Xã Kỳ Thượng, Huyện Hoành Bồ: Điểm sáng Khe Phương mở đường xây dựng nông thôn mới và cách thoát nghèo táo bạo

2020-01-14 09:45:37 0 Bình luận
Vốn là nơi “sơn cùng, cốc thẳm” khó khăn chồng chất, giao thông cách trở, vậy mà chỉ một thời gian ngắn khi tuyến đường nối với trung tâm xã Kỳ Thượng (Hoành Bồ) được triển khai, thôn Khe Phương có bước chuyển mình nhanh chóng. Đến Khe Phương một ngày trung tuần tháng 12, chúng tôi được nghe những thanh âm rộn rã, tiếng ôtô vận tải chở vật liệu, gỗ keo hối hả ngược xuôi, tiếng loa đài xập xình vọng ra từ những căn nhà mới... Một cuộc sống no ấm, đủ đầy đang hiện hữu nơi đây.

 

Phương tiện ra, vào thôn Khe Phương (xã Kỳ Thượng), thuận lợi từ khi đường mới được mở.

          Niềm vui đường mới

          Trên chiếc xe bán tải chở chúng tôi bon bon trên con đường bê tông từ trung tâm xã Kỳ Thượng vào thôn Khe Phương, ông Linh Hồng Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, kể: Cách đây vài năm, hai bố con tôi vào Khe Phương ăn cưới người bà con. Hôm ấy trời mưa to, đi lại vô cùng khó khăn. Khi vào gần đến nơi, đường trơn trượt quá nên cả xe và người ngã nhào xuống vũng bùn nhầy nhụa, hai bố con đành phải quay về...

Cũng từ câu chuyện của Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, chúng tôi nhớ lại cách đây vài năm khi đến Khe Phương. Lần ấy là mùa mưa, mặc dù từ trung tâm xã vào thôn chỉ gần chục cây số, nhưng chúng tôi phải mất gần 2 giờ vượt qua 5 con suối lớn, nhiều đèo núi trơn trượt, bùn đất, chỉ cần sơ sẩy là cả người và xe có thể lăn xuống vực. Tại Khe Phương khi ấy, chúng tôi được nghe những tâm sự buồn về sự khó khăn, vất vả. Đặc biệt, vào ngày mưa to, nước suối dâng cao khiến thôn biệt lập, cách trở với các thôn khác, học sinh học THCS tại xã phải nghỉ học, người già ốm đau muốn đi viện cũng không thể di chuyển; gỗ rừng trồng thì bạt ngàn, đến kỳ thu hoạch nhưng do khó khăn trong vận chuyển, nên thường bị tư thương ép giá... Những khó khăn ấy của người dân Khe Phương vẫn ám ảnh chúng tôi đến tận bây giờ.

         Lần này trở lại Khe Phương, chúng tôi thực sự vui mừng vì sự đổi thay của mảnh đất nơi đây. Từ trên cao nhìn xuống Khe Phương, con đường bê tông mới mở uốn lượn quanh thung lũng nhỏ, nơi có những căn nhà mới xây bề thế. Xa xa là những cánh rừng trồng đang kỳ khép tán xanh ngắt chạy tít tắp tận chân trời. Từ trường học nằm giữa thôn, tiếng học sinh nô đùa trong giờ ra chơi xôn xao một vùng thung lũng nhỏ...

Ngôi nhà mới xây của hộ anh Lý Tài Ngân, thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng.

Chúng tôi gặp và trò chuyện với anh Bàn Văn Kim (người dân thôn Khe Phương), đang rửa xe máy mới mua bên vệ suối. Anh Kim hồ hởi khoe: "Từ khi có đường mới, cuộc sống của bà con trong thôn khác xưa rất nhiều. Nhà mình vừa bán đồi keo được hơn trăm triệu, thấy hàng xóm sắm xe máy mới phóng bon bon cũng thấy phấn khởi lắm. Gia đình tôi bàn nhau, rồi mang hơn 30 triệu đồng xuống phố mua luôn chiếc này...". Nghe vậy, cậu con trai của anh Kim đang ngồi chơi bên cạnh vội khoe "Bố cháu bảo, mấy hôm nữa sẽ mua chiếc tivi màn hình to về để cả nhà hát karaoke nữa đấy...".

       Được biết, từ năm 2014, bằng nguồn vốn Chương trình 135, huyện Hoành Bồ đã đầu tư 4,8 tỷ đồng để rải cấp phối 1,7km đường và làm một ngầm tràn, nhưng khi ấy vẫn còn hơn 6km đường đất nhỏ, hẹp, lầy lội vào mùa mưa chưa được làm. Phải đến cuối năm 2017, phương án đầu tư đường vào Khe Phương mới chính thức trở thành hiện thực. Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng Linh Hồng Nguyên khái quát: Tuyến đường từ trung tâm xã vào Khe Phương giai đoạn 1 được thiết kế theo tiêu chuẩn công trình giao thông cấp IV, nền đường rộng 5m, bề rộng mặt đường 3,5m với chiều dài 4,1km, tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng. Dự án triển khai từ đầu tháng 4/2018 và đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng hơn một tháng nay. Con đường mơ ước đã trở thành hiện thực, tạo ra thời cơ, vận hội mới để người dân nơi đây vươn lên tiến bước cùng miền xuôi...

Người dân Khe Phương thu hoạch gỗ rừng trồng.

       Những ý tưởng thoát nghèo táo bạo

       Rót chén trà hoa vàng mời khách, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Khe Phương Bàn Văn Vi cho chúng tôi biết: Khe Phương có 3.442ha đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp là 14,71ha. 100% người dân trong thôn là dân tộc Dao Thanh Phán với 42 hộ/178 nhân khẩu. Mặc dù đất rộng và khá màu mỡ, nhưng vì giao thông cách trở, nên cuộc sống bao đời nay của người dân nơi đây dựa vào tự cung, tự cấp. Có thời kỳ hộ nghèo, cận nghèo chiếm đa số trong thôn. Hết năm 2018, Khe Phương còn 5 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo. Một số gia đình tích cóp được tiền, vẫn không xây được nhà mới vì giá vận chuyển vật liệu cao. Hàng trăm ha keo lấy gỗ của người dân đến kỳ thu hoạch, nhưng không dám bán do bị ép giá thấp... Nhưng từ ngày có đường mới, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nơi đây phát triển kinh tế. Nhà nhà thu hoạch keo, mở rộng mô hình chăn nuôi gà, lợn; người người mua vật liệu về xây nhà, khiến Khe Phương trở nên tấp nập...

        Câu chuyện của Trưởng thôn Bàn Văn Vi đang rôm rả thì bị cắt ngang bởi có tiếng phụ nữ gọi to từ ngoài ngõ. Hỏi ra mới rõ, chị Lý Thị Lan ở kế bên đến mời trưởng thôn sang liên hoan nhà mới. Anh Vi tâm sự: Hộ chị Lan vốn là hộ nghèo trong thôn. Năm vừa rồi thu hoạch keo, bán được gà, nên đã sửa lại nhà. Cách đây hơn tháng, chị Lan cùng với 12 hộ trong thôn làm đơn xin thoát nghèo, cận nghèo. Vậy là năm nay trong thôn chỉ còn 2 hộ nghèo, cận nghèo. Hiện trong thôn có 6 xe ôtô tải, hơn 90% hộ dân có xe máy tốt, tivi màn hình phẳng...

Ngôi nhà mới của chị Lý Thị Lan, thôn Khe Phương đang hoàn thiện.

Tiếp tục câu chuyện với người trưởng thôn, chúng tôi còn được biết thêm nhiều điển hình vươn lên thoát nghèo trong thôn. Gia đình anh Lý Tài Chiếp vốn là hộ nghèo "thâm căn, cố đế" của thôn. Vợ chồng anh hiện đang chăm mẹ già và nuôi 5 người con ăn học, trong khi đồng đất hạn hẹp. Loay hoay làm kinh tế bằng nhiều cách, đến năm 2018 anh Chiếp mới thoát nghèo để trở thành hộ... cận nghèo. Đầu năm 2019, hộ anh Chiếp là một trong 5 hộ của thôn được xã hỗ trợ 6 triệu đồng mua gà giống từ Chương trình xây dựng nông thôn mới và đến nay từ nguồn vốn này đàn gà của gia đình anh đã phát triển thành 500 con. Với giá 90.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, gia đình anh Chiếp thu lãi gần 75 triệu đồng/năm. Thu nhập ổn định, tháng trước anh đã làm đơn xin thoát cận nghèo. Anh Chiếp khoe: Từ tiền bán gà, mình đã sửa lại được nhà, xây dựng công trình phụ khép kín, mua được tivi và nhiều đồ dùng sinh hoạt tiện nghi. Với đà chăn nuôi thuận lợi như này, gia đình sẽ vay thêm vốn để mở rộng thành quy mô trang trại nuôi gà thương phẩm. Nếu thuận lợi, chỉ vài vụ nữa là có một khoản tiền không nhỏ...

            Đường mới đã mở, giúp nhiều hộ dân ở Khe Phương thoát nghèo, đặc biệt, nhiều ý tưởng làm giầu táo bạo đã được hiện thực. Ngồi trong căn nhà mới xây trị giá gần 2 tỷ đồng, anh Lý Tài Ngân, 35 tuổi - một trong những triệu phú của thôn Khe Phương hân hoan kể với chúng tôi về những ý tưởng làm giàu của mình và cộng sự. Trước đây, khi còn làm Trưởng thôn Khe Phương, anh Ngân có điều kiện được tham quan học tập các mô hình phát triển kinh tế ở nhiều nơi như Đà Lạt, Sa Pa... Học hỏi từ thực tế các địa phương tham quan, anh nhận thấy đồng đất của quê mình có sự tương đồng và thuận lợi cho việc trồng cây atiso, sachi, cùng một số dược liệu khác. Khát vọng làm giàu là vậy, nhưng khi ấy giao thông vào thôn cách trở, cùng với việc thiếu vốn, nên tâm huyết đó anh Ngân đành ấp ủ.

          Vậy rồi, khi tuyến đường được mở, đầu năm 2019, anh Ngân bàn với mấy người trong họ thành lập HTX Nông dược Kỳ Thượng gồm 7 thành viên và góp được gần 1,4 tỷ đồng. Với 7 sào atiso trồng thử nghiệm, sau 4 tháng HTX đã thu lãi 30 triệu đồng. Cùng với đó, HTX còn thí điểm trồng cây sachi và cũng bắt đầu bói quả. Anh Ngân cho biết: Ý tưởng của HTX là nhân rộng cây atiso và sachi, đồng thời đưa trà hoa vàng, bồ công anh về thí điểm. Khi đó sẽ tạo ra vùng cây dược liệu lớn, xây dựng địa điểm du lịch rất hấp dẫn... qua đó có thể giúp bà con làm giàu.

Cán bộ xã Kỳ Thượng tìm hiểu mô hình trồng thí điểm cây sachi của HTX Nông dược Kỳ Thượng tại thôn Khe Phương.

 Trước khi chia tay chúng tôi, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Khe Phương Bàn Văn Vi tâm sự: Đất tự nhiên của thôn rất rộng lại màu mỡ, nhưng muốn làm giàu được thì rất cần có cơ chế phù hợp. Bởi lẽ hiện nay, các hộ trong thôn mới chỉ được giao 342ha đất lâm nghiệp để trồng keo, số còn lại là rừng bảo tồn và rừng giao cho cộng đồng quản lý mà không có tiền hỗ trợ. Vì vậy, muốn mở rộng quy mô trồng cây atiso, sachi và một số loại dược liệu khác thì cần phải có cơ chế giao thêm đất cho người dân, đồng thời cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất vườn... Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện mô hình để có cơ chế hỗ trợ phù hợp hơn cho bà con...

Đón xuân mới Canh Tý - 2020 với sự kiện huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long, chúng ta tin tưởng rằng, với truyền thống quê hương, cùng với nghị lực của người dân, sự hỗ trợ, định hướng tích cực của các cấp, ngành, đơn vị, Khe Phương tiếp tục có thêm nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xứng tầm, nhất là phát triển mạnh cây dược liệu, trở thành địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quảng Ninh: Khôi phục tuyến vận tải hành khách quốc tế khu vực biên giới Phòng Thành Cảng (Trung Quốc) - Tiên Yên (Việt Nam)

Sáng nay 29/11, tại cửa khẩu Cầu Bắc Luân II, tuyến vận tải hành khách quốc tế khu vực biên giới Phòng Thành Cảng (Trung Quốc) - Tiên Yên (Việt Nam) đoạn tuyến Đông Hưng - Móng Cái được chính thức khôi phục lại hoạt động.
2024-11-29 15:27:19

Khai giảng khóa đào tạo thương mại điện tử cho thanh niên khiếm thị

Sáng ngày 28/11/2024, tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp Hội người mù thành phố Hà Nội đã diễn ra lễ khai giảng khóa đào tạo thương mại điện tử dành cho thanh niên khiếm thị. Đây là một sự kiện quan trọng nằm trong khuôn khổ dự án “Dạy nghề và Cải thiện môi trường làm việc hòa nhập cho thanh thiếu niên khuyết tật (TVET)” do Quỹ Liliane Fonds (Hà Lan) tài trợ. Khóa học hứa hẹn mang đến cơ hội việc làm mới, giúp thanh niên khiếm thị phát triển kỹ năng kinh doanh trực tuyến và hòa nhập sâu hơn vào nền kinh tế số.
2024-11-29 10:35:22

Vai trò của phụ nữ trong việc thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ và phát triển bền vững

Những nỗ lực bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu quả và duy trì sự cân bằng sinh thái không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ và các doanh nghiệp lớn, mà còn là sự đóng góp của từng cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ.
2024-11-29 09:15:09

Một ngày tại Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa

Được thành lập từ năm 2007, Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa do cô Đoàn Thị Hoa sáng lập đã tiếp nhận, dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật đồng thời rèn luyện cho các bạn kỹ năng để hòa nhập cộng đồng, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
2024-11-28 21:31:18

Người mẹ đặc biệt của trẻ khuyết tật

Hơn 17 năm duy trì Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa, cô Đoàn Thị Hoa đã tạo cơ hội cho hàng trăm người khuyết tật được học nghề và tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân. Mái ấm Quỳnh Hoa đã trở thành ngọn lửa sưởi ấm những mảnh đời thiệt thòi, giúp họ thêm tự tin vươn lên và hòa nhập với cộng đồng.
2024-11-28 21:17:10

Công tác phối hợp giữa Huyện ủy Điện Biên với Đảng ủy Công an tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật

Quyết định số 1556-QĐ/TU, ngày 06/12/2021 của Tỉnh ủy Điện Biên thể hiện rõ về Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Công an tỉnh với các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đối với các tổ chức đảng, đảng viên thuộc Đảng bộ Công an các cấp.
2024-11-28 20:53:32
Đang tải...