Bao giờ CCB Nguyễn Trọng Tân được hưởng chế độ thương binh..?
Hồ sơ của ông Nguyễn Trọng Tân gửi tới Tòa soạn
Theo đơn, ông Tân thuật lại quá trình từ ngày nhập ngũ, tham gia huấn luyện, chiến đấu ở chiến trường, bị thương, đi nằm điều trị, về phục viên tại quê hương… Rồi đến hành trình đi làm chế độ thương bình. Song đến nay ông Tân vẫn không thể thụ hưởng được chế độ thương binh như Pháp lệnh Ưu đãi người có công mà Nhà nước quy định.
Trong đơn ông Tân viết:
“Các vết thương: Vùng đầu, trán trái, rách tai phải, gãy sườn phải, gãy tay phải.
Điều trị tại Bệnh viện Lộc Ninh từ ngày 13/4/1975 đến ngày 10/5/1975.
Các giấy tờ còn lưu trữ được: 01 Giấy chứng nhận bị thương gốc (do Quân đoàn 1 cấp); 01 Giấy quyết định phục viên (do Trung đoàn 206 QK4 cấp).
Sau khi tôi xuất ngũ về địa phương, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, sức khỏ bị hạn chế. Theo chủ trương, đã nhiều lần có đơn làm hồ sơ đề nghị giám định thương tật thương binh, nhưng không được giám định thương tật thương binh cho mình. Vì lý do Giấy chứng nhận bị thương do đơn vị quân đội cấp phần chính ghi rất đầy đủ và đúng ở các mục: Họ tên, quê quán, đơn vị khi bị thương, các vết thương, nơi điều trị, từ ngày vào viện, ra viện, cấp bậc chức vụ khi bị thương, nơi bị thương. Còn phần phụ do người cán bộ ghi vào mẫu giấy in sẵn nên có một số mục ghi chủ quan, sơ sài, chưa chính xác, đó là: Giấy không có số, Trung đoàn ghi trước Quân đoàn, Thủ trưởng ký không ghi chức vụ, cấp bậc, chức vụ chiến sỹ thì ghi lộn… Vì tính chủ quan thiếu cẩn thận của cán bộ ghi vào Giấy chứng nhận bị thương của tôi hồi đó. Ai cũng nghĩ là lỗi nhỏ không quan trọng. Vì phần chính đúng và đủ là được rồi. Không ngờ các lỗi nhỏ đó đã gây ra cho tôi quá nhiều thiệt hại, lần nào gửi hồ sơ đi cũng bị dừng lại là tại Giấy CNBT.
Đến năm 2017, tôi lại có đơn đề nghị giám định thương tật theo Thông tư 28/2013/TTLT Bộ Lao động TBXH-Bộ Quốc phòng. Trong hồ sơ của tôi có 2 giấy tờ gốc là: Quyết định phục viên và Giấy chứng nhận bị thương.
Theo yêu cầu của Trưởng ban chính sách xét duyệt hồ sơ của tỉnh Nghệ An (ông Nguyễn Trọng Ngân), Lữ đoàn 206 Tăng thiết giáp QK4 đã có Giấy xác nhận thời gian tham gia công tác trong đơn vị quân đội của tôi và 1 Công văn số 460/LĐ-PTM ngày 05/6/2019 do Đại tá Lữ đoàn trưởng Lê Tiến Dũng ký. Lữ đoàn yêu cầu Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn cho ông Nguyễn Trọng Tân về trình tự, thủ tục giải quyết chế độ chính sách đúng quy định của pháp luật.
Văn bản số 1025/LĐ-PTM ngày 29/9/2020 của Lữ đoàn 206, về việc trả lời đơn đề nghị của ông Nguyễn Trọng Tân do Lữ đoàn trưởng đại tá Lê Lưu Thanh ký cũng yêu cầu ông Tân báo cáo lên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của địa phương để được hướng dẫn trình tự thủ tục giải quyết chế độ chính sách (Các tài liệu chứng cứ trên có bản photo kèm theo).
Như vậy, tại Giấy chứng nhận bị thương do Quân đoàn 1 cấp có một số thiếu sót ở phần phụ nhưng cũng được Lữ đoàn 206 tăng thiết giáp QK4 xác nhận là giấy gốc do đơn vị Quân đoàn 1 cấp.
Từ những nội dung trình bày trên đây cho thấy rõ Giấy chứng nhận bị thương của tôi là do đơn vị Quân đoàn 1 cấp là sự thực. Các thông tin trong các giấy tờ liên quan đều thống nhất. Và thực tế trên thân thể tôi đang còn mang những vết thương như trong giấy chứng nhận bị thương.”.
Văn bản số 1025/LĐ-PTM 29/9/2020 của Lữ đoàn 206, Quân khu 4
Sau khi nghiên cứu đơn, hồ sơ, ngày 03/6/2021, Tạp chí điện tử Hòa nhập đã có Công văn số 32/2021/CV-ĐTHN chuyển đơn (kèm theo hồ sơ) của ông Nguyễn Trọng Tân tới Ban Chỉ huy Quân sự huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Tạp chí điện tử Hòa nhập thông báo để ông Nguyễn Trọng Tân được biết.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.