Bản tin Hòa Nhập ngày 12/9/2021: Vì sao hàng quán ở TP.HCM vẫn im lìm dù đã được mở cửa?
Nhiều trường ĐH, CĐ miễn, giảm học phí cho tân sinh viên.
TS Bùi Quang Trung, Hiệu trưởng Trường CĐ Sài Gòn Gia Định, cho biết chính sách miễm 100% học phí được áp dụng cho sinh viên đăng ký và hoàn thành lệ phí nhập học trước ngày 19/9. Nhà trường chỉ thu các khoản lệ phí nhập học, bảo hiểm y tế theo quy định là 2.500.000/sinh viên.
Tại Trường ĐH Văn Hiến, để hỗ trơ sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trường thực hiện giảm 50% học phí học kỳ 1, gia hạn đóng học phí học kỳ 1; sinh viên là F0, có cha mẹ là F0 được miễn phí học kỳ 1.
Trong khi đó, ThSLê Văn hiển, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP HCM, cho biết ngoài chính sách miễn giảm học phí và cấp học bổng theo quy định của nhà nước, trường còn có kinh phí từ nhiều nguồn để miễn giảm học phí, cấp học bổng cho sinh viên. Trường đảm bảo không thí sinh nào đam mê ngành luật mà không được học vì rào cản học phí.
Hà Nội đồng loạt tiêm vắc xin Sinopharm
Vắc xin Sinopharm sẽ được tiêm mũi 1 cho người chưa tiêm vắc xin bao giờ và tiêm mũi 2 cho người đã tiêm Sinopharm mũi 1 cách đó 3 tuần.
Sở Y tế Hà Nội có quyết định phân bổ 999.600 liều vắc xin Sinopharm cho các quận, huyện trên địa bàn thành phố, trong đó, Q.Hoàng Mai và Q.Hà Đông được phân bổ số lượng vắc xin Sinopharm nhiều nhất, với hơn 100.000 liều.
UBND TP cũng yêu cầu các quận, huyện lập kế hoạch chi tiết và tổ chức ngay chiến dịch tiêm vắc-xin đến từng phường, xã, thị trấn, theo nguyên tắc “vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”, “vắc-xin về đến đâu phải tiêm hết ngay đến đó”, đảm bảo an toàn, hiệu quả, kịp tiến độ, không được để chậm trễ, có vắc-xin nào tiêm hết ngay loại đó.
Theo chỉ đạo của Chính phủ và đề nghị của TP.Hà Nội, đã có 11 tỉnh, thành phố khác hỗ trợ nhân lực tiêm vắc xin và xét nghiệm diện rộng cho Hà Nội với số lượng 3.355 người. Ngoài Bắc Giang, Hưng Yên cũng đã cử 500 người, Phú Thọ 500 người, Vĩnh Phú, Bắc Ninh, TP.Hải Phòng, Quảng Ninh cùng hỗ trợ 200 người, Hà Nam hỗ trợ 100 người và tỉnh Hoà Bình hỗ trợ 39 bác sĩ, 161 điều dưỡng.
Nhiều hộ dân ở Kon Tum phải sơ tán vì sạt lở do bão số 5
Các hộ dân nằm trong vùng sạt lở tại huyện Đắk Hà được sơ tán.
Từ chiều tối 11 đến sáng nay 12/9, lũ lớn trên các con sông lớn tại Kon Tum, sau đợt mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt cục bộ. Nhiều tuyến đường ở các huyện miền núi tỉnh Kon Tum bị sạt lở, chia cắt các vùng dân cư.
Tại huyện Đăk Hà, dòng nước xoáy ở suối Đăk Tía khiến mái bảo vệ taluy âm của đường bị sụt lún, ảnh hưởng đến mố cầu của đường liên thôn Kon Kơ Rốk đi thôn Kon Hơ Drế (xã Ngọk Réo).
Thủy điện Đức Nhân xả lũ làm nước đầu nguồn về nhiều gây ngập cầu Đăk Wek (xã Đăk Pxi) và có nguy cơ ngập nhà ở của các hộ dân. Hiện chính quyền xã Đăk Pxi đã sơ tán 15 hộ dân thuộc thôn Đăk Rơ Wang.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền cấp cơ sở chủ động phòng, chống, ứng phó với hoàn lưu của bão số 5.
Chính phủ Slovakia tặng Việt Nam 100.000 liều vắc xin Astrazeneca
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã tiếp nhận hỗ trợ vắc xin, vật tư y tế phòng, chống dịch.
Ngày 11/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã dự lễ trao tặng vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 của chính phủ, một số doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài dành tặng Việt Nam.
Cụ thể, Chính phủ Slovakia tặng Việt Nam 100.000 liều vắc xin của hãng Astrazeneca; Tập đoàn NG Biotech (Pháp) trao tặng 1 triệu kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 cho Việt Nam, trị giá 5 triệu euro; tập đoàn T&T trao tặng 1 triệu bộ kít xét nghiệm RT PCR Covid-19 với tổng giá trị 6 triệu euro.
Nhiều hàng quán ở TP.HCM vẫn 'án binh bất động' vì lí do gì?
Do khó khăn trong mua nguyên liệu, sợ dịch nên tiệm phở vẫn chưa mở bán. ẢNH: TÚ UYÊN
Từ ngày 8/9, TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh ăn, uống được phép bán mang về. Tuy nhiên, có hàng loạt lý do khiến nhiều người kinh doanh mặt hàng ăn uống dù muốn mở cửa trở lại cũng khó.
Với điều kiện là chủ hộ kinh doanh và người lao động có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong thời hạn 48 giờ trước khi hoạt động trở lại; đồng thời thực hiện xét nghiệm nhanh hai ngày/ lần trong suốt thời gian hoạt động…
Đồng thời phải đảm bảo 5K, hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”; khuyến khích thanh toán bằng ví điện tử, thẻ ngân hàng hoặc chuyển khoản; chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến, không phục vụ trực tiếp, chỉ bán mang đi.
Một số hộ kinh doanh cho rằng đang gặp khó khăn do hiện nay shipper chỉ được đi trong một quận, do vậy không thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Đối với các hộ kinh doanh ăn uống có đăng kí kinh doanh thì chưa được cấp giấy đi đường nên khó có thể đi mua nguyên liệu về nấu bán.
Từ những vấn đề nêu trên cộng với giá nguyên liệu đang tăng cao, hai ngày phải test một lần làm phát sinh chi phí khiến nhiều hàng quán vẫn chưa dám mở bán lại.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.