Xây dựng và thực hiện các chính sách xã hội trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII
Ở nước ta, không thể có an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đầy đủ trên cơ sở một nền kinh tế thiếu hụt, hệ thống chính sách xã hội thiếu tính bền vững và phát triển không phù hợp. Không thể có một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững trong một xã hội chưa xây dựng được hệ thống chính sách xã hội bảo đảm tính bền vững và phát triển phù hợp, với đa số người dân có trình độ dân trí thấp, ốm yếu về thể chất, suy thoái về đạo đức, một bộ phận đáng kể lâm vào tình trạng không có công ăn việc làm, lâm vào tình trạng nghèo đói. Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã xác định: “Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta”. Đến Đại hội XII của Đảng tiếp tục đề cao: “Xây dựng, thực hiện các chính sách xã hội phù hợp với các giai tầng xã hội… bảo đảm sự hài hòa về lợi ích, về quan hệ xã hội” .
Trong những năm qua thực hiện chủ trương của Đảng về an sinh xã hội đã đạt được những thành tựu to lớn như: Hệ thống pháp luật và chính sách phát triển an sinh xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực cho an sinh xã hội của đất nước ngày càng lớn, được tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động từ nhiều nguồn lực trong xã hội. Một số lĩnh vực đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhất là giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, ưu đãi người có công, giáo dục, đào tạo, y tế, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Đời sống vật chất và tinh thần của người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị - xã hội. Nước ta được Liên hợp quốc công nhận là một trong các quốc gia đi đầu trong việc thực hiện một số mục tiêu Thiên niên kỷ.
Đại hội đảng XIII
Tuy nhiên, thực hiện an sinh xã hội ở nước ta trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, một số mặt yếu kém kéo dài, chậm được khắc phục được biểu hiện như: Tạo việc làm và giảm nghèo chưa bền vững, tỉ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao. Mức trợ cấp ưu đãi người có công còn thấp. Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; kết quả phổ cập giáo dục ở nhiều huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao và giảm chậm; vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tỉ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiếm y tế còn thấp. Đời sống của một bộ phận người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất khó khăn, chưa bảo đảm được mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về nhà ở và sử dụng nước sạch. Chênh lệch các chỉ số về an sinh xã hội giữa miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mức trung bình của cả nước còn lớn.
Dân số của Việt Nam tiếp tục gia tăng, chưa đến giai đoạn ổn định, nền sản xuất với năng suất còn thấp, đất nước luôn gặp thiên tai. Sức ép về yêu cầu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của trên 90 triệu con người là rất lớn đối với nền kinh tế có sức cạnh tranh thấp như ở nước ta. Việc thị trường hóa quá mức về các dịch vụ xã hội như: dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, dịch vụ việc làm, dịch vụ pháp lý… đã làm gia tăng các khoản chi phí công khai và chi phí ngấm ngầm tự phát của người dân. Đứng trước tình trạng dân số của đất nước tiếp tục tăng lên, các dịch vụ xã hội có nhiều bất cập phải giải quyết, trong khi đó ngân sách của Nhà nước thì eo hẹp, không đủ sức để giải quyết. Mọi sự trợ giúp xã hội, cứu trợ xã hội, ưu đãi xã hội lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước chỉ là muối bỏ bể, chưa đáp theo kịp được yêu cầu thực tế đặt ra.
Từ thực tế bất cập trên, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội… xây dựng các chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp”. Như vậy, Đảng ta luôn luôn coi chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh và bền vững trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ.
Trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải bảo đảm tính đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên thực hiện tốt chính sách đối với người có công; bảo đảm mức sống tối thiểu và hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng yếu thế. Xây dựng chính sách xã hội, trong đó có chính sách an sinh xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động, cân đối các nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ; chú trọng ưu tiên những người có công, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và truyền thống tốt đẹp, tương thân, tương ái của dân tộc ta. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi người có công và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội. Khuyến khích tối đa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển mạnh sản xuất kinh doanh để tạo nhiều việc làm, đồng thời hỗ trợ người dân có việc làm, tăng thu nhập là giải pháp xoá đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội tích cực, hiệu quả, bền vững. Đồng thời huy động sự tham gia mạnh mẽ của toàn xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia.
Nhà nước tạo môi trường điều kiện thuận lợi để mọi người dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, khắc phục sự ỷ lại vào Nhà nước, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh. Xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển bảo đảm an sinh xã hội phù hợp, có chương trình hành động cụ thể, khả thi và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong xã hội. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội phải bảo đảm tính đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng trong quá trình thực hiện an sinh xã hội và cơ hội phát triển của người dân. Không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, trước hết là các dịch vụ công cộng cơ bản, bảo đảm công bằng, bình đẳng cho mọi người. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội và phân phối lại một bộ phận thu nhập quốc dân, nhằm thoả mãn những nhu cầu thiết yếu về vật chất và tinh thần, giảm bớt sự chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa các thành viên, các tầng lớp dân cư, các nhóm xã hội và các vùng miền. Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, thực hiện tốt yêu cầu này cũng là một biểu hiện thực tế và sinh động bản chất ưu việt của chế độ ta.
Đẩy mạnh và tăng cường hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm mở rộng sự tham gia của mọi chủ thể vào cung cấp ngày càng nhiều hơn với chất lượng tốt hơn các dịch vụ công cộng. Tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân đề cao trách nhiệm, nâng cao năng lực và tham gia thiết thực vào việc bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Khuyến khích phát triển các mô hình an sinh xã hội tự nguyện ở cộng đồng, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công cộng theo cơ chế phi lợi nhuận và các hình thức hợp tác công - tư. Đẩy mạnh các cuộc vận động xã hội như: ngày vì người nghèo, phong trào tương thân tương ái, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết dân tộc...
Những nội dung về chính sách xã hội được đề cập trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cho thấy, Đảng ta đã xác định đúng vị trí, vai trò của xây dựng và thực hiện chính sách xã hội, là nội dung cơ bản để đảm bảo an sinh xã hội ở nước ta hiện nay, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.