh thường quân cùng với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuy Đức hoàn thành tâm nguyện của gia đình.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng phát động thi sáng tác tranh Kỷ niệm 70 năm giải phóng thành phố

Sáng 5/5, TP.Hải Phòng tổ chức lễ phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thành phố (13/5/1955 - 13/5/2025).
2024-05-05 17:56:20

Phát hành bộ tem bưu chính Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Thông tin & Truyền Thông đã phát hành bộ tem bưu chính ‘Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 – 2024)’. Đây là bộ tem thứ tám của Bưu chính Việt Nam về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 16:45:10

Ra mắt Trung tâm báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Hôm nay, 5/5, tại Trung tâm Hội nghị - Văn hoá tỉnh Điện Biên ra mắt Trung tâm báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 16:30:00

Tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 5/5, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, TP Điện Biên Phủ, Ban chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước tổ chức tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 12:05:00

Nghệ An: Công diễn vở kịch hát 'Lời Người - Lời của nước non'

Hướng đến Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), tối 4/5, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An giới thiệu vở kịch hát “Lời Người - Lời của nước non” của tác giả Vũ Hải, đạo diễn NSND Hồng Lựu.
2024-05-04 22:35:00

HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 13 nghị quyết quan trọng

Sáng 4/5, HĐND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) đã họp bàn, xem xét và thông qua 13 nghị quyết quan trọng nhằm kịp thời xử lý các yêu cầu thực tiễn đặt ra.
2024-05-04 17:05:00
Đang tải...