Ưu tiên cho kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của NHNN khi nâng trần lãi suất huy động
Nâng trần lãi suất ưu tiên cho kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Sau khi Fed nâng lãi suất, ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành, bao gồm việc quy định trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến 6 tháng tăng từ 4% lên 5%/năm.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022, diễn ra hôm 1/10, ông Đoàn Thái Sơn – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, thời gian qua, điều hành của NHNN cũng đã bám sát nhằm hướng tới mục tiêu xuyên suốt là điều hành các công cụ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô và bảo đảm duy trì lãi suất thực dương cho lãi suất tiền gửi để hài hòa lợi ích của các bên tham gia trên thị trường tiền tệ, cũng như hỗ trợ phục hồi kinh tế, đặc biệt ổn định các thị trường, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Động thái điều chỉnh lãi suất của NHNN còn tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục duy trì thu hút tiền gửi và có nguồn tài chính cho vay, hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Theo ông Sơn, khi điều chỉnh lãi suất, NHNN đã tính đến mục tiêu bình ổn lãi suất cho vay những tháng cuối năm 2022. Do đó, trong số trần lãi suất điều chỉnh tăng thì NHNN tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất cho vay.
Đồng thời, NHNN cũng vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động, qua đó tạo điều kiện về mặt tài chính để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới.
Sau khi quyết định của NHNN về nâng lãi suất huy động có hiệu lực, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng biểu lãi suất huy động ngắn hạn. 'Cuộc đua' tăng lãi suất huy động cũng có sự góp mặt của 4 ngân hàng quốc doanh, gồm: Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank.
Thông tin với báo chí, Tiến sĩ Trương Văn Phước, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất lên thì đó là tín hiệu của chính sách thắt chặt tiền tệ. Nội tệ có nguy cơ mất giá so với USD. Do vậy, tăng lãi suất cũng là cách để cứu đồng nội tệ đừng mất giá quá. Việc nâng lãi suất điều hành lần này không đến mức “thắt chặt tiền tệ” mà chỉ là mong muốn tạo ra sự chênh lệch lãi suất “đô – đồng” rộng hơn để bảo đảm rằng, người nắm giữ VND luôn có lợi hơn nắm giữ USD. Cho nên, khi USD tăng lãi suất và mạnh lên thì Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng lãi suất, tạo ra điểm Swap point hỗ trợ cho giá trị VND.
Hiện nay NHNN đã bỏ đi trần lãi suất huy động của các kỳ hạn khác, mà chỉ duy trì trần lãi suất của tiền gửi dưới 6 tháng thôi. Mức 4% thấp quá thì phải nâng lên.
Lãi suất điều hành tăng, doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào thị trường trái phiếu
Do lãi suất điều hành tăng cùng room tín dụng hạn hẹp, nên nhiều doanh nghiệp hiện đặt kỳ vọng vào thị trường trái phiếu. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp 7 tháng đầu năm có một số điểm đáng chú ý
Cụ thể, thị trường này gồm 46,14% nhà đầu tư là các tổ chức tín dụng; 22,43% là các công ty chứng khoán; hơn 10% là nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Tuy vậy, trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ gần 33% lượng trái phiếu riêng lẻ. Chính vì vậy, việc nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp và chặn cửa mua bán chui sẽ khiến lượng nhà đầu tư cá nhân đáp ứng được yêu cầu giảm mạnh. Ngoài ra, sức cầu của bên mua lớn nhất thị trường hiện nay (là các tổ chức tín dụng) cũng suy yếu, bởi hầu hết ngân hàng đã cạn room tín dụng.
Việc sụt giảm hai nguồn cầu lớn (tổ chức tín dụng và cá nhân) trong khi thị trường chưa xuất hiện các “tay to” mới để bù đắp sẽ khiến sân chơi trái phiếu doanh nghiệp chưa thể sớm sôi động trở lại.
Ở góc độ khác, định hướng của nhà quản lý khi nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là rất đúng đắn, có thể giúp thị trường trở nên chuyên nghiệp hơn, đa dạng hóa chủ thể tham gia thị trường. Ở đây, việc nắn vốn đầu tư trái phiếu chảy qua quỹ và các nhà đầu tư tổ chức vừa an toàn cho nhà đầu tư, vừa thuận tiện cho cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý nhà nước khi cần chấn chỉnh cũng sẽ có địa chỉ cụ thể để “nắn”, nhanh hơn so với việc nâng cao nhận thức của hàng vạn nhà đầu tư cá nhân.
Theo GS.TS Trần NGọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM), trong chiến lược phát triển thị trường vốn, Chính phủ luôn nhấn mạnh phải phát triển thị trường chứng khoán để huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, từng bước giảm sức ép cung cấp vốn của hệ thống ngân hàng. Từ định hướng đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để ngân hàng thương mại thực hiện các chức năng của thị trường tiền tệ, trung gian thanh toán và dịch vụ ngân hàng.
Bộ Tài chính đã tham mưu xây dựng và Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán (sửa đổi), làm cơ sở để ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 (gọi tắt là Nghị định 153) nhằm tạo khung pháp lý phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tạo thêm kênh huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.
Tổng dư nợ TPDN đến cuối năm 2021 ước đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng (trong đó có khoảng 600.000 tỷ đồng của các doanh nghiệp tài chính: ngân hàng, công ty tài chính, công ty chứng khoán). Tổng huy động qua kênh TPDN đạt gần 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Do phát triển nhanh và quy định của pháp luật còn những hạn chế nhất định, nên đã xuất hiện rủi ro từ 4 cấu trúc quan trọng nhất trong hệ sinh thái của thị trường trái phiế. Nhận thấy rủi ro từ thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 16/9/2022 (gọi tắt là Nghị định 65) thay thế cho Nghị định 153 trước đó.
Nghị định 65 có hiệu lực là khung pháp lý quan trọng để dẫn dắt thị trường trái phiếu doanh nghiệp đi đúng hướng, thanh lọc nhà phát hành trái phiếu và bảo vệ nhà đầu tư, nhưng vẫn có cơ hội lựa chọn kênh đầu tư và tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường.
Trong bối cảnh bất ổn của kinh tế thế giới khi xung đột khu vực vẫn còn dai dẳng, chưa kết thúc, việc đáp trả các lệnh chừng phạt của các quốc gia có nền kinh tế lớn, những yếu tố này đã tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế trong nước...
Vì vậy, NHNN đã đưa ra giải pháp điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả, phù hợp với diễn biến vĩ mô, tình hình lạm phát. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.../.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.