2 con câm điếc bẩm sinh, vợ chồng nghèo ôm nợ nước mắt lưng tròng
Đó là hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Dung (30 tuổi), ngụ ở phố Trịnh Xá, phường Châu Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Chị Dung lập gia đình vào năm 26 tuổi. Sau khi kết hôn, tháng 4/2019, hạnh phúc như vỡ oà khi chị sinh con trai đầu lòng là cháu Nguyễn Bảo Khang. Tới cuối năm 2020, vợ chồng chị tiếp tục đón thêm một “công chúa nhỏ” đáng yêu nữa. Chị đặt cho con cái tên thân thương là Nguyễn Bảo Trang.
Thế nhưng tai ương bất ngờ ập đến tổ ấm nhỏ, khi bé Khang không may mắc bệnh tim bẩm sinh. Các bác sĩ phải can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật để cứu tính mạng đứa trẻ trong căn bệnh hiểm nghèo.
Cả hai con cùng mắc bệnh câm điếc bẩm sinh (Ảnh: Vietnamnet)
Vừa được cứu khỏi “tử thần”, đến tháng 11/2020, nhận thấy dấu hiệu bất thường khi con không có chút phản xạ nào với tiếng động, chị Dung đưa con đi khám. Các bác sĩ kết luận cháu mắc bệnh câm điếc bẩm sinh.
Chưa dừng lại, vợ chồng chị Dung lại nhận thêm cú sốc khi thấy những dấu hiệu tương tự ở con gái. Bé Trang lên 9 tháng tuổi, chị đưa con đi kiểm tra và phát hiện cháu mắc bệnh câm điếc bẩm sinh giống hệt anh trai mình.
Gia đình vốn đã khó khăn, bản thân chị sinh liền 2 con nhỏ nên phải nghỉ ở nhà, đến nay vẫn chưa thể đi làm. Chồng chị làm sắt thuê ở một xưởng tư nhân nhỏ. Đặc biệt, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh suốt cả năm vừa qua khiến gánh nặng kinh tế càng đè nặng lên cả hai.
Giấy xác nhận tình trạng bệnh tật của bé Nguyễn Bảo Khang (Ảnh: Vietnamnet)
Cùng với đó, căn bệnh câm điếc bẩm sinh của 2 con chị Dung cần phải làm phẫu thuật tai. Chi phí phẫu thuật mỗi ca cũng lên đến hơn 500 triệu đồng. Toàn bộ chi phí này gia đình phải tự thanh toán vì bảo hiểm y tế không chi trả.
Do quá thương các con, vợ chồng chị Dung phải đi vay mượn khắp nơi để cho cả 2 con được phẫu thuật. Đến nay, khoản nợ gia đình phải gánh chịu lên đến hơn 500 triệu đồng, chưa biết bao giờ mới trả được
Một mình bế các con trên tay, người mẹ không giấu được nổi những giọt nước mắt cay đắng. “Sinh con ra ai cũng muốn con được khoẻ mạnh. Em có ngờ đâu vợ chồng em lại rơi vào cảnh này. Thời buổi dịch bệnh đã khó khăn rồi mà lại vướng quá nhiều khoản nợ, nhiều lúc em cũng thấy buồn và thất vọng lắm chứ. Vợ chồng em chẳng biết bao giờ mới trả hết số tiền nợ mọi người”, chị Dung nghẹn ngào chia sẻ.
Tương tự, hoàn cảnh gia đình anh Hà Văn Lý và chị Đàm Thị Hoài (trú tại thôn Cổ Loan Trung 1, xã Ninh Tiến, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) thật đáng thương.
Năm 2007, con trai Hà Quang Luận ra đời. Lên 3 tuổi, thấy con không phân biệt được màu sắc, mắt ngày càng đục và lồi ra, không nhìn rõ vật, hai vợ chồng vội vàng đưa con lên Bệnh viện Mắt trung ương thăm khám. Tại đây, bác sĩ kết luận Luận bị tăng nhãn áp glocom. Bệnh này không thể phẫu thuật, không có kính trợ lực, không có thuốc chữa, gây mù lòa vĩnh viễn. Anh chị chỉ biết ôm con khóc, đau đớn trước nguy cơ con bị mù loà từ khi còn quá nhỏ.
Anh chị dồn hết hi vọng vào cậu em Hà Quang Trung (6 tuổi), thế nhưng trớ trêu, cậu em bị bệnh u não ác tính. Bác sĩ cho biết, Quang Trung cần được phẫu thuật gấp, để lâu khối u tăng lên rất nhanh.
Trải qua cuộc đại phẫu nguy hiểm, chưa dừng lại ở đó, bác sĩ chỉ định Trung phải chuyển sang Bệnh viện 108 để tiến hành truyền hoá chất 8 đợt liên tục, hằng ngày kết hợp xạ trị. Cơ thể nhỏ bé, yếu ớt, xanh xao chưa kịp hồi phục đã liên tiếp gánh chịu những nỗi đau tột cùng.
Dù được bảo hiểm y tế hỗ trợ nhưng những loại thuốc ngoài danh mục, chi phí sinh hoạt, đi lại của gia đình quá đỗi tốn kém, khiến cả nhà anh Lý lao đao. Để có tiền lo cho con, anh phải vay mượn khắp nơi.
Giờ đây, chi phí điều trị cho con trai mỗi ngày một tăng cao, song anh chị chưa biết xoay sở vào đâu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.