Về Nam Định ngắm Âu tàu Nghĩa Hưng
Quang cảnh Âu tàu Nghĩa Hưng nhìn từ trên cao - Nguồn: Internet.
Anh Đỗ Đức Chính, Trưởng phòng điều hành hiện trường Âu tàu Nghĩa Hưng (thuộc Ban Quản lý các dự án đường thủy, Bộ Giao thông vận tải) vui vẻ dẫn chúng tôi lên tầng ba tòa nhà trung tâm điều hành. Đứng trên cao, được ngắm nhìn toàn bộ quang cảnh, tận mắt chứng kiến từng con tàu có trọng tải lớn đang vượt qua âu tàu, chúng tôi mới cảm nhận hết được niềm vui và lòng tự hào của người dân địa phương.
Âu tàu Nghĩa Hưng điều hành phương tiện qua lại - Ảnh: Hồ Thanh
Tìm hiểu, chúng tôi được biết: Cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc Dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6), chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải. Diện tích tổng cộng khoảng 45 ha, nằm trên địa phận hai xã (Nghĩa Lạc, Nghĩa Sơn) huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Cụm công trình bao gồm 4 gói thầu xây lắp chính, được khởi công xây dựng từ ngày 01-3-2021 với tổng mức đầu tư 107,19 triệu USD (Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ 78,74 triệu USD và vốn ngân sách 28,45 triệu USD).
Các kỹ sư Trung tâm điều hành Âu tàu Nghĩa Hưng trực tiếp quan sát, vận hành đóng, mở cửa âu tàu, van điều tiết, bảo đảm an toàn cho tàu qua lại bằng hệ thống camera giám sát và loa truyền thanh - Nguồn: Internet.
Kênh nối Đáy - Ninh Cơ có thiết kế luồng đường thủy nội địa dài 1,18km. Điềm đầu tại km8+300 sông Ninh Cơ (xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng) điểm kết thúc tại km35+450 sông Đáy (xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng). Cấp kĩ thuật của luồng là cấp đặc biệt, phía sông Đáy rộng 90m, cao trình đáy -6,3m; phía sông Ninh Cơ rộng 100m, cao trình đáy -6,7m. Công trình chính là âu tàu bê tông cốt thép dài 179m, rộng 17m, sâu 11m. Cửa âu bằng thép nặng 87 tấn, kết cấu phẳng kéo ngang, di chuyển bằng hệ thống đường ray, dây cáp và tời điện. Trên cửa âu có hai dàn van đóng, mở để ngăn cách mực nước chênh lệch giữa hai con sông và điều tiết mực nước trong âu khi tàu qua lại. Âu tàu Nghĩa Hưng vận hành tương tự như kênh đào Panama nổi tiếng thế giới ở châu Mỹ. Tuy nhiên, kênh đào Panama là một tuyến đường thủy nhân tạo dài tới 82 km nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, cắt ngang eo đất Panama, mở kênh vào ngày 15-8-1914, có bề dày lịch sử hoạt động thương mại hàng hải quốc tế. Còn Âu tàu Nghĩa Hưng tại Nam Định được ví là “Kênh đào Panama thu nhỏ”, vận hành tương tự, cũng là âu tàu lớn nhất được xây dựng tại Việt Nam từ trước đến nay. Quy trình vận hành âu tàu như sau: Khi có tàu vào, một bên âu tàu đóng kín, bên còn lại mở cho tới khi mực nước sông cân bằng với bên trong thì cho tàu qua và ngược lại. Mỗi chu kỳ một tàu qua âu hết khoảng 15 phút, trong đó có 2 phút bơm nước để cân bằng mực nước và 13 phút để cho tàu vượt qua. Toàn bộ hành trình của một con tàu khi qua luồng đường thủy nội địa quốc gia tại đây chỉ mất khoảng 40 phút (khi các chủ tàu quen thuộc phương thức vận hành sẽ chỉ còn khoảng 30 phút) rút ngắn được ít nhất 5 giờ so với lộ trình trước đây.
Các đơn vị tham gia dự án cụm công trình Âu tàu Nghĩa Hưng - Ảnh: Hồ Thanh
Theo tính toán, việc đưa cụm công trình này vào khai thác sẽ phát huy tối đa hiệu quả cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang (đã được hoàn thành đưa vào sử dung từ năm 2016). Các tàu có trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải đều có thể vượt qua Âu tàu Nghĩa Hưng, đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình và ngược lại. Những tàu chở container không còn phải đi tới tận cảng Hải Phòng rồi xe đầu kéo tiếp tục di chuyển container bằng đường bộ như trước đây. Tính ra, các phương tiện thủy từ các tỉnh ven biển khi đi qua Âu tàu Nghĩa Hưng đến Ninh Bình và ngược lại đã tiết kiệm được khoảng 80% thời gian và rút ngắn được hơn 100 km so với hành trình trước đây.
Để thi công xây dựng cụm công trình, một phần đê và tỉnh lộ 490C tại địa phương đã được thay thế bằng cây cầu vượt bê tông cốt thép dài hơn 700m, rộng 17m, chiều cao tĩnh không 15m. Hệ thống chiếu sáng của cụm công trình bao gồm nhiều hạng mục, được thi công kết hợp theo mặt bằng của các hạng mục. Trong đó khu vực âu tàu có tới 9 vùng chiếu sáng với tổng số 86 đèn (gồm 50 đèn 200W, 4 đèn 150W, 32 đèn 60W). Đường gom và cầu vượt có 124 cột đèn mạ kẽm nhúng nóng MDC, chiều cao cột đèn 11m, mỗi cột cách nhau 30m, chiếu sáng bằng đèn Led MDC Titan 125W. Hệ thống chiếu sáng có ba chế độ bật gồm: Bật, tắt thủ công tại phòng điều hành trung tâm, bật tự động theo khung giờ và bật tự động theo cảm ứng ánh sáng. Nhờ có hệ thống chiếu sáng hiện đại này, cụm công trình gồm nhiều hạng mục ở đây luôn rực rỡ ánh đèn trong đêm.
Âu tàu Nghĩa Hưng rực rỡ trong đêm - Nguồn: Internet
Trong quá trình tổ chức thi công xây dựng, Ban Quản lý các dự án đường thủy, Bộ Giao thông vận tải đã nỗ lực vượt qua khó khăn về thiên tai, dịch bệnh Covid-19, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đường ống nước sạch của Công ty TNHH Mai Thanh và một số vấn đề phát sinh khác. Nhờ vậy, ngày 30-6-2023 cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ đã hoàn thành đúng tiến độ. Chiều 25-7-2023, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức lễ công bố mở luồng đường thủy nội địa quốc gia, đặt tên cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ là Âu tàu Nghĩa Hưng.
Kỹ sư Đỗ Đức Chính, Trưởng phòng điều hành hiện trường cụm công trình, thuộc Ban Quản lý các dự án đường thủy, Bộ Giao thông vận tải) trước tòa nhà Trung tâm điều hành Âu tàu Nghĩa Hưng - Ảnh : Hồ Thanh
Âu tàu Nghĩa Hưng tại tỉnh Nam Định đã giảm gánh nặng cho hệ thống giao thông đường bộ, cải thiện môi trường vận tải, phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất, phân phối, giao thương, tạo khả năng tiếp cận đa dạng trong và ngoài khu vực. Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc Dự án WB6 hoàn thành, đưa vào khai thác đã đạt được mục tiêu dài hạn là nhằm hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế bền vững và phát triển tổng thể khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình. Riêng tỉnh Nam Định có thêm một công trình giao thông bề thế, góp phần tạo nên cảnh quan, vẻ đẹp hiện đại tại địa phương. Có lẽ vì vậy, người dân nơi đây đã tự hào gọi cụm công trình này là “Kênh đào Panama” của Việt Nam.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.