Bản tin Hòa Nhập ngày 18/9/2021: 'Mì Hảo Hảo ở Việt Nam không chứa chất gây ung thư'
Quyết định nêu rõ, sử dụng 2.652.537 triệu đồng (Hai nghìn sáu trăm năm mươi hai tỷ năm trăm ba mươi bảy triệu đồng) từ nguồn Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam để mua bổ sung 19.998.810 liều vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer và chi thực hiện các hoạt động phục vụ công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo đề nghị của Bộ Y tế tại văn bản số 7731/BYT-KHTC ngày 16 tháng 9 năm 2021.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất Quỹ theo quy định. Bộ Y tế, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí nêu trên thực hiện theo đúng quy định, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch
.Sử dụng 2.652.537 triệu đồng từ nguồn Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam để mua bổ sung gần 20 triệu liều vaccine Pfizer
Hà Nam quân nhân dũng cảm cứu người đuối nước
Khoảng 11h30 ngày 17/9, quân nhân Nguyễn Văn Thứ, nhân viên quản lý bếp ăn Văn phòng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam đã dũng cảm cứu được một người phụ nữ bị đuối nước trên sông Nhuệ (đoạn cầu Châu Sơn, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý).
Theo lời kể của quân nhân Nguyễn Văn Thứ, vào thời điểm trên, anh đang trên đường đi làm về, đến giữa cầu Châu Sơn, thấy một nhóm người dừng xe máy đứng trên cầu đang hoảng hốt kêu cứu. Phát hiện một người bị đuối nước đang lập lờ dưới sông, lập tức anh cởi bỏ giầy, quần áo dài lao mình xuống sông, bơi đến chỗ người bị nạn, kéo vào bờ.
Với kinh nghiệm của một quân nhân từng được huấn luyện cơ bản về các kỹ năng bơi, kinh nghiệm cứu vớt người đuối nước, anh đã túm vào gáy nạn nhân và trong lúc di chuyển luôn cố gắng đẩy người nạn nhân lên cao cho đầu nhô lên khỏi mặt nước, để nạn nhân không bị ngạt thở.
Đang mùa mưa, nước sông dâng cao, chảy xiết khiến việc cứu người khá vất vả. May mắn, khi đang cứu người, một chiếc thuyền đánh cá ngang qua, anh đã bám được vào mạn thuyền và đưa người phụ nữ vào bờ an toàn, bàn giao cho lực lượng công an vừa kịp thời có mặt tại đó.
Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Thứ dũng cảm cứu người đuối nước. Ảnh: TTXVN
Bắt tạm giam cựu Giám đốc Sở xây dựng tỉnh Khánh Hòa
Chiều 17/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Lê Văn Dẽ (cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa) để điều tra về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo điều 229 Bộ luật Hình sự.
Ông Lê Văn Dẽ sinh ngày 1/12/1962, trú tại số 78 đường Hoàng Diệu, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa từ năm 2010. Cuối năm 2020, tỉnh Khánh Hòa đã có Quyết định cho ông Lê Văn Dẽ nghỉ hưu trước tuổi theo chế độ.
Tháng 8/2020, ông Dẽ bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, vì với cương vị là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng (từ năm 2011 đến thời điểm kiểm tra năm 2019), ông đã vi phạm Quyết định 1396/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đến năm 2025; vi phạm Luật Xây dựng 2014; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm. Những khuyết điểm, vi phạm của ông Lê Văn Dẽ là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân.
Liên quan đến vụ án này, trước đó, ngày 8/6/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra Quyết định số 76/CSKT khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” quy định tại khoản 3, Điều 229, Bộ luật Hình sự, xảy ra tại Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung thuộc khu vực núi Chín Khúc, tỉnh Khánh Hòa; khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với các bị can: Lê Đức Vinh (sinh năm 1965; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), Nguyễn Chiến Thắng (sinh năm 1955, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), Lê Mộng Điệp (sinh năm 1955, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa) cũng về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” quy định tại khoản 3, Điều 229, Bộ luật Hình sự.
Cần Thơ người dân được phép tập thể dục, cơ sở ăn uống được mở cửa
Tối 17.9, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, ông Trần Việt trường đã ký văn bản về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới.
Theo đó, Cần Thơ xác định 4 huyện gồm: Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh là “vùng xanh”, và 4 địa phương này sẽ áp dụng Chỉ thị số 15 từ từ 00 giờ ngày 18.9 cho đến khi có thông báo.
Trong khu vực này, người dân phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch. Người dân được phép di chuyển trong phạm vi vùng xanh và giữa các địa phương vùng xanh với nhau. Nhưng tuyệt đối không được tự ý di chuyển ra khỏi địa bàn thành phố hoặc đến địa bàn có nguy cơ rất cao về tình hình dịch bệnh COVID-19 cho đến khi có thông báo mới (trừ các trường hợp cấp cứu về y tế và trường hợp đặc biệt.
Ngoài ra, tiếp tục tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng; hoạt động của chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ tự phát; hoạt động sự kiện, lễ hội… Đặc biệt, các cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm, ăn, uống được phép buôn bán tại chỗ nhưng hạn chế tập trung đông người (mỗi bàn không quá 02 người, khoảng cách mỗi bàn tối thiểu 2m, bố trí không quá 05 bàn), khuyến khích bán hàng mang đi; không được kinh doanh phục vụ tại chỗ đối với bia, rượu và các loại thức uống có cồn khác.
Đối với 5 quận còn lại gồm: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn và Thốt Nốt sẽ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16, bắt đầu từ 00 giờ ngày 18.9 đến 00 giờ ngày 25.9.
Trong các địa phương này, người dân được ra khỏi nhà (từ 05 giờ đến 07 giờ sáng và từ 17 giờ chiều đến 19 giờ tối) để hoạt động thể dục, thể thao, nhưng phải trong phạm vi khu vực thuộc địa bàn phường đã 14 ngày liên tục không có ca COVID-19 trong cộng đồng.
Cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm, ăn, uống chỉ được bán hàng mang đi, bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không tập trung đông người và tuân thủ nguyên tắc 5K. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đang được phép hoạt động tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ cho người lao động ít nhất 03 ngày/lần.
Cần Thơ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tại cho người dân
Tạm giữ người bố nghi bạo hành vụ bé gái tử vong bất thường
Chiều nay 17-9, Công an quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội) đang tạm giữ ông L.T.C. (SN 1978, ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) để điều tra vụ bé gái L.H.A. (6 tuổi) tử vong vào chiều tối ngày 16-7. Ông L.T.C. là bố nạn nhân.
Theo báo cáo từ UBND quận Bắc Từ Liêm, trong giờ học online tối ngày 16-9, thấy cháu L.H.A. (SN 2015, lớp 1 Trường Tiểu học Xuân Đỉnh) không vào học, cô giáo đã liên hệ cho gia đình thì được biết cháu đã tử vong.
Cũng theo báo cáo, trước đó, khoảng 11 giờ ngày 16-9, ông L.T.C. có đánh con. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, mẹ cháu A. là bà H.Đ. (SN 1989) cho cháu ăn 1 bát cháo và uống 1 viên Paradol. Sau đó, cháu A bị nôn nhiều nên gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cấp cứu.
"Bệnh viện xác định, cháu đã tử vong trước khi đưa vào cấp cứu, trên người có dấu hiệu bị đánh nên đã báo cơ quan công an" - báo cáo của UBND quận Bắc Từ Liêm nêu rõ.
Ngồi nhà đã đước cơ quan niêm phong
Mì ăn liền Hảo Hảo tại Việt Nam không chứa chất gây ung thư
Bộ Công thương đã rà soát lại các kết quả kiểm tra, hậu kiểm đã tiến hành từ giai đoạn 2019 đến nay đối với các sản phẩm tương tự của Acecook Việt Nam.
Thực hiện yêu cầu của Bộ Công thương, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam đã khẩn trương, tích cực điều tra nguyên nhân phát sinh trong sản phẩm và đã có 2 báo cáo gửi Bộ Công thương vào ngày 28.8 và ngày 10.9.2021. Theo đó, công ty đã tiến hành rà soát toàn bộ quá trình sản xuất, kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào và lấy mẫu một số sản phẩm để tiến hành phân tích đối với chỉ tiêu EO tại đơn vị kiểm nghiệm là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, một tập đoàn khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thử nghiệm thực phẩm, có mạng lưới hơn 1.000 công ty độc lập tại hơn 50 quốc gia và vận hành hơn 900 phòng thí nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm của đơn vị kiểm nghiệm cho thấy, sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo tôm chua cay tại thị trường nội địa đều không có thành phần Ethylene Oxide.
Cũng theo đại diện của Bộ Công thương, song song với việc doanh nghiệp tự báo cáo thì Bộ cũng yêu cầu Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra quy trình sản xuất và việc tuân thủ các quy định về thực phẩm của Acecook Việt Nam. Kết quả kiểm tra từ Ban quản lý An toàn thực phẩm cũng cho thấy doanh nghiệp này đang tuân thủ đúng các quy định của Pháp luật Việt Nam.
Từ những kết quả trên có thể cho thấy, các sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo tôm chua cay đang lưu hành tại thị trường Việt Nam vẫn có chất lượng đảm bảo và hoàn toàn tuân thủ đúng quy định pháp luật Việt Nam.
Công Vinh - Thủy Tiên tiếp nhận 18.000 trang sao kê
Chiều 17-9, vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh có mặt tại chi nhánh Vietcombank ở quận 7, TP.HCM để tiếp nhận sao kê tài khoản từ thiện miền Trung. Thủy Tiên mời luật sư Phan Vũ Tuấn (Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam) và một số phóng viên chứng kiến sự việc.
Trao đổi với báo chí Thủy Tiên cho biết trong những ngày qua, cô đã làm việc với ngân hàng để in ấn sao kê. Vì số trang quá nhiều, lên đến 18.107 trang chia làm 8 thùng, ngân hàng mất nhiều ngày để hoàn tất công việc. Do đó đến tận ngày 17-9, Thủy Tiên và Công Vinh mới có thể ra ngân hàng tiếp nhận sao kê.
Các bản sao kê đề tên chủ tài khoản Trần Thị Thủy Tiên 0181003469746, theo 3 giai đoạn: từ ngày 8-10-2020 đến ngày 12-10-2020 (trước khi kêu gọi từ thiện); từ ngày 13-10-2020 đến ngày 23-1-2021 (giai đoạn kêu gọi từ thiện); và từ ngày 24-1-2021 đến ngày 24-2-2021 (3 tháng sau khi kêu gọi). Năm 2020, Thủy Tiên bắt đầu kêu gọi từ thiện từ ngày 13-10.
"Số tiền ghi nợ là tất cả số tiền vợ chồng tôi rút ra chi cho miền Trung, là 177 tỉ 792 triệu đồng. Còn số tiền ghi có tức là số tiền tất cả "mạnh thường quân" cả nước gửi vào đến ngày 23-1 là 177 tỉ 520 triệu đồng.
Chuyến từ thiện của vợ chồng tôi đi miền Trung, tổng chi theo giấy xác nhận của chính quyền địa phương là 178 tỉ 542.000 đồng. Nhiều người nói sau khi đi từ thiện, tài khoản của Tiên vẫn mở và có rất nhiều tiền vào thì chúng tôi đã in sao kê sau đó 3 tháng và chỉ có hơn 4,4 triệu" - Công Vinh chỉ vào sao kê và nói.
Thủy Tiên khẳng định cô chỉ dùng số tài khoản này để nhận quyên góp từ thiện miền Trung. Công Vinh cho biết số tiền hơn 4,4 triệu còn trong tài khoản sẽ sử dụng cho các chuyến từ thiện tiếp theo.
Thủy Tiên nhận 18.000 trang sao kê số tiền từ thiện tại ngân hàng ở TP.HCM. ẢNH: FBNV
Hà Nội đã có 2.612 bệnh nhân được điều trị khỏi COVID-19
Cụ thể, theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, thực hiện kế hoạch 206/KH-UBND ngày 08/9/2021, đến 16h00 ngày 17/9 các đơn vị đã lấy 4.255.316 mẫu (2.965.789 mẫu PCR, 1.289.527 test nhanh), phát hiện 21 ca mắc (Thường Tín 03, Hoàng Mai 06, Thanh Trì 04, Đống Đa 02, Thanh Xuân 03, Hai Bà Trưng 02, Ứng Hòa 01), các đơn vị vẫn đang tiếp tục khẩn trương thực hiện lấy mẫu và làm xét nghiệm.
Bên cạnh đó, đến nay toàn Thành phố đã có 2.612 bệnh nhân đã được điều trị khỏi, hiện còn 1.108 ca bệnh đang điều trị tại cơ sở y tế.
Về cơ sở cách ly dân sự, Thành phố có 42 cơ sở cách ly công dân với 16.039 chỗ, hiện đang cách ly 3.316 công dân, còn trống 12.723 chỗ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.