Bản tin Hoà Nhập ngày 28/10/2020: TP.HCM đã triển khai tiêm vắc xin đại trà cho trẻ em
TP HCM triển khai tiêm vắc xin đại trà cho trẻ
Ngày 27/10, TP.HCM đã tổ chức tiêm vắc xin cho khoảng 1.800 học sinh nhóm tuổi 16 - 17 tại huyện Củ Chi và quận 1. Trong đó, 1.500 học sinh Củ Chi tiêm buổi sáng và 300 học sinh quận 1 tiêm buổi chiều.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chia sẻ đối tượng tiêm thí điểm lần này tại thành phố rất đặc biệt, đó là các em học sinh. Do đó, trước, trong và sau khi tiêm vắc xin việc chuẩn bị mọi thứ phải hết sức cẩn thận, cung cấp đầy đủ thông tin đến phụ huynh, học sinh về việc cần chuẩn bị gì về mặt tâm lý, sức khỏe, thời gian...
Muốn các cháu đi học trở lại thì phải đảm bảo an toàn, một trong những điều kiện đảm bảo an toàn là các cháu được phủ vắc xin. Ba tuần sau chúng ta sẽ bắt đầu tiêm mũi 2 cho các cháu và sau hai tuần tiêm các cháu sẽ được bảo vệ. Đó chính là một trong những điều kiện cần để tổ chức đi học lại - ông Đức nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo TP, từ ngày 28/10 các quận huyện và TP Thủ Đức; trong trường học hay ngoài trường học đều sẽ tổ chức tiêm vắc xin đại trà cho trẻ, ưu tiên từ 16 - 17 tuổi.
Ngày 28-10, tất cả quận, huyện sẽ đồng loạt triển khai các điểm tiêm cho trẻ. Tuy nhiên chỉ đơn vị nào chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của ngành y tế mới được triển khai tiêm chủng cho các em, còn ngược lại sẽ không được tổ chức tiêm cho đến khi đảm bảo an toàn thực sự - ông Hưng khẳng định.
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TP.HCM tiêm vắc xin COVID-19 chiều 27-10
Bắc Giang, xét nghiệm và cách ly với những người đến từ các tỉnh có dịch
Ngày 27.10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn đã ký ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời bổ sung biện pháp xét nghiệm, cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người đến/về từ TP Hà Nội và các địa phương có dịch trong cộng đồng, ngay sau khi tỉnh Bắc Giang xuất hiện nhiều ca dương tính tại xã Thượng Lan (Việt Yên) có nguồn lây là một F0 đến từ TP Hà Nội.
Đối với người cư trú tại TP Hà Nội và các tỉnh có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng khi về/đến tỉnh Bắc Giang tham dự những sự kiện đông người như: Hội họp, hội thảo, tiệc cưới, đám tang, họp mặt, tham gia các lớp học tập trung, tiếp thị, giao hàng; vào làm việc trong các khu, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, trường học… phải có kết quả test nhanh COVID-19 âm tính trong 48 giờ hoặc kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính trong 72 giờ.
Tất cả những người cư trú tại TP Hà Nội và các tỉnh có dịch trong cộng đồng nếu về lưu trú trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đều phải xét nghiệm RT-PCR và thực hiện cách ly, theo dõi y tế theo quy định của địa phương.
Chốt kiểm soát chống dịch trên địa bàn huyện Việt Yên (Bắc Giang) tháng 5.2021. Ảnh: Trần Tuấn.
Chính phủ ban hành nghị định về việc quyên góp, kêu gọi từ thiện
Ngày 27-10, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định có hiệu lực từ ngày 11-12.
Nghị định quy định cụ thể về cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước.
Về vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện, Nghị định nêu rõ, khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú.
Theo Nghị định, cá nhân vận động có trách nhiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện còn dư hoặc chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp. Việc tiếp tục phân phối, sử dụng để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Nghị định cũng quy định cụ thể về quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện. Cụ thể, chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.
Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày.
Đàm Vĩnh Hưng trao nhà tình thương.Ảnh FBVN
Quảng bình, giải cứu rùa biển quý hiếm
Sáng 27-10, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Roòn - Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình, cho biết trong đêm, đơn vị này đã giải cứu thành công một cá thể rùa biển quý hiếm mắc vào lưới ngư dân, thả về biển Đông.
Trước đó, tối 26-10, ông Lê Nam (trú xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch) trong lúc thả lưới đánh bắt ở vùng biển xã Quảng Đông thì bất ngờ phát hiện 1 con rùa biển "khủng" mắc lưới.
Ông Nam liền báo với Bộ đội Biên phòng Roòn, khi đơn vị này đang tuần tra trên biển. Các cán bộ, chiến sĩ của đồn đã nhanh chóng tới hiện trường tiến hành gỡ lưới và tiến hành các công đoạn giải cứu rùa biển trong đêm.
Lực lượng biên phòng đã gỡ lưới và đưa rùa biển trở về với biển Đông. Theo ước tính, con rùa biển nêu trên nặng hơn 120 kg. Đây là loại vích (tên khoa học là Chelonia Mydas) thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Các lực lượng chức năng tiến hành giải cứu con vích sa vào lưới ngư dân, trả về môi trường biển
Quân nhân 19 tuổi bị đánh hội đồng tử vong
Lãnh đạo Công an huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) cho biết cơ quan này vừa bàn giao Bùi Văn Triệu (18 tuổi, ở huyện Chương Mỹ) cùng 7 người khác cho Cơ quan điều tra Quân đoàn 1 (Bộ Quốc phòng) để điều tra nguyên nhân tử vong của một quân nhân trên địa bàn.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 0 giờ ngày 24-10, anh T.L. (SN 2002, trú tại xã Đông Yên, huyện Chương Mỹ) là con của ông T.Đ., điều khiển xe máy chở chị N.A. (SN 2004, ở cùng xã). Khi hai người đi đến tổ dân phố Đồng Vai, thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ) thì bất ngờ bị một xe ôtô màu trắng không rõ biển kiểm soát ép xe vào lề đường.
Ngay sau đó, gần 10 đối tượng lao từ ôtô xuống, dùng hung khí tấn công anh L. khiến nạn nhân bị thương tích nặng. Nạn nhân được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Đức (TP Hà Nội) nhưng không qua khỏi. Sau đó, người nhà anh L. đã trình báo sự việc lên cơ quan chức năng.
Hiện trường vụ án
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.