Xin đừng lãng phí!

2023-10-02 18:40:24 0 Bình luận
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2023 đang đặt ra nhiều thách thức đối với Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Kinh tế phát triển chưa bền vững, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu, trong khi đó lại xuất hiện sự lãng phí đáng báo động, gây cản trở cho chương trình phát triển kinh tế và an sinh xã hội ở một số địa phương.

Ngày 30/9, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng nhấn mạnh 8 nội dung trọng tâm:

Thứ nhất, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hài hòa giữa các chính sách, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ.

Thứ hai, thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ tư, tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu.

Thứ năm, chú trọng tận dụng thời cơ, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, nhất là chuyển đổi số; không để bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư từ việc nâng cấp quan hệ và các hiệp định thương mại, đầu tư với các đối tác.

Thứ sáu, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh với việc phát huy vai trò 26 tổ công tác của Chính phủ.

Thứ bảy, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, nhất là các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân.

Thứ tám, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Có thể nói, nội dung trọng tâm thứ tám, mà người đứng đầu Chính phủ đưa ra, mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cử tri cả nước đang mong mỏi và kỳ vọng  nhiều vào nhiệm vụ chính trị này. Qua thực tiễn gần 40 năm đổi mới đất nước cho thấy, một trong những trở lực cho sự phát triển đất nước là tệ lãng phí. Lãng phí làm tổn thất lớn tài nguyên quốc gia, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp, biện pháp cụ thể để phòng, chống lãng phí, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác phòng, chống lãng phí hiện nay của nước ta vẫn còn một số hạn chế, yếu kém: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt... Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế... Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 21-22, 92-93).

Một minh chứng cho sự lãng phí gần đây có thể kể đến, chính là câu chuyện về những quyết định hành chính của ngành thuế đối với Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà (doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu ở Thái Bình). Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và xăng dầu phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, Công ty Hải Hà luôn đảm bảo chỉ tiêu thực hiện quota theo kế hoạch và vượt kế hoạch. Gần 50 thương nhân phân phối và hàng trăm cửa hàng đại lý xăng dầu nằm trên các tỉnh, thành miền Bắc đã nhận được xăng dầu do Công ty Hải Hà phân phối để bán lẻ cho người tiêu dùng trong giai đoạn bệnh dịch. Hàng trăm tàu đánh cá của Thái Bình và các tỉnh lân cận nhờ đó mà có nguyễn liệu để duy trì hoạt động, bám biển mưu sinh… Sự nỗ lực của Công ty Hải Hà đã đảm bảo đủ xăng dầu cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhân dân đi lại, tàu xe lưu hành, góp phần cùng đất nước vượt qua đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế. Những cùng với đó, Công ty Hải Hà đã lỗ hết vốn chủ sở hữu, thiếu vốn lưu động phục vụ kinh doanh, nợ thuế, không đảm bảo việc làm cho hơn 600 CBCNV của công ty. Chỉ riêng quý 1/2022, Công ty Hải Hà kinh doanh dưới giá vốn, với giá trị mua hàng: 7.799 tỷ đồng, doanh thu bán hàng: 7.760 tỷ đồng (chưa có thuế GTGT, thuế BVMT, quỹ bình ổn và chi phí bán hàng), số lỗ lên tới 1.802 tỷ đồng.

Kho xăng dầu sức chứa 63.000 m3 cùng hàng chục tầu vận tải xăng dầu, ô tô sitec của Công ty Hải Hà nằm bất động chờ “cơ chế”

Với những đóng góp của Công ty Hải Hà trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19 hoành hành, nên chăng Công ty Hải Hà được cơ quan thuế và các ngành chức năng  xem xét cho áp dụng Trường hợp bất khả kháng theo khoản 27, Điều 3 Luật Quản lý thuế, được giãn nợ và nộp thuế dần vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Bình triển khai ngay các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ của Công ty Hải Hà. Tính đến ngày 19/9/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đối với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.

Cụ thể: Cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với công ty theo 6 quyết định, liên tục từ ngày 26/6 đến ngày 28/8. Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Thái Bình cũng tiến hành cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp theo quyết định ngày 12/9 (hiệu lực từ ngày 13/9/2023 đến ngày 12/9/2024).

Những Quyết định hành chính này đã khiến Công ty Hải Hà bị đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, dòng tiền phải thu hồi từ khách hàng bị chặn đứng, nguy cơ phá sản cận kề. Nhìn khối tài sản trị giá nhiều nghìn tỷ đồng của Công ty Hải Hà nằm bất động mà thấy chua xót, nào là: Cầu cảng kho Hải Hà 3.000 tấn tại Thái Thuỵ, Thái Bình, khu neo đậu Hải Hà có thể tiếp nhận tầu xăng dầu lên tới 48.000DWT, cầu cảng kho XD Hải Hà - Quảng Trị 3000 tấn tại Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị, cầu cảng kho 19/9: 7.000 tấn tại Đình Vũ, Hải Phòng, 1 kho xăng dầu Hải Hà, Thái Bình sức chứa 63.000 m3 cùng hàng chục tầu vận tải xăng dầu, ô tô sitec. Việc cưởng chế thuế đối với Công ty làm 3 tàu vận tải quốc tế dừng hoạt động, công ty không thanh  toán được các khoản chi phí nhiên liệu, trả lương cho 100 thuyền viên nước ngoài, tàu bị giữ tại các cảng nước ngoài phát sinh khiếu kiện kéo dài, gây lãng phí.

Bên cạnh đó, nguồn thanh toán các LC cho các đối tác nước ngoài mà công ty Hải Hà đã nhận hàng sẽ không thực hiện được, dẫn đến khiếu kiện của các Ngân hàng nước ngoài với các ngàn hang thương mại của Việt Nam đã mở LC cho công ty Hải Hà, ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức ngân hang của Việt Nam.

Được biết, trong 3 năm đại dịch Covid 19 (tính từ năm 2020 đến tháng 6/2023), mặc dù thua lỗ nhưng Công ty Hải Hà đã nộp vào ngân sách nhà nước 11.968 tỷ đồng (Mười một nghìn chín trăm sáu mươi tám tỷ đồng) tiền thuế, hoàn thành 100% chỉ tiêu đối với Thuế GTGT Thuế nhập khẩu, Thuế Tiêu thụ đặc biệt và hoàn thành 91% đối với thuế bảo vệ môi trường.

Vì quá khó khăn do thua lỗ, Công ty kiến nghị được giãn nợ, khoanh khoản nợ ngân sách nhà nước thuế BVMT là 1.140 tỷ đồng đến ngày 1/1/2026; không tính lãi phạt chậm nộp thuế BVMT theo số cơ quan Thuế đã thông báo số tiền: 1.357 tỷ đồng. Nhưng những kiến nghị đó đều không được xem xét.


Trung tâm Hoá nghiệp xăng dầu Hải Hà đầu tư 50 tỷ nằm quạnh hiu vì không có sản phẩm đầu vào

Chúng ta đang quyết liệt thu ngân sách, nhưng cần nhìn thẳng nguồn thu của năm 2023 đang đặt ra thách thức không nhỏ. Dư địa cho các nguồn thu mới nhìn vào đâu? Đất nước khởi nghiệp, các chính sách thuế phải tính đến “tiếp sức” cho doanh nghiệp, tức là phải biết nuôi dưỡng nguồn thu. Doanh nghiệp có hoạt động, có sức cạnh tranh, có dòng tiền chảy vào mới có nguồn thu, mới hoàn thành được trách nhiệm với ngân sách Nhà nước. Nên chăng, ngay lúc này, Chính phủ và các bộ ngành cần triển khai hệ thống giải pháp đồng bộ, cứu nguy cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, mạnh dạn miễn lãi phạt, giãn nợ thuế và cho doanh nghiệp bù trừ trích bằng chi Quỹ bình ổn để giảm bớt gánh nặng đối với các doanh nghiệp như Hải Hà, đã có nhiều đóng góp cũng đất nước vượt qua thiên tai, dịch hoạ.

Nếu không có giải pháp sớm, hàng trăm trang thiết bị có giá trị nhiều nghìn tỷ đồng của Công ty Hải Hà sẽ nằm phơi mưa nắng và sớm trở thành đống phế liệu. Những tài sản của nhân dân, của doanh nghiệp cũng là của đất nước. Lãng phí tài sản của nhân dân, của doanh nghiệp cũng làm cho đất nước nghèo đi, chiến lược phát triển kinh tế bị lệch hướng. an ninh năng lượng không được đảm bảo, an sinh xã hội bị ảnh hưởng. Đơn kêu cứu của Công ty Hải Hà đã gửi đến nhiều cơ quan chức năng nhưng vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ.

Có hay không chuyện nói nhiều, nói hay, nhưng làm còn ít? Có hay không cứ nói gần dân, lắng nghe dân, nhưng nơi nọ, chỗ kia vẫn cứ “phơi ra” những cách làm xa dân. Trong vụ việc này, rất cần các bộ, ngành rà soát lại các thủ tục quản lý, chính sách với doanh nghiệp. Cái gì không còn hợp nữa hãy mạnh tay vứt bỏ. Hơn thế, cởi cái dây này xin đừng buộc thêm sợi dây khác nữa.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Triển lãm ảnh những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng chiến thắng B52 và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vừa tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới”.
2024-04-27 01:13:48

Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024

Tối 26/4, tại Công viên Thống Nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội đã tổ chức Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024.
2024-04-26 23:56:34

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51
Đang tải...