Xúc động ước mơ của cô bé không tay
Hôm 21/1, tại buổi giao lưu có chủ đề “Chào tương lai” giữa sinh viên của trường với chủ nhân các giải thưởng VinFuture diễn ra tại Đại học VinUni. GS Zhenan Bao, ĐH Stanford, Mỹ, đã có cuộc gặp gỡ đầy xúc động với bé gái khuyết 2 tay đến từ một xã ngoại thành cách trung tâm TP.Hà Nội khoảng 40 km.
GS Zhenan Bao là nhà hoá học được VinFuture trao giải đặc biệt mùa đầu tiên dành cho nhà khoa học nữ với công trình thiết bị theo dõi sức khỏe giao tiếp sinh học đeo tay. Tại buổi giao lưu, nữ giáo sư và khán giả xúc động khi chứng kiến câu chuyện cảm động của cô bé không tay Nguyễn Như Linh (thôn Trung, xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Bẩm sinh, Linh mất cả 2 tay từ khuỷu trở xuống. Bàn chân trái của em chỉ có 4 ngón nên lực vận động của chân này yếu. Khi di chuyển Linh phải đi cà nhắc từng bước một, vậy mà bàn chân ấy đã phải "gánh" nhiệm vụ như một cánh tay (cùng với bàn chân phải) giúp Linh thực hiện các thao tác sinh hoạt, học tập hàng ngày.
Bé Linh có cuộc trao đổi với GS Zhenan Bao (áo đen)
Theo chị Nguyễn Như Nương, mẹ Linh, cho biết những gì em tự làm được hôm nay trong học tập, sinh hoạt hàng ngày vượt xa kỳ vọng của gia đình. Thậm chí, có một số việc Linh làm còn tốt hơn bạn bè cùng trang lứa, chẳng hạn là việc em học giỏi.
Tuy nhiên, dẫu Linh lúc nào cũng mạnh mẽ vươn lên nhưng em không thể sống một cuộc sống bình thường như bao bạn khác, chẳng hạn như việc vệ sinh cá nhân phải có người khác hỗ trợ. Ngay cả ước muốn được bế em bé út bé xíu mới chào đời mấy tháng Linh cũng không thực hiện được khi cô bé chỉ có 2 cùi tay. Linh từng nói nhiều lần, con chỉ ước giá như con có tay thì con làm được nhiều việc hơn cho bố mẹ. Vì những cản trở sinh hoạt cá nhân khiến Linh ngại hoà nhập với bạn bè, ngại giao tiếp.
Cô bé Như Linh đặt câu hỏi cho GS Zhenan Bao: "Phát minh của bà có thể giúp con cảm nhận được những gì?" GS Bao xúc động cho biết, những gì mà bà và các đồng nghiệp đang nghiên cứu chính là để bù đắp thiệt thòi cho những người khuyết tật như Linh.
Bà đã nghiên cứu phân tử suốt 15 năm qua để tìm ra được loại da nhân tạo hay còn gọi là điện tử mang cảm xúc thực sự. Da điện tử được phát triển từ các lớp nhựa bán dẫn công nghệ cao có thể co giãn, bắt chước khả năng uốn cong và chữa lành của da thật, đồng thời đóng vai trò là lưới cảm biến gửi tín hiệu cảm ứng nhiệt độ và cảm giác đau đến não. Da điện tử cũng có khả năng phân huỷ sinh học và thân thiện với môi trường.
Bà cho biết, những chức năng trên rất hữu ích trong chẩn đoán và điều trị chăm sóc sức khỏe thông minh, đồng thời có thể được ứng dụng vào các thiết bị điện tử để đeo và cấy ghép, mang lại trải nghiệm sống trọn vẹn hơn cho hàng triệu người khiếm khuyết các bộ phận cơ thể trên khắp thế giới hiện tại, cũng như tạo ra các đột phá về y tế trong tương lai.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.