Vượt lên nghịch cảnh: Chàng trai tật nguyền dùng mạng xã hội để giúp người nghèo

2020-12-31 13:00:00 0 Bình luận

Tai nạn ấy vẫn ám ảnh Phi cho đến bây giờ. Mỗi khi nhắc lại kỷ niệm đáng sợ, Phi lại rùng mình.

Nỗ lực vượt qua nghịch cảnh

Ra thủ đô nhận bằng khen, Lương Phi (SN 1990, ngụ huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) thích thú với không khí khác xa quê nhà. Tranh thủ chút thời gian rảnh, Phi kể với chúng tôi hành trình từ một cậu bé tật nguyền trở thành thanh niên được tuyên dương trong chương trình Thanh Niên tỏa sáng nghị lực Việt do Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.

Phi nói, năm 3 tuổi, cậu gặp một tai nạn kinh hoàng. Đến bây giờ, khoảnh khắc mất đi chân trái vẫn ám ảnh Phi. “Năm đó, 3 mẹ con tôi bị một người đàn ông tâm thần cầm dao xông vào nhà chém loạn xạ. Ông ấy chém vào đỉnh đầu mẹ, chân chị gái tôi. Riêng tôi bị ông ấy chém đứt lìa chân trái”, Phi kể.

Mất một chân từ lúc còn quá nhỏ, Phi chưa ý thức được những nỗi đau mình phải đối diện. Mãi đến lúc lên 6 tuổi, cậu mới dần cảm nhận được việc mình “thiếu đi một cái chân”. Thế rồi nỗi buồn tật nguyền lớn dần theo năm tháng.

Phi kể: “Lúc còn bé, thấy bạn bè chạy thả diều, đá bóng, trèo cây… bằng hai chân, tôi thèm lắm nhưng chỉ biết đứng buồn một mình. Rồi đến khi đi học, nỗi buồn càng lớn hơn. Các bạn trong trường trêu chọc tôi, gọi tôi là “thằng què”, “thằng cụt”... Những lúc như vậy, tôi thực sự mặc cảm”.

Đau đớn trước những lời châm chọc của bạn bè, Phi tự ti, mặc cảm. Cậu trở nên lầm lì, ít nói và hầu như không giao tiếp với mọi người xung quanh. Đến khi lên cấp 3, Phi muốn nghỉ học.

Càng nhận thức được bản thân, hoàn cảnh gia đình, Phi càng đau khổ. Chàng trai mới lớn đứng trước cửa ngõ cuộc đời với chất chồng khó khăn: gia đình nghèo khó, đông anh em, bản thân lại tật nguyền. Phi tâm sự, lúc nhỏ, gia đình chủ yếu sống nhờ vào đồng lương phụ hồ của ba.

Sau lần gặp nạn, mẹ Phi yếu hẳn, phải uống thuốc thường xuyên. Không thể lao động nặng, bà chỉ quẩn quanh việc bếp núc. Phi là con kế út, anh chị đang trong tuổi ăn học nên gia đình đã khó lại càng thắt ngặt hơn.

“Gia đình tôi lúc đó khó khăn lắm, thuộc hộ nghèo. Những năm đó, bữa cơm trong nhà đủ no là mừng lắm rồi. Vào những ngày giỗ, chạp, thi thoảng, chúng tôi mới được ăn miếng thịt, miếng cá. Thấy vậy, tôi không muốn trở thành gánh nặng của ba mẹ, tôi định nghỉ học luôn để phụ giúp gia đình”, Phi kể.

Thế nhưng, Phi lại băn khoăn tự hỏi: “Nếu nghỉ học lúc này, chưa tích lũy được kiến thức, tương lai của mình và gia đình mình sẽ ra sao”. Thế rồi, Phi quyết định đi tiếp con đường học vấn.

Phi nói: “Cuối cùng, tôi nghĩ rằng, mình phải tự lo được cho cuộc sống của mình, phải chia sẻ gánh nặng cho gia đình. Để làm được như thế, tôi phải tiếp tục học, phải nỗ lực gấp mười lần người khác và quyết chí thực hiện”.

Biến mạng xã hội thành công cụ giúp người nghèo

Với ý chí phi thường, Phi dần chấp nhận khiếm khuyết của bản thân. Chàng trai trẻ cố gắng tự mình thực hiện mọi hoạt động sinh hoạt trong cuộc sống. Chỉ những công việc bắt buộc cần có đủ 2 chân, Phi mới gặp khó và nhờ sự hỗ trợ.

Vượt qua nhiều rào cản vô hình, Phi tốt nghiệp lớp 12 và chọn học hệ Trung cấp khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Đông Á tại TP.Đà Nẵng. Ra trường, Phi cầm hồ sơ đi xin việc với hy vọng tự nuôi sống bản thân.

Phi tâm sự: "Không ai nhận tôi. Một trong những lý do họ từ chối tôi là vì tôi chỉ có một chân. Lúc đó tôi lại càng bế tắc, chán nản. May mà sau đó, tôi được một người thầy giúp đỡ mở phòng thu âm”.

Sau 5 năm mở phòng thu, vấp phải nhiều khó khăn, 9X không trụ được với nghề. Sau cùng, cậu lên mạng tìm hiểu và quyết định đầu tư mở kênh YouTube để thỏa mãn nhiều ước muốn của mình.

Phi nói: “Đó là quyết định mang tính bước ngoặc. Bởi, tôi vừa muốn khám phá, muốn thay đổi bản thân. Tôi muốn bước ra khỏi sự mặc cảm, tự ti bấy lâu của mình”.

Đó cũng là lần đầu tiên, Phi đăng lên mạng xã hội tấm ảnh chụp lại con người thật của mình. Đó là “Phi một chân”, không mang tất, đeo chân giả. Năm đầu làm YouTube, Phi một mình nhảy lò cò chỉnh máy, đổi góc quay để video sinh động.

Thế mà một năm lăn lộn, Phi “không kiếm được đồng nào”. Giữa lúc chán nản, muốn từ bỏ công việc mới, chàng trai trẻ chợt nhận ra xung quanh có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Cậu muốn giới thiệu họ đến với các mạnh thường quân để họ được giúp đỡ.

Cứ thế, những video Phi ghi lại hoàn cảnh éo le, nghiệt ngã của người dân chiếm được cảm tình của khán giả. Dần dần, mạnh thường quân liên hệ với Phi để được giúp đỡ, hỗ trợ những mảnh đời trong clip của cậu.

Đến nay, kênh YouTube của Phi đã kêu gọi, giúp đỡ được gần 100 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều trường hợp đã nhận được số tiền giúp đỡ lớn như: Cô Điệp (ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) nhận 270 triệu đồng, chị Thủy (ở tỉnh Quảng Bình) nhận 170 triệu đồng, anh Đỗ Ánh (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) 70 triệu đồng…

Phi kể: “Khi đi quay như vậy, tôi cũng có nhiều kỷ niệm vui, buồn. Một trong những kỷ niệm tôi nhớ nhất là lần giúp chị Thủy về quê gặp mặt cha mẹ lần cuối. Chị ấy quê ở tỉnh Quảng Bình nhưng sống ở Quảng Nam. Lúc tôi biết đến chị, chị đã ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư”.

“Chị có 4 đứa con nhưng bị chồng bỏ rơi, gia cảnh khó khăn lắm. Trước khi ra đi vì bệnh tật, chị ấy muốn về thăm, gặp mặt ba mẹ lần cuối mà không đủ tiền. Tôi đã đến quay phim, giới thiệu chị và nhờ mạnh thường quân giúp đỡ. Cuối cùng, chị đã có tiền về quê”, Phi kể thêm.

* Tít bài đã được đặt lại.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...