“Một thời Quảng Trị”: Hồi ức của người lính, dấu ấn một thời trận mạc
Năm 1965, chàng trai 18 tuổi Nguyễn Huy Hiệu, người con của vùng đất lấn biển Hải Hậu, Nam Định, lên đường nhập ngũ với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ.Ông đã chiến đấu ở nhiều đơn vị, nhưng chính những năm tháng trong Trung đoàn 27 – đơn vị còn được gọi là Trung đoàn Đỏ, sau này mang tên Trung đoàn Triệu Hải – đã rèn giũa ông thành một người chỉ huy dạn dày, bản lĩnh.
Chiến trường Quảng Trị là nơi ông trải qua những trận đánh ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông đã tham gia nhiều trận đánh quan trọng như trận tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Cam Lộ (1970) và phá hủy đoàn xe cơ giới trên đường 9 trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971).Đặc biệt, ông không thể quên 52 ngày đêm vây ép cứ điểm Cồn Tiên, phá tan tuyến phòng thủ kiên cố của Mỹ.
Năm 1972, trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị, với cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, ông đã chỉ huy trận đánh mở màn, tiêu diệt hai tiểu đoàn địch và bắt sống Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 2 quân đội Sài Gòn. Ông cùng Trung đoàn 27 đã góp phần giải phóng hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, từ đó Trung đoàn vinh dự mang tên “Triệu Hải” và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.Bản thân ông cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng khi mới 26 tuổi.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng Đoàn đi thăm các địa chỉ đỏ
Sau ngày Quảng Trị được giải phóng, khi địch phản công hòng tái chiếm, Trung đoàn Triệu Hải của ông lại bước vào những trận đánh ác liệt để bảo vệ cánh đông Thành Cổ, góp phần quan trọng buộc đối phương phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris năm 1973.
Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với cương vị Trung đoàn trưởng, ông đã chỉ huy Trung đoàn Triệu Hải xuyên thủng tuyến phòng ngự phía Bắc Sài Gòn, đánh chiếm nhiều mục tiêu chiến lược, góp phần vào thắng lợi cuối cùng.
Sau chiến tranh, ông tiếp tục con đường học vấn, được đào tạo tại Học viện Quân sự cao cấp ở Liên Xô (cũ). Trở về nước, ông kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390, Tư lệnh Quân đoàn I.[1] Năm 40 tuổi, ông được phong hàm Thiếu tướng, trở thành một trong những vị tướng trẻ nhất thời kỳ hậu chiến.
Từ năm 1994, ông giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng và sau đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng thời là Ủy viên Trung ương Đảng qua ba nhiệm kỳ. Trên cương vị lãnh đạo cao cấp, ông đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng chiến lược quốc phòng và thúc đẩy đối ngoại quốc phòng.
Với tâm huyết nghiên cứu khoa học quân sự, ông là người Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên bang Nga trao tặng danh hiệu Viện sĩ, một sự ghi nhận danh giá cho những đóng góp của ông trong nghệ thuật chiến tranh và hợp tác quốc phòng quốc tế.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu thắp hương tại Thành cổ Quảng Trị
Quảng Trị, với 72 nghĩa trang liệt sĩ, là nơi gắn bó sâu sắc với cuộc đời binh nghiệp của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. Dòng Thạch Hãn, Thành Cổ không chỉ là địa danh mà còn là những "nghĩa trang không mộ chí" của biết bao đồng đội ông.
Chính từ những trải nghiệm đau thương mà hào hùng đó, ông luôn đau đáu với công tác tri ân. Cuốn sách “Một thời Quảng Trị”, ông chấp bút cùng Đại tá, nhà văn Lê Hải Triều, là một khúc tráng ca, là tiếng nói thay cho hàng vạn chiến sĩ đã nằm lại mảnh đất này. Tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về cuộc chiến chính nghĩa và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Không chỉ để lại dấu ấn qua những trang viết, ông còn là người truyền cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ và là nguyên mẫu của nhiều tác phẩm nghệ thuật như vở kịch "Đại đội trưởng của tôi" hay các ca khúc "Tiếng đàn Ta Lư", "Con suối La La".
Gần tuổi 80, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn miệt mài với những chuyến đi về nguồn, đặc biệt là nỗ lực quảng bá cho các chương trình du lịch "Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội", nhằm lưu giữ ký ức chiến tranh như một thông điệp hòa bình cho các thế hệ mai sau. Hành trình của ông, từ người lính trẻ đến vị tướng thời bình, từ chiến sĩ trận mạc đến nhà khoa học, nhà văn, là một tượng đài sống, nơi ký ức và hiện tại, máu lửa và bình yên cùng hòa quyện, soi sáng con đường cho thế hệ tương lai.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.